Không chủ quan với “giặc lửa”!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/5/2024 | 2:24:40 PM

YênBái - Chưa bao giờ tình trạng họa hoạn, cháy nổ trong cả nước lại liên tục xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới tính mạng, tài sản, gây hoang mang dư luận như thời gian gần đây. Những con số đau lòng về số người chết, người bị thương bởi "bà hỏa” gây ra khiến cả xã hội thương tâm. Nhưng ám ảnh hơn sau nỗi đau là hệ luỵ của các vụ cháy và trách nhiệm thuộc về ai khi tính mạng con người đã mất?

Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh hướng dẫn các tiểu thương tại chợ Bến Đò (thành phố Yên Bái) diên tập thực hành sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy khi có tình huống xảy ra.
Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh hướng dẫn các tiểu thương tại chợ Bến Đò (thành phố Yên Bái) diên tập thực hành sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy khi có tình huống xảy ra.

 
Rạng sáng nay (ngày 24/5/2024), vụ cháy lớn đã xảy ra tại một ngôi nhà trọ trong ngõ 43, phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 14 người tử vong và 3 người bị thương. Ngôi nhà xảy ra cháy quy mô gồm 1 nhà 2 tầng, 1 tum bố trí sân phơi thoáng và 1 dãy nhà 3 tầng, mỗi tầng 4 phòng, hành lang hở phía trước. 


Nhà được xây dựng với diện tích khoảng 150m² trên tổng diện tích khu đất xây dựng là 205m², phần diện tích còn lại khoảng 55m² là sân trống bố trí để xe máy, xe đạp, xe đạp điện. Tổng số thành viên trong gia đình chủ nhà 7 người và có 17 người đăng ký thuê để ở/tổng số 12 phòng cho thuê (10 phòng cho thuê và 2 phòng chủ nhà ở). Theo một số nhân chứng, sau 3 tiếng nổ lớn phát ra ở tầng 1 ngôi nhà cho thuê trọ, ngọn lửa bùng lên dữ dội. Cùng với tập trung cứu chữa cho các nạn nhân, các lực lượng chức năng đang đồng thời khẩn trương điều tra, tìm hiểu nguyên nhân vụ cháy. 

Đây tiếp tục là một bài học đau xót, gây rúng động toàn xã hội và cũng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng chống cháy, nổ tại các loại hình nhà ống, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở trong khu dân cư đô thị.

Từ vụ việc trên khiến chúng ta bàng hoàng nhớ lại vụ cháy tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào đêm ngày 12/9/2023 đã khiến 56 người thiệt mạng. Điểm chung của hai vụ cháy này là đều xảy ra vào ban đêm với con số thương vong lớn, vị trí của các tòa nhà đều nằm sâu trong ngõ ngách hẹp, khiến lực lượng chức năng quá khó trong việc tiếp cận. Nguyên nhân ban đầu luôn được xác định là do sự chủ quan, lơ là, không tuân thủ nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) khiến các vụ hỏa hoạn ngày càng phức tạp hơn, gia tăng cả về số lượng và mức độ thiệt hại. 

Những con số đau lòng về số người chết, người bị thương bởi "bà hỏa” gây ra khiến cả xã hội thương tâm. Nhưng ám ảnh hơn sau nỗi đau là hệ luỵ của các vụ cháy này và trách nhiệm thuộc về ai khi tính mạng con người đã mất? 

Theo báo cáo từ Bộ Công an, trong năm 2023, tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước tục diễn biến phức tạp, khó lường. Toàn quốc xảy ra hơn 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương hơn 109 người. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 371 tỷ đồng và 236 ha rừng. Trong đó, nhiều vụ cháy lớn đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Phần lớn các vụ cháy xảy ra tại nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh và nguyên nhân các vụ cháy phần lớn là do sự cố hệ thống, thiết bị. Những con số đáng lo ngại nói trên cũng như hàng loạt vụ hỏa hoạn trong những năm gần đây ở các thành phố lớn, các địa phương gây hậu quả nặng nề về người và tài sản, cho thấy, nguy cơ cháy nổ không loại trừ bất cứ trường hợp nào. 

Tại Yên Bái, do diện tích mặt đất ở còn khá rộng nên không có nhiều công trình nhà ở cho thuê, chung cư mini như các thành phố lớn, tuy nhiên, những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) tăng nhanh cũng dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. 

Trong quý I/2024, toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ cháy nhà dân và cháy rừng, làm 1 người chết, thiệt hại tài sản trên 1,4 tỷ đồng và 125,9 ha rừng. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 15 vụ, 1 người chết và tăng 121,9 ha rừng các loại, thiệt hại về tài sản giảm 571 triệu đồng. Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh Yên Bái đã trực tiếp tham gia chữa cháy 6 vụ; lực lượng chữa cháy tại chỗ tự dập tắt 15 vụ.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Yên Bái, nguyên nhân hàng đầu gây ra cháy, nổ là do sử dụng không an toàn các thiết bị điện. Cùng với đó, là sự bất cẩn trong quá trình sử dụng các nguồn nhiệt như: không tắt bếp, khóa van bình gas khi không nấu ăn; không tắt nến, tắt đèn sau khi thắp hương, thờ cúng; sử dụng điện thoại trong khi đang sạc pin; hút thuốc ở nơi có nhiều vật liệu dễ cháy... Đặc biệt, các hộ gia đình, cơ sở SXKD, các cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đầu tư trang thiết bị PCCC. Cùng với đó là nhận thức của một bộ phận người dân về công tác PCCC còn hạn chế.

Với phương châm "phòng cháy hơn chữa cháy”, những năm qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hướng về cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về PCCC; chú trọng tập huấn trang bị kỹ năng xử lý tình huống, phương tiện chữa cháy cho người dân để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn. 

Đặc biệt, các cấp, các ngành đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Tổ liên gia an toàn PCCC, Trường học đảm bảo an toàn PCCC và CNCH, Điểm chữa cháy công cộng, Chợ đảm bảo an toàn PCCC và CNCH, Nhà tôi có bình chữa cháy, Khu dân cư đảm bảo an toàn PCCC và CNCH… Các mô hình này đều sử dụng nguồn lực từ trong nhân dân với phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC với tinh thần tự nguyện, tự phòng, tự quản. 

Đặc biệt, ngày 22/5 vừa qua, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) "Tổ liên gia an toàn PCCC” tỉnh Yên Bái năm 2024. Hội thi chính là đợt tuyên truyền trực tiếp sinh động nhất, góp phần bổ sung kiến thức, năng lực, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản cho các thành viên trong các hộ gia đình thuộc "Tổ liên gia an toàn PCCC”, đưa hoạt động của các tổ này tại các địa phương đi vào thực chất; phát huy hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ” trong việc xử lý các tình huống cháy, nổ khi xảy ra tại địa bàn khu dân cư.

Hội thi cũng xuất phát từ yêu cầu đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức PCCC của tất cả cá nhân, đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp, địa phương trong tình hình hiện nay. Cùng với đó, phải siết chặt quản lý, xử lý nghiêm mọi vi phạm liên quan. Đây là hai đòi hỏi tất yếu để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc tương tự xảy ra.

Ngay sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 52/CĐ-TTg ngày 24-5-2024 chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy nhà dân tại phố Trung Kính, Hà Nội. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và đặc biệt chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật. 

Cùng với đó rà soát lại các quy định của pháp luật và điều kiện về phòng cháy, chữa cháy liên quan đến việc kinh doanh, cho thuê trọ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7-2024; kiểm tra, phân loại, có ngay giải pháp về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở cho thuê trọ, dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH cho người dân, nhất là ở các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn trong dịp nắng nóng sắp tới.

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội sáng nay (ngày 24/5), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính làm 14 người tử vong. Bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ những đau thương, mất mát với thân nhân, gia đình có người thân tử vong trong vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại Trung Kính (Hà Nội), đồng thời đề nghị cần sớm có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, căn cơ; trong đó có những ý kiến rất cụ thể như nhà cao tầng, chung cư, nhà trọ... buộc phải có cửa thoát hiểm; nên cấm phòng trọ kết hợp sản xuất kinh doanh và việc tập huấn hàng năm rất quan trọng, không chỉ rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm... 

Điều quan trong nhất để "phòng hơn chống" vẫn là ý thức của con người. Nhiều người không nghĩ hành vi của mình là bất cẩn, dẫn đến hậu quả. "Nhất thủy, nhì hỏa" - Hậu quả những tai họa do nước, lửa gây ra đối với con người luôn tàn khốc. Mỗi người chúng ta cần tự nâng cao nhận thức, không được chủ quan với bất kỳ lý do nào trước "giặc lửa” bởi khi hiểm hoạ xảy đến, sự hối hận đã quá muộn màng!

Thu Trang

Tags nâng cao cảnh giác giặc lửa Yên Bái hoả hoạn

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Thực tiễn 77 năm qua cũng khẳng định, suốt quá trình đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dân quân tự vệ (DQTV) luôn là lực lượng dự bị hùng hậu cho bộ đội chủ lực và đi đầu trong lao động sản xuất, là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa phương.

Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh gặp gỡ, ôn lại truyền thống nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Vậy đã 49 năm trôi qua. Hào khí oanh liệt của cuộc chiến tranh thống nhất non sông về một mối mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với mốc son ngày 30/4 không bao giờ phai nhạt.

Ảnh minh họa.

Nhằm tôn vinh nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 19/4/2009, tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Lễ công bố Quyết định 1668 của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 19/4 hằng năm làm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Sản xuất bột đá CaCO3 tại Công ty cổ phần Stone Việt Nam tại huyện Lục Yên.

Cụ thể hóa chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình hành động, kịch bản bằng những việc làm, hành động cụ thể; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục