Trăn trở Mường Lò
- Cập nhật: Thứ ba, 13/8/2013 | 8:18:17 AM
YBĐT - Địa lý bị chia cắt dẫn đến công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống thiếu đồng bộ, đặc biệt cùng với đó là sự chồng chéo về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội giữa huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ.
Nghĩa Lộ - Mường Lò tuy đã được đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa xứng tầm với thị xã văn hóa và trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội phía Tây của tỉnh.
(Ảnh: nhật Thanh)
|
Đâu là không gian văn hóa?
Với kỳ vọng xây dựng thành công thị xã văn hóa ngay trong giai đoạn đầu, Nghĩa Lộ đã chỉ đạo các ban, ngành xây dựng 10 đề án chuyên ngành “vệ tinh” nhằm thực hiện đồng bộ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng gắn với xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường Lò. Thị xã đã biên soạn thành công “Bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò”, mở các lớp dạy chữ Thái cổ cho các đối tượng có nhu cầu học chữ và tiếng Thái cổ trên địa bàn. Nhiều tác phẩm văn hóa truyền thống có giá trị như “Tục cúng vía của người Thái đen Mường Lò”, “Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng”...
Theo ông Lò Văn Biến - người được coi là “bảo tàng sống” về văn hoá dân tộc Thái, Mường Lò là sự thăng hoa của văn hóa dân gian với những giá trị vật thể và phi vật thể đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, từ tên các bản mường cổ, đến những truyền thuyết, tín ngưỡng, các lễ hội và tâm linh, văn học nghệ thuật… tạo nên bề dày truyền thống văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Theo ông Biến, muốn bảo tồn văn hoá dân tộc Thái Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ phải thống nhất và định dạng được không gian văn hoá Mường Lò. Không gian văn hoá Mường Lò nên lấy chủ thể là điệu xoè.
Người Thái Mường Lò sống giữa thiên nhiên hùng vĩ cần cù, sáng tạo trong lao động chống lại kẻ thù. Mỗi khi hoàn thành công việc trọng đại, mọi người lại nắm tay nhau quanh đống lửa nhảy múa ăn mừng. Những điệu xoè hình thành phát triển và hoàn thiện mô phỏng những bước đi của cha ông khai phá đất đai phát rẫy, trồng lúa, lấy nước tung còn, mời rượu...
Thực tế cuộc sống và những ước mơ khát vọng được diễn ra sinh động tinh tế. Sức hấp dẫn của xoè chính là sự sôi nổi, gần gũi, đậm hơi thở cuộc sống. Xoè vòng thu hút được tất cả mọi người, không phân biệt già hay trẻ, lạ hay quen, mọi người nắm tay nhau thân ái. Vì vậy, xoè vòng thu hút cả khách du lịch trong và ngoài nước với số lượng lớn tham gia, tạo ra không gian văn hóa Mường Lò.
Nếu nhìn ra các vùng, miền trong cả nước như Tây Nguyên có không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng suốt 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên như: Bana, Xêđăng, Mnông, Êđê...
Để bảo tồn những giá trị văn hoá, lễ hội cồng chiêng được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hoá cồng chiêng, trong đó, Đắk Lắk là một điểm quan trọng và hay được chọn nhất do ở vị trí trung tâm văn hoá, chính trị, xã hội của khu vực Tây nguyên, nơi có nhiều cồng chiêng nhất Việt Nam. Trong lễ hội, nghệ nhân của các tỉnh sẽ trình bày, biểu diễn không gian văn hoá của dân tộc và của tỉnh mình.
Còn với Mường Lò, chính vì chưa xác định được được chủ thể không gian văn hoá Mường Lò nên công tác bảo tồn và phát triển điệu xòe ở cả huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ vẫn chỉ làm theo “cảm tính” là cứ nắm tay nhau xòe trong các lễ hội chứ chưa biết được có bao nhiêu điệu xòe cổ, ý nghĩa của các điệu xòe này như thế nào.
Nếu nhìn sang Bắc Ninh, quan họ vùng Kinh Bắc hiện nay không phải chỉ gói gọn trong 49 làng quan họ gốc như trước mà đã phát triển thêm hàng trăm làng với hàng nghìn câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm đủ các lứa tuổi từ cao niên, trung niên cho đến lớp thanh thiếu niên và nhi đồng. Hoạt động truyền dạy dân ca quan họ cũng diễn ra thường xuyên, liên tục ngay trong từng gia đình, dòng họ, làng xã ở khắp cộng đồng các làng quan họ.
Không những thế, Bắc Ninh còn là địa phương tiêu biểu, đi đầu trong công nhận và tôn vinh nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh, rồi tiếp sau đó là đưa di sản vào giảng dạy trong tất cả các trường học phổ thông. Sức lan tỏa của dân ca quan họ Bắc Ninh rất lớn. Kết quả ấy là sự nỗ lực, chung tay góp sức của cả cộng đồng đã sản sinh, nuôi dưỡng và yêu mến Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này.
Theo các nghệ nhân, nói đến xoè Thái Mường Lò phải nói tới sáu điệu xoè cổ. Từ các điệu xoè cổ, các nghệ nhân dân gian phát triển thành 36 điệu xoè như điệu xòe múa nón, múa chai, hái rau, múa sạp, múa ống… Biết vậy, nhưng vẫn chưa có nổi một hội thảo khoa học nào của tỉnh Yên Bái bàn về bảo tồn, phát triển các điệu xòe Mường Lò. Những điệu xòe Mường Lò vẫn diễn ra trong các lễ hội ở Mường Lò nhưng đó chỉ là câu chào khán giả, kết thúc các lễ hội chứ chưa phải biểu trưng văn hóa đáng ra là trọng tâm, xuyên suốt của lễ hội.
Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ vẫn tập trung các giải pháp để xây dựng thị xã văn hóa cùng với việc thực hiện tốt các tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội nhưng như thế thị xã vẫn lặp lại công việc những năm trước mà không đem lại kết quả. Xây dựng thị xã văn hóa nhất thiết phải bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và để làm được điều này, không chỉ có thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn mà cần có sự quan tâm của tỉnh, sự tham gia của các cơ quan quản lý văn hóa ở Yên Bái. Quan trọng hơn, cần xác định lại trọng tâm của Đề án xây dựng thị xã văn hóa là phải xây dựng được không gian văn hóa Mường Lò. Các điệu xòe Mường Lò sẽ là biểu tượng xây dựng không gian văn hóa Mường Lò.
Chồng chéo chương trình phát triển kinh tế
Mấy năm trở lại đây, Nghĩa Lộ đang tập trung xây dựng thương hiệu “Gạo Mường Lò”. Ai cũng biết, Nghĩa Lộ nằm trong lòng chảo Mường Lò, vựa lúa lớn thứ 2 ở Tây Bắc. Năm 2008, tỉnh Yên Bái cũng đã có chính sách đầu tư hỗ trợ cho thị xã Nghĩa Lộ triểnkhai Dự án “Đầu tư xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao” tại 7 xã, phường. Song từ đó đến nay, chủ trương hình thành một vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao và xây dựng thương hiệu “Gạo Mường Lò” vẫn chỉ nằm trên giấy! Nguyên nhân là vẫn chưa tìm ra được giống lúa nào thích hợp, mang thương hiệu Mường Lò.
Trong khi đó, cũng với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo Mường Lò, huyện Văn Chấn đã mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao lên 40% - 45% gồm: Chiêm Hương, ĐS1, HT1, Séng Cù, còn lại là giống lúa lai, huyện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại một số xã trong vùng Mường Lò, tập trung gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao được thị trường ưa chuộng như giống ĐS1, J01, Chiêm Hương, Séng Cù.
Trên một cánh đồng, chỉ cách nhau con suối Thia mà các địa phương trong vùng Mường Lò đều phải “đốt đuốc” đi tìm một thương hiệu gạo riêng cho mình. Nhưng với cách làm không giống ai như không hội thảo - không nhà khoa học - không khảo sát thử nghiệm giống lúa thì chắc chắn gạo Mường Lò không bao giờ có thương hiệu.
Một gia đình dân tộc Thái ở xã Thanh Lương (Văn Chấn) làm lễ cúng rừng.
Trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), hiện nay Nghĩa Lộ không có một nhà máy, xí nghiệp hay công xưởng nào đang hoạt động bởi lẽ toàn bộ vùng nguyên liệu sản xuất lại nằm ở huyện Văn Chấn. Nhớ lại năm 2007, UBND tỉnh chấp thuận đồng ý cho lập Dự án đầu tư quy hoạch Cụm CN-TTCN tại phường Pú Trạng.
Theo nhận định, “Dự án đầu tư xây dựng cụm CN - TTCN là rất cần thiết, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong khu vực” nhưng vì cơ sở hạ tầng không đảm bảo cho hoạt động của các cơ sở sản suất, điều quan trọng là thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất nên thành ra như vậy.
Trong khi đó, huyện Văn Chấn cũng đưa ra dự thảo đề án đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế nhằm đưa giá trị sản xuất công nghiệp bằng việc sẽ xây dựng 3 cụm công nghiệp, tập trung khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông - lâm sản, đầu tư khai thác thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng. Trên cơ sở vùng nguyên liệu của Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, huyện xây dựng nhà máy chế biến gỗ, chè túi lọc, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chè xanh trong tổng sản lượng chè; kết hợp việc phát triển TTCN với chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu mỗi xã nông thôn mới có 1 làng nghề. Thành ra, Dự án xây dựng Cụm CN-TTCN tại phường Pú Trạng của thị xã Nghĩa Lộ bị phá sản ngay trên giấy!
Người Mường Lò nên “nắm tay” nhau
Không gian văn hóa Mường Lò nên lấy chủ thể là điệu múa xòe.
Năm 2003, thị xã Nghĩa Lộ ra mắt xây dựng thị xã văn hóa và thực hiện Đề án xây dựng thị xã trở thành trục động lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội phía Tây của Yên Bái. Đề án xác định không chỉ xây dựng thị xã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của khu vực mà còn là điểm nhấn trong sự phát triển chung của toàn tỉnh. Song đến nay, “kỳ vọng” lớn lao ấy vẫn đang còn nhiều trăn trở. |
Mường Lò được coi là miền đất tổ của người Thái Tây Bắc, là cánh đồng lúa lớn thứ 2 Tây Bắc với vị trí địa lý quan trọng về giao thông nối cả vùng Tây Bắc. Năm 1995, thị xã Nghĩa Lộ được tái lập, cánh đồng Mường Lò bị phân chia thành 2 khu vực địa giới hành chính. Thị xã Nghĩa Lộ vẻn vẹn chỉ có chưa đầy 4 km² và nằm lọt giữa cánh đồng Mường Lò với tổng diện tích 29 km². Có thể nói rằng, địa lý bị chia cắt dẫn đến công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống thiếu đồng bộ, đặc biệt cùng với đó là sự chồng chéo về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội giữa huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Chính vì vậy, đây là nguyên nhân chính dẫn đến Nghĩa Lộ đang mất dần "khả năng" thực hiện thành công Đề án xây dựng thị xã văn hoá và trục động lực phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội phía Tây của tỉnh Yên Bái.
Sự phân chia về hành chính đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt nên quan trọng nhất đối với thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn lúc này là phải “nắm tay” nhau thống nhất xây dựng một cơ chế phối hợp, lấy Mường Lò làm chủ thể của cả vị trí địa lý, văn hóa truyền thống và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để cùng nhau phát triển.
Minh Đức - Nhật Thanh
Các tin khác
YBĐT - Rừng quế hôm nay dân bản khai thác có rất nhiều cây quế lớn nhưng nổi bật, vượt lên trên khoảng rừng mênh mông là một cây quế cổ thụ sừng sững. Đó chính là cây quế Tổ, biểu tượng linh thiêng của đồng bào Dao Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái).
YBĐT - Những ngày trời nắng mùi xú uế từ những đống rác thải bốc lên khiến mọi người khó chịu, còn vào ngày mưa lượng rác thải trôi xuống hệ thống cống rãnh thoát nước gây ngập lụt, ảnh hưởng đến nguồn nước.
YBĐT - Ngày mùa về, trên khắp cánh đồng của huyện Trạm Tấu, nơi đâu cũng nhộn nhịp. Nơi gặt lúa, nơi tuốt lúa, nơi be bờ, nơi nhổ mạ, nơi tiếng trâu lội bì bõm, nơi ruộng đã xanh những hàng lúa thẳng tắp xanh non mỡ màng. Tiếng nói, tiếng cười làm tan đi cái không khí oi bức thất thường tháng 7.
YBĐT - Mong muốn xin gửi con vào trường mầm non công lập (MNCL) - đó là một nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, do dân số cơ học tăng nhanh trong khi tình trạng thiếu trường, thiếu lớp đang nan giải hiện nay nên ở một số khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, mỗi khi bước vào mùa tuyển sinh năm học mới lại khó tránh khỏi tình trạng nhiều phụ huynh đôn đáo, cố gắng xoay xở bằng mọi cách để có được một suất cho con vào trường MNCL…