“Lệ làng” gần hơn “phép nước”!

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/8/2013 | 2:40:30 PM

YBĐT - Từ trước đến nay, nhiều người thường cho rằng, nạn tảo hôn chỉ phổ biến ở người Mông nhưng thực tế, đây đang là “căn bệnh truyền nhiễm” của xã hội, là nỗi trăn trở của cấp uỷ, chính quyền những nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là những địa phương phía tây tỉnh Yên Bái có đông đồng bào Thái.

Tảo hôn, đẻ dày, đẻ nhiều đang là vấn nạn ở vùng cao gây khó khăn trong xây dựng gia đình bền vững.
Trong ảnh: Một thanh niên ở bản Lìm Thái, xã Cao Phạ tay bế đứa con 2 tuổi và địu đứa con 1 tuổi sau lưng.
Tảo hôn, đẻ dày, đẻ nhiều đang là vấn nạn ở vùng cao gây khó khăn trong xây dựng gia đình bền vững. Trong ảnh: Một thanh niên ở bản Lìm Thái, xã Cao Phạ tay bế đứa con 2 tuổi và địu đứa con 1 tuổi sau lưng.

Vào bản Lìm Thái, xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải) thấy một thanh niên người Thái vẻ mặt non choẹt, tay bế, lưng địu 2 đứa trẻ, tôi hỏi: “Bế con hay cháu?” Chàng trai đáp: “Bế con”. Thanh niên này còn cho biết, mình mới bước sang tuổi 21 và đứa con đầu hơn 2 tuổi, đứa em hơn 1 tuổi. Tôi hỏi thêm: “Sao em lấy vợ sớm thế?”. “Không sớm đâu! Ở đây từ trước vẫn thế!”, cậu thanh niên trả lời.

Về xã Gia Hội (huyện Văn Chấn) - một xã cũng có đa số người Thái sinh sống, càng sửng sốt hơn với nạn tảo hôn ở đây đang có nguy cơ sẽ “truyền đời” với những ông, bà nội, ngoại tuổi ba mươi. Anh Ngân Văn N. ở bản Van sinh năm 1977 nhưng đứa con đầu lòng đã “phong chức” ông ngoại cho N. từ mấy năm nay. Đầu năm Quý Tỵ, đứa con gái thứ hai của N. sinh năm 1997 cũng lại “xuất giá tòng phu”.

Buổi tối, chúng tôi ăn cơm tại nhà một người quen kề với nhà N. Đang ăn, đứa cháu trai của chủ nhà phải đứng dậy để “lai mẹ vợ đi công việc”. Mấy người bạn tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy thằng bé mặt non choẹt mà đã có mẹ vợ.

Tôi đánh bạo hỏi: “Sao ông bà nội cho cháu lấy vợ sớm thế?”. Bà nội cháu lên tiếng: “Chẳng sớm đâu! Nó bằng tuổi đứa con gái thứ hai nhà N. đấy!”. Nghĩa là cậu này cũng mới 16 tuổi đã ăn hỏi để sang năm cưới vợ và bố của cậu sinh năm 1980 cũng chuẩn bị lên chức ông nội.

Nghĩ rằng, chuyện tảo hôn trong cộng đồng người Thái có thể chỉ diễn ra nhiều ở những vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, các xã vùng Mường Lò và ngay cả thị xã Nghĩa Lộ, nạn “bố mẹ trẻ con, ông bà non choẹt” cũng đã khá phổ biến. Để nhận ra một cô gái Thái tảo hôn chẳng khó khăn gì vì hễ thấy các em còn trẻ mà đã “tằng cẩu” (búi tóc đỉnh đầu) có nghĩa đã có chồng. Hoàng Thị H., ở bản Mớ, xã Hạnh Sơn (Văn Chấn) lấy chồng năm 16 tuổi và 17 tuổi thì sinh con. Tôi hỏi: “Sao cháu lấy chồng sớm thế?”.

Câu trả lời giống như bất kỳ người Thái nào khi được hỏi: “Người Thái từ trước vẫn thế mà!”. H. tâm sự: “Vì lấy chồng sớm nên cháu chẳng có thời gian để học tập, vui chơi”.

Đang mải nói chuyện với H. thì đứa em họ của H. nói: “Ở đây còn khối người lấy sớm hơn đấy!”. “Sớm hơn là bao nhiêu? - tôi hỏi. Cô bé đáp: “Mười bốn!”. Nghĩ rằng cô bé nói đùa nên tôi ướm hỏi: “Vậy ai đã lấy chồng từ 14 tuổi?”.

Cô bé vô tư nói: “Chị Đ. trên bản Muông, xã Phúc Sơn ạ!”. Bán tín bán nghi lời cô bé nói tôi đã lên tận bản Muông xa xa phía chân núi và biết đó là chuyện hoàn toàn có thật. Lò Thị Đ. đang học bậc THCS thì yêu một chàng trai người Thái ở tổ Ao Sen, phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ). Đ. đòi cưới nhưng mẹ là đảng viên nên không cho cưới. Chính quyền, các đoàn thể của xã, thôn đến tuyên truyền, giải thích Đ. cũng không nghe. Cuối cùng, bế tắc tinh thần nên Đ. đã uống thuốc độc tự tử. Rất may gia đình phát hiện kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu và sau khi sức khoẻ bình phục, Đ. đã bỏ về nhà bạn trai.

Gặp Đ., tôi không khỏi ngạc nhiên bởi trước mắt mình là một cô gái thấp nhỏ vẫn nguyên nét mặt của đứa trẻ mới lớn mà đã có con gần một tuổi. Đ. tỏ ra cởi mở vì tôi tìm hiểu chuyện tảo hôn của mình. Cháu nói: “Ở xã cháu khối người bằng tuổi cháu cũng lấy chồng mà sao người ta chỉ nói cháu”. Cám cảnh với hình ảnh bà mẹ ở cái tuổi lẽ ra còn tung tăng chạy nhảy, tôi lấy máy ảnh để ghi lại gương mặt của Đ. nhưng Đ. lảng tránh không cho chụp.

Cuối cùng tôi cũng “gặp may” khi anh trai chồng của Đ. nói: “Kệ chú ấy chụp! Ở đây đầy người như thế chứ có riêng mình đâu!”. Thêm một cô bé tuổi mười bốn, mười lăm lại chen lời: “Ở đây phong trào từ trước vẫn thế!”. Tôi hỏi vui: “Thế cháu đã sắp tham gia “phong trào” chưa?”. Cô bé đáp luôn: “Sắp rồi ạ!”.

Một số lãnh đạo và người dân ở các xã có đông đồng bào Thái còn cho biết thêm, ngăn chặn nạn tảo hôn có nhiều cái khó do tập quán. Có những trường hợp khi bị ngăn cấm nếu không tìm đến cái chết như cháu Đ. thì tiêu cực bỏ nhà đi làm trong các nhà hàng. Thường thì nhiều gia đình làm đám hỏi cho con khi còn ở tuổi vị thành niên chờ khi chúng đủ tuổi mới cho làm đám cưới.

Cá biệt, có nơi vẫn giữ tập quán cứ làm đám hỏi là người con trai được ở như vợ chồng bên nhà gái rồi có con và khi nào cưới là do hai gia đình sắp xếp. Do đó, chính quyền nắm chính xác tỷ lệ tảo hôn cũng rất khó, bị động trong xử lý. Không được làm đăng ký kết hôn họ thường cưới chui, không làm đám cưới hoặc lợi dụng cô dâu đã mang thai để tổ chức đám cưới. Tảo hôn là vi phạm pháp luật. Bởi Luật Hôn nhân và Gia đình quy định nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn.

Bộ luật Hình sự cũng quy định rất rõ hình thức xử phạt đối với những người nào tổ chức kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn hoặc cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật đối với người chưa đến tuổi kết hôn. Vậy, những trường hợp liên quan đến nạn tảo hôn trong cộng đồng người Thái có hiểu biết về quy định của luật pháp? Có thể thấy rằng, nó được biểu hiện phổ biến ở ba dạng: không hiểu biết về pháp luật, không hiểu rõ về pháp luật và biết tảo hôn là vi phạm luật pháp nhưng “lệ làng” gần hơn “phép nước”.

 

Tình trạng tảo hôn trong đồng bào Thái Mường Lò gia tăng trong những năm gần đây, gây khó khăn trong xã hội.

Chính quyền cơ sở có giấu diếm, thờ ơ với nạn tảo hôn? Chắc chắn không ở đâu xem nhẹ vấn đề này vì cấp uỷ, chính quyền những địa phương có đồng bào Thái sinh sống đều thừa nhận tảo hôn là thực trạng có thật và đã nói rõ thực trạng này ở nhiều cuộc họp với cấp trên. Có những địa phương như xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu) đã xử lý rất nghiêm những trường hợp vi phạm với quy định đảng viên không dự đám cưới tảo hôn, phạt tiền, phạt ngày công lao động ở các công trình công cộng, thậm chí đảng viên để con em tảo hôn sẽ bị kỷ luật.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Hát Lừu Lò Văn Chiến, từ đầu năm đến nay, Hát Lừu vẫn phải xử phạt 2 vụ tảo hôn. Nhưng Hát Lừu vẫn có điểm thuận lợi hơn nhiều xã có người Thái ở huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ. Ở những vùng này, xử phạt các trường hợp tảo hôn chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”.

Có thể xác định, một trong những nguyên nhân của tình trạng tảo hôn này là việc tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hoá và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đủ mạnh làm chuyển biến nhận thức của người dân, xử lý nạn tảo hôn đôi khi thiếu sâu sát, thiếu kiên quyết, vận dụng các chế tài xử lý chưa đủ sức thuyết phục, thậm chí chưa vận dụng hết quy định của luật pháp nên tình trạng tảo hôn không những không được hạn chế mà đang đang có chiều hướng gia tăng.

Đây chính là những tồn tại căn bản cần có sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng thông qua các giải pháp đủ mạnh, linh hoạt và phù hợp với thực tế ở cơ sở, nhất là trong đồng bào Thái ở Yên Bái. 

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Nghĩa Lộ - Mường Lò tuy đã được đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa xứng tầm với thị xã văn hóa và trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội phía Tây của tỉnh.
(Ảnh: nhật Thanh)

YBĐT - Địa lý bị chia cắt dẫn đến công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống thiếu đồng bộ, đặc biệt cùng với đó là sự chồng chéo về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội giữa huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ.

Người dân Giàng Cài thu hoạch quế.

YBĐT - Rừng quế hôm nay dân bản khai thác có rất nhiều cây quế lớn nhưng nổi bật, vượt lên trên khoảng rừng mênh mông là một cây quế cổ thụ sừng sững. Đó chính là cây quế Tổ, biểu tượng linh thiêng của đồng bào Dao Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Những ngày mưa rác thải được đẩy xuống dòng suối gây ảnh hưởng đến nguồn nước.

YBĐT - Những ngày trời nắng mùi xú uế từ những đống rác thải bốc lên khiến mọi người khó chịu, còn vào ngày mưa lượng rác thải trôi xuống hệ thống cống rãnh thoát nước gây ngập lụt, ảnh hưởng đến nguồn nước.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, huyện Trạm Tấu thăm diện tích chuyển đổi từ lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi tại xã Trạm Tấu.

YBĐT - Ngày mùa về, trên khắp cánh đồng của huyện Trạm Tấu, nơi đâu cũng nhộn nhịp. Nơi gặt lúa, nơi tuốt lúa, nơi be bờ, nơi nhổ mạ, nơi tiếng trâu lội bì bõm, nơi ruộng đã xanh những hàng lúa thẳng tắp xanh non mỡ màng. Tiếng nói, tiếng cười làm tan đi cái không khí oi bức thất thường tháng 7.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục