Trò chơi dân gian nâng cánh tâm hồn trẻ
- Cập nhật: Thứ hai, 20/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Bất cứ người nào trong chúng ta, dù là người nông dân chân lấm tay bùn hay một doanh nhân giàu có thành đạt, ai sinh ra cũng đã từng là một đứa trẻ và đã từng chơi những trò chơi con trẻ trong suốt thời thơ ấu của mình. Những trò chơi như có một ma lực hấp dẫn và vô cùng thú vị đối với tất cả những em bé.
Trò chơi “chồng nụ, chồng hoa” giờ ra chơi của học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Yên Bái).
|
Trò chơi của trẻ em Việt Nam ngày xưa thường bắt nguồn từ những trò chơi dân gian của người Việt. Trò chơi dân gian là một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống có ý nghĩa tích cực do nhân dân sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất và được lưu truyền tự nhiên, rộng rãi trong cộng đồng. Những trò chơi ấy hầu hết đều bắt nguồn hay có gắn liền với những bài đồng dao, những câu vè, hay những câu văn vần rất hay và độc đáo.
Hiện nay còn khoảng 30 đến 40 trò chơi dân gian Việt Nam vẫn thỉnh thoảng được tổ chức trong các dịp lễ hội hay các cuộc giao lưu thể thao – văn hóa. Một số trò chơi có tính phổ biến nhất là đá cầu, thả diều, kéo co, nhảy dây… Khi nghe tiếng trẻ con lanh lảnh hát: “Nu na nu nống, đánh trống phất cờ, mở cuộc thi đua, thi chân đẹp đẽ, chân ai sạch sẽ, gót đỏ hồng hào, không bẩn tí nào, được vào đánh trống” là bạn sẽ được thấy bọn trẻ ngồi thành một hàng ngang, chân duỗi dọc, xếp đều tăm tắp ra phía trước.
Một trẻ được cử ra ngồi phía đối diện, lấy tay đếm vào từng bàn chân theo mỗi từ trong bài hát. Khi từ cuối cùng trong bài hát rơi vào bàn chân của ai thì người đó phải nhanh chóng rút chân lên, nếu không rút chân kịp coi như bị thua cuộc và phải đứng ra làm người đếm chân cho ván tiếp theo hoặc phải chịu phạt bằng cách nhảy lò cò, hay phải chịu làm người bị bịt mắt cho trò chơi “bịt mắt bắt dê”. Như thế, bọn trẻ lại sẵn sàng chuyển tiếp sang một trò chơi mới là trò “bịt mắt bắt dê”. Đây là trò chơi giúp cho trẻ rèn luyện tính phán đoán và óc quan sát cao. Khi đã chán trò chơi này, đám trẻ lại chuyển qua các trò chơi khác, mới lạ hơn, hấp dẫn hơn. Rồng rắn lên mây, cướp cờ... là trò chơi nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp. Chơi thả diều giúp cho trẻ rèn luyện sự khéo léo, tinh tế và tâm hồn trong sáng qua việc giữ sao cho dây diều luôn căng và cánh diều no gió. Đánh đáo, chơi chuyền, đẩy gậy, chơi ô ăn quan lại rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo cá nhân, khả năng tính toán, phán đoán chính xác.
Từ chỗ ganh đua mang tính chất tượng trưng, dần dần các trò chơi trở thành những cuộc thi tài, thi khéo, các cuộc thi đấu thể thao như bi sắt, nhẩy ngựa, đá cầu, từ đó giúp cho trẻ có cơ hội rèn luyện và vận dụng những mặt tích cực của trò chơi dân gian vào thực tế cuộc sống như giúp đỡ cha mẹ làm những công việc nhà phù hợp với khả năng của mình.
Một đặc trưng quan trọng khiến cho các trò chơi dân gian dễ dàng đi vào đời sống tâm hồn của mỗi đứa trẻ, đó là các trò chơi dân gian thường rất đơn giản, không cầu kỳ, tốn kém nên có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi, đồ vật phục vụ cho trò chơi rất dễ tìm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên, thậm chí chỉ là cái dây, hòn sỏi, que tre, viên gạch chúng có thể nhặt trong vườn, dưới ruộng là có thể lập được một hội chơi. Mà cũng thật lạ với bọn trẻ, có thể hôm nay chơi chán trò này, nhưng ngày mai chúng lại cảm thấy thích thú, lại cảm thấy hào hứng với chính trò chơi đó, chúng lại chơi, lại nhảy hết trò này đến trò khác. Có lẽ vì thế mà những trò chơi dân gian có một sức sống lâu bền trong tâm trí mỗi người.
Có thể nói, những trò chơi dân gian có tác dụng rất bổ ích đối với mỗi đứa trẻ, không chỉ rèn luyện cho trẻ khỏe mạnh về thể chất, về sự phán đoán, óc tư duy sáng tạo và đặc biệt là rèn cho trẻ sớm có tính tự lập, chủ động, biết yêu thương con người, yêu thương thiên nhiên và cuộc sống quanh mình. Nhưng khi xã hội càng ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt, sự mở mang và tiếp nhận nhiều ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại mỗi ngày một tăng cao thì những trò chơi dân gian dường như đã không còn chỗ đứng trong tâm hồn những em bé.
Cả ngày nhìn đâu, bọn trẻ cũng chỉ thấy toàn là những tòa nhà cao tầng với chằng chịt dây điện và chảo thu vệ tinh thì hình ảnh cánh diều bay cao trên bầu trời xanh thật sự chỉ là niềm mơ ước với nhiều em. Giờ đây, trong một xã hội công nghiệp, trẻ em chỉ quen với máy móc và có thể sử dụng rất thành thạo các loại máy móc như máy vi tính, điện thoại di động nhưng các em lại không có lấy một khoảng trống để chơi các trò chơi vận động, để được chạy nhảy, reo hò.
Trẻ có thể vừa chơi vừa giúp đỡ bố mẹ việc nhà theo khả năng.
Chính vì thế, những câu hát: “Thả đỉa ba ba. Chớ bắt đàn bà. Phải tội đàn ông. Cơm trắng như bông. Gạo thuyền như nước. Đổ mắm đổ muối. Đổ chuối hạt tiêu. Đổ niêu nước chè. Đổ phải nhà nào. Nhà ấy phải chịu. Mua ba thùng vôi. Về bôi đầu đỉa” trong trò chơi “Thả đỉa ba ba”, hay trò chơi ô ăn quan chắc chắn là vô cùng lạ lẫm với không chỉ trẻ em thành phố mà còn với cả không ít trẻ em nông thôn. Bởi giờ đây, ngoài những giờ học căng thẳng chính khóa, các em còn phải dành thời gian cho việc học thêm, học nâng cao, nếu có thời gian rảnh rỗi thì lại bị bố mẹ “ quản thúc” bằng cách nhốt trong nhà với bộ máy vi tính, hay những bộ phim hoạt hình, những game online, game show ca nhạc, chọn giá đúng, du lịch hay những đĩa quảng cáo ồn ào, rực rỡ. Còn đồ chơi thì nhiều tiền nhưng lại ít tính giáo dục và sặc mùi bạo lực như súng nhựa, siêu nhân, xe tăng chiến đấu…
Có thể nói, những trò chơi điện tử, hay game online có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với hầu hết các em nhỏ. Và cũng không thể phủ nhận được mặt tích cực của những trò chơi đó, bởi nó giúp cho các em sớm được làm quen với công nghệ thông tin, với khoa học kỹ thuật hiện đại, giúp các em dễ dàng hội nhập với thế giới xung quanh, đồng thời giúp các em có một tư duy nhạy bén, khả năng phân tích tỉ mỉ.
Nhưng việc quá say mê và lạm dụng những trò chơi điện tử ấy lại khiến cho trẻ dễ bị thu mình vào thế giới cô độc của riêng mình, làm trẻ mất khả năng hòa đồng vào tập thể, trẻ chỉ biết đến những giá trị ảo qua màn hình mà không biết rằng cuộc sống ngoài kia đang cần ở mình những gì, khả năng chia sẻ, đoàn kết và vận động của trẻ cũng vì thế mà không được phát huy. Việc không được chơi những trò chơi dân gian cũng là một thiệt thòi của các em bởi qua tìm hiểu được biết, hầu hết trẻ em vẫn rất háo hức và thích thú, ở đó các em được sống thật với tuổi thơ, với khả năng và tâm hồn của mình.
Với những ý nghĩa sâu sắc của trò chơi dân gian thì việc giúp cho trẻ em được quay trở lại tham gia vào những trò chơi bổ ích ấy là trách nhiệm của mỗi người. Môi trường thuận lợi nhất để phát triển những trò chơi dân gian chính là trường học, các điểm vui chơi, giải trí công cộng và các dịp lễ hội. Trong đó, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Nó không chỉ góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kỹ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm mà còn giúp học sinh rèn khả năng ứng xử văn hóa, không va chạm với những trò chơi trực tuyến bạo lực, vô bổ đang tràn lan và các tệ nạn xã hội khác.
Với ý nghĩa to lớn của việc đưa trò chơi dân gian vào trường học, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các tổ chức đoàn thể và phụ huynh học sinh trong việc tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh. Vấn đề đặt ra là các trường học, các khu vui chơi, giải trí công cộng cần phải nghiên cứu, tìm tòi biện pháp nhằm khơi gợi sự hứng thú cho các em khi đến với các trò chơi dân gian.
Mặt khác, việc tổ chức trò chơi dân gian trong trường học phải phù hợp với thời gian, chỗ chơi cũng như số người tham gia. Để trò chơi thật sự hấp dẫn các em, người quản trò nên quan tâm đến yếu tố thi đua giữa các nhóm với nhau và động viên kịp thời các em trong khi vui chơi. Phải biết lựa chọn, phối hợp hướng dẫn việc tổ chức đưa các trò chơi, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian vào trong nhà trường cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và lứa tuổi học sinh phổ thông. Cần lồng ghép các trò chơi dân gian vào giờ ra chơi, trong sinh hoạt Đoàn, Đội, có thể lấy một vài trò chơi phù hợp để đưa vào thành bài học môn thể dục, hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường.
Trẻ em thành phố giờ đây quen với những trò chơi hiện đại.
Qua đó, góp phần biến những giờ sinh hoạt thành những buổi giải trí đúng nghĩa sau những giờ học tập căng thẳng. Trò chơi dân gian được tổ chức khoa học sẽ góp phần thỏa mãn nhu cầu vui chơi, khả năng vận động và phát triển của học sinh trong nhà trường, có ý nghĩa lớn trong việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong giai đoạn hiện nay. Các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp khuyến khích, động viên những người quản lý các tụ điểm vui chơi công cộng đưa một số trò chơi dân gian phù hợp vào chương trình sinh hoạt thường kỳ thay cho một số trò chơi ít tính giáo dục khác.
Trò chơi dân gian không đơn thuần chỉ là một trò chơi con trẻ mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc của một nền văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, đó là nền văn minh lúa nước tạo nên nền văn hóa tiên tiến, độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc. Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Vì thế giúp các em hiểu và tìm về cội nguồn với những trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết trong bất cứ thời điểm nào trong tiến trình phát triển của xã hội.
Nguyễn Thị Kim Ngân
Các tin khác
YBĐT - Nhiều nơi người ta san gạt mặt bằng xây dựng, đổ đất ra ven suối làm thu hẹp lòng suối. Dòng nước chảy có vẻ nặng nề hơn vì độ sâu đã bị bồi lấp; nước đục vì ô nhiễm và rác thải.
YBĐT - Quyết định số 131⁄QĐ-TTg ngày 23.1.2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 4% cho các tổ chức cá nhân vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất kinh doanh còn hơn 4 tháng nữa là hết hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã được vay vốn hỗ trợ lãi suất nhưng với hộ nông dân nhiều nơi vẫn là chuyện dài dài.
YBĐT - Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là công cụ hỗ trợ đắc lực nhằm nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp cán bộ và nhân dân. Có rất nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả đã và đang được áp dụng và một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả nhất đó là tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động hòa giải của đội ngũ hòa giải viên cơ sở.
YBĐT - Năm 2000, lần đầu tiên những cột bê tông cao lớn “cõng” điện lên thắp sáng các bản làng của xã Sơn A (huyện Văn Chấn) - Yên Bái. Bà con các dân tộc ở đây rất đỗi vui mừng. Hôm nay, sau 9 năm sáng điện, tôi về thăm bản Cò Cọi, xã Sơn A nhưng thật ngỡ ngàng khi lại thấy những cột bê tông nằm trơ trọi giữa đồng cùng những đường dây mắc còn dang dở. Lại bắt gặp những cái nhìn bâng khuâng đầy nghi hoặc, khiến tôi chạnh lòng nghĩ tới niềm tin của bà con dân bản vốn đã bị “chắp vá” nhiều lần vì những đường dây mắc điện kia vẫn đang bị bỏ lửng.