Bí thư chống hủ tục
- Cập nhật: Thứ hai, 19/8/2013 | 9:08:53 AM
YBĐT - Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) cách quốc lộ 32C chưa đầy 2km, cách trung tâm huyện Văn Chấn chỉ vài cây số vậy mà nơi đây dường như cách biệt với bên ngoài. Đời sống người Mông Bản Lềnh còn nặng nề hủ tục khiến bà con không thể vươn lên. Trăn trở trước thực tế này, Bí thư Chi bộ thôn Sùng A Tỉnh đã không ngại dấn mình vào cuộc chiến xóa bỏ hủ tục những mong Bản Lềnh không còn nghèo khó.
Trồng ngô và phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng thoát nghèo của người dân Bản Lềnh.
|
Nghèo vì hủ tục
Đường vào Bản Lềnh đã dễ dàng hơn nhờ con đường được mở mới từ Đề án giao thông nông thôn thực hiện cuối năm 2011. Bản Lềnh gần là thế, những tưởng đời sống của người dân khấm khá lắm, vậy mà hoàn toàn ngược lại. Không điện, ruộng nước chưa đầy chục ha, trồng lúa, trồng ngô chẳng đủ ăn, chỉ hộ nào chăm chỉ, có đầu óc làm kinh tế, tận dụng đồng cỏ, thức ăn tại chỗ để chăn nuôi thêm ít trâu, bò, lợn còn khấm khá. Bản có 49 hộ dân thì có tới 41 hộ nghèo bởi những hủ tục xưa nay của người Mông ở đây vẫn dai dẳng truyền đời.
Nhà Bí thư chi bộ thôn Sùng A Tỉnh nằm ngay đầu bản, khá khang trang. A tỉnh có lẽ là người Mông có tư tưởng tiến bộ nhất ở Bản Lềnh. Còn rất trẻ, mới 32 tuổi nhưng Tỉnh đi nhiều, nghe nhiều, thấy nhiều điều hay ở bên ngoài, trở về so sánh với dân bản mình mới thấy có nhiều việc trong đời sống sinh hoạt còn quá lạc hậu.
Tỉnh nhớ lại: "Ngày mình cưới, nhà gái thách cưới 5 triệu đồng, hồi đó là bằng cả một con trâu, trị giá bây giờ cũng phải 40 triệu. Đám cưới mời cả làng đến mổ trâu, bò, lợn gà ăn uống linh đình 3 ngày. Cưới xong nhà chẳng còn gì, bao nhiều của cải bố mẹ tích cóp bấy lâu chỉ nhoáng cái gần như sạch bách. Nghĩ lại mới thấy lãng phí quá".
Ở Bản Lềnh những phong tục, tập quán "nguyên thủy" nhất của người Mông vẫn được duy trì. Không chỉ đám cưới, đám ma ở đây cũng tốn kém không ít, thậm chí tốn hơn. Người chết được buộc vào cáng treo trên vách tường nhà 3-5 ngày. Trong thời gian này, người chết vẫn được đút cơm bình thường, bên ngoài dân làng đến giúp đỡ thì chủ nhà phải mổ trâu, lợn, gà cho người giúp tang ăn uống, đến ngày cuối cùng phải mổ lợn chia cho từng người đã giúp trong lễ tang, người giúp nhiều chia nhiều, giúp ít chia ít.
"Tại sao lúc đưa đám người Mông, người ta thường đi rất nhanh? Thật ra đó chẳng phải là tập quán gì mà là do xác chết để lâu bốc mùi quá nên phải đi thật nhanh, chẳng may vấp ngã thì chôn luôn tại đó" - Tỉnh lắc đầu chán nản. Tỉnh hiểu rằng nếu như người Mông vẫn giữ mãi tập quán lạc hậu này thì đời sống của dân mình sẽ mãi mãi không khá lên được, sự đói nghèo như một cái vòng luẩn quẩn đeo bám mãi.
"Nếu nói về sự cần cù, chịu khó thì người Mông cũng không hề kém bất kỳ dân tộc nào. Điều này tôi hoàn toàn tin bởi lẽ tôi thường chứng kiến những phụ nữ Mông ngày mùa dậy từ 2h sáng nắm cơm lên nương đến tối mịt mới về, trên lưng lại gùi thêm bó củi, trên đường đi tay lại không ngừng thêu gối, thêu quần, thêu áo. Thử hỏi sự cần cù đó có kém ai? Nhưng tại sao bao đời nay họ vẫn nghèo?". Câu hỏi đó giờ đây Tỉnh đã phần nào hiểu ra và có thể tự trả lời: Hủ tục làm cho người Mông nghèo đi, dù có khá thì rồi cũng sẽ lại nghèo vì nó!
Bước chuyển từ... nghĩa trang
Tỉnh dẫn chúng tôi đến thăm nghĩa trang đầu tiên của thôn, rộng 3.000m2. Nghĩa trang nằm ngay giữa hai xóm tiện lợi cho việc đi lại. Đó là kết quả của việc thực hiện cuộc vận động thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang của huyện Văn Chấn. Khi triển khai ở Bản Lềnh gặp rất nhiều khó khăn. Để có được nghĩa trang đó, người bí thư chi bộ này đã phải đổi 5.000m2 nương của mình cho những hộ có nương ở đây, bởi vận động người Mông hiến đất làm nghĩa trang không được, cả chục hội nghị tuyên truyền vận động của huyện, xã cũng không xong.
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thịnh Đỗ Gia Quỵnh trầm tư: "Ngẫm lại cũng có cái khó, bởi lẽ họ toàn hộ nghèo, có chút đất nương để cấy hái, nếu hiến làm nghĩa trang thì lấy gì làm ăn. Mình cứ nói, vận động dân thực hiện nếp sống mới trong việc tang nhưng nghĩa trang không có thì thực hiện làm sao được".
Hiểu và thông cảm, sau nhiều ngày trăn trở, Tỉnh bàn với vợ con quyết định đổi 5.000m2 nương có vị trí thuận lợi của mình lấy 3.000m2 nương làm nghĩa trang của bản. Có nghĩa trang, việc vận động cũng dễ hơn, dân cũng đồng thuận sẽ đưa người chết đến đó chôn cất và cũng đồng thuận sẽ chôn cất trong vòng 36 tiếng không để kéo dài hơn.
Tuy nhiên, việc thực hiện, theo Tỉnh vẫn sẽ rất khó, bởi lẽ đa số dân Bản Lềnh là hộ nghèo, vận động người dân đem chôn cất ở nghĩa trang không khó, cái khó là vấn đề áo quan. Huyện hỗ trợ 2 triệu đồng, còn lại người dân cũng phải bỏ 2-3 triệu đồng nữa mới đủ tiền mua áo quan, số tiền đó không phải nhỏ đối với người nghèo.
Gỡ khó cho Bản Lềnh
Cuộc chiến hủ tục sẽ vẫn tiếp diễn và còn nhiều khó khăn. Lãnh đạo xã Sơn Thịnh hiểu rằng song song với cuộc chiến hủ tục là cuộc chiến chống đói nghèo. Nhưng trở ngại lớn nhất ở Bản Lềnh đó là không có điện dẫn đến mọi thông tin qua hệ thống truyền thanh, truyền hình người dân không được tiếp cận. A Tỉnh cho biết: "Vận động, tuyên truyền nói ra rả ra đó, dân nghe thì có nghe nhưng không được nhìn tận mắt, trong khi trình độ nhận thức của người dân lại rất kém khiến hiệu quả tuyên truyền không cao".
Mảnh nương Sùng A Tỉnh hiến cho Bản Lềnh làm nghĩa trang.
Khó càng thêm khó khi hầu hết các chương trình hỗ trợ giảm nghèo không đến được với người dân. Thay đổi tư duy làm kinh tế cho người dân Bản Lềnh, từ đó đưa các mô hình phát triển kinh tế vào để người dân học tập làm theo là hướng xóa nghèo tốt nhất cho người Mông Bản Lềnh. Người Mông không chỉ ở Bản Lềnh có suy nghĩ là làm gì cũng phải có người làm trước rồi mới chịu làm theo. Có lẽ tư duy một bộ phận người dân Bản Lềnh thay đổi từ năm 2009 khi chứng kiến A Tỉnh làm kinh tế.
Sùng A Tỉnh cho biết: "Năm 2009, mình được hội chữ thập đỏ hỗ trợ 50% tiền mua bò sinh sản, chỉ một năm sau nó sinh sản ra bê. Thấy có hiệu quả, mình tiếp tục mua thêm, hiện mình đã có 14 con trâu, bò". Tỉnh dự định sẽ quy hoạch 15ha đất nương để làm bãi chăn thả phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện tại A Tỉnh có 2ha trồng sắn và 1ha trồng ngô, đó là nguồn thức ăn tại chỗ cho chăn nuôi. Nhiều người dân trong bản cũng bắt đầu học theo Tỉnh phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Khi được hỏi cũng là dân Bản Lềnh tại sao Tỉnh lại nhiều đất, nhiều trâu bò đến thế, A Tỉnh cho hay: "Nhiều năm trước, đất trống ở Bản Lềnh còn nhiều nhưng chẳng ai khai hoang. Mình với vợ có sức khỏe, khai hoang trong nhiều năm để trồng lúa, trồng ngô, rồi trong bản có đám cưới, đám tang người ta lại bán, mình mua lại nên giờ mới có nhiều đất".
Là bí thư chi bộ thôn, Tỉnh mong muốn người Mông Bản Lềnh nhanh chóng thoát nghèo nhưng anh cũng hiểu việc đó rất gian nan. Việc vận động người dân làm kinh tế được giao cho 8 đảng viên của Chi bộ. Mỗi đảng viên phụ trách 6 hộ, hàng tháng phải báo cáo trước Chi bộ kết quả vận động, giúp đỡ một cách cụ thể, từ đó Chi bộ rút kinh nghiệm.
"Người dân thường chỉ làm cho đủ ăn là thôi, không nghĩ xa hơn, có lúc vào ngày mùa mình thu hoạch xong rồi còn phải cho vợ, con đi giúp hộ khác thu hoạch ngô, sắn"- Tỉnh băn khoăn giãi bày. Bí thư Tỉnh và các đảng viên đều hiểu, muốn người Mông Bản Lềnh thoát nghèo, trước tiên cần phải thay đổi tư duy của đồng bào và muốn làm được điều này, đảng viên phải đi trước, người dân mới học làm theo.
Cuộc chiến xóa bỏ hủ tục, chống đói nghèo ở Bản Lềnh sẽ còn nhiều gian nan nhưng từ đám cưới mới đây của Sùng A Thông - cháu của A Tỉnh đã thực hiện theo nếp sống mới, chỉ ăn uống trong một buổi sáng, cỗ đơn giản không tổ chức linh đình là tín hiệu vui ở Bản Lềnh, và còn có những người như Tỉnh, cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền thì tin rằng cuộc vận động thực hiện nếp sống mới ở Bản Lềnh sẽ có kết quả tốt. Người dân Bản Lềnh từ trong nhận thức đang có nhiều đổi thay nhưng Bản Lềnh vẫn cần nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, trước mắt và cấp thiết nhất là điện, tiếp đến là vốn sản xuất và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Vận động tốt nhất không phải chỉ là nói mà cần có mô hình để người dân tận mắt thấy để học tập và làm theo.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Gia đình ít thì 4 đến 5, còn đông cứ phải trên chục. Trong số 11 trường hợp sinh con thứ 3 của toàn xã từ đầu năm 2013 đến nay, chủ yếu là các thôn đồng bào Mông.
YBĐT - Từ trước đến nay, nhiều người thường cho rằng, nạn tảo hôn chỉ phổ biến ở người Mông nhưng thực tế, đây đang là “căn bệnh truyền nhiễm” của xã hội, là nỗi trăn trở của cấp uỷ, chính quyền những nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là những địa phương phía tây tỉnh Yên Bái có đông đồng bào Thái.
YBĐT - Địa lý bị chia cắt dẫn đến công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống thiếu đồng bộ, đặc biệt cùng với đó là sự chồng chéo về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội giữa huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ.
YBĐT - Rừng quế hôm nay dân bản khai thác có rất nhiều cây quế lớn nhưng nổi bật, vượt lên trên khoảng rừng mênh mông là một cây quế cổ thụ sừng sững. Đó chính là cây quế Tổ, biểu tượng linh thiêng của đồng bào Dao Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái).