Phường Yên Ninh là một trong những trung tâm giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố Yên Bái có mật độ dân cư đông, cư trú tập trung. Trên địa bàn phường có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, trong đó có nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng dễ cháy nên tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ cao. Bởi vậy, công tác PCCC luôn được cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm.
Ông Lê Biên Giới - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Ninh thông tin: "Phường hiện có trên 3.680 hộ dân với gần 13.000 nhân khẩu. Để đảm bảo an toàn PCCC, từ năm 2023, phường triển khai mô hình "Điểm chữa cháy công cộng” tại 8 ngõ tập trung đông dân cư có chiều dài từ 50m trở lên mà xe chữa cháy không tiếp cận được tại 6 tổ dân phố. Các "Điểm chữa cháy công cộng” được trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy thông dụng như: bình chữa cháy, búa, kìm cộng lực, nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC…
Mô hình đi vào hoạt động bước đầu đã phát huy được tính chủ động, tương trợ nhau giữa các hộ gia đình trong khu dân cư; đặc biệt là phát huy được phương châm "4 tại chỗ” trong công tác PCCC, tận dụng được "thời gian vàng” 5 phút ban đầu từ khi cháy xảy ra để dập tắt đám cháy, cứu người cứu tài sản”.
Ông Đào Minh Hoa - người dân tổ 8 cho biết: "Từ khi có "Điểm chữa cháy công cộng” tại khu phố, tôi được tham gia huấn luyện kỹ năng sử dụng bình chữa cháy để dập lửa, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm… Tôi thấy đây thực sự là mô hình hữu ích bởi ở đây đường rất hẹp nên nếu chẳng may có sự cố cháy, nổ xảy ra, xe chữa cháy không thể nào vào được thì tôi và người dân xung quanh có thể sử dụng được bình chữa cháy, vòi phun nước để chữa cháy ngay sau khi phát hiện sự việc”.
Trên địa bàn huyện Yên Bình có gần 30.700 nhà ở hộ gia đình, trong đó có 400 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Để chủ động phòng chống cháy nổ tại các khu dân cư, thời gian qua, huyện đã tổ chức gần 1.000 lượt tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động của các chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể tại khu dân cư với trên 5.300 lượt người tham gia. Đồng thời, lực lượng chức năng đã vận động trên 400 hộ gia đình tự trang bị phương tiện chữa cháy, CNCH và 1 hộ gia đình tháo dỡ lồng sắt, "chuồng cọp” để tạo lối thoát nạn thứ 2 nếu có sự cố cháy nổ xảy ra.
Ông Trần Huy Trí - Phó trưởng Công an huyện Yên Bình cho hay: "Thúc đẩy phong trào Toàn dân tham gia PCCC, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đến từng hộ gia đình, khu dân cư, cơ sở kinh doanh để kiểm tra nắm tình hình, kết hợp với tuyên truyền các văn bản nhà nước về PCCC, Luật PCCC, cách bảo quản và sử dụng các phương tiện chữa cháy, thực hành chữa cháy… Cùng với đó, vận động mỗi gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phương tiện phá dỡ, thoát nạn; cài đặt ứng dụng Báo cháy 114. Hiện nay, toàn huyện có 4 "Tổ liên gia an toàn PCCC” và 6 điểm chữa cháy công cộng".
Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, số lượng các hộ gia đình tận dụng nhà ở để kết hợp sản xuất kinh doanh ngày một gia tăng, làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy, nổ, đặc biệt trong thời điểm nắng nóng. Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an trong thời gian qua, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình các tổ liên gia an toàn PCCC phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 171 "Điểm chữa cháy công cộng”, 97 "Tổ liên gia an toàn PCCC”. Đây là những mô hình huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC với tinh thần "tự nguyện, tự phòng, tự quản" để đảm bảo an toàn PCCC tại các khu dân cư. Phương châm "4 tại chỗ", gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ được phát huy góp phần quan trọng đảm bảo sự phối hợp và hỗ trợ hiệu quả trong việc ngăn chặn và xử lý các tình huống cháy nổ nguy hiểm.
Ngày 3/1/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 01/CT-TTg về "Tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới" yêu cầu "công tác PCCC phải lấy phòng là "xây”, chữa là "chống”, lấy phòng là "cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong "thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm: Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân"
Thực hiện nghiêm Chỉ thị và tăng cường công tác PCCC tại cơ sở, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Yên Bái đã chủ động tham mưu triển khai xây dựng nhiều mô hình PCCC thiết thực, hiệu quả, rộng khắp, phù hợp với từng địa bàn dân cư. Trong đó, các mô hình Tổ liên gia an toàn về PCCC, Điểm chữa cháy công cộng, Trường học đảm bảo an toàn PCCC và CNCH, chợ đảm bảo an toàn PCCC và CNCH; nhà tôi có bình chữa cháy; khu dân cư đảm bảo an toàn PCCC và CNCH… đã góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia PCCC với tinh thần tự nguyện, tự phòng, tự quản; trở thành "cánh tay nối dài" của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH ở cơ sở.
Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: "Từ thực tiễn các vụ cháy xảy ra thời gian gần đây đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho thấy công tác chủ động phòng cháy chữa cháy là rất quan trọng. Do đó, khi các mô hình về an toàn PCCC được triển khai trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức về nguy cơ cũng như các kiến thức để phòng ngừa cháy nổ cho mọi người dân. Qua khảo sát cho thấy, ngoài việc trang bị các bình chữa cháy theo vận động chung, nhiều người dân đã chủ động mua thêm các trang thiết bị PCCC để trang bị cho hộ gia đình”.
Phòng chống cháy, nổ không thể một phút lơ là, chủ quan. Thống kê cho thấy, từ ngày 15/12/2022 đến hết quý I/2024, trên địa bàn tỉnh Yên Bái tuy không xảy ra các vụ cháy, nổ lớn song cũng đã có 50 vụ cháy nhà dân và cháy rừng, làm 1 người chết và thiệt hại 135,7 ha rừng các loại. Mới đây, ngày 21/5, trên địa bàn ở huyện Mù Cang Chải đã xảy ra
vụ rò rỉ dẫn đến nổ khí bình gas, lửa cháy khiến 4 người trong một gia đình bị bỏng nặng phải vào viện cấp cứu. Và ngay sáng nay (24/5), vào lúc 00h30 đã xảy ra
vụ cháy tại
tầng 1 ngôi nhà cho thuê trọ nằm sâu trong ngõ 119 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội), làm 14 người chết, 3 người bị thương là lời cảnh báo việc bắt buộc phải chủ động hơn nữa, cảnh giác hơn nữa trong công tác PCCC để tránh những hậu quả thương tâm như thế này.
Do vậy, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, mỗi người dân hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, để an toàn từng nhà, từng khu phố và từng người dân.
Thanh Chi