Chuyện về người trưởng thôn trẻ tuổi

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/6/2011 | 2:52:09 PM

YBĐT - Là một trong 6 xã mới sáp nhập về thành phố, song cuộc sống của người dân xã Phúc Lộc vẫn gặp không ít khó khăn do sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm nghề miến quy mô nhỏ lẻ thu nhập thấp lại không ổn định.

Với suy nghĩ tại sao không tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương để làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, đã có không ít thanh niên của Phúc Lộc thực hiện các mô hình kinh tế cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu trong số đó có anh Nguyễn Mạnh Thường - người được bà con trong xã yêu mến gọi là anh trưởng thôn trẻ tuổi.

Sinh năm 1987, sau khi tốt nghiệp lớp 12, Nguyễn Mạnh Thường theo học nghề điện dân dụng tại Trường Trung cấp Nghề Yên Bái. Ra trường, Thường được nhận vào làm việc tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Quê hương mình tiềm năng dồi dào nhưng sao cuộc sống của người dân vẫn gặp khó khăn, vất vả? Câu hỏi đó luôn làm anh trăn trở. Với suy nghĩ và quyết tâm khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương để làm giàu trên chính mảnh đất Phúc Lộc, Nguyễn Mạnh Thường đã xin nghỉ việc tại Công ty và nhờ bố mẹ vay ngân hàng 400 triệu đồng tiền vốn  kết hợp với người chú mở xưởng chế biến ván gỗ ép.

Tháng 4/2010 xưởng sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ ván ép của Thường đi vào hoạt động. Thời gian đầu việc sản xuất kinh doanh gặp không ít trở ngại do vốn lưu động ít lại đầu tư hết vào máy móc không đủ vốn quay vòng nguyên liệu nên đã có những ngày anh cùng lao động phải ngồi chơi vì không có việc. Với quyết tâm vượt khó, Nguyễn Mạnh Thường đã đi tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm tại huyện Đông Anh - Hà Nội cũng như các mối hàng tại Trung Quốc.

Rút kinh nghiệm, Thường  đã  tổ chức sản xuất theo hướng tích luỹ từ từ, lấy ngắn nuôi dài, thực hiện chấm công cho lao động một cách khoa học. Ngoài việc cung cấp sản phẩm ván ép đạt tiêu chuẩn, anh tận dụng các chế phẩm thừa bán lại cho người dân làm củi đun và làm vàng mã... Nhờ vậy việc sản xuất dần đi vào ổn định, đảm bảo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với thu nhập từ 1,3 - 1,7 triệu đồng/ người/ tháng.

Năm 2010 sau khi trừ chi phí, xưởng sản xuất gỗ ván ép của Nguyễn Mạnh Thường thu gần 100 triệu đồng tiền lãi.  Anh Thường tâm sự: “Ban đầu cũng chỉ nghĩ cuộc sống khó khăn, mình là thanh niên phải giúp cho gia đình bớt vất vả nên mở xưởng sản xuất chế biến. Thời gian đầu cũng gặp khó khăn song nhờ sự giúp đỡ của mọi người nên việc sản xuất kinh doanh của xưởng cũng dần ổn định. Đầu năm 2011 vừa rồi mình cũng đầu tư 50 triệu đồng để trang bị thêm máy cắt nên việc sản xuất cũng đỡ vất vả hơn. Mong rằng thanh niên nông thôn được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để có thể phát triển kinh tế và mở rộng sản xuất”.

Không những năng động trong sản xuất, Nguyễn Mạnh Thường còn là một Bí thư Đoàn năng nổ của thôn 3. Bận rộn suốt ngày với việc sản xuất kinh doanh song Nguyễn Mạnh Thường vẫn tích cực vận động đoàn viên trong thôn thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: làm đường giao thông nông thôn, giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách.

Nhờ không ngừng nỗ lực trong lao động, sản xuất và hoạt động công tác đoàn, tháng 10/2010, Nguyễn Mạnh Thường được bà con thôn 3 xã Phúc Lộc tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Tuổi trẻ lại chưa từng làm công tác chính quyền tại địa phương, đã có lúc Nguyễn Mạnh Thường cảm thấy trọng trách quá nặng nề đối với mình nhưng rồi với suy nghĩ việc gì chưa biết thì học hỏi người đi trước và tìm hiểu qua bà con trong thôn. Bởi vậy, anh đã vượt qua được những khó khăn trở thành một trưởng thôn trẻ tuổi nhất xã nhưng luôn được bà con trong thôn yêu quý tin tưởng.

Ông Hoàng Cao Tuy, người dân thôn 3 xã Phúc Lộc cho biết: “Anh Thường là một bí thư Đoàn năng động, tuy mới giữ chức trưởng thôn chưa lâu song anh Thường luôn lắng nghe ý kiến nhân dân cũng như hết lòng hết sức với công việc. Anh là tấm gương để thanh niên trong thôn, trong xã noi theo”. Vừa là một thủ lĩnh thanh niên năng động, biết làm giàu nhờ phát triển kinh tế đúng hướng, vừa là một trưởng thôn gương mẫu nên nhiều thanh  niên trên địa bàn xã Phúc Lộc đã học tập theo Nguyễn Mạnh Thường phát triển mô hình sản xuất kinh tế cho hiệu quả cao.

Anh Phùng Thế Mạnh - Bí thư Đoàn xã Phúc Lộc chia sẻ: “Chúng tôi cũng tích cực vận động đoàn viên thanh niên của xã học tập, tham gia các hoạt động xã hội cũng như xây dựng các mô hình kinh tế tại địa phương như anh Nguyễn Mạnh Thường để nhân rộng phong trào đồng hành cùng thanh niên trên đường lập thân lập nghiệp tại địa phương”.

Dám nghĩ, dám làm chính là bí quyết giúp Nguyễn Mạnh Thường thành công. Đây cũng chính là điển hình về thanh niên làm kinh tế giỏi của trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn của tuổi trẻ thành phố hiện nay. Những thành tích đó đã giúp cho Nguyễn Mạnh Thường được bình chọn là một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu của thành phố Yên Bái giai đoạn 2006 - 2011.

Bích Liên

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Buổi ra mắt mô hình du lịch của chị Lý Thị Thiêm - Bí thư Đoàn xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khi nói về cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước…”. Thực hiện lời dạy của Người, nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, để đồng bào học và làm theo.

Cựu chiến binh Phùng Tiến Nhung (ngồi giữa) xúc động kể lại câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời mưa bom, bão đạn vẫn là những kỷ niệm in đậm trong cựu chiến binh (CCB) Phùng Tiến Nhung ở tổ 3, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục