Từ Ngày Quốc tế Lao động đến “Tháng Công nhân”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/5/2020 | 9:04:28 AM

YênBái - "Tháng Công nhân" là tháng 5 hàng năm được coi như ngày hội của công nhân viên chức lao động khi các đơn vị tăng cường phát triển phong trào thi đua yêu nước cũng như tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Ngày 1/5/1886, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, công nhân thành phố Chi-ca-go đã tiến hành mít tinh, biểu tình trên đường phố. Khẩu hiệu "Ngày làm 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động toàn thành phố, làm cho chính quyền tư sản rơi vào thế bị động. Ở nước ta, Ngay sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, giai cấp công nhân Việt Nam đã chọn ngày 1/5 hằng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do, dân chủ và quyền lợi kinh tế - xã hội.

Trong đó, cuộc biểu tình diễn ra tại khu Đấu xảo (Hà Nội) ngày 1/5/1938 được xem là cuộc biểu dương sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân lao động cả nước và sự lãnh đạo tài tình của Đảng.

Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân lao động được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Theo đó, ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. 

Tại Lễ kỷ niệm 125 ngày Quốc tế lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động "Tháng Công nhân” năm 2011. Theo đó, "Tháng Công nhân" là tháng 5 hàng năm được coi như ngày hội của công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) khi các đơn vị tăng cường phát triển phong trào thi đua yêu nước cũng như tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội trong việc xây dựng giai cấp công nhân, làm cho người sử dụng lao động nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của "Tháng Công nhân” nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; làm cho CNVCLĐ nâng cao ý thức giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng; có tinh thần đoàn kết dân tộc; xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh.

Cùng với giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân và nhân dân lao động tỉnh Yên Bái đã vượt mọi khó khăn, thử thách; chủ động sáng tạo, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo CNVCLĐ. 

Bằng những hành động thiết thực, hiệu quả với nhiều chuyển biến mạnh mẽ và bước đi vững chắc, những năm qua, tổ chức công đoàn toàn tỉnh đã phát huy vị trí, vai trò, chức năng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của cán bộ, đoàn viên với phương châm "Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”, luôn sát cánh cùng đoàn viên và người lao động - đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giải quyết tranh chấp lao động; đồng hành với doanh nghiệp, động viên CNVCLĐ phát huy vai trò trách nhiệm, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong 34 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, giai cấp công nhân và nhân dân lao động tỉnh Yên Bái đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, góp mặt trong tất cả các thành phần kinh tế. Công nhân lao động đã tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, nhất là cách mạng 4.0, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức, đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH đất nước.

Từ chỗ ban đầu chỉ có vài trăm công nhân, đến nay tỉnh Yên Bái đã có gần 43 ngàn CNVCLĐ ở các đơn vị có tổ chức công đoàn, trong đó có gần 42 ngàn đoàn viên. Các cấp công đoàn toàn tỉnh đã tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động song song với việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về quyền và lợi ích của người lao động và văn hóa doanh nghiệp, tiến hành thương lượng với người sử dụng lao động cam kết để người lao động có "Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”. 

Theo đó, thời gian qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 232 cuộc đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, thu hút trên 3.000 đoàn viên và người lao động tham gia; tổ chức 187 cuộc tuyên truyền trực tiếp về chính sách pháp luật cho 1.826 đoàn viên và người lao động. Đặc biệt,"Tháng Công nhân” năm 2019, Liên đoàn Lao động tỉnh đã trích 270 triệu đồng từ Quỹ "Tấm lòng vàng” hỗ trợ làm nhà "Mái ấm công đoàn” cho 7 gia đình đoàn viên và trao 180 suất quà cho CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, chỉ đạo 81 công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng "Tháng Công nhân”, xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình CNVCLĐ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Kỷ niệm 134 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 gắn với kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay cũng là năm thứ 9 tổ chức công đoàn các cấp cùng toàn xã hội tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Tháng Công nhân” trong thời điểm CNVCLĐ và các cấp công đoàn cả nước đang ra sức thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, lập thành tích xuất sắc chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là dịp để các tầng lớp nhân dân, cán bộ đoàn viên, CNVCLĐ các cấp trong tỉnh cùng ôn lại truyền thống, những cống hiến, đóng góp to lớn của các thế hệ giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và tổ chức công đoàn các cấp tỉnh Yên Bái nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thanh Hương

Các tin khác

Nhằm hạn chế đi lại để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhiều bà nội trợ thay vì đi chợ hàng ngày đã lựa chọn giải pháp mua thực phẩm tích trữ dùng cho nhiều ngày, điều này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

“Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tuần qua.

Thời gian gần đây, nhiều cá nhân, trong đó chủ yếu là lứa tuổi thanh niên do thiếu nhận thức đã đăng tải những thông tin sai sự thật, nhằm mục đích giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội. Điều đó chẳng những làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang, dao động trong nhân dân mà còn gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả đất nước.

Là tỉnh miền núi, Yên Bái có điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, dân số phần lớn là làm nông nghiệp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng vượt lên tất cả, các thế hệ thanh niên Yên Bái luôn nỗ lực, vượt qua mọi gian khó, làm tốt vai trò là cánh tay đắc lực của Đảng, góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục