Ông lang "bỏng"

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/1/2013 | 3:22:40 PM

YBĐT - Đó là ông Nguyễn Viết Xuân, đường Thanh Niên, thành phố Yên Bái - nguời thày lang có biệt tài chữa bỏng. Trong năm 2011 - 2012, ông đã chữa trị khỏi cho hàng trăm bệnh nhân ở trong và ngoài tỉnh Yên Bái.

Ông lang Xuân Huyền với tập sách ghi các bài thuốc nam gia truyền.
Ông lang Xuân Huyền với tập sách ghi các bài thuốc nam gia truyền.

Thằng cháu nội hay nghịch mải chơi trong bếp không may va phải phích nước sôi để trên bàn. Phích đổ, nước tóa vào người nó khiến vùng da cằm và ngực đỏ lừ. Luống cuống, tôi ôm vội cháu chạy sang hàng xóm hỏi xem có thuốc gì bôi để sơ cứu ban đầu. Một bà mau miệng: "Đem ngay sang nhà Xuân Huyền, ông ấy chữa bỏng giỏi lắm".

Lo lắng nên tôi chân thấp chân cao đưa cháu đi ngay. Nhà thầy lang không xa, ngay đầu đường Thanh Niên, thành phố Yên Bái, gần phố nơi tôi ở.

Đập vào mắt là một cái bảng gỗ bằng hai quyển vở học trò treo nơi gốc cây trước cửa với hàng chữ viết bằng sơn "Xuân Huyền - thuốc bỏng, viêm nhiệt lợi".

Thấy thái độ hốt hoảng của tôi, ông xem qua vết bỏng rồi lấy bình thuốc nước pha sẵn xịt vào nơi phần da bị thương tổn. Vài lần như vậy, chừng hai giờ đồng hồ thì những chỗ tấy đỏ xung quanh vùng tổn thương nặng cũng trắng hồng trở lại. Mặc dù chưa tin hẳn song thấy sự chuyển biến như vậy phần nào tôi cũng yên tâm.

Tiện thể tôi nhờ ông hàng ngày đến nhà theo dõi và chữa thuốc cho cháu, ông vui vẻ nhận lời. Mà cách chữa của ông cũng khác hẳn cách thông thường tôi biết: không băng đắp thuốc mà để thoáng bề mặt da bị bỏng, trích hết những chỗ phỏng rộp, bôi thuốc nước lên vùng tổn thương và giữ gìn vệ sinh tránh để bị nhiễm trùng.

Do cháu bỏng độ 2, một số chỗ da bị tróc nên cho uống kèm kháng sinh với thuốc chống phù nề. Qua ngày, vết bỏng se mặt và khoảng ba ngày sau đã bắt đầu lên da non. Tỏ ra giàu kinh nghiệm và nắm chắc quá trình hồi phục, ông khẳng định chỉ sau 10 ngày cháu sẽ khỏi.

Việc bôi thuốc cũng giảm dần theo thời gian, mấy ngày đầu liên tục, sau ba lần rồi một lần. Cũng để tránh sẹo hay da bị lang bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng nghệ bôi lên lớp da non theo kinh nghiệm dân gian; rồi ăn kiêng một số thực phẩm trong thời gian điều trị như trứng, rau muống, tôm cá…

Theo dõi suốt quá trình chữa trị ông chỉ dùng một loại thuốc nước, tôi tò mò hỏi và được biết đây là thuốc gia truyền, tùy theo độ bỏng nặng nhẹ cùng tiến triển của tổn thương mà thay đổi nồng độ. Như để chứng minh cho hiệu quả chữa bệnh, ông giở cho tôi xem cuốn sổ theo dõi bệnh nhân.

Hàng trăm cái tên người bệnh được ông điều trị trong năm 2011 - 2012: chị Thanh bị u vú đã đến Bệnh viện 103 chọc lấy dịch và đắp 7 miếng thuốc sau tự tan; bà Mùi quê ở Bảo Hà bị bỏng nặng độ ba, sau 10 ngày chỗ bỏng lên da non; cháu ông Lương Đình Công ở Nam Cường bị bỏng nước phích lột da phần ngực phải và tay phải đã được chữa và sau 13 ngày bong vảy không sẹo; bà Thú 105 tuổi, gẫy xương cổ tay trái được bó thuốc sau nửa tháng đã hồi phục; anh Hùng thoái hóa đốt sống cổ được đắp thuốc cũng khỏi... Rồi có một số người bạn nghe tin cháu tôi bị bỏng đã điện thoại giới thiệu địa chỉ chữa thuốc, lại cũng chính thầy lang Xuân Huyền.

Hỏi ra mới biết ông tên là Nguyễn Viết Xuân, bà vợ tên Huyền nên lấy luôn hai tên ghép lại thành danh. Nguyên quán vốn ở tỉnh Hà Nam, gia đình cụ thân sinh chuyển cư lên huyện Yên Bình từ lâu; sau về xã Đại Phác, huyện Văn Yên khi Nhà nước vận động chuyển cư để giải phóng lòng hồ Thác Bà. Bản thân ông tham gia lực lượng công an vũ trang đóng tại biên giới Lào Cai, sau xuất ngũ về địa phương và lấy vợ sống tại thành phố Yên Bái.

Trong 6 anh em, chỉ duy nhất ông theo nghề chữa bệnh bằng thuốc nam của gia đình. Ngày ngày say mê đọc sách mở rộng kiến thức chữa bệnh, lúc rảnh rỗi lại về rừng Đại Phác hái cây thuốc. Ai hay tìm đến, ai mời đi chữa bệnh thì đi, không quản đường xa hay mưa dầm gió rét.

Tiếng thơm đã có song tiếc ông lại chưa biết đến để tham gia vào Hội y học cổ truyền. Càng tiếc cho những bài thuốc hay với kinh nghiệm chữa bệnh của ông lang giỏi nghề chưa được nghiên cứu đầy đủ và phổ biến rộng rãi giúp cho nhiều cơ sở y tế địa phương Yên Bái chữa bệnh bằng chính nguồn dược liệu địa phương.

Nam Hà

Các tin khác
Anh Đỗ Xuân Việt (trái) bên vườn cam của gia đình.

YBĐT - Với sự cần cù, chịu khó cùng nghị lực, ý chí làm giàu vươn lên thoát nghèo, đảng viên Đỗ Xuân Việt ở thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã biến vùng đất khô cằn trở thành vườn cây ăn quả cho thu nhập cao. Giờ đây gia đình anh đã trở thành tỷ phú ở vườn cam phố Thượng.

YBĐT - Thầy giáo Lê Văn Sơn và cô giáo Đinh Thị Điều là hai trong tám Nhà giáo ưu tú của tỉnh Yên Bái được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu năm 2012.

Ông Vũ Hữu Lê bên chiếc máy ép miến bán tự động.

YBĐT - Đối với kỹ sư Vũ Hữu Lê - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà ở thôn Nam Thọ, xã Nam Cường (thành phố Yên Bái) thì suốt cuộc đời, ông chỉ có một niềm đam mê là nghiên cứu, sáng tạo các loại thiết bị máy móc phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

Vợ chồng anh Bàn Tiến Chu bên vườn quýt.

YBĐT - Thu nhập khá từ trồng cam, quýt trên đất đồi của hộ gia đình anh Chu và chị Khách cho thấy, cây quýt phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Tân Phượng và đó cũng là một thực tế có thể nghiên cứu để khôi phục lại vùng cam, quýt nổi tiếng của Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục