Gương sáng trên đỉnh Tập Lăng

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/3/2012 | 2:51:35 PM

YBĐT - Với anh Sùng A Su ở thôn Tập Lăng 1, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn có được cuộc sống ấm no hôm nay là cả một quá trình phấn đấu vươn lên không ngừng.

Anh Sùng A Su đang chăm sóc rừng quế 5 năm tuổi của gia đình.
Anh Sùng A Su đang chăm sóc rừng quế 5 năm tuổi của gia đình.

Hồi còn nhỏ, cũng như bao đứa trẻ khác, anh khao khát được học tập lên cao nhưng vì sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con và bản thân anh lại là con đầu cho nên không thể thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Năm 1994, khi mới học xong lớp 9, A Su đã phải bỏ học giữa chừng để về phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Về nhà, bố mẹ cũng cưới vợ cho Su luôn để có thêm người làm. Sau nhiều năm vất vả làm lụng mãi, cuộc sống của gia đình anh vẫn không thể vơi đi sự nghèo đói. Anh hiểu rõ cái nghèo là do mình không được học hành đến nơi, đến chốn, không có kiến thức kinh nghiệm.

Với những suy nghĩ đó, anh tiếp tục đi học thêm những lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do huyện, tỉnh tổ chức để nâng cao kiến thức. Ngoài ra, anh còn học thêm ở trong sách báo, trên đài phát thanh, truyền hình và học hỏi ở những người đã làm kinh tế thành công tại quê mình và ở những nơi khác.

Từ khi được đi học, có thêm kinh nghiệm đã giúp anh mở mang kiến thức, có tầm nhìn xa hơn về việc xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn. Qua những lớp tập huấn ngắn hạn cũng giúp cho anh hình dung được mô hình sản xuất, biết cách tổ chức phân công lao động trong quá trình thực hiện. Khi đã tự trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiện cơ bản, anh bắt tay vào việc xây dựng mô hình kinh tế gia đình. Ban đầu là việc thực hiện đưa giống lúa mới, năng suất cao vào gieo cấy trên diện tích 2 ha để cung cấp thêm lương thực đủ trang trải cho gia đình. Nhờ tích cực thâm canh bình quân mỗi vụ lúa gia đình anh thu gần 2 tấn thóc.

Bên cạnh đó, anh còn làm thêm 3 ha lúa nương, thu gần 2 tấn/vụ, 3 ha ngô đồi, mỗi vụ thu trên 2 tấn và nhiều diện tích rau màu các loại cũng cho thu về trên 3 triệu đồng/vụ. Từ năm 2000 đến nay, anh tiếp tục phát triển kinh tế bằng trồng rừng. Hiện gia đình anh đã có trên 3 ha quế cho khai thác.

Gặp chúng tôi, Sùng A Su cho hay: “Trồng quế là cách làm kinh tế có hiệu quả cao vì cây quế sau 6 năm tuổi đã có thể khai thác tỉa thưa để bán và bán cả cành lá để chưng cất tinh dầu. Từ khai thác quế gia đình tôi đã có thêm thu nhập trên 20 triệu đồng/năm”. Có thêm vốn, anh tiếp tục mở rộng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong chuồng của nhà anh bao giờ cũng có 3 con trâu và 10 con lợn, mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường từ 1 đến 2 tạ lợn thịt, thu về hơn chục triệu đồng. Có kiến thức, có kinh nghiệm càng tạo thêm sự hứng thú cho anh tiếp tục phát triển kinh tế. Tận dụng các khe núi, anh Su còn đắp bờ làm ao thả cá và nuôi thêm ngan, vịt với số lượng khoảng 100 con đáp ứng nhu cầu sinh hoạt phục vụ cho gia đình hàng ngày. 

Từ các nguồn thu nhập, mỗi năm gia đình anh Su có thu nhập gần 100 trăm triệu đồng. Bằng sự nỗ lực tự vươn lên từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình anh Sùng A Su đã làm được nhà cửa khang trang và mua được xe máy, tivi… để sử dụng trong gia đình. Rút kinh nghiệm từ cha mẹ và bản thân, cuộc sống thiếu thốn và bị thất học cũng chỉ vì sinh đẻ nhiều, vợ chồng anh đã thực hiện chỉ sinh 2 con để vừa được chăm sóc tốt vừa được giáo dục đầy đủ. Hiện nay gia đình anh Sùng A Su đã trở thành hộ khá nhất nhì ở thôn vùng cao Tập Lăng 1 này

Với sự cần cù, không ngừng học tập nâng cao trình độ nhận thức và phát triển kinh tế, năm 2006, anh Sùng A Su đã được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tập Lăng 1 và tháng 10 năm 2010, anh tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Được người dân tin tưởng và tín nhiệm, anh tiếp tục phấn đấu dìu dắt bà con người Mông ở thôn Tập Lăng 1 vươn lên thoát nghèo. Anh phối hợp với trưởng thôn thường xuyên tổ chức các cuộc họp để tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây, vật nuôi, vận động bà con trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn. Đồng thời, vận động bà con không nên sinh đẻ nhiều con. Từ những cuộc họp thôn đầy ý nghĩa đó đã góp phần nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân. Hiện nay, trong 49 hộ dân với 270 nhân khẩu của thôn Tập Lăng 1 đều có cuộc sống ổn định, trong đó nhiều hộ có cuộc sống khá giả như các hộ: Vàng A Chư, Vàng A Tồng, Chang A Lờ, Sùng A Tu...

Tấm gương của Sùng A Su luôn được bà con thôn Tập Lăng 1 nói chung và xã Suối Giàng nói riêng mến phục và học tập làm theo.

Sùng Đức Hồng

Các tin khác
Ông Nguyễn Hữu Mạch trao đổi kinh nghiệm công tác xây dựng Hội vững mạnh tại Chi hội thôn Hương Lý.

YBĐT - Ở vị trí nào, ông cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tâm nguyện được mang hết khả năng của mình đóng góp xây dựng quê hương. Ông xứng đáng là tấm gương sáng, điển hình xuất sắc trong phong trào "Tuổi cao, gương sáng".

Chị Hiền đang chăm sóc gà.

YBĐT - “Biết là chăn nuôi gia cầm rủi ro sẽ cao bởi chúng dễ mắc nhiều loại dịch bệnh nếu không chữa chạy kịp thời, chỉ một con gà bị cúm, không phát hiện nhanh chúng sẽ lây cho cả đàn, mất tiền triệu như chơi, nhưng đã làm thì phải quyết tâm” - Chị Hiền tâm sự.

Ông Phan Quốc Huy (bên phải) đang giới thiệu kinh nghiệm nuôi ong mật.

YBĐT - Với mô hình nuôi ong lấy mật, kết hợp trồng rừng kinh tế, trồng chanh tứ mùa và trồng mộc nhĩ, nấm sò, ông Phan Quốc Huy, thôn Lương Thịnh 3, xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) đã vươn lên làm giàu chính đáng và giúp bà con trong vùng phát triển chăn nuôi góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững.

Dây chuyền chế biến gỗ rừng trồng của Công ty cổ phần Yên Thành.

YBĐT - Qua nhiều năm, bằng bản lĩnh của mình, Nguyễn Đức Dũng đã chèo lái doanh nghiệp đứng vững và phát triển đi lên trong điều kiện đầy khó khăn của nền kinh tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục