Một ngày ở Trống Tầu
- Cập nhật: Thứ ba, 31/12/2013 | 4:02:08 PM
YBĐT - Đã nghe nhiều về những ngày hè tình nguyện vất vả ở vùng cao nhưng quả thực tôi vẫn chưa sao hình dung nổi những cô, cậu sinh viên “trói gà không chặt” ấy, vốn chỉ quen với cuộc sống nơi phố xá lại có thể bám trụ và thành thục những công việc đồng áng ở vùng cao như một người dân bản địa thực thụ...
Một ngày lao động trên bản Trống Tầu của các đội viên tình nguyện.
|
Trống Tầu là một trong hai bản khó khăn và xa nhất nhì của xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu. Bản nằm vắt vẻo lưng chừng núi. Để tới được nơi định cư của 55 hộ đồng bào Mông sinh sống trên rẻo cao này phải mất gần chục cây số đường núi gập ghềnh.
Ngồi sau chiếc xe Wave Tàu của Giàng A Chu - Bí thư Đoàn xã, tôi sợ đến cứng cả người khi chiếc xe lúc rú ga chồm lên, khi gằn máy ì ạch bò theo con đường mòn chênh vênh, chỉ vừa vặn người đi, bên này là vách đá lởm chởm, bên kia là vực sâu hun hút, sơ sảy một chút là có thể rơi xuống lòng suối Păng bất cứ lúc nào. Thời gian ngược bản gần 2 tiếng đồng hồ, tôi không dám nói câu gì.
Chạy xe qua hết đoạn đường khó, Chu mới kể: “Mấy tháng trước, bác Bí thư Đảng ủy xã đi xuống bản này làm việc gặp trời mưa trơn, xe mất lái lăn tận xuống đáy vực, may mà người không ngã theo. Mọi người lần xuống tìm xe thì nó đã bẹp rúm, nát hết chẳng còn gì, đành vứt lại dưới ấy…”.
Điểm Trường Tiểu học bản Trống Tầu nằm chon von trên đồi cao, cũng là nơi tá túc của Đội trí thức trẻ số 3 của Tỉnh đoàn Yên Bái trong những ngày hè tình nguyện. 10 tình nguyện viên trí thức trẻ trong Đội có người là cán bộ của Tỉnh đoàn Yên Bái, Huyện đoàn Trạm Tấu, có người là sinh viên các trường: Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, Trung cấp Thể dục thể thao tỉnh, Trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Nghề, Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch tỉnh…
Trong số ấy, có những người đã dày dạn thâm niên và kinh nghiệm tình nguyện ở vùng cao như Đội trưởng Hoàng Văn Chinh - cán bộ Tỉnh đoàn hay như thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Hải, công tác tại Trường Trung cấp Thể dục thể thao tỉnh nhưng cũng có những cô, cậu sinh viên mặt búng ra sữa, chưa một lần đặt chân lên đây như Phan Thị Thắm, sinh viên năm đầu Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh…
Phút bỡ ngỡ qua đi, những ngơ ngác, lạ lẫm về một cuộc sống khác mình đầy khó khăn, vất vả dần nhường chỗ cho khát khao được sẻ chia và cống hiến sức mình của mỗi bạn trẻ. Cái khó, cái khổ và sự mộc mạc chân tình của đồng bào Mông trong bản đã xóa nhòa khoảng cách của sự lạ - quen, những khác biệt về phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt và cả những bất đồng ngôn ngữ, để rồi cả đội nhanh chóng hòa mình vào công việc “ba cùng” với dân. Những công việc chưa một lần thử làm đầy háo hức. Những bữa cơm chỉ độc cá mắm với lạc rang, sang lắm mới có thêm bát canh rau rừng. Đến cả một giấc ngủ trưa cũng là xa xỉ. Nhật ký tình nguyện và những dòng cảm xúc viết vội trong phút giải lao quý giá… Tất cả khiến cuộc sống của những bạn trẻ thành thị trải nghiệm mình trên bản Trống Tầu trở nên vô cùng ý nghĩa.
“Có bao nhiêu là việc phải làm” - Đội trưởng Chinh tâm sự thế. “Ngày gặt lúa giúp dân, tổ chức lao động khơi thông cống rãnh, làm đường giao thông cho bản, phát dọn vệ sinh giúp các gia đình; chiều mát tranh thủ cắt tóc, gội đầu, tắm táp cho đám trẻ nhỏ. Tối cả đội tập trung làm công tác dân vận, xuống từng nhà dân kèm dạy kiến thức cho con em đồng bào và tuyên truyền chính sách, pháp luật cho các gia đình...”.
Được biết, nhiệm vụ của Đội trên bản Trống Tầu đặc biệt hơn, đó là làm nhà cho một hộ gia đình chính sách trong bản. Công việc độc lập từ A đến Z. Vất vả nhất là những ngày lên rừng đốn gỗ kéo về tập kết. Bắt tay vào dựng nhà cho gia đình bà Thào Thị Dung, thuộc diện gia đình neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản là phần việc khiến cả đội phấn chấn. Chưa từng làm, không cưa, đục, cũng chẳng có những dụng cụ cần thiết như kìm, búa…, chỉ với con dao rựa hay mẩu gỗ rừng trong tay, bằng kỹ thuật và kinh nghiệm của người già trong bản, khung nhà, phần quan trọng nhất đã được các bạn trẻ nhanh chóng dựng lên.
Phút lóng ngóng ban đầu qua nhanh, làm thành thục công việc này như một người dân bản địa, Nguyễn Văn Hải chia sẻ: “Mấy mùa tình nguyện ở vùng cao, mình đã khá quen với những công việc thường ngày của bà con, nhưng dựng nhà thì quả thực rất mới mẻ. Nhìn và học người già trong bản làm rồi cũng làm được nhưng không dễ. Mỗi mùa tình nguyện qua đi lại thấy mình rắn rỏi và trưởng thành lên rất nhiều”.
Dù vẫn biết cuộc sống ở vùng cao là thiếu thốn nhưng cô sinh viên năm đầu của Trường Kinh tế - Kỹ thuật Yên Bái Phan Thị Thắm vẫn thấy ngỡ ngàng: “Đây là lần đầu em lên vùng cao. Cuộc sống ở đây quả thật rất khổ, cái gì cũng thiếu; tiền có cũng không thể mua nổi những vật dụng cần thiết vì đường sá đi lại quá khó khăn. Thế mới biết những gì cuộc sống mình đang có thật quý giá. Em đã có thêm cơ hội để trải nghiệm và sống khác mình, ý nghĩa và sâu sắc hơn”…
Những tấm tôn cuối cùng đã phủ kín phần nóc ngôi nhà mới của bà Thào Thị Dung. Người đàn bà hiền như đất ấy chỉ biết cười, nước mắt rưng rưng nắm tay những đội viên trẻ. Trưởng bản Giàng A Sung là người vui nhất. Mấy ngày tình nguyện trên bản, các bạn trẻ đã làm thay đổi một phần nếp sống và thói quen sinh hoạt của dân bản anh. Vẫn biết phải xóa cái đói, đẩy lùi cái nghèo, thế nhưng điều kiện khí hậu khắc nghiệt và địa hình đồi núi dốc mạnh ở rẻo cao này chỉ cho người dân ở đây làm được ruộng nước một vụ trong năm. Những cây trồng khác chưa cho hiệu quả kinh tế nên cả thôn còn tới trên 70% hộ nghèo. Cuộc sống vẫn chủ yếu tự cung tự cấp.
Nhìn những ngôi nhà chênh vênh lưng núi, A Sung tư lự: “Cái đường lên bản mình đi lại khó quá nên con lợn nuôi to, hạt thóc thu về bán cũng không được giá mấy. Mùa mưa thì chỉ đi bộ nên có mang được hàng hóa xuống chợ huyện cũng mất rất nhiều công. Con đường chưa to, chưa dễ đi thì làm gì cũng khó khăn...”.
Trăn trở của Trưởng bản Giàng A Sung cũng là cái khó khăn thực tại chung của các thôn, bản ở Làng Nhì mà Đảng ủy, chính quyền địa phương này đang phải rất nỗ lực khắc phục...
Bóng chiều đã nhuộm tím dòng Păng. Nhìn những em bé Mông tíu tít vui đùa bên các anh chị tình nguyện viên, chợt thấy lòng mình khấp khởi. Cái ước ao không nói ra của Trưởng bản Giàng A Sung cũng là điều mà tôi thầm ao ước khi đặt chân lên bản Mông này, ấy là mong một ngày không xa con đường đất lắt lẻo, hiểm nguy lên bản được rộng mở để cuộc sống của người dân nơi đây vơi bớt nỗi nhọc nhằn.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Theo kết quả điều tra, rà soát hoạt động tội phạm của Công an tỉnh Yên Bái, từ năm 2008 đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 50 vụ, 120 đối tượng với 154 phụ nữ và trẻ em bị buôn bán. Tuy nhiên con số phụ nữ trẻ em nghi bị buôn bán lớn hơn nhiều so với thực tế với gần 400 nạn nhân. Đây chỉ phần nổi của "tảng băng chìm" khi mà công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm phức tạp này hiện còn gặp không ít khó khăn...
YBĐT- Lên Xéo Dì Hồ (Lao Chải - Mù Cang Chải - Yên Bái), chứng kiến những khó khăn, vất vả cũng như nghị lực vươn lên của thầy trò nơi đây, trong tôi có một niềm tin mãnh liệt, giáo dục vùng cao sẽ đổi thay, góp phần thay đổi đời sống bà con nơi đây vùng cao này.
YBĐT - Đã từ vài năm nay, muốn về thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, Yên Bái) bất kể là người dân hay khách du lịch cũng đều phải sử dụng chiếc bè mảng làm từ gỗ rất đơn sơ để vượt qua đoạn đường bị nước hồ dâng ngập.
YBĐT - Tình trạng thiếu bác sĩ phục vụ công tác chuyên môn là bài toán khó giải ở các bệnh viện trong tỉnh Yên Bái, làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.