Làm phong trào để... ào ào cỏ mọc!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/9/2013 | 8:48:47 AM

YBĐT - Gần một năm trước đây, hàng chục hộ nông dân Tuy Lộc, thành phố Yên Bái rất hồ hởi với cây ớt; những ruộng ớt xanh mượt, sai lúc lỉu thay thế dần những bãi ngô, những ruộng rau. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau đó, chính những cây ớt, quả ớt đó lại chính tay những người nông dân mang ra mặt đường bê tông phơi khô rồi... châm mồi lửa, những bãi ớt chưa kịp phá để cỏ mọc um tùm. Và rồi, hết lứa ớt đầu không thấy người ta triển khai vụ kế tiếp!

Bệnh thối quả là nguyên nhân chính khiến Dự án ớt xuất khẩu ở Tuy Lộc thất bại.
Bệnh thối quả là nguyên nhân chính khiến Dự án ớt xuất khẩu ở Tuy Lộc thất bại.

Có tiềm năng lớn về phát triển cây rau màu, từ lâu Tuy Lộc được biết đến là vùng rau xanh  của thành phố Yên Bái. Các bãi màu Xuân Lan, Minh Đức… bạt ngàn mùa nào thức nấy. Người dân Tuy Lộc quen thuộc với hình ảnh từ sáng sớm đến sẩm tối là hai sọt rau hai bên xe đạp, xe máy đi bán rau khắp góc phường ngõ phố. Tuy thế cũng phải thừa nhận rằng, cây rau chỉ khiến người Tuy Lộc đủ ăn chứ giàu chưa hẳn. Rau nhiều, thời điểm chính vụ rất khó bán và giá không cao, làm rau vất vả phải thức khuya dậy sớm… Ước ao có một cây trồng phù hợp, không khó tính, khó làm, đầu tư vừa phải, có đầu ra ổn định và thu nhập khá luôn là mơ ước của người dân nói chung và bà con làm nghề trồng rau ở Tuy Lộc nói riêng.

Rồi đến cuối năm 2012 vẻ như niềm mơ ước của bà con đã thành hiện thực khi Công ty Chế biến rau củ quả Hương Cảnh về triển khai Dự án trồng ớt xuất khẩu ở Tuy Lộc. Công ty cam kết: hỗ trợ phân bón (bằng phương thức bán chịu phân vi sinh cho dân và thu tiền khi dân có sản phẩm bán lại cho Công ty), giá phân là 3.950 đồng/kg. Toàn bộ số ớt chín, đủ tiêu chuẩn sẽ được Công ty cam kết thu mua hết với giá 14.500 đồng/kg.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về ngân sách, nhưng để giúp người nông dân Tuy Lộc vươn lên, thành phố Yên Bái cũng đã hỗ trợ 100% giống ớt cho nông dân. Khoảng tháng 10 năm 2012, những ruộng ớt mô hình thí điểm ở Tuy Lộc được xây dựng và kết quả là năng suất, chất lượng sản phẩm rất cao, bà con thấy thế yên tâm, phấn khởi mạnh dạn đăng ký nhận phân, nhận cây giống về trồng.

Trưởng thôn Minh Đức tâm sự: “Việc chuyển đổi một loại cây trồng không hề dễ, nhất là đưa vào sản xuất đại trà cây ớt- một loại cây gia vị, nếu không bán được cũng chẳng thể ăn hết và không thể dùng làm thức ăn chăn nuôi!” .Vậy nhưng, chỉ một thời gian ngắn Tuy Lộc đã nhanh chóng đưa vùng ớt xuất khẩu lên đến 10 ha với cả trăm hộ tham gia. Thôn Minh Đức trồng nhiều nhất với 3,2 ha, hộ trồng nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Việt, đến gần 1 mẫu.

Đúng là cây ớt rất hợp với đất Tuy Lộc – bà Nguyễn Thị Hoa, vợ ông Nguyễn Văn Việt kể lại, cây ớt trồng xuống mọc rất tốt, phân cành nhanh, quả rất sai. Ớt chín, Công ty về tận nơi thu mua hết, giá đúng như cam kết. Nhiều nhà trong xã còn bán ớt ra ngoài giá cao hơn nữa, đặc biệt dịp tết Nguyên đán nhiều người ở Minh Đức còn đánh cả cây đi bán làm cây cảnh thu được khá tiền.

Rồi tháng Giêng, tháng Hai, ớt vẫn tốt, tháng Ba, tháng Tư tình hình vẫn ổn, theo đà phát triển vùng rau Tuy Lộc đã hứa hẹn sắp thành vùng chuyên canh ớt! Nhưng đến cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu thì bắt đầu sinh chuyện! Cây ớt vẫn tốt, quả vẫn nhiều nhưng bệnh thối quả đã xuất hiện.

Chị Nga, một nông dân cho biết: “Quả ớt dù xanh hay chín, cứ to hết cỡ là xuất hiện một chấm đen nhỏ, mấy hôm chấm đen lan rộng, quả nhũn ra rồi hỏng hẳn. Bệnh lan rất nhanh, từ ruộng này sang ruộng kia, từ nhà này sang nhà khác khiến dân hết sức hoang mang ”.

Bệnh thối quả được dân báo lên thôn, thôn báo lên xã, xã lên thành phố, rồi cán bộ kỹ thuật cũng xuống tận ruộng để xem xét tình hình nhưng mỗi người phán một bệnh, khuyên người dân dùng một loại thuốc và tất nhiên khoa học kỹ thuật mà như thế thì không thể có chuyện thành công, bệnh thối quả trên ớt ở Tuy Lộc không thể xử lý được.

Nhiều ruộng ớt còn chưa hết vòng đời, không ít thửa cây đang giai đoạn sung sức nhất, có ruộng còn chưa thu được quả nào đã gặp cơn bạo bệnh để rồi dẫn đến tình trạng người dân bỏ hoang ruộng ớt, mang cây ớt, quả ớt lên mặt đường phơi cho khô rồi .... châm mồi lửa! Bao mồ hôi, tiền bạc của dân, bao công sức của cán bộ địa phương đổ xuống sông, xuống biển; đọng lại là những món nợ bạc triệu đeo vào cổ những người nông dân nghèo.

Theo tính toán sơ bộ, hiện nông dân vẫn còn nợ Công ty Hương Cảnh cả trăm triệu đồng tiền phân bón, riêng thôn Minh Đức trên 70 triệu và gia đình ông bà Việt - Hoa trồng nhiều ớt nhất cũng là hộ nợ nhiều nhất (12 triệu đồng).

 

Một vườn ớt để cỏ mọc um tùm ở thôn Minh Đức.

Một buổi xuống với dân, nghe người trồng ớt nói thì câu chuyện về cây ớt Tuy Lộc không dừng lại ở đó, tâm tư bà con vẫn rất luyến tiếc với loại cây này, nếu có cách làm khoa học hơn, sát thực hơn thì chắc chắn sẽ khác. Trước hết, việc đưa một cây trồng mới vào sản xuất không thể làm theo phong trào, nhất thiết không làm ào ào, không tham diện tích để rồi cho phép người dân trồng cả ở những nơi chất đất không phù hợp, cằn cỗi, nghèo dinh dưỡng, đặc biệt là không chủ động về nước. Công ty bán phân cho dân với giá 3.950 đồng/kg và yêu cầu mỗi sào phải bón 600 kg phân khiến không ít người dân cho rằng lượng phân vi sinh như thế là quá lớn, chi phí cho mỗi sào ớt quá cao (riêng phân vi sinh đã hết 2,4 triệu đồng), cần bớt lượng phân vi sinh và khuyến khích người dân tận dụng lượng phân chuồng để bón lót và bón thúc. Cuối cùng và quan trọng nhất là giúp người dân phòng trừ được bệnh thối quả, đây là vấn đề quan trọng nhất.

Có ý kiến cho rằng, thời điểm tháng 5, tháng 6 trời quá nóng nên mới xuất hiện loại bệnh này, cần chuyển thời vụ gieo trồng  sang tháng 8, tháng 9 khi tiết thu mát mẻ ớt ra quả nhiều sẽ không bị bệnh và vòng đời cây ớt sẽ kết thúc vào tháng 5, tháng 6 năm sau. Đây là ý kiến rất cần được lưu  tâm xem xét. Cuối cùng là cần hoãn hoặc xóa nợ tiền phân cho người trồng ớt bởi thực tế họ cũng không thu được gì sau khi sử dụng lượng phân bón lớn và nhiều tiền như thế.

Người trồng ớt ở Tuy Lộc chưa… cay! Bà Nguyễn Thị Hoa quả quyết: Nếu giải quyết được những vấn đề mà nông dân nêu thì tôi lại tiếp tục trồng ớt!

Lê Phiên

Các tin khác
Người dân xã Khao Mang chăm sóc ngô trên diện tích lúa nương chuyển đổi.

YBĐT - Không còn lạ lẫm với người dân Mù Cang Chải (Yên Bái), hiện cây ngô đã được trồng ở tất các địa phương trong huyện. Từ chỗ mạnh ai nấy làm, kể từ khi có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi diện tích lúa nương kém năng suất sang trồng ngô đã thực sự mở ra cơ hội thoát nghèo và làm giàu cho người dân nơi đây.

Cán bộ dân số xã An Bình (Văn Yên) tuyên truyền chính sách dân số đến phụ nữ các thôn, bản vùng sâu đặc biệt khó khăn của xã.
(Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Mặc dù cán bộ y tế thôn bản thường xuyên tuyên truyền vận động nhưng chị em mang thai vẫn ít người đi khám ở trạm y tế hoặc không đi khám thai định kỳ. Nhiều trường hợp có thai 3 - 4 tháng không biết, khi đến tháng 6-7 mới biết và chỉ khi lao động nặng bị động thai đau bụng vài ngày mới xuống trạm y tế, còn những trường hợp có thai 1-2 tháng mà bị sảy thai thì người ta cũng cứ tưởng như bình thường...

Thầy và trò điểm trường Suối Giao vệ sinh khu vực lớp học chuẩn bị cho năm học mới.

YBĐT - Vượt qua con đường ngoằn nghèo đất đỏ với hơn một giờ đồng hồ vật lộn lúc đủn, lúc đẩy chúng tôi cũng đến được điểm trường thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.

Được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ cận nghèo đã đầu tư phát triển lâm nghiệp ổn định cuộc sống.

YBĐT - Giúp các hộ cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững, ngày 16/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục