Những thương binh giỏi ở Văn Yên
- Cập nhật: Thứ hai, 13/8/2012 | 9:48:40 AM
YBĐT - Sinh ra lành lặn làm kinh tế giỏi đã khó, vậy mà ở huyện Văn Yên (Yên Bái) có những người lính đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường vẫn nỗ lực vượt lên thương tật để làm giàu cho gia đình và xã hội…
Bệnh binh Phạm Thanh Phúc ở thôn 5, xã Mậu Đông (Văn Yên) người đứng thứ 2 bên phải nuôi rắn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Về thăm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp Hoàng Thắng, xã Hoàng Thắng - nơi ông Mai Xuân Thìn - thương binh hạng 2/4 làm Chủ nhiệm, được nghe ông tâm sự về những kỷ niệm thời chiến và cuộc chiến chống đói nghèo thời bình khiến chúng tôi không khỏi khâm phục: “Ngày đầu cũng mung lung lắm nhưng rồi cũng tìm ra cách làm ăn, hết chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật, làm dịch vụ xay xát, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng... từ đó mình tích luỹ được vốn liếng mua tàu cuốc sỏi, đóng thuyền vận chuyển cát sỏi phục vụ các xã trong huyện và thành phố Yên Bái. Mặc dù có thêm thu nhập, tạo việc làm ổn định và có vốn tích luỹ cho gia đình nhưng thấy mô hình tổ chức còn nhỏ lẻ phân tán nên phải mở rộng sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2001, mình thành lập HTX dịch vụ tổng hợp Hoàng Thắng và làm chủ nhiệm.”
Nghe chuyện cứ tưởng sự thành đạt đơn giản vậy nhưng ngay từ khi khởi nghiệp, HTX có 17 xã viên với số vốn đóng góp 340 triệu đồng, do khai thác vật liệu chủ yếu bằng phương tiện thủ công nên lợi nhuận không cao, đời sống người lao động gặp khó khăn. Với trách nhiệm của người quản lý, ông Thìn đã có nhiều sáng kiến như huy động tối đa nguồn vốn từ xã viên, nghiên cứu đóng mới tàu cuốc sỏi và một tàu vận chuyển giảm bớt công lao động, mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo việc làm và thu nhập cho xã viên.
Đến nay, HTX của ông đã có tiếng trong Liên minh HTX tỉnh Yên Bái với 2 tàu khai thác cát sỏi, 6 tàu vận chuyển, 6 xe vận tải, có hệ thống băng tải liên hoàn phục vụ sản xuất và 1 xe con phục vụ giao dịch sản xuất cung cấp cát sỏi phục vụ các công trình xây dựng.
Từ chỗ khởi đầu HTX chỉ có 17 xã viên với vốn điều lệ 340 triệu đồng, vốn lưu động 370 triệu đồng, đến nay số vốn điều lệ của HTX đã tăng lên 5 tỷ đồng và vốn lưu động trên 6 tỷ đồng. HTX có 45 xã viên phần lớn là cựu chiến binh có việc làm ổn định với mức lương bình quân 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. 5 năm qua HTX đã nộp ngân sách Nhà nước 2,5 tỷ đồng.
Ở xã Yên Thái có anh Nguyễn Văn Thuấn tham gia chiến đấu trong chiến tranh biên giới phía Bắc tại Vị Xuyên, Hà Giang là thương binh hạng 4/4 do bị thương ở đầu và phổi, mất 23% sức khoẻ. Xuất ngũ trở về, vượt lên thương tật, không cam chịu nghèo khó, anh bàn với vợ nhận 4 ha rừng trồng quế, khai hoang san gạt đất dưới lòng khe làm ruộng, đắp đập thả cá. Lấy ngắn nuôi dài, trồng xen canh ngô, khoai, sắn và lúa nương vào diện tích đất rừng để cải thiện cuộc sống.
Đồng thời anh mạnh dạn vay 6 triệu đồng của Nhà nước để mua trâu cày, kéo và đầu tư buôn bán phân bón phục vụ nhân dân. Kể từ đó gia đình anh ăn nên làm ra, không những trả hết nợ mà còn có thêm vốn mở rộng qui mô trang trại. Những năm gần đây, gia đình anh lại nhận thêm 17 ha rừng của Lâm trường Văn Yên phát triển mô hình VAC. Có thời điểm gia đình anh nuôi tới 16 bò nái sinh sản, 9 con trâu, 12 con lợn bột, 1 lợn nái, 5 sào ao và 21 ha rừng gồm 6 ha quế, 6 ha keo còn lại là mỡ và bồ đề, trong đó một số diện tích sắp cho thu hoạch. Năm 2008, gia đình anh xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang.
Quay vòng đồng vốn, anh đầu tư mua ô tô kinh doanh vận tải, cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, nông cụ sản xuất và tạp hoá. Đến nay, ước tính tổng thu nhập mỗi năm của gia đình anh đạt trên 400 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn hỗ trợ vốn, thóc, gạo và con giống cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã vay để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Cũng ở Văn Yên chúng tôi còn tới thăm gia đình thương binh hạng 2/4 Nguyễn Ngọc Thắm ở thôn Làng Chẹo, xã An Thịnh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Mạnh dạn lên đầu làng khai phá đào ao, đắp đập làm trang trại, gia đình ông đang có 20 sào lúa nước, trồng 35 ha rừng gồm 20 ha quế từ 8 đến 16 tuổi, hàng năm tỉa bán được 20 tấn quế thu được 120 triệu đồng cộng với 15 ha bồ đề, keo trồng xen sắn, hàng năm thu 30 tấn sắn khô được 120 triệu đồng. Ông còn nuôi 2 con trâu, mỗi năm nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa 40 con, xuất bán được 7 tấn lợn hơi trị giá 315 triệu đồng.
Với 40 ha ao, hồ hàng năm ông thu 4 tấn cá trị giá 160 triệu đồng, cùng 2.000m2 ao xây nuôi ba ba gai giống và thương phẩm. Ước tính tổng thu nhập của gia đình mỗi năm được 985 triệu đồng, trừ chi phí còn thu lãi 600 triệu đồng. Văn Yên vẫn còn nhiều lắm những thương binh như: Ông Trần Sơn Hải ở thôn Ba Luồng xã Đại Phác, thương binh chống Pháp hạng 2, dù tuổi cao vẫn tích cực lao động sản xuất thâm canh lúa ngô tăng vụ, trồng 1,3 ha quế, cùng với chăn nuôi gia cầm mỗi năm còn xuất chuồng 1.200 kg lợn hơi, nâng mức thu nhập của gia đình lên 100 triệu đồng. Năm 2010, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, ông đã xây được ngôi nhà trị giá 300 triệu đồng. Chúng tôi không khỏi xúc động khi người thương binh cao tuổi này bộc bạch lời từ đáy lòng: “Mình còn sức, thì còn gắng góp sức cho con, cháu, gia đình và xã hội”.
Còn rất nhiều những tấm gương thương, bệnh binh như thế, không thể kể hết với những cách làm ăn hiệu quả ở Văn Yên nhưng tựu chung ở họ là nghị lực và ý chí vượt lên thương tật, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội theo lời Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã dạy: “Thương binh tàn, nhưng không phế”!
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Trong lúc nhiều thí sinh trong cả nước bị điểm 0 môn Toán và môn Lịch sử kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay và nhiều trường có uy tín, bề dày thành tích của tỉnh Yên Bái nhiều năm không có thủ khoa thì Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên) đã có liền lúc hai thủ khoa.
YBĐT - Đó là Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Hồng Phượng - Trưởng khoa Mắt - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Mới đây, cháu bé Giàng A Vàng ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ trong tình trạng thiếu máu nghiêm trọng.
YBĐT - Khi nói đến Thào A Khày - Bí thư Chi đoàn bản Nả Háng Tâu, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), ai cũng khen ngợi về một tấm gương sáng để cho các đoàn viên thanh niên noi theo, anh còn là một thanh niên làm kinh tế giỏi.