Thay đổi những vùng quê
- Cập nhật: Thứ tư, 23/10/2013 | 10:25:31 AM
YBĐT - Sau 3 năm triển khai thực hiện ( 2011 - 2013), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao của Yên Bái. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại và hạn chế cần những giải pháp căn bản để tháo gỡ.
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã Xuân Tầm (Văn Yên).
|
Tìm hiểu những đổi thay từ Chương trình, chúng tôi về Tuy Lộc - xã được chọn làm điểm của tỉnh về xây dựng NTM. Điều dễ dàng cảm nhận đó là từ khi triển khai xây dựng, bộ mặt của xã thuần nông ven thành phố Yên Bái đã có sự đổi thay nhanh chóng. Thể hiện rõ nhất đó là đường làng ngõ xóm, kênh mương nội đồng đã được cứng hóa; nhà dân được xây dựng khang trang.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Luận, Trưởng ban Quản lý xây dựng NTM xã khẳng định: "Triển khai Chương trình NTM đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt của xã, từ kinh tế - xã hội đến nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân".
Xác định xây dựng NTM là chương trình tổng thể để nâng cao đời sống người nông dân cũng như bộ mặt của nông thôn, vì vậy Chương trình đã được Tuy Lộc nghiêm túc triển khai thực hiện. Đảng bộ xã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, thành lập ban quản lý, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; định kỳ giao ban, sơ, tổng kết đánh giá kết quả, giải quyết những khó khăn vướng mắc…
Thuận lợi hơn, xã lại được tỉnh lựa chọn là xã xây dựng điểm, do đó nguồn lực được tỉnh ưu tiên chính là yếu tố quan trọng để Tuy Lộc kiến thiết xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Theo tính toán, đến thời điểm này, Tuy Lộc đã đạt 18/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM, trong đó thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng, người/năm (2012), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,62%; xã đạt chuẩn về giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, các tiêu chí về y tế, vệ sinh môi trường đã được nâng lên… Không có gì thay đổi thì đến hết năm nay Tuy Lộc sẽ đạt xã chuẩn NTM.
Cũng như Tuy Lộc, hầu hết các xã sau khi triển khai Chương trình đều có sự đổi thay rõ rệt. Về quá trình triển khai Chương trình trong phạm vi toàn tỉnh, ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng điều phối Đề án cho biết: "Xác định đây là chương trình quan trọng để thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi nâng cao đời sống người nông dân, Yên Bái đã rất quan tâm triển khai thực hiện. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng được bộ máy triển khai chương trình từ tỉnh đến cơ sở; ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn về chương trình xây dựng NTM trên địa bàn theo đúng trình tự, quy định hiện hành của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan. Cùng với các giải pháp triển khai chương trình, công tác tuyên truyền, vận động được triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, giúp cán bộ, đảng viên và người dân từng bước nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Chương trình cũng như vai trò chủ thể của mình để có hành động thiết thực tham gia thực hiện".
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở xã Yên Thắng, Lục Yên.
Từ nghiêm túc triển khai, sau ba năm thực hiện, đến nay, 100% xã (152 xã) trong tỉnh đã xây dựng được quy hoạch theo kế hoạch và lộ trình Chương trình đề ra. Đã có 140 xã xây dựng xong đề án xây dựng NTM. Công tác đào tạo cán bộ cho Chương trình được đẩy mạnh với 39 lớp tập huấn, có trên 1800 cán bộ cấp xã đã được trang bị các kiến thức về quản lý, điều hành Chương trình xây dựng…
Đáng chú ý là do quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua lồng ghép các chương trình, dự án kêu gọi sự đóng góp của người dân, sự tham gia của các doanh nghiệp nên việc huy động nguồn lực xây dựng NTM đã thu được kết quả đáng phấn khởi. Toàn tỉnh đã huy động khoảng 2.142, 221 tỷ đồng thực hiện đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng…
Trong đó với tổng kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng, toàn tỉnh đã cứng hóa 380km đường giao thông nông thôn và mở mới trên 700km đường thôn, bản; cứng hóa 62km kênh mương nội đồng, 49 công trình thủy lợi, kè chống sạt lở; 63 công trình văn hóa; cải tạo, nâng cấp, xây mới 5.000 nhà ở dân cư; xây dựng 72 điểm thu gom rác thải và 3 nghĩa trang… Trong huy động nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, nổi bật là việc thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn tại các địa phương.
Khởi động từ đầu năm 2012, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" phong trào kiên cố hóa đường giao thông đã phát triển rộng khắp mà đáng ghi nhận là không có tuyến đường nào phải thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng mà hoàn toàn do nhân dân tự nguyện hiến đất hoặc phá bỏ tường rào, vật kiến trúc.
Cụ thể, sau ba năm với tổng kinh phí 548 tỷ đồng, các xã trong tỉnh đã kiên cố được 380km đường và mở mới được hơn 700km đường. Riêng năm 2012 đã bê tông hóa được 130km và mở mới 348km nền đường liên thôn, bản với tổng kinh phí 183 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 104 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 79 tỷ đồng). Sang năm 2013 kiên cố hóa được 130km đường, mở mới nền đường liên thôn bản 300km, tổng kinh phí trên 216 tỷ đồng. Có thể nói, việc phát triển mạng lưới giao thông nông thôn thực sự là "cú hích" tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, mở mang dân trí.
Tuy Lộc đã đạt 18/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Nông dân Tuy Lộc chăm sóc rau màu vụ đông). Ảnh: Linh Chi
Cùng lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, lĩnh vực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cũng thu được nhiều kết quả. Trên cơ sở đồ án quy hoạch, đề án xây dựng NTM, các xã đều triển khai xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch "Thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2015"; ban hành nhiều chương trình, đề án quy hoạch, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM.
Với các đề án, chính sách đầu tư hỗ trợ như: Đề án giảm nghèo tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Dự án hỗ trợ nuôi cá trên hồ Thác Bà…, toàn tỉnh đã xây dựng được 30 mô hình sản xuất trong đó có một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình sản xuất lúa chất lượng quy mô 50ha tại huyện Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ, mô hình dâu tằm tơ tại xã Tân Đồng (Trấn Yên), nuôi cá nheo trong lồng trên hồ Thác Bà, mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tại Yên Bình…
Từ triển khai thực hiện đề án, dự án và các chính sách hỗ trợ sản xuất đã tạo sự chuyển biến tích cực về sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đã duy trì được 120 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 2.310 tổ hợp tác, đặc biệt đã từng bước hình thành sự liên kết giữa người dân với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập.
Bước đầu, có thể khẳng định Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông dân và nông thôn Yên Bái, nhất là tại các xã được chọn xây dựng điểm và xã đăng ký đạt chuẩn vào năm 2015.
Ông Nhâm Xuân Trường - Phó chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Từ triển khai Chương trình, theo đánh giá, tỷ lệ số xã đạt dưới 5 tiêu chí từ 87,5% giảm xuống còn 60,5 %; các xã cơ bản đều tăng được từ 3 - 4 tiêu chí/năm, trong đó có 1 xã đạt chuẩn từ 15- 19 tiêu chí, 10 xã đạt chuẩn từ 10 - 14 tiêu chí, 49 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, 92 xã còn lại đạt dưới 5 tiêu chí. Chương trình đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất cho người nông dân. Cụ thể, năm 2012 thu nhập bình quân đã tăng lên 16,6 triệu đồng/người/năm, trong đó riêng thu nhập khu vực nông thôn năm 2010 là 7,2 triệu đồng, tăng lên là 9 triệu đồng (tăng 1,8 triệu đồng); tỷ lệ hộ đói nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,3 - 3,5%/năm…".
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Cho đến nay, toàn bộ diện tích thí nghiệm trên cây chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) chưa thấy mối trở lại, cây chè sinh trưởng và phát triển khá hơn. Theo đánh giá bước đầu, đối với diện tích xử lý thuốc Metavina 90 DP và Metavina 10 DP có tác dụng rõ rệt.
YBĐT - Việc tổ chức học nghề ngắn hạn ở Mù Cang Chải đã bám vào các chủ trương và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc dạy nghề trồng ngô, nuôi ong, trồng trọt - chế biến nông sản, bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y… không chỉ mang đến cho đồng bào một nghề, một cách làm mới mà còn làm thay đổi trong nhận thức của không ít cán bộ cơ sở.
YBĐT - 34 tỷ đồng, trong đó tiền mặt trên 20 tỷ đồng, công lao động và giúp đỡ khác quy ra tiền trị giá gần 14 tỷ đồng là con số không hề nhỏ mà Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh Yên Bái nhận được trong 3 năm qua (2010 - 2012).
YBĐT - Năm 2009, nhà bảo tàng được khởi công bên khu hồ Hào Gia liền kề với Thư viện tỉnh (thành phố Yên Bái) quả thực là niềm vui khôn tả không chỉ với riêng người làm công tác bảo tàng. Nhưng khi đã hoàn thiện tới 95% khối lượng thi công phần vỏ nhà trưng bày thì công trình phải dừng lại.