Người của núi

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 4:40:47 PM

YBĐT - Gặp ông, các già làng vẫn nhớ gọi ông với cái tên “Bí Chu” trìu mến.

Đại biểu Giàng A Chu phát biểu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII.
Đại biểu Giàng A Chu phát biểu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII.

Ông Giàng A Chu tiếp chúng tôi trong căn hộ công vụ của Quốc hội ở số 2 Hoàng Cầu - Hà Nội. Vẫn sự hồ hởi, ánh mắt thân thiện, cái bắt tay thật chặt, ở ông toát lên sự mộc mạc, chất phác. Biết tôi ngỏ ý muốn đến thăm gia đình, ông đã gác lại công việc dự định của ngày cuối tuần để chiều lòng người nơi xa về. Căn hộ rộng chừng hơn trăm mét vuông được thiết kế với đủ các phòng cần thiết. Phòng khách được trang bị những đồ nội thất tương đối sang trọng, nhưng gây chú ý hơn cả vẫn là đôi khèn Mông - một chút thể hiện nét đơn sơ mà tinh tế đặc trưng vùng cao quê ông.

Sinh năm Kỷ Hợi nơi vùng núi cao Chế Tạo xa nhất huyện Mù Cang Chải, hơn nửa cuộc đời ông Giàng A Chu gắn bó với quê hương. Đó là quãng thời gian hết sức gian nan nhưng điều đó ít khi được ông trải lòng. Ông nói, thời xưa đó ai mà chẳng vất vả. Ấy vậy mà nhờ quyết tâm kiên trì bám trường, bám lớp, rồi lặn lội hàng chục cây số về trường huyện học tập để có cái chữ, có kiến thức, ông đã trưởng thành như bây giờ. Ông trải qua nhiều cương vị, từ lãnh đạo chủ chốt xã, huyện, đến lãnh đạo cấp ngành của tỉnh.

Cả hai lần được đồng bào, cử tri tín nhiệm bầu vào đại biểu Quốc hội khóa XII và tái cử Quốc hội khóa XIII ông đều có số phiếu cao vót, trên 90%. Đó cũng là bước ngoặt nhưng cũng là trách nhiệm lớn đối với ông. Trách nhiệm còn lớn hơn khi cả hai khóa ông đều giữ trọng trách Phó chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Về với thủ đô náo nhiệt, ông vẫn thể hiện sự tâm huyết với vùng quê miền núi, với đồng bào các dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Nhớ hồi còn làm Chủ tịch UBND huyện khi mới ngoài ba mươi tuổi, sức trẻ giúp ông không ngại xông pha mọi việc, vấn đề khó khăn nhất khi đó là giải quyết cây thuốc phiện. Ông hiểu rõ thế nào là đặc thù vùng cao, sự cổ hủ của đồng bào quê mình nơi vùng đất có tới 99% là người Mông. Ông sẵn sàng cùng cán bộ địa phương trèo đèo lội suối, kiểm tra phát hiện vùng cây thuốc phiện, cùng cấp ủy, chính quyền huyện kiên trì vận động đồng bào không trồng, không hút thuốc phiện và giải quyết cơ bản nạn tái trồng cây thuốc phiện. Sau kết quả đó, tỉnh có ý kiến đề nghị ông nhận Huân chương Lao động nhưng ông gạt đi. Ông là như vậy, chẳng thích nhận công lao về mình. Lên làm Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, ông vẫn hay về bản, đồng bào gặp gỡ lại vui vẻ “chào Bí Chu nhé”…

 Khi truyền đạt chủ trương của Đảng, cách làm ruộng nước với người dân, ông được các già làng hết sức ủng hộ: “Bí Chu nói đúng, đồng bào phải làm theo thôi”. Ông nói: “Đồng bào mình là như vậy, thích đơn giản mà hiệu quả”. Cho đến khi lên tỉnh làm Trưởng ban Định canh định cư, sang ngành nông lâm nghiệp rồi làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, ông đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao có những đổi thay về tư tưởng, nhận thức, hành động. Nhớ dịp Báo Yên Bái ra song ngữ Việt - Mông chưa có cán bộ biên dịch, dù bận việc nhưng ông rất vui và không ngại ngần giúp công đoạn biên dịch các tin, bài quan trọng cho các số báo. Lần mang biếu ông số báo vùng cao song ngữ đầu tiên, ông đọc rồi xuýt xoa: “Đẹp quá! Chắc chắn sẽ giúp ích cho đồng bào mình”.

Việc đưa cây gì vào trồng ở vùng cao luôn là vấn đề được nhiều cấp, nhiều ngành quan tâm. Đối với ông thì điều đó lúc nào cũng là nỗi niềm trăn trở. Ông bày tỏ quan điểm, muốn phát triển cây gì thì cũng phải phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng núi nơi đó, gắn với bảo vệ rừng và được người dân ủng hộ. Chẳng hạn như cây ngô, quế, dược liệu… lựa chọn được cây rồi, vấn đề là phải xây dựng mô hình. Là người từng trải nghiệm, ông hiểu quá rõ điều đó: “Kể cả trồng cây chuối đơn giản thế vẫn phải xây dựng mô hình đồng bào mới tin và làm theo”. Ông biết cái lý của đồng bào: “Cán bộ nói mà không làm là không được rồi”. Chính vì cái lẽ đó, khi ông đã về tỉnh, về Trung ương, nhưng với đồng bào, ông vẫn thể hiện bằng hành động. Trước hết, ông vận động trong họ hàng, gia đình anh em ở quê phải nghe và làm theo.

Rồi có dịp lên vùng cao, tới Chế Tạo, ông lại chuẩn bị giống cây phù hợp đem về bắt anh em trồng. Nói bắt cũng phải bởi chưa ai tin lắm cái giống ông mang về nó có sống được, có xóa được đói nghèo?... Vả lại, họ - anh em ông lúc nào cũng bàn lùi viện cớ  khó lắm, bận lắm chẳng trồng được đâu...

Mỗi lần đi lên vùng cao ông lại kiên trì thuyết phục, lại bỏ tiền mua giống giục anh em trồng. Ban đầu, một, hai người trồng, thấy hiệu quả, vài người nữa trồng theo.

Cây thảo quả một thời không được khuyến khích phát triển, giờ thì nhiều anh em họ hàng, người dân vùng cao giàu lên nhờ thứ cây dược liệu quí này. Ông cho rằng, loại cây này sẽ được đồng bào vùng cao tâm huyết lắm. Bởi những cây đó do chính bàn tay họ trồng, họ chăm sóc nên sẽ gắn bó lâu đời. Hơn nữa, muốn để cây thảo quả sống được thì người dân phải tận dụng dưới tán rừng mới giữ được sự sống cho cây, đó cũng đồng nghĩa với việc người dân phải giữ rừng. Ông cũng đề xuất ý kiến với chính quyền, ngành chức năng nên qui định hướng dẫn người dân những loại rừng nào thì được phép trồng cây dược liệu, diện tích nào không được trồng như rừng đầu nguồn phòng hộ, khu bảo tồn vùng lõi, còn vùng ngoài phụ cận cũng nên để người dân trồng xen các loại cây kinh tế này.

Quả thật, tới một số xã như La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, rồi Chế Tạo, Cao Phạ… mới thấy người trồng thảo quả có thu nhập rất cao, từ 70 đến 80 triệu đồng mỗi năm. Thậm chí, năm vừa rồi gia đình người em của ông đã thu tới 100 triệu đồng từ loại cây này. Chẳng thế mà dịp ông tổ chức cho đứa con gái lấy chồng, mấy người anh em chung nhau mua cả nhẫn vàng kỉ niệm cháu, có lẽ đấy lần đầu tiên người Mông biết tặng quà cưới bằng vàng. Lúc ông bày cách cho đồng bào quê mình sản xuất ruộng bậc thang, trồng sắn cao sản, thâm canh, chăn nuôi, ông đâu nghĩ có ngày họ đền đáp như vậy.

Đồng bào mình biết làm giàu là ông vui rồi. Ông chỉ mong người Mông luôn đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, từng bước xóa đi cái đói, giảm bớt cái nghèo thôi.

Rừng đem lại cho người vùng cao nhiều thứ sản phẩm nhưng ông vẫn suy tư và từng nói với đồng bào rằng: “Người Mông không thể trông hết vào rừng. Không làm ruộng bậc thang, người Mông không thể cư trú ổn định trên chính quê hương mình”. Và đến bây giờ điều đó là hoàn toàn đúng đắn. Muốn an sinh xã hội nơi vùng cao thì trước hết phải giúp đồng bào no cái bụng, có nghĩa là an ninh lương thực được bảo đảm. Kết quả, đồng bào vùng cao giờ đây đã quá quen với việc thâm canh ruộng bậc thang. Mù Cang Chải đã trở thành danh thắng ruộng bậc thang nổi tiếng cả nước. 

Những dịp đi công tác cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh là những dịp được cùng ông trải nghiệm. Nào tiếp xúc cử tri, nào hoạt động giám sát... Đây là lúc ông thể hiện trách nhiệm với Quốc hội, với nhân dân. Lúc đó mới thấy rằng, trách nhiệm của một đại biểu, trách nhiệm với vùng cao là điều ông luôn suy nghĩ, trăn trở. Gặp ông, các già làng vẫn nhớ gọi ông với cái tên “Bí Chu” trìu mến.

Vào các kỳ họp của Quốc hội cũng là lúc ông tập trung nghiên cứu tài liệu. Hầu như chẳng có buổi thảo luận ở tổ nào ông chịu ngồi im. Vấn đề nào ông cũng nghiên cứu kỹ và đề xuất cho ý kiến đóng góp, thể hiện tinh thần trách nhiệm, có tầm vĩ mô nhưng cũng rất cụ thể, giàu thực tế. Ông cho rằng để giữ được trận địa vùng cao có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là có cán bộ tâm huyết, chính quyền vì dân.

Ông biết, cán bộ được Đảng cử nhưng không được người dân tin tưởng thì rất khó làm tròn trách nhiệm. Chẳng thế mà trong ông luôn tâm huyết, khát khao xứng đáng là “cây cầu” nối ý Đảng lòng dân. Hơn một nhiệm kỳ, người cán bộ của Đảng, đại biểu của dân Giàng A Chu đã đi hầu hết các tỉnh nào Tây nguyên, Tây Nam bộ, nào Tây Bắc quê hương.

Ông lặn lội tới tận các xã vùng sâu, vùng xa nhất. Có lần ông sẵn sàng luồn rừng từ Mường Nhé (Điện Biên) sang tận Mường Tè (lai Châu)… để nắm cho sát tình hình tư tưởng người dân. Ông nói vui: “Những lần bám cơ sở như thế lại thấy hương vị mì tôm, lương khô ngon đến thế nào”. 

Chia tay chúng tôi, ông Chu tự tay nướng miếng thịt trâu khô, tự tay rót chén rượu ngâm quả Sơn tra người quê gửi về để mời chúng tôi. Ông bảo, người vùng cao mình nếu biết khai thác tốt tiềm năng, xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm như quả Sơn tra này chắc chắn đồng bào, địa phương mình sẽ có nguồn thu đáng kể… Cùng ông nhâm nhi thứ rượu quê núi thơm và vàng sánh như mật, tiếp tục râm ran chuyện vùng cao, ông bắt tay tôi thật chặt, thật tha thiết: “Hết nhiệm vụ mình sẽ trở về với quê núi, nhất định đấy!”.

Văn Trung

Các tin khác
Lương y Nguyễn Văn Hưng giới thiệu các bài thuốc chữa rắn độc và các bài thuốc chữa rắn độc và vôi hóa cột sống.

YBĐT - Chín năm tròn gắn bó với vùng cao Trạm Tấu, thời gian không dài với một đời người nhưng cũng đem lại thật nhiều kỷ niệm đẹp, sâu sắc với lương y Nguyễn Văn Hưng ở khu 2, thị trấn Trạm Tấu.

Hà Thị Nguyện.

YBĐT - Đóng góp vào bảng thành tích SEA Games 26 không thể không nhắc đến Hà Thị Nguyên - người con của quê hương Yên Bái, võ sĩ đã xuất sắc giành Huy chương vàng ở bộ môn Taekwondo trong số 96 huy chương vàng của đoàn thể thao Việt Nam tại sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Bà Thư và Bơ - người được cưu mang.

YBĐT - Xuân này, bà Nguyễn Thị Thư - Chủ nhiệm Hợp tác xã Việt Thịnh, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) bước sang tuổi 74. Dù đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng những bước chân không mỏi của “nữ tướng” này vẫn ngày đêm miệt mài trên con đường thương trường đầy chông gai, thách thức…

Anh Vũ Văn Mô kiểm tra chất lượng sản phẩm giấy xuất khẩu của Công ty.

YBĐT - 16 năm lăn lộn, gắn bó với công ty, trải qua những thăng trầm khi chuyển đổi, sắp xếp lại doanh nghiệp, duy trì, giữ vững và ổn định sản xuất, kinh doanh, anh luôn thấu hiểu nỗi vất vả của CNLĐ, hơn lúc nào hết, anh luôn đặt quyền lợi của NLĐ lên hàng đầu và coi họ là “tài sản” quý giá nhất của doanh nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục