Gỡ khó cho người làm chè bằng quy hoạch

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vụ chè năm nay, các cơ sở chế biến chè gần như nằm yên, một cảnh đìu hiu quen mà lạ. Kịch bản: rớt giá - nông dân bỏ chăm sóc chè – nhà máy thiếu nguyên liệu; được giá - không đủ nguyên liệu chế biến lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua với ngành chè Yên Bái.

Trên 13.000 ha là diện tích lớn với một cây công nghiệp nhưng thế mạnh về diện tích không giúp nông dân làm chè giàu lên trong những năm qua, nó vẫn là cây xoá đói giảm nghèo. Hàng loạt yếu kém của sản xuất chè đã được chỉ ra, nhà quản lý đưa ra lý do: hàm lượng khoa học công nghệ kết tinh trong sản phẩm còn rất thấp, doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư, đa dạng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, phát triển sản xuất không tuân theo quy hoạch...

Doanh nghiệp cho rằng trình độ sản xuất của nông dân, nhất là vùng cao còn thấp, chất lượng nguyên liệu đầu vào không đáp ứng yêu cầu về phẩm cấp, thị trường cạnh tranh quyết liệt. Nông dân ca thán: giá vật tư tăng cao, thị trường bấp bênh, doanh nghiệp ép cấp ép giá...

Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành nghị quyết riêng cho sản xuất chè, hàng chục tỷ đồng đã được Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đầu tư cho sản xuất chè; trên 1.000 ha chè giống mới đặc sản như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên đã được trồng ở các địa phương... Tuy nhiên, chè Yên Bái tới nay chưa có thương hiệu, đúng hơn là chưa có sản phẩm chè nào của Yên Bái có chỗ đứng trên thị trường một cách bền vững, hàng vạn nông dân vùng chè vẫn lao đao khi thị trường nổi bão.

Trong chương trình phát triển cây chè tới năm 2015, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định sản lượng chè búp tươi 130.000 tấn, năng suất bình quân 10 tấn/ha - đó là những chỉ tiêu lớn phải có sự bứt phá mạnh mẽ với các giải pháp đồng bộ về khoa học công nghệ, thị trường, nguyên liệu mới đạt được...

Vấn đề đặt ra ở đây là, cây chè đã gắn bó với nông dân Yên Bái hơn 40 năm nhưng nó vẫn chỉ là cây xoá đói giảm nghèo, mang tính xã hội nhiều hơn kinh tế. 13.000 ha là diện tích rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Nông dân gắn bó với chè, chưa thấy ai giàu lên được, kiểm lại đời làm chè một nắng hai sương vẫn chưa thể khấm khá.

Thực tiễn đang đặt ra câu hỏi: Có nên quy hoạch lại vùng chè nguyên liệu trên cơ sở rà soát, đánh giá đúng diện tích, chất lượng để tập trung đầu tư, thâm canh gắn với chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng rừng kinh tế? Thực tế, nhiều nơi nông dân đã chủ động chuyển đổi diện tích chè không hiệu quả sang trồng rừng kinh tế và họ đã giàu lên. Trồng rừng kinh tế là hướng đi cho hiệu quả rõ nét ở Yên Bái thời gian qua, thị trường tiêu thụ gỗ rừng trồng có tính ổn định và bền vững, hướng đi này đã được mô hình hoá - điển hình hoá ở nhiều địa phương và ngay ở các địa phương có diện tích chè lớn như Văn Chấn, Yên Bình.

Gỡ khó cho người làm chè bằng quy hoạch kể như là một giải pháp có tầm nhìn và chiều sâu, có tính thực tiễn cao cần được các cấp ngành quan tâm xem xét.

Tuấn Anh

Các tin khác
Trang phục của phụ nữ các nhánh dân tộc Dao ở huyện Văn Yên.

YBĐT - Dân tộc Dao ở Yên Bái có số dân thuộc hàng đông nhất trong số 13 dân tộc có số dân từ 5 nghìn người trở lên. Đồng thời, cùng với người Mông, người Dao cũng được đánh giá là hai dân tộc đang bảo lưu tốt trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, nét đẹp trong trang phục của người Mông là sự phức hợp của nét đẹp thiên nhiên được mô hình hóa trên trang phục thì người Dao vừa có các yếu tố nêu trên, nhưng lại được kết hợp cả yếu tố lịch sử và tín ngưỡng dân gian trong trang phục.

YBĐT - Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề được nhắc đến thường xuyên, vì đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng liên quan đến sức khoẻ của mọi người, nhưng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Vấn đề VSATTP không thể do một hoặc vài cá nhân có thể đứng ra giải quyết. Nó đang trở thành bài toán nan giải đòi hỏi sự phối hợp thực hiện đồng bộ của toàn xã hội, từ các cấp, các ngành chức năng đến từng người dân.

Các thành viên của Hội văn nghệ làng văn hóa Nà Ké tập bài hát mới tại nhà Chủ tịch Hội đồng làng Dương Văn Canh.

YBĐT - Nằm cách xa khu trung tâm của xã vùng sâu Ngọc Chấn (Yên Bình - Yên Bái), nhưng Nà Ké lại là ngôi làng đầu tiên của 5 thôn, bản: Thái Y, Nà Đình, Suối Hốc, Làng Ven và Nà Ké xây dựng làng văn hoá. Năm 2001, làng được công nhận tiêu chuẩn làng văn hoá cấp huyện. Bằng nỗ lực của cả Hội đồng làng và những thành tích toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội đã đạt được nhiều năm qua, các thành viên trong làng đang phấn đấu đưa Nà Ké vào danh sách làng văn hoá cấp tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Tuổi trẻ luôn xung kích đi đầu trong các phong trào tình nguyện.

YBĐT - Đến nay, số cán bộ Đoàn chủ chốt (Bí thư, Phó bí thư) ở các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh Yên Bái có độ tuổi từ 30 đến trên 40 chiếm 57,43%, trong đó độ tuổi từ 30 - 35 chiếm 40,5%, số 36 - 40 chiếm 16,7% và trên 40 chiếm 0,23%. Nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong công tác luân chuyển cán bộ Đoàn nên dẫn đến tình trạng “U40. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào cho đầu ra của cán bộ Đoàn đã trưởng thành Đoàn mà chưa được luân chuyển sang công việc khác cho phù hợp?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục