Bài 2: Đau đầu nguyên liệu xấu
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/10/2013 | 9:07:13 AM
YBĐT - Ông Phan Văn An - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn lắc đầu ngao ngán: “Đời nào nguyên liệu dài cả gang tay, đưa vào chế biến chè đen cũng khó, nói gì đến chế biến chè chất lượng cao, chè xanh…”. >> Bài 1: Tổng quan ngành chè
Đây là lý do giải thích vì sao chất lượng nguyên liệu chè ngày càng xấu. (Ảnh: Bùi Xuân Đông)
|
Những đồi chè quốc doanh đầu tiên được trồng bài bản, những nhà máy chè quốc doanh lừng lẫy một thời như: Nhà máy Chè Trần Phú, Nhà máy Chè Nghĩa Lộ, Nhà máy Chè Liên Sơn, Nhà máy Chè Văn Hưng... vẫn còn đó, hàng năm vẫn có hàng chục tỷ đồng đầu tư cho vùng chè nhưng sản xuất, kinh doanh chè cứ lẹt đẹt, thậm chí còn kém xưa.
Với diện tích trên 12.000ha chè, sản lượng thu hái đạt trên 100.000 tấn/năm, hơn chục vạn dân sống bằng nghề chè, chè cũng được coi là cây thế mạnh, cây xóa đói giảm nghèo của Yên Bái. Ngành chế biến chè cũng là một ngành quan trọng có giá trị trên 400 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, loài cây thế mạnh này không phát huy được hiệu quả xứng với tiềm năng, thế mạnh của nó.
Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, sản xuất, kinh doanh chè cứ luẩn quẩn, loanh quanh trong vòng khốn khó. Năm được mùa rớt giá, năm chè quay tay (Chè “bom” hoành hành, năm thì chè vàng, chè bẩn bao vây; nhà máy, hợp tác xã, xưởng chế biến tư nhân tranh giành nguyên liệu. Hàng trăm héc-ta chè đang kỳ sung sức bị dân bỏ hoang; nhiều nhà máy, công ty đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng; thị trường đầu ra cho sản phẩm không có. Sản phẩm làm ra nhiều nhưng chất lượng kém và sản phẩm thô là chính, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhà máy đổ lỗi cho nông dân, nông dân đổ lỗi cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngành chuyên môn đổ lỗi cho nhau và cuối cùng sự thua thiệt vẫn thuộc về người nông dân.
Năm nào ngành nông nghiệp, các huyện, thị cũng tổ chức hội nghị bàn về sản xuất, kinh doanh chè, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cũng như cơ chế cho vùng chè phát triển. Thậm chí, Tỉnh ủy Yên Bái còn ban hành hẳn một nghị quyết chuyên đề về chè; UBND tỉnh có một đề án phát triển chè khá quy mô nhưng dường như vẫn chưa tạo được sức bật cho vùng chè.
Thu hái chè bằng máy giúp giảm công lao động nhưng đòi hỏi phải chăm sóc cây chè tốt mới phát huy tác dụng.
Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp, các huyện, thị, doanh nghiệp, thậm chí các hộ dân đã đưa hàng loạt giống chè vào trồng với mong muốn đưa ngành chè lên một vị thế mới. Những cái tên rất mỹ miều như: Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Hồng Bạch Trà đến Phúc Vân Tiên, Bát Tiên rồi chè lai LDP1, LDP2... được đưa vào trồng mới, trồng thay thế, trồng cải tạo diện tích chè già cỗi rất nhiều. Từ một tỉnh lúc đầu chỉ có chè giống trung du, nay Yên Bái đã có “một tập đoàn” giống chè từ giống nhập từ vùng chè nổi tiếng Cáp Nhĩ Tân của đất nước Trung Hoa cho tới bán đảo xinh đẹp Đài Loan rồi các giống nhập nội, giống mới lai tạo.
Trong suốt 8 năm thực hiện chương trình cải tạo giống chè, đã có 2.668ha chè lai LDP1 và LDP2, 1.507ha chè nhập nội, 2.296ha chè Shan, giống chè trung du già cỗi chỉ còn 4.688ha. Với những con số “hoành tráng” như thế, cứ tưởng chúng ta có một vùng nguyên liệu tốt, đáp ứng cho chế biến xuất khẩu… Trớ trêu thay, sản xuất, kinh doanh chè vẫn dậm chân tại chỗ nếu như không muốn nói là thụt lùi, vùng nguyên liệu giảm theo năm tháng.
Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến năm 2012, diện tích chè đã giảm 741ha. Đấy là chưa tính hàng chục, hàng trăm héc-ta chè bỏ hoang, diện tích giảm do giá chè thấp, nhiều hộ dân phá chè để trồng cây lâm nghiệp và một phần giải phóng mặt bằng làm khu công nghiệp, làm đường giao thông. Nguyên liệu búp cũng chẳng khá hơn, doanh nghiệp kêu trời vì nguyên liệu quá xấu, xấu không phải do giống kém mà vì cách thu hái “tận diệt” của người dân. Khi hỏi về tình hình sản xuất, kinh doanh chè, ông Phan Văn An - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn lắc đầu ngao ngán: “Đời nào nguyên liệu dài cả gang tay, đưa vào chế biến chè đen cũng khó, nói gì đến chế biến chè chất lượng cao, chè xanh…”.
Như để minh chứng cho búp nguyên liệu kém, ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ giãi bày: “Công ty chúng tôi đã có kinh nghiệm vài chục năm trong sản xuất, chế biến chè, sản lượng chế biến mỗi năm cũng vài ngàn tấn và có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Thực tế là càng ngày nguyên liệu càng xấu, không thể đáp ứng được cho chế biến nhưng để tồn tại nên doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận mua phục vụ sản xuất. Chè nguyên liệu tốt, sau chế biến thu hồi được 45% - 50% chè phẩm cấp cao, chè cẫng chỉ 2% - 3%, nhiều lắm cũng chỉ 5% nhưng với nguyên liệu hiện nay, chè cấp cao chỉ đạt 30% và 17% là cẫng. Đó cũng là lý do tại sao giá chè đen Yên Bái thấp nhất nước, bình quân 26.000 đồng đến 27.000 đồng/kg. Giá sản phẩm thấp cũng đồng nghĩa với giá thu mua nguyên liệu thấp. Với kinh nghiệm trên 20 năm làm chè, tôi khẳng định, làm chè xanh hay chè đen thì 80% chất lượng chè chế biến phụ thuộc vào nguyên liệu, còn 20% phụ thuộc vào quy trình sản xuất, công nghệ và dây chuyền máy móc”.
Giá chè thấp, các nhà máy, công ty đều niêm yết giá mua bình quân từ 3.300 đồng - 3.700 đồng/kg búp nhưng người nông dân bán thực tế chỉ đạt trên dưới 3.000 đồng bởi phải qua khâu trung gian. Giá nguyên liệu thấp trong khi giá vật tư phân bón tăng cao, nếu đầu tư bài bản làm tốt thì với giá mua đó cũng chỉ hòa vốn, còn không sẽ lỗ. Từ những yếu tố đó, người nông dân dần dần không mặn mà, không chăm bón chỉn chu cho cây chè nữa mà chỉ tập trung “bóc màu”.
Một kỹ thuật sơ đẳng trong thu hái chè “một tôm hai lá, một cá hai chừa” ai làm chè cũng thuộc và nói vanh vách nhưng thử hỏi, trong vòng 5 đến 10 năm trở lại đây, mấy người làm chè còn thực hiện? Giờ là thu hái bằng liềm, bằng máy, búp dài cả gang tay, lá già lá non “đốn” cho bằng tiệt. Không chăm sóc, không phân bón mà cứ thu hái như thế, chè nào có thể sống nổi… Đó là những nguyên nhân làm tàn tạ các vùng chè.
Không thực hiện đúng kỹ thuật thu hái là một trong những nguyên nhân làm giảm năng suất của cây chè.
Trong trồng cải tạo giống chè là tốt nhưng cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, mỗi thôn, mỗi xã, mỗi vùng làm một ít, làm “xôi đỗ” như vậy thì cũng không có hiệu quả. Chè giống nhập nội, mức đầu tư ban đầu vốn đã cao, chăm sóc cũng lớn nhưng thu hái búp bán cùng giá với chè thường, người dân cũng chán nản. Muốn bán giá cao cũng chẳng biết bán cho ai, thế là chè mới, chè cũ, chè trung du, chè nhập nội, chè lai đều đóng bao bán cho nhà máy đồng hạng 3.000 đồng/kg. Chè cằn cỗi, hết búp, người trồng chè lại “nhờ” mấy lọ thuốc kích thích, phun vào đợi tháng sau ra búp rồi lại đưa máy ra đồi, đưa cắt mấy đường cơ bản là xong.
Hái theo đúng kỹ thuật “một tôm hai lá, một cá hai chừa”, hái san trật thì mỗi tháng, bà con có thể thu hái 2 - 3 lần nhưng nay hái máy phải mất 35 - 45 ngày mới được một lứa. Chả thế mà cả vụ chè, nông dân chỉ thu hái có 4 đợt, dẫn tới năng suất thấp, chất lượng kém, chè ngày một suy thoái và chết dần chết mòn. Diện tích lớn nhưng năng suất, sản lượng chè rất thấp, bình quân đạt chưa đầy 8 tấn/ha, bán với giá bình quân hiện nay thì 1ha chè một năm thu chưa đạt 25 triệu đồng - một con số quá thấp trong sản xuất, sử dụng đất nếu như không muốn nói là lãng phí tài nguyên đất đai, công sức người dân.
Thực tế cho thấy, thu nhập của người dân làm chè năm 2010 chỉ đạt 1.042.000 đồng/tháng, năm 2012 đạt 1.167.000 đồng/tháng, đấy là chưa trừ chi phí. Với mức thu nhập như vậy thì mấy ai sống được bằng cây chè và mấy ai đủ can đảm để gắn bó với thứ cây “thơm – chát” này? Làng chè Văn Hưng, Trần Phú, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, Nông trường Liên Sơn, có hàng trăm, hàng vạn hộ dân đã sống với chè, gắn bó với chè suốt mấy chục năm trời nhưng có mấy ai giàu có từ chè? Họ vẫn sống một cuộc sống lam lũ, vất vả, cả đời làm chè song không nhiều người có tích lũy để làm nổi một ngôi nhà khang trang…
Không chỉ là những tồn tại trong sản xuất nguyên liệu mà ngay cả trong chế biến chè cũng lắm chuyện phải bàn.
(Bài 3: Nhà máy “CAO” sản phẩm “THẤP”
Thanh Phong Anh
Các tin khác
YBĐT - Ông Đoàn Anh Tuân - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng: “Sản xuất chè ở Việt Nam đang bất cập ở cả ba công đoạn trong chuỗi giá trị: trồng, chế biến, tiêu thụ”.
YBĐT - “Tôi chỉ mong làm được giấy tờ, xác nhận được chế độ, có như vậy nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng” - cứ khắc khoải mãi một nỗi niềm mong mỏi của một người lính, một cựu tù Phú Quốc. Đồng đội, người thân hiểu sự day dứt hơn ai hết, khi nỗi niềm mong mỏi đau đáu ấy đã đi qua gần bốn chục năm trời...
YBĐT - Hiện cả xã Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 30% số hộ tham gia sản xuất lúa Chiêm Hương làm hàng hóa. Thế nhưng, để mua được yến gạo Chiêm Hương Bạch Hà chính gốc thì đích thân Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi xuống một hộ dân và phải "nói khéo" mới mua nổi.
YBĐT - Gần một năm trước đây, hàng chục hộ nông dân Tuy Lộc, thành phố Yên Bái rất hồ hởi với cây ớt; những ruộng ớt xanh mượt, sai lúc lỉu thay thế dần những bãi ngô, những ruộng rau. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau đó, chính những cây ớt, quả ớt đó lại chính tay những người nông dân mang ra mặt đường bê tông phơi khô rồi... châm mồi lửa, những bãi ớt chưa kịp phá để cỏ mọc um tùm. Và rồi, hết lứa ớt đầu không thấy người ta triển khai vụ kế tiếp!