Nâng cao nhận thức người dân trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 10:03:47 AM

YBĐT - Phải thấy rằng, chưa bao giờ vệ sinh an toàn thực phẩm lại thành câu chuyện nhức nhối và được quan tâm như thời gian này. Vẫn biết, vào dịp gần tết nhu cầu tiêu dùng tăng - lúc cần quan tâm hơn đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, dù đây là vấn đề được coi là “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Năm 2012, trong số 563.171 cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm được kiểm tra trong cả nước đã phát hiện vi phạm 21,2% số cơ sở vi phạm. Ở Yên Bái, qua kiểm tra gần 4.000 cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh, phát hiện gần 16% cơ sở vi phạm. Năm 2012 cũng ghi nhận 19 vụ ngộ độc thực phẩm với 75 ca mắc. May mắn không có trường hợp tử vong, số vụ và số người mắc đều giảm so với năm 2011.

Cùng với việc tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, công tác tuyên truyền ở Yên Bái đã được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm được phát động; công tác truyền thông bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được đổi mới về nội dung và hình thức và tần suất ngày càng cao trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có nơi tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, sinh hoạt cộng đồng.

Hàng năm, tại trung tâm tỉnh và một số huyện thị thường diễn ra các hội chợ thương mại, ở hội chợ bao giờ cũng giành một gian hàng để cơ quan quản lý thị trường nhằm giới thiệu để mọi người có thể phân biệt hàng thật hàng giả. Đã có địa phương, lực lượng quản lý thị trường còn đưa các mẫu đối chứng giả - thật vào các chợ để hướng dẫn người tiêu dùng có thể biết đâu là rượu giả, mì chính, thuốc lá không rõ nguồn gốc...

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, qua truyền thông nhận thức được nâng cao, tỷ lệ người người sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng thực phẩm hiểu và thực hành đúng về an toàn thực phẩm mới ở mức 55%; tỷ lệ người lãnh đạo quản lý hiểu và thực hành đúng về an toàn thực phẩm cao hơn 60%. 

Rõ ràng, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các cấp, các ngành hết sức quan tâm, vấn đề đặt ra lại chính bắt đầu từ phía người tiêu dùng.

Ai cũng muốn mình trở thành người tiêu dùng thông thái nhưng không phải tất cả mọi người đã làm được điều đó, nhất là địa bàn vùng nông thôn, vùng cao vùng sâu còn nhiều khó khăn của tỉnh. Đây là nơi, người dân ở những thị trường này mới cơ bản quan tâm đến vấn đề giá cả hàng hóa có phù hợp với thu nhập.

Ở nơi khá giả hơn, mấy ai giành thời gian để nghe những người có chuyên môn giải thích, phân biệt thật giả đối với các mặt hàng thiết yếu. Lúc sử dụng đã mấy ai đọc kỹ phần hướng dẫn bảo quản của nhà sản xuất. Khi mua hàng, số người suy xét nguồn gốc, xuất sứ hàng hóa, hạn sử dụng cũng chưa thành phổ biến, nhất là đối với thực phẩm tươi sống. Và những “thủ đoạn tinh vi” của người sản xuất, người lưu thông nhằm mục đích lợi nhuận mang lại những hậu quả khôn lường cho cộng đồng.

Đã nhận thức được mối nguy hại từ thực phẩm bẩn, thế nên, một bộ phận người dân đã bằng mọi cách tìm đến với những thứ thực phẩm sạch. Họ tìm được mớ rau “an toàn” thông qua mối quan hệ, rủ nhau mổ chung con lợn được coi là sạch, những mớ tôm cá, những con gà thả vườn…

Phải chăng người tiêu dùng đã mất lòng tin vào thị trường?! Không hoàn toàn như vậy, nhưng cũng không còn cách nào khác và rồi họ cũng phải cùng nhau chấp nhận thị trường. Bởi không thế thì nguồn cung “sạch” làm sao có thể đủ, ngay cả người nuôi trồng cũng còn tính toán chỗ trồng được ít để ăn, chỗ “chăm sóc đại trà” để bán. Người tiêu dùng lại không thể tạo ra nguồn thực phẩm cho thị trường, mà phải theo vòng xoáy đó.

Việc nâng cao nhận thức cho người người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm cần được tăng cường nhiều hơn kết hợp với hoạt động của hội bảo vệ người tiêu dùng. Quan trọng hơn, chính họ không thể là người chỉ biết “tẩy chay” một cách lặng lẽ. Phải có sự hợp lực của cả cộng đồng người tiêu dùng, nhằm từng bước tăng tỷ trọng “ăn sạch, uống sạch”, tiến đến tạo môi trường tiêu dùng sạch.

Trước mắt, ngay trong dịp tết này, mỗi khi mua đồ ăn, thức uống, mỗi người dân hãy giành những giây phút hiếm hoi để soi xét, kiểm tra và phải biết bảo quản đúng cách để sử dụng an toàn. Bắt đầu từ những việc làm như vậy, nhận thức của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ từng bước được nâng lên.

Minh Quang

Các tin khác
Lương và tiền lương luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa).

YBĐT - “Làm công ăn lương” - một thuật ngữ đã ăn sâu vào tiềm thức của người lao động bất kể họ hoạt động trong lĩnh vực nào, từ kinh doanh buôn bán đến nghiên cứu sáng tạo, từ ông chủ cho đến người làm thuê, từ cán bộ công chức đến những người lao động tự do...

YBĐT - Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên đán Quý Tỵ. Để 6 vạn người có công, có 55.719 hộ nghèo và 10.133 hộ cận nghèo toàn tỉnh có một cái tết vui vẻ, đầm ấm là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và sự chung tay của toàn xã hội.

Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần nhưng không khí chưa sôi động.

YBĐT - Kể từ ngày 1/1/2013, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh rượu của Chính phủ có hiệu lực. Người tiêu dùng hy vọng rượu độc, rượu giả được loại trừ. Riêng người nấu và kinh doanh rượu thủ công còn đang có ý kiến khác nhau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục