Về Bạch Hà xem dân "làm lúa"
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/9/2013 | 8:51:35 AM
YBĐT - Hiện cả xã Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 30% số hộ tham gia sản xuất lúa Chiêm Hương làm hàng hóa. Thế nhưng, để mua được yến gạo Chiêm Hương Bạch Hà chính gốc thì đích thân Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi xuống một hộ dân và phải "nói khéo" mới mua nổi.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình thăm cánh đồng lúa xã Bạch Hà. (Ảnh: Kiều Mười)
|
Sản xuất lúa gạo, nhất là lúa gạo hàng hóa đang gặp không ít khó khăn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, giá xuất khẩu giảm khiến thu nhập của người nông dân vốn đã thấp nay còn thấp hơn, đã có không ít nông dân nơi này, nơi kia bỏ ruộng. Thế nhưng tại vùng quê núi Bạch Hà, huyện Yên Bình, người dân vẫn cần mẫn sản xuất lúa gạo hàng hóa trên những thửa ruộng bé tí teo nhưng hiệu quả, đã và đang xây dựng một thương hiệu "gạo Bạch Hà" nức tiếng!
Cũng giống lúa ấy, cũng chế độ chăm sóc như nhau nhưng lúa gieo cấy ở Bạch Hà thì có năng suất cao hơn, chất lượng cũng ngon hơn. Toàn xã có 155ha lúa nước với hơn 30 xứ đồng khác nhau nhưng không phải diện tích nào cũng sản xuất lúa hàng hóa và có chất lượng được. Năng suất cao nhất, ngon nhất thuộc cánh đồng Hồ Xen, cánh đồng Ông Đồng và cánh đồng Ngòi Lẻ. Lúa cấy ở những cánh đồng này gạo hạt nhỏ, dài, trong và cơm rất thơm, dẻo, ăn ngọt. Không thế mà nó đã đi vào thơ ca từ những năm 50-60 của thế kỷ trước:
"Cơm làng Má, cá Đào Kiều
Gạo Bạch Hà, gà Linh Môn..."
Lý giải cho cái ngon, cái thơm của gạo Bạch Hà, nhiều bậc cao niên trong xã cho rằng, những xứ đồng được bao bọc bởi ba ngọn núi cao, bên phải là núi Là, bên trái núi Yến, phía sau núi Lẻn; toàn bộ nước tưới được cung cấp từ núi Là có độ cao 950m so với mực nước biển đổ về nước ngọt và không có đá vôi. Bên cạnh đó còn do chất đất nữa nên lúa tốt, gạo ngon.
Gạo ngon và trở thành một thương hiệu khá nổi tiếng trong vùng. Cứ mỗi khi đến vụ thu hoạch là các thương lái ở thành phố, thị xã đổ về đến từng thửa ruộng để thu mua. Vẫn lúa Chiêm Hương nhưng giá lúa, giá gạo ở đây bán bao giờ cũng cao hơn những nơi khác từ 1,3 -1,5 lần. Ngay tại thời điểm tháng 8, giá gạo Chiêm Hương ở thị trường bán là 12.000 đồng/kg thì tại Bạch Hà có giá là 15.000 đồng/kg. Giá cao như vậy nhưng tìm mua được không hề đơn giản nếu như không nhờ người bản địa.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hồng ở thôn 5, Ngòi Xen có 1,5 mẫu ruộng, từ nhiều năm nay gia đình anh sản xuất lúa hàng hóa mang lại hiệu quả khá cao. Vừa đưa chúng tôi đi xem ruộng, anh Hồng vừa cho biết: "Nắm được lợi thế của địa phương về đất đai, khí hậu nên từ nhiều năm nay gia đình đã sản xuất lúa làm hàng hóa. Trong vòng ba năm trở lại đây, gia đình chủ yếu cấy giống Chiêm Hương, đây là giống cho năng suất cao, gạo ngon nhất. Bình quân mỗi vụ năng suất đạt 280kg/sào, với 1,5 mẫu ruộng mỗi năm thu trên 7 tấn thóc, gia đình để ăn 2 tấn, còn lại mang bán cho thu 40 triệu đồng. Với số tiền này sau khi trừ chi phí cũng còn lãi khoảng 10 triệu đồng. Sản xuất lúa chất lượng cao không khó, thậm chí là còn dễ hơn sản xuất lúa thường mà thị trường ổn định, cứ vào vụ thu hoạch là thương lái đến tận nhà mua hết".
Từ phát triển lúa hàng hóa, gia đình anh còn trồng 120 cây bưởi Diễn, trồng 1ha sắn và mở một xưởng chế biến tinh bột sắn nên mỗi năm gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Từ một gia đình nghèo, nay đã xây được ngôi nhà khang trang, bề thế có giá trị cả tỷ đồng, con cái được học hành đầy đủ. Cũng như gia đình anh Hồng, gia đình bà Bùi Thị Lác ở thôn Ngòi Xen có 5 sào ruộng, 5 năm nay gia đình sản xuất lúa chất lượng cao. Sản xuất lúa chất lượng cao năng suất cũng không kém là mấy, chất lượng gạo ngon, thu hoạch về gia đình ăn một nửa còn một nửa đem bán cũng lời chút đỉnh.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện và xã Bạch Hà kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa đặc sản.
"Cả thôn hầu như gia đình nào cũng sản xuất lúa chất lượng cao mà chủ yếu bằng giống Chiêm Hương nhưng diện tích ít quá cùng với sản xuất tự phát nên hiệu quả không cao" - bà Lác cho biết. Qua tìm hiểu thực tế tại các thôn cho thấy, việc sản xuất giống lúa Chiêm Hương mang lại lợi nhuận cao hơn so với các giống lúa lai, lúa thuần khác từ 4-5 triệu đồng/ha.
Không chỉ lợi nhuận cao, lúa Chiêm Hương sản xuất tại Bạch Hà đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Chả vậy mà suốt từ hàng chục năm nay không có hợp tác xã hay tổ chức, doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu, đầu tư mà đều do bà con nông dân tự sản xuất nhưng tiêu thụ vẫn hết veo ngay trong những ngày mùa. Hiện cả xã có 30% số hộ tham gia sản xuất lúa Chiêm Hương làm hàng hóa, tập trung ở thôn Ngòi Xen, Phai Thao, Hàm Rồng, Gò Chùa, Hồ Sen. Thế nhưng, để mua được yến gạo Chiêm Hương Bạch Hà chính gốc thì đích thân Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi xuống một hộ dân và phải "nói khéo" mới mua nổi. Hiệu quả kinh tế cao như vậy, tôi nhẩm tính 155ha lúa của toàn xã mà đem sản xuất hết lúa Chiêm Hương thì mỗi năm cũng đem về cho người dân nơi đây trên 1,5 tỷ đồng.
Thế nhưng sao người dân Bạch Hà sản xuất với số lượng ít như vậy? Tôi hỏi ông Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Bạch Hà. Sau một hồi trầm ngâm ông Lập cho hay: "Lúa tốt, gạo ngon, hiệu quả rõ là không ai có thể bàn cãi. Nhưng cái khó của xã, của người dân là ruộng đất manh mún quá. Nếu nhìn tổng diện tích lúa của xã là 155ha thì cũng không hề nhỏ nhưng nằm rải rác ở 30 xứ đồng và có gần 3.000 thửa ruộng, có những thửa ruộng chỉ được 150 -200m2 thôi. Ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ đã đành, bên cạnh đó còn rất nhiều hộ dân vẫn có tư tưởng "ăn chắc, mặc bền" sản xuất một ít lúa lai, một ít lúa chất lượng cao lỡ có mất mùa lúa nọ còn có lúa kia mà ăn. Một ít hộ thì chỉ sản xuất lúa lai để lấy lương thực ăn cho dù sản xuất lúa hàng hóa hiệu quả kinh tế cao. Xã cũng đã nhiều lần vận động nhưng kết quả rất thấp. Xã cũng đang tính đến chuyện vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, sản xuất với khối lượng hàng hóa lớn".
Rõ ràng, câu chuyện sản xuất lúa hàng hóa ở Bạch Hà cũng đang gặp phải những khó khăn như rất nhiều địa phương khác. Ruộng đồng thì manh mún, sản xuất thủ công từ gieo cấy đến thu hoạch và sau thu hoạch. Do tự phát, làm phong trào, nhỏ lẻ nên chất lượng gạo ở đây rất ngon nhưng quá nhiều sạn, sạn là do khâu thu hoạch bà con phơi ở ven đường, ven nhà, nền nhà. Thực tế cho thấy đã đến lúc sản xuất nông nghiệp trong tỉnh nói chung và Bạch Hà nói riêng cần tập trung vào nâng cao sản lượng sang nền sản xuất tập trung cao hơn cho chất lượng, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng và tăng thu nhập cho nông dân.
Cánh đồng Ngòi Xen đã được người dân đưa vào sản xuất lúa hàng hóa từ nhiều vụ nay mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua khảo sát tại xã Bạch Hà của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho thấy, có 400 hộ dân của 6 thôn đăng ký tham gia sản xuất lúa chất lượng cao làm hàng hóa với diện tích 52ha. Và khi chúng tôi đang thực hiện bài viết này, huyện Yên Bình cũng đang tiến hành xây dựng Đề án phát triển lúa đặc sản Bạch Hà có vốn đầu tư hàng tỷ đồng.
Việc xây dựng đề án của Yên Bình là phù hợp, được người dân mong đợi từ lâu, tuy nhiên vấn đề mấu chốt là dù đề án có vốn đầu tư lớn đến đâu cũng không thể bền vững được nếu như không làm thay đổi được tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ lên làm ăn lớn. Không quy hoạch, không dồn điền đổi thửa được thì cũng vẫn sa vào bao dự án sản xuất lúa hàng hóa của các huyện thị khác và dở dang không có tổng kết đánh giá. Và không chú ý đến thu hoạch và sau thu hoạch, nhất là không có sự vào cuộc của "bốn nhà", đặc biệt là nhà doanh nghiệp thì cũng không thể thành công. Cái cần nhất của người dân là cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước và vấn đề thu hoạch, bảo quản sau thu ở gia đình gồm cả thiết bị và vật tư. Một vấn đề cấp bách là cần đăng ký cũng như tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo Bạch Hà.
Rời Bạch Hà trong chiều thu chạng vạng, dưới cánh đồng nhiều thửa ruộng lúa đã trổ bông, có thửa mới vào kỳ làm đòng và chỉ ít ngày nữa thôi người dân nơi đây lại vào vụ thu hoạch. Không biết hàng trăm héc-ta lúa dưới cánh đồng kia có bao nhiêu là lúa gạo hàng hóa, ngay cả khi vào tới "thánh địa" và được đích thân Trưởng phòng nông nghiệp huyện và Chủ tịch xã dẫn xuống nhà người quen mới mua được yến gạo Bạch Hà chính gốc? Một thứ gạo ngon nổi tiếng đã đi vào thơ ca nhưng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì quả là lãng phí tiềm năng!
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Gần một năm trước đây, hàng chục hộ nông dân Tuy Lộc, thành phố Yên Bái rất hồ hởi với cây ớt; những ruộng ớt xanh mượt, sai lúc lỉu thay thế dần những bãi ngô, những ruộng rau. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau đó, chính những cây ớt, quả ớt đó lại chính tay những người nông dân mang ra mặt đường bê tông phơi khô rồi... châm mồi lửa, những bãi ớt chưa kịp phá để cỏ mọc um tùm. Và rồi, hết lứa ớt đầu không thấy người ta triển khai vụ kế tiếp!
YBĐT - Không còn lạ lẫm với người dân Mù Cang Chải (Yên Bái), hiện cây ngô đã được trồng ở tất các địa phương trong huyện. Từ chỗ mạnh ai nấy làm, kể từ khi có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi diện tích lúa nương kém năng suất sang trồng ngô đã thực sự mở ra cơ hội thoát nghèo và làm giàu cho người dân nơi đây.
YBĐT - Mặc dù cán bộ y tế thôn bản thường xuyên tuyên truyền vận động nhưng chị em mang thai vẫn ít người đi khám ở trạm y tế hoặc không đi khám thai định kỳ. Nhiều trường hợp có thai 3 - 4 tháng không biết, khi đến tháng 6-7 mới biết và chỉ khi lao động nặng bị động thai đau bụng vài ngày mới xuống trạm y tế, còn những trường hợp có thai 1-2 tháng mà bị sảy thai thì người ta cũng cứ tưởng như bình thường...
YBĐT - Vượt qua con đường ngoằn nghèo đất đỏ với hơn một giờ đồng hồ vật lộn lúc đủn, lúc đẩy chúng tôi cũng đến được điểm trường thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.