Người hàn gắn những mảnh vỡ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/12/2011 | 8:57:31 AM

YBĐT -

Chị Đào đang tư vấn và cấp thuốc cho một trường hợp có nguy cơ bị bạo lực gia đình.
Chị Đào đang tư vấn và cấp thuốc cho một trường hợp có nguy cơ bị bạo lực gia đình.

Hình ảnh một phụ nữ có dáng người nhỏ bé, khuôn mặt đôn hậu, ngày ngày rong ruổi cùng chiếc xe đạp điện đi vào từng ngõ xóm để tìm hiểu xem có nạn nhân bị bạo lực gia đình nào đang cần giúp đỡ không, có cặp vợ chồng nào đang “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” để kịp thời động viên, chia sẻ và tư vấn từ lâu đã  không còn mấy xa lạ với người dân phường Yên Thịnh và xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái). Chị là Nguyễn Thị Đào - cán bộ tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình thuộc Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (Sudecom).

Trò chuyện với chị, chúng tôi được biết trước đây chị vốn là y sỹ của Trạm Y tế phường Yên Thịnh nay đã nghỉ hưu. Chị đến với công việc này, một phần vì cái duyên nghề nghiệp, một phần do chị cảm thấy công việc mình đảm nhận làm thêm thật sự có ý nghĩa.

Chị Đào chia sẻ: “Khi được Trung tâm Sudecom mời đến làm việc, biết được tính chất công việc mình sẽ làm, tôi đã thực lòng muốn làm công việc này. Tôi biết đang có rất nhiều người, nhất là phụ nữ bị bạo lực gia đình đang cần được giúp đỡ cả về sức khoẻ và tinh thần, bình thường thì tôi không có tư cách gì để đến giúp họ nhưng với chức danh là cán bộ tư vấn thì lại thuận lợi hơn rất nhiều”.

Trên cơ sở kết quả khảo sát của Trung tâm Sudecom về thực trạng bạo lực gia đình tại địa bàn 2 xã, phường (Tân Thịnh và Yên Thịnh) cùng với việc bản thân tự tìm hiểu, ngày nào cũng vậy, sau khi hoàn tất các công việc, chị Đào lại bố trí thời gian xuống các khu dân cư, tìm đến từng nhà nghe nói có mâu thuẫn, xảy ra bạo lực gia đình, gặp riêng từng đối tượng để có cách tư vấn cho phù hợp. Nhiều người khi mới nghe qua về công việc của chị đều cho rằng công việc của chị thật đơn giản nhưng nếu ngồi nghe chị tâm sự thì mới thấy hết được cái khó, cái khổ của công việc này.

Chị Đào nói: “Đã có không ít lần khi tới gặp đối tượng cần tư vấn (người gây ra bạo lực gia đình), họ không những không tiếp mà còn thả chó ra đuổi, rồi mắng mỏ và nói những lời lẽ không mấy hay ho”. Song, vốn là người rộng lượng và nhiệt tình với công việc nên chị lại bỏ ngoài tai tất cả, kiên trì, nhẫn nại tiếp tục đến với thái độ chân thành, thiện cảm và chính điều đó đã giúp chị tiếp cận được với các đối tượng và làm việc đạt hiệu quả cao hơn.

Xác định được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bạo lực trong các gia đình chủ yếu là do khó khăn về kinh tế, thiếu hụt kiến thức pháp luật, tác động của các tệ nạn xã hội… nên trong những lần đi tư vấn, bên cạnh việc chia sẻ, động viên, khuyên ngăn, giảng giải cho các đối tượng; cấp phát thuốc và kiểm tra sức khoẻ cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình, chị Đào đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến tới các đối tượng nội dung: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân & Gia đình; hướng dẫn các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp trong gia đình, kỹ năng tự bảo vệ mình và các kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc...

Từ những nỗ lực của chị Đào, đến nay đã có hàng trăm các cặp vợ chồng trên địa bàn 2 xã, phường Tân Thịnh và Yên Thịnh trước đây thường xuyên có bạo lực gia đình và  nguy cơ tan vỡ hạnh phúc đều đã chung chống hoà thuận, không còn xảy ra cảnh “xô bát, đổ mâm” như trước.

Với những đóng góp tích cực, hiệu quả cho công tác phòng, chống BLGĐ, chị Đào đã thực sự được chính quyền, người dân xã Tân Thịnh và phường Yên Thịnh mến phục, tin yêu và dành tặng chị cái tên trìu mến  “Người hàn gắn những mảnh vỡ hôn nhân”.

 H.O

Các tin khác
Ông Phiệt đang thu hoạch quế.

YBĐT - Quê ở Nam Định nhưng ông Bùi Thế Phiệt ở thôn 11, xã Quy Mông đã theo gia đình lên lập nghiệp và gắn bó với núi đồi Trấn Yên từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước. >>Mở hướng thoát nghèo ở Quy Mông

YBĐT - Khi hỏi về bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, những phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái đều cảm phục và có chung câu trả lời: "Bác sĩ Bình là một thầy thuốc đầy lương tâm và trách nhiệm, luôn gần gũi, ân cần với bệnh nhân. Dù bệnh nhẹ hay nặng bác sĩ Bình đều thăm khám tận tình, chu đáo trước khi phát thuốc cho bệnh nhân".

Ông Âu cùng vợ chăm sóc những luống hoa của gia đình.

YBĐT - Vượt lên thương tật để chiến thắng đói nghèo và trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, đó là ý chí và nghị lực của bệnh binh Nguyễn Hải Âu, thôn Màu, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên.

Trong giờ học của cô trò Trường mầm non Họa Mi, xã Bản Mù (Trạm Tấu).

YBĐT - Sau khi tốt nghiệp ở Trường Trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ, cô giáo Hoàng Thị Thu Huyền đã tình nguyện lên bản vùng cao Tà Xùa thuộc xã Bản Công, huyện Trạm Tấu dạy học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục