Niềm tin Xéo Dì Hồ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/12/2013 | 3:03:59 PM

YBĐT- Lên Xéo Dì Hồ (Lao Chải - Mù Cang Chải - Yên Bái), chứng kiến những khó khăn, vất vả cũng như nghị lực vươn lên của thầy trò nơi đây, trong tôi có một niềm tin mãnh liệt, giáo dục vùng cao sẽ đổi thay, góp phần thay đổi đời sống bà con nơi đây vùng cao này.

Điểm mới được đầu tư xây dựng.
Điểm mới được đầu tư xây dựng.

Biết tin chúng tôi sẽ lên thăm trường, thầy Bùi Công Nguyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xéo Dì Hồ đã cắt cử một số thầy giáo thuộc hàng "tay lái lụa vùng cao" xuống tận cầu treo Nậm Kim thuộc địa phận xã Khao Mang để đón. Chỉ khoảng 7km đường nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được thế nào là đường vùng cao khi một bên là vách núi cao, một bên là vực thẳm, còn mặt đường gập ghềnh khiến chiếc xe máy lao lên, chồm xuống như muốn hất người ngồi trên văng ra khỏi xe. Mất cả giờ đồng hồ chúng tôi mới có mặt tại điểm chính Trường tiểu học Xéo Dì Hồ, tại bản Xéo Dì Hồ.

"Đấy là quen đường, chứ không còn lâu hơn. Giá một cuốc xe ôm lên  trường 7km đúng 100 ngàn đồng, đấy là ngày nắng, chứ ngày mưa thì chịu" - thầy Vũ Vương  Sinh người cầm lái nói.

Không cần giở sổ sách, thầy Bùi Công Nguyên cũng có thể vanh vách: Hiện trường có 7 lớp mầm non với 157 cháu; 21 lớp tiểu học 458 cháu. Trong đó mầm non có ở 5 điểm trường lẻ ở 5 bản là: Háng Đề Sủa 1 lớp, Hồ Nhì 3 lớp, Cù Dì Séng 2 lớp, Séo Dì Hồ 3 lớp. Toàn trường có 38 giáo viên:  8 mầm non và 30 tiểu học.

Điểm chính của trường với khoảng bảy, tám phòng học và nhà nội trú cùng dãy nhà công vụ. Xung quanh trường, rừng chò lông cao vút tỏa bóng.

"Dù thiếu phòng chức năng, phòng giảng dạy nhưng cơ bản vẫn đủ  phòng để 19 lớp học hai ca và có chỗ ở cho các cháu, anh ạ! Vậy là tốt lắm rồi chứ cách đây chưa lâu, học sinh phải ngồi học ghép ở những phòng học dựng tạm bởi những thanh tre, thanh nứa tồi tàn." -  thầy Nguyên bảo vậy.

Như trẻ vùng thấp, lũ trẻ vùng cao rất hiếu động nhưng các cháu đều rất ngoan và lễ phép. Hỏi về chuyện ăn ở, học hành, Giàng Thị Pàng - học sinh giỏi lớp 4 cho biết: "Được đi học rất vui, chúng cháu được học kiến thức, được các thầy cô nấu ăn ngon hơn ở nhà". Đã vài năm nay, Pàng và em trai là Giàng A Nhà cùng vài chục học sinh thuộc diện bán trú nơi đây đã coi ngôi trường là "gia đình thứ hai".

Đều thuộc diện hộ nghèo, vì vậy  mọi sinh hoạt đã có Nhà nước hỗ trợ. Nhưng ở vùng cao khó khăn này, ranh giới đói nghèo rất mong manh. "Trừ các cháu được hưởng chế độ Nhà nước, đối với các cháu còn lại, bữa cơm có thịt cá ít lắm anh ạ! Thời gian này, do bố mẹ đã đỡ bận làm mùa, bữa cơm các cháu  còn có thêm rau để ăn, còn không bình thường chỉ có nước chan cơm, thương lắm mà chẳng biết làm sao! Ngoài bữa ăn, các cháu rất thiếu sách vở, đồ dùng học tập" - thầy Nguyên bùi ngùi chia sẻ.

Thương học sinh, thầy cô ở đây nỗ lực thêm nhiều phần. Các em không biết tiếng phổ thông và rất nhút nhát, các thầy cô phải học tiếng của bà con để giao tiếp với các em, sau đó mới từng bước luyện cho tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, mỗi thầy cô đều cố gắng "làm việc gì đó" để có thể giúp các em.

Vậy mới có chuyện, thầy Sinh nhà ở dưới Khao Mang, đã nhiều năm nay hàng ngày  tự nguyện mua sắm thực phẩm là rau, thịt cá, mắm muối" rồi vận chuyển từ dưới lên, "để rẻ được chút nào hay chút đấy" mà không nhận bất cứ một đồng tiền công nào. Nhiều hôm chở nặng, gặp trời mưa, đường trơn trượt, người và xe ngã quay lơ ra đường nhưng nghĩ tới các em thầy lại cố gắng.

Trong các điểm trường lẻ của Trường Xéo Dì Hồ thì điểm trường Củ Dể Xeng, như lời thầy Sinh, là niềm tự hào của các thầy cô vì đây là công trình  hoàn toàn do các thầy cô cùng nhà tài trợ là Công ty Liên doanh Câu lạc bộ Hà Nội tận tâm xây dựng. Đó là một nỗ lực rất lớn của các thầy giáo cũng như người dân bản Củ Dể Xeng trong công tác xã hội hóa, với tấm lòng vì học sinh thân yêu.

Điểm trường mới được xây dựng trên sườn núi, thoáng đãng với 7 phòng học mái tôn, tường tôn cùng một nhà vệ sinh và vài ba phòng công vụ cho các thầy cô ở. Tuy còn đơn sơ nhưng nó khác xa điểm trường cũ cách đó vài trăm mét, thực sự không khác gì dãy chuồng bò.

"Nhà tài trợ chỉ thông báo trước một tuần yêu cầu có mặt bằng xây dựng, nếu không sẽ chuyển địa điểm đầu tư" - vừa đưa tôi đi thăm trường, thầy Sinh vừa kể lại chuyện xây dựng điểm trường này.

Trước cơ hội "có một không hai này" phải lắm lấy không được bỏ lỡ nhưng đau đầu nhất là lấy đâu ra mặt bằng để làm trường? Mảnh nương sườn núi nơi gia đình ông Giàng A Lồng trong bản canh tác là lý tưởng nhưng làm sao vận động? Kết hợp với trưởng bản, thầy Nguyên và thầy Sinh xuống nhà ông Giàng A Lồng vận động để xin đất.

"Lúc đầu ông Lồng đòi 100 triệu đồng. Sau mấy buổi tối rượu uống say mèm, tâm sự, vận động ông vì sự nghiệp chung, vì tương lai các cháu… cuối cùng ông cũng quyết định xuống giá đền bù là 30 triệu  đồng".

Có đất, cả bản cùng các thầy cô đóng góp  trả tiền đất, rồi vận động nhà nào có lao động đều đến để san tạo mặt bằng.  Đúng hẹn, sau một tuần khi nhà đầu tư đến chứng kiến tận mắt, rất hài lòng, cho triển khai xây dựng ngay. Theo tính toán, mức đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng nhưng với sự đóng góp của bà con dân bản và các thầy cô, công trình đã lên tới trên 450 triệu đồng mà hoàn toàn từ xã hội hoá.

 

Điểm trường Củ Dể Xeng cũ  

Qua câu chuyện với các thầy cô ở Xéo Dì Hồ mới biết "sự tự thân" của các thầy, cô nơi đây tốt thế nào! Thực tế các công trình phụ như: bể nước, nhà vệ sinh, nhà công vụ… các thầy cô giáo phải tự lực.

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, họ lại đi xe máy xuống Khao Mang vận chuyển vật liệu. Cát được đóng thành hai bao tải, để trước và sau xe, như kiến tha mồi các thầy cô giáo đã vận chuyển hàng chục khối cát lên phục vụ xây dựng. Hơn thế, vùng cao đường xấu, xe máy liên tục hỏng hóc nhưng mọi người đều tự nguyện bỏ tiền túi ra sửa chữa. Nhiều người sau đợt xây dựng phải đổi xe, riêng hiệu trưởng Nguyên, do quá nhiệt tình phải đã đổi  tới 3 xe máy. Nhưng ai thấy cũng vui. Cơ sở vật chất mới được đầu tư là điều kiện tiên quyết nâng cao chất lượng dạy và học.

Cô giáo Bàn Thị Tâm - giáo viên mầm non tâm sự: "Có cơ sở vật chất như thế này là hạnh phúc lắm rồi anh ạ, chứ vừa năm trước chúng em giảng dạy trong phòng học chỉ có nền đất và không có bất cứ một dụng cụ hỗ trợ dạy và học nào. Lớp học ghép chất lượng cũng không được đảm bảo".

Còn thầy Giàng A Cha cho biết: "Điều kiện khắc nghiệt, đi học mất một, hai giờ đồng hồ, mùa đông vùng cao lại lạnh, năm trước nhiều học sinh ốm phải bỏ học. Nhưng năm nay do có lớp học tốt, che chắn gió mà tình trạng này đã giảm hẳn!"

Rời Cồ Dể Xeng, chúng tôi sang điểm trường bản Cáng Dông. Điểm trường gồm 2 gian phòng gỗ nhỏ bé sập sệ, một là phòng học, một là chỗ ở của thầy Giàng A Tre người  xã Hồ Bốn.

Trong buổi chiều đìu hiu gió lạnh, có lẽ  chỉ duy nhất một hình ảnh làm cho tôi - người lần đầu đến đây vơi bớt cảm giác bùi ngùi và cô quạnh đó là lá cờ tổ quốc treo cao bay trong gió.

Thế mới hiểu nỗi vất vả của người "gieo chữ vùng cao", giữa bốn bề núi rừng với thiếu thốn vật chất và tình cảm, chẳng vậy không có gì quá ngạc nhiên khi   bắt gặp  dòng chữ "Ôi buồn chán!" chắc của một thầy, cô nào đó trong lúc quá buồn đã viết lên tường. Có lẽ đó cũng là giây phút bột phát mà trong mỗi con người ai cũng có, giống như tôi hôm nay! Nhưng hơn tất cả, tôi vẫn cảm nhận sự cố gắng vượt lên khó khăn, nhiều thầy cô giáo như Bùi Công Nguyên, Nguyễn Trung Thông, Vũ Vương Sinh… đã gắn bó nơi đây trên mười năm trời.

Đúng như lời tâm sự của thầy giáo trẻ Giàng A Tre: "Ở đây rất buồn nhưng vì cuộc sống và cũng vì các em, chúng em động viên nhau vượt qua tất cả!".

Một niềm vui đến với Cáng Dông, đó là theo thầy Nguyên thông tin, trước những khó khăn của điểm trường cũng như sự nhiệt tình, sự hiệu quả từ lần đầu tư trước, có nhà tài trợ đã nhận đầu tư xây dựng điểm trường. Như vậy Cáng Dông sẽ có những đổi thay. "Nhưng có lẽ chúng tôi lại phải thay xe mới !" - thầy Sinh nói vui.

Không chút vụ lợi, vì vậy, không phải tự nhiên mà trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lý A Lù - Phó chủ tịch UBND xã Lao Chải đã nói: "Những bản mà Trường tiểu học Xéo Dì Hồ phụ trách là khu vực khó khăn nhất của xã Lao Chải. Nhưng các thầy cô đã nỗ lực vươn lên, nhất là trong việc huy động nguồn lực để xây cơ sở vật chất trường học, để tạo điều kiện để con em vùng cao chúng tôi đến trường. Người vùng cao chúng tôi rất tin tưởng và cảm ơn các thầy cô!".

Còn phần thưởng hay vinh dự nào hơn là sự "tin tưởng của người dân đã trao"! Chia tay Xéo Dì Hồ, dẫu biết rằng sự nghiệp giáo dục vùng cao còn lắm gian truân nhưng nhìn những nụ cười, ánh mắt đầy niềm tin của các thầy, các cô và các em học sinh  nơi đây, trong tôi có một niềm tin mãnh liệt: Giáo dục  nơi đây sẽ ngày một đổi thay, từ những vất vả, nhọc nhằn, tận tâm của thầy cô và từ kiến thức được truyền thụ của các em học sinh ở nơi gian khó này!.

 Đình Tứ

Các tin khác

YBĐT - Đã từ vài năm nay, muốn về thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, Yên Bái) bất kể là người dân hay khách du lịch cũng đều phải sử dụng chiếc bè mảng làm từ gỗ rất đơn sơ để vượt qua đoạn đường bị nước hồ dâng ngập.

Khám chữa bệnh cho người nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Tình trạng thiếu bác sĩ phục vụ công tác chuyên môn là bài toán khó giải ở các bệnh viện trong tỉnh Yên Bái, làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

YBĐT - Hiện nay nhiều địa phương của Trấn Yên (Yên Bái) đang rơi vào hoàn cảnh lao đao với giá đao riềng thấp. Hướng phát triển tổ hợp tác sản xuất miến đao theo quy trình khép kín đang được người dân ở đây quan tâm.

Học trò người Mông ở Khuôn Bổ hôm nay.

YBĐT - Thời gian thấm thoắt thoi đưa, xuân Giáp Ngọ này sẽ là mùa xuân thứ 15 người Mông ở bản Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện huyện Trấn Yên (Yên Bái) bỏ hẳn cuộc sống du canh, du cư trên các triền núi cao về hạ sơn chung một bản, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới no ấm hơn, đàng hoàng hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục