Lời giải nào cho bài toán nhân lực ngành y?

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/12/2013 | 8:51:55 AM

YBĐT - Tình trạng thiếu bác sĩ phục vụ công tác chuyên môn là bài toán khó giải ở các bệnh viện trong tỉnh Yên Bái, làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Khám chữa bệnh cho người nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu.
Khám chữa bệnh cho người nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu.

Cái khó ở bệnh viện vùng cao

Yên Bái có hai huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải nằm trong danh sách những huyện nghèo nhất nước. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu bác sĩ tại bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế xã đã ảnh hưởng nhiều đến chăm sóc và điều trị bệnh cho người dân.

Chúng tôi đến Phòng khám Đa khoa khu vực (ĐKKV) ngã ba Kim - một trong hai phòng khám ĐKKV thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện Mù Cang Chải. Hàng ngày, Phòng khám vẫn tiếp nhận bệnh nhân từ các trạm y tế xã chuyển lên nhưng vì thiếu y bác sĩ ở một số chuyên khoa nên ảnh hưởng rất nhiều trong khám và điều trị cho bệnh nhân. Không những vậy, nhiều trang thiết bị hiện đại, được đầu tư theo Đề án 225 cũng không thể sử dụng và phải điều chuyển lên tuyến trên. Hiện tại, năng lực mà Phòng khám đảm nhận chỉ tương ứng với một trạm y tế xã.

Bác sĩ Nguyễn Văn Giới - Trưởng phòng khám ĐKKV ngã ba Kim chia sẻ: “Đội ngũ y bác sĩ quá mỏng đã ảnh hưởng nhiều đến công tác chuyên môn, nhất là những ngày đông bệnh nhân. Cách đây 3 tháng, Phòng khám mới có cán bộ làm công tác cận lâm sàng nên các xét nghiệm cũng mới được triển khai”.

Bệnh viện Đa khoa huyện Mù Cang Chải dù đã được nâng cấp và đầu tư trang thiết bị, song bác sĩ thiếu đã gây không ít khó khăn trong hoạt động điều trị cũng như sơ cấp cứu ban đầu.

Hiện Bệnh viện chỉ có duy nhất bác sĩ Cứ A Hồng - Giám đốc Bệnh viện, vừa làm công tác quản lý, vừa kiêm bác sĩ phẫu thuật. Bác sĩ Hồng chia sẻ: “Trong 10 năm trở lại đây, Bệnh viện đã cử 10 cán bộ đi đào tạo trình độ đại học nhưng khi học xong rất ít cán bộ trở lại đơn vị công tác. Đã có 6 cán bộ có trình độ đại học xin chuyển công tác về những nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Vì thiếu nguồn lực mà hiện nay công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn”.

Tại huyện Trạm Tấu, ngay cả Bệnh viện Đa khoa huyện cũng thiếu bác sĩ trầm trọng. Tính cả Ban giám đốc, Bệnh viện mới chỉ có 9 bác sĩ. Trong đó: 3 bác sĩ trong Ban giám đốc, một bác sĩ phụ trách công tác đông y, 5 bác sĩ phụ trách công tác chuyên môn. Theo Thông tư 08 của Bộ Y tế, tính tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân thì Trạm Tấu thiếu không nhiều nhưng tính theo các khoa, phòng chuyên môn thì Trạm Tấu lại rất thiếu bác sỹ. Vì thiếu bác sĩ nên trưởng các phòng khám ĐKKV, trưởng khoa, phòng tại Bệnh viện Đa khoa huyện đều do cán bộ không phải là bác sĩ phụ trách, làm ảnh hưởng nhiều đến công tác tham mưu cho Ban giám đốc.

Bác sĩ Trịnh Văn Nghĩa - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu cho biết: “Bác sĩ chính quy ra trường hầu như không về huyện, thậm chí, bác sĩ đào tạo theo địa chỉ cũng sẵn sàng phá hợp đồng, không trở về. Bên cạnh đó, một số bác sĩ đang công tác tại bệnh viện cũng có tư tưởng muốn chuyển về vùng thấp, nơi có điều kiện tốt hơn. Tính từ năm 2006 đến nay, Bệnh viện chỉ tuyển được 2 bác sĩ, đều là người dân tộc Mông, tỉnh điều thêm 2 bác sĩ. Trong khi đó, Bệnh viện lại có 2 bác sĩ xin chuyển công tác về vùng có điều kiện thuận lợi hơn. Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh đã xuống cấp, thiếu các khoa, phòng chuyên môn nên ảnh hưởng nhiều đến điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Một số trang thiết bị tại viện được Nhà nước đầu tư nhưng không được bố trí sử dụng, khai thác hiệu quả”.

Theo Đề án 225 của Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu được đầu tư nâng cấp lên quy mô 50 giường bệnh nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay, đơn vị mới tiến hành được công tác giải phóng mặt bằng.

Lời giải cho bài toán nhân lực ngành y

Tình trạng thiếu bác sĩ phục vụ công tác chuyên môn không chỉ là bài toán khó cho các bệnh viện ở vùng cao mà ngay cả ở các bệnh viện vùng thấp. Theo bác sĩ Trần Lan Anh - Phó giám đốc Sở Y tế, toàn ngành hiện có 3.257 cán bộ, trong đó có 538 bác sĩ, đạt tỷ lệ 7,03 bác sĩ/1 vạn dân, 101 xã có bác sỹ, đạt 56,11%. So với Thông tư 08 của Bộ Y tế, toàn ngành còn thiếu 147 bác sĩ và 47 dược sĩ đại học. Trong đó, các bệnh viện thiếu 47 bác sĩ, trung tâm y tế thiếu 21 bác sĩ và các trạm y tế xã thiếu 79 bác sĩ. Nhu cầu từ năm 2013 - 2015, toàn tỉnh cần bổ sung thêm 333 bác sĩ, 26 dược sĩ đại học. Hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải còn thiếu 65 cán bộ, trong đó, thiếu 25 bác sĩ và 2 dược sĩ đại học. Tuyến xã của 2 huyện này thiếu 12 bác sĩ mới đạt tỷ lệ chung của toàn tỉnh.

Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực trong ngành y tế, nhất là tình trạng thiếu bác sĩ tại hai huyện vùng cao, ngành đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, đề án về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2009 - 2015. Sở Y tế cũng có văn bản đề nghị các trường đại học y, dược đăng tải thông tin về những chính sách và đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trên website của các nhà trường thông báo rộng rãi đến sinh viên về chế độ, chính sách ưu tiên trong tuyển dụng nguồn nhân lực y tế của Yên Bái.

Đồng thời tổ chức gặp mặt các sinh viên có hộ khẩu thường trú tại Yên Bái đang theo học tại các trường y, dược phổ biến các chính sách của tỉnh, động viên các em sau khi ra trường trở về địa phương công tác.

Bên cạnh đó, ngành y tế Yên Bái đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chính sách về đào tạo bác sĩ, dược sĩ có trình độ sau đại học, đào tạo chuyên sâu, hợp đồng đào tạo bác sĩ, dược sĩ theo địa chỉ sử dụng. Sau 2 năm triển khai, ngành đã cử 90 cán bộ học sau đại học, 128 cán bộ học đại học liên thông dược sĩ, bác sĩ, hợp đồng liên kết đào tạo theo địa chỉ cho 86 sinh viên tại Học viện Quân y và Đại học Y - Dược Thái Nguyên, thu hút và tuyển dụng 10 bác sĩ và dược sĩ đào tạo chính quy về công tác tại tỉnh, hợp đồng 9 cán bộ y tế nghỉ hưu có trình độ cao tiếp tục tham gia khám chữa bệnh tại các bệnh viện.

 

Các phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư, nâng cấp đã tạo điều kiện tốt hơn cho công tác khám chữa bệnh

Trong 2 năm 2012 - 2013, tỉnh bố trí trên 16 tỷ đồng thực hiện các chính sách này. Ngoài ra, Sở Y tế còn tăng cường cán bộ cho 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải theo Đề án 1816. Đã có 22 cán bộ luân phiên hỗ trợ giúp các huyện với thời gian hỗ trợ 69 tháng, chuyển giao 18 kỹ thuật cho bệnh viện tuyến huyện; số bệnh nhân được cán bộ tăng cường trực tiếp khám và điều trị trên 2.960 người, trong đó có 7 bệnh nhân được các bác sĩ tăng cường trực tiếp tham gia, chỉ đạo công tác phẫu thuật.

Phó giám đốc Trần Lan Anh chia sẻ: “Để giải bài toán nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng nguồn nhân lực, ngành y tế cần có chế độ đãi ngộ, thu hút bác sĩ lên công tác tại các bệnh viện vùng cao và có chế độ đãi ngộ cán bộ có tay nghề cao, tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo nâng cao tay nghề tại tuyến trung ương. Hiện tại, ngoài hệ đào tạo chính quy, ngành y tế vẫn duy trì các hệ đào tạo theo địa chỉ và liên thông đi đôi với giám sát, kiểm định chất lượng đào tạo của trường y thông qua đánh giá chất lượng cán bộ y tế sau khi ra trường.

Ngoài ra, yếu tố cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo là thông tin phản hồi từ phía đơn vị sử dụng nguồn nhân lực với cơ sở đào tạo để đào tạo “trúng” với nhu cầu thực tế của địa phương. Theo Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của Bộ Y tế, tỉnh Yên Bái sẽ được tăng cường 11 bác sĩ về hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải là cách góp thêm một phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh.

Hà Anh

Các tin khác

YBĐT - Hiện nay nhiều địa phương của Trấn Yên (Yên Bái) đang rơi vào hoàn cảnh lao đao với giá đao riềng thấp. Hướng phát triển tổ hợp tác sản xuất miến đao theo quy trình khép kín đang được người dân ở đây quan tâm.

Học trò người Mông ở Khuôn Bổ hôm nay.

YBĐT - Thời gian thấm thoắt thoi đưa, xuân Giáp Ngọ này sẽ là mùa xuân thứ 15 người Mông ở bản Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện huyện Trấn Yên (Yên Bái) bỏ hẳn cuộc sống du canh, du cư trên các triền núi cao về hạ sơn chung một bản, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới no ấm hơn, đàng hoàng hơn.

Bãi rác tự nhiên gần ngã ba giữa Quốc lộ 37 đoạn đi Bảo Hưng (Trấn Yên).

YBĐT - Ở các địa phương vùng quê nơi đất rộng thì người dân đã có thể tự xử lý rác thải bằng cách đào hố chôn hoặc đốt. Nhưng những nơi công cộng, các chợ quê, một lượng lớn các loại rác, chất thải mỗi ngày sinh ra chưa có biện pháp thu gom xử lý.

Cụ Nguyễn Hữu Bính thăm lại đồi chè tự tay mình trồng.

YBĐT - Cơ nghiệp hay cơ duyên đều đúng cả với những chiến sỹ công binh hay những phụ nữ đảm đang trong các gia đình ở Thác Hoa - những người gắn bó với đồi chè cả cuộc đời. Họ cũng là những công nhân có thâm niên lâu nhất ở Nông trường Chè Trần Phú, nay là Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ (Yên Bái).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục