Chuyện làng “đại ca”
- Cập nhật: Thứ năm, 9/1/2014 | 8:50:09 AM
YBĐT - Chỉ trong bảy, tám năm, làng chè đặc sệt với 120 hộ này đã có gần một phần ba số hộ khá, giàu, thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm nhờ nuôi ba ba gai đặc sản. Văn Hưng, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) hiện giờ đã là nơi cung cấp ba ba gai giống có tiếng ở phía Bắc, nhiều nông dân đã thành "đại ca" ba ba, tiền nong rủng rẻng nhưng cấm có chuyện sạt nghiệp, vỡ nợ, mang họa như đâu đó vì tư duy và cung cách làm ăn rất @...
Con ba ba gai đực "khủng" 24 kg của nhà anh Sa Quang Huy - Phó chủ tịch UBND xã Cát Thịnh.
|
"Dân ba ba" đích thị dân làm... chè!
Trưởng thôn Nguyễn Trọng Tuấn không có nhà. Anh Sa Quang Huy - Phó chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cất tiếng: “Chị Láng, ông xã đâu? Đã hẹn rồi?”. Bên lò sao chè chái bếp, một phụ nữ chít khăn dừng tay lửa: “Em không biết, hay đi Trần Phú?”. “Đúng dân chè, đã hẹn còn nhót đi, cua chè lá chứ gì?”. “Ơ, đích thị dân làm chè lỵ! Xem chân tay bọn em còn khối nhựa chè này”.
Tán vui, rồi chị xếp chè lại, ngồi chuyện với khách. Anh Huy giới thiệu đây là một trong 302 hộ của xã, một trong 80 hộ của Văn Hưng nuôi ba ba gai đặc sản, mỗi năm bình quân mỗi hộ nuôi thu trên dưới 50 triệu đồng, tổng thu nhập từ ba ba khoảng 16 tỷ đồng, hầu hết đại ca ba ba đều ở Văn Hưng.
Chị Láng pha trà mời khách: “Em đang làm chè đấy, nuôi ba ba cũng mới mươi năm nay thôi!”. Thì thế, đâu chỉ riêng nhà chị mà thôn này trăm sự trước kia đều trông cả vào chè. Giữa những năm 70 của thế kỷ trước, mấy chục hộ dân từ Thái Bình lên trồng chè rồi gần ấy năm nếm đủ bao thăng trầm cùng cây chè xứ sở.
Thuở bao cấp, kể cũng không bấn lắm, chè hái đến đâu xe nhà máy chở hết đến đó, không khá nhưng ổn vì cứ đều đều chứ không bếp bênh như trong cơ chế thị trường. Bao cấp không còn, dân ta thu vén được đồng nào thì dốc cho nương chè ngần ấy. Vậy mà lắm phen khóc cười, có năm được búp thì giá bán như bèo, lại làm giá, làm cấp, có năm chè rẻ càng làm càng lỗ, chẳng nhẽ đổ đi. Lại năm hạn gần hết vụ, cây chè vêu vao, búp lẩn mất tăm, giá bán có cao, lại tranh mua, tranh bán, cả vụ có khi chỉ thu vài tạ vì mất lứa, mất trật.
“Như nhà em thử hỏi xưa không có chè thì lấy gì lo ăn cho 5 người, cho con cái học hành?” - chị Láng nói.
Bà mẹ chồng nãy giờ ngồi thu trên giường thì chậc miệng: “Làm chè xoay giỏi lắm cũng đủ ăn thôi, sao khá được như giờ hở mẹ nó!”.
Văn Hưng có 120 hộ, nhà ít thì vài trăm mét vuông chè, nhà nhiều thì quãng 1,5ha. “Cả thôn có bao nhiêu héc-ta chè, chị Láng?” - tôi hỏi. “ấy, món này em chịu, các anh hỏi anh Huy”. Quay ra thì Huy đã biến ra khu ao nuôi ba ba của chủ nhân tự lúc nào...
"Ba ba ơi, em từ đâu đến?”
Lúc chuyện trò từ nhà chị Láng ra, anh Huy bỗng dừng xe, thì ra nhường đường cho lão nông mặt đỏ gay, hai chân chống đẩy chiếc xe máy kềnh càng những tải chè lá. “A, tay Tuấn Trưởng thôn!” - anh nói rồi xuống đỡ giúp. Trưởng thôn dừng lại, xuê xoa chuyện đã hẹn rồi lại nhoắng đi vơ chè lá cuối vụ, thành thử chuyện rốn giữa đường. Mấy thôn nữ đi chợ về thấy thế dừng lại, chuyện chè già rồi sang chuyện ba ba, mấy anh bạn hỏi vui, kiểu như “Ba ba ơi em từ đâu đến?”, đáp rằng: “Chúng em ở suối Kẹn, suối Phà lên đấy ạ!”.
Cười ha - ha - ha - ha. ừ, nghe cái chuyện khởi đầu của một nghề cứu cánh của làng có vẻ vớ vẩn, hài hài nhưng mà đúng thế đấy. Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Nghị, người làm ba ba hai tay nổi tiếng (vừa nuôi ba ba bán giống, bán thịt vừa thu mua, bán giống ba ba) mà hỏi về sự khởi đầu. Phải nghe giọng dân khai hoang đã làm chè dừ tay, rã cẳng giờ làm ông chủ ba ba mới sướng: “Ôi giời, em phải lừa bố em mới lấp được ruộng, đào ao thả ba ba đấy! ông bảo đất trồng lúa quý hơn vàng, cương quyết không cho. Cụ đi chơi, ở nhà mấy anh em hùng hục làm, cụ về việc đã xong!”. Nghị khà khà rồi chỉ tay ra khu bể ba ba gai: “Đấy, em mà không hăng lên thì...
Trên 1.500 m2 ao nuôi ba ba đấy!”. Tôi xoay lại: “Khoan, kể cái chuyện ba ba từ đâu tới đi!”. Nghị “à” một cái, trà thơm một nhấp, giọng rành rọt: “Em nhớ đại thể năm 1999, cái lúc chè cháo chán nhất ấy, ông Huân, ông Sáng kéo nhau đi suối Phà, suối Lao bắt cá, cá là chính chứ ba ba gặp mới bắt thôi. Con to thì thịt, con nhỏ quẳng ao chơi, ai dè nó lớn vù vù, lại đẻ trứng, ra con. Ông Sáng máu làm ăn liền về Thái Bình mua ba ba trơn cỡ bao diêm lên thả, sau con thì chết, con sống thì bò đi mất tiêu. Có gì đâu, ao bể không đúng tiêu chuẩn, em cũng dính rồi. Nhưng cái anh trơn không bằng anh gai suối, bắt lên thả ao lớn ầm ầm, đẻ ào ào, giá bán gấp bốn, năm lần. Mấy ông nhân giống, bà con theo làm ao, trước là xin sau là mua ba ba giống của các ông mà nuôi thành... làng”.
Anh Huy thêm vào: “Ố, con ba ba suối về ao mình nuôi lớn nhanh quá! Chỉ cái cắn nhau rụng chân, mình phải đem bán hay thịt ăn thôi. Hay lắm, lợn chưa cho ăn thì kêu điếc tai chứ thằng này nó kệ thôi!”. Thì cũng hay như cái chuyện nhà anh có phải? Chục năm trước, ngược suối tìm trâu, thấy cặp ba ba gai lượn lờ, tiện tay tóm về quẳng xuống ao. Một dạo bắt lên, ba ba đã hàng cân, đẻ trứng, nở thành con khiến anh quyết định kè ao, xây bể và ngược suối tìm thêm ba ba nhân giống. “Úi, lần ấy may nhé, một đôi ba ba gai bố mẹ to. Năm ngoái, con ba ba gai đực cân 19kg. Vừa rồi cân 24kg, bằng con lợn lửng, khiếp không?”- anh Huy tròn mắt. Đấy, đại để tích nghề nuôi ba ba gai ở Văn Hưng chỉ thế nhưng dăm, bảy năm đã thành một làng nghề quy củ với những mô hình trang trại nức tiếng Văn Chấn - Yên Bái và mãi Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng...
Ngủ mơ có thấy ba ba cười?
Khi tôi hỏi ai thấy ba ba nó cười bao giờ chưa thì đám chị em ở làng cứ đập lưng bồm bộp: “Hay chửa, có anh ngủ mơ mới thấy ba ba cười?”. Đùa thôi, chứ đã nặng với ba ba gai thì ai chả mơ mong cho chúng sinh lắm, đẻ nhiều, và giống, và thịt ba ba bán đắt hơn cả tôm tươi. Như anh Nghị kia - đã lừa cả ông già để đào ao, quyết chí nuôi ba ba nhiều khi cũng mơ thấy nó.
Anh tâm sự: “Nuôi nó kể thì nhàn nhưng cũng lao tâm. Năm 2006, em vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện làm 40m2 ao, bể và mua một cặp ba ba con giống. Một lứa, hai lứa, ba ba con thấy rồi sau kiểm chẳng thấy đâu. Đêm ngủ như nằm trên lửa, tướt mồ hôi. Có gì đâu, bể đẻ làm nông quá, mái lợp phibroximăng không gắn xi, nó bò lên đẩy nghiêng mái rồi biến mất. Có lúc ngủ toàn mơ mình đi tìm cặp ba ba giống về, buồn cười lắm!”.
Một góc “làng ba ba” Văn Hưng .
(Ảnh: Thanh Miền)
Chuyện làm ăn của Nghị so với những đại ca của làng như Trần Văn Cách, Nguyễn Văn Bắc, Đoàn Vũ Tuấn, Trần Nam Huân, Nguyễn Văn Tuynh... có vẻ nhàn hơn và như anh nói có phần may mắn. “Em lại vay tiền anh em sửa bể, xây kè ao, lại xin và mua thêm con giống. Nó hợp nước hay sao mà 7 - 8 năm nay chẳng bệnh tật gì sất, lớn nhanh và đẻ lắm quá! Năm nay, 100 con đẻ trên 4.000 trứng, sơ sơ cũng 1.800 - 2.000 con giống. Em chả giấu, mỗi năm em thu trên 300 triệu đồng tiền bán giống”.
Anh em nhà Nghị đều nuôi ba ba gai: anh rể Trần Văn Cách, năm cao nhất thu trên 600 triệu đồng; anh rể Nguyễn Duy Hòa, Phan Văn Quyền thu mỗi năm từ 200 - 250 triệu đồng, em rể Nguyễn Trọng Quảng mới làm nhưng cũng đã có thu. Làng ba ba khi điểm tên chớ để thiếu Đoàn Vũ Tuấn - ông chủ trang trại ba ba rộng hơn 1.500m2, có năm riêng tiền bán ba ba giống ông đã thu từ 600 - 800 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Nghị cùng con gái kiểm tra sinh trưởng của một trong những con ba ba giống trong mùa đông.
Nhà ông Đoàn Vũ Tuấn không gần nhà Nghị, ngay kề nhà anh chính là trang trại của Trưởng thôn Nguyễn Trọng Tuấn, chị vợ tên Láng mà hồi nãy tôi và anh Huy sang đang ngồi quay chè dưới chái bếp. Nhà tựa vào đồi, trước mặt là mấy trăm mét vuông ao, căn cơ từng ô, từng thửa với cả vạn chân bèo tây phủ mặt để chống rét cho ba ba. “Đấy chú Huy nhỉ, năm 2007 mới bắt đầu làm ao, giống thì xin và mua chỗ ông Vê, ông Sáng. Khoảng ba năm sau thì em mở lên 150m2 ao với 15 cặp giống đẻ, thu như các đại ca thì chưa nhưng ổn hơn nhiều rồi!” - chị Láng nói. “Giấu, ông Tuấn đi vắng, cấm dám nói hết” - anh Huy trách.
Dề dà hỏi chuyện rồi chị cũng chia sẻ: “Vất là mình thiếu kỹ thuật, lúc đầu mua 3 cặp giống, em chăm lắm: cuốc giun, bắt ốc, mua cá con về cho ăn nhưng thế nào nó cứ nhớt thân, sợ nước, ngoi lên rồi chết. À, nấm thủy mi, tiếc đứt ruột. Đang mất ăn thì mưa cứ rầm rầm, sạt mấy góc bờ, canh trắng đêm, tưởng sụp. May thế, năm 2010, nhà em được vào dự án, được hỗ trợ 20 triệu đồng xây lại ao, em mua thêm 10 cặp ba ba bố mẹ nữa, thế là tổng số em có 50 con bố mẹ. Tổ ba ba bên này, bà con bảo nhau cách phòng bệnh, chọn trứng, làm cát, ấp trứng, có cữ nở 80% - 90% ấy, cứ thế mà lên thôi!”.
Lúc này, âm giọng của chị xem ra phơi phới lắm, chị khiêm tốn rằng đang đầu tư chưa thu tiền trăm triệu như nhà Nghị, nhà Cách, nhà Tuấn nhưng cần thì bán tí giống, bán đi mấy con ba ba sứt vì cắn cấu lẫn nhau cũng chẳng thiếu tiền ăn, tiền mặc, chăm lo mẹ già, con học đại học; hàm răng cười loang loáng mà rằng cái bấp bênh, phấp phỏng của nghề chè giờ không còn canh cánh nữa, nhà em cũng khá rồi. A, cười tươi rồi nhé, ba ba ơi...
Tư duy của nông dân
Có vẻ như khởi sự nghề từ mấy con ba ba suối ở Văn Hưng là cơ hội mà thiên nhiên nơi này hé mở cho dân làng và họ đã nắm lấy mà phát huy cái thế của thứ con đặc sản thời kinh tế thị trường để thoát nghèo. Trong bảy, tám năm mà làng chè đặc sệt với 120 hộ này đã có gần một phần ba số hộ khá, giàu với thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm.
Văn Hưng hiện có trên 80 hộ, mô hình nuôi ba ba gai; nhiều nông dân đã thành đại ca ba ba, tiền nong rủng rẻng nhưng cấm có chuyện sạt nghiệp, vỡ nợ, mang họa vì ba ba như đâu đó. Những lão nông và đại ca ở làng nói chuyện rất @ nào chớ đùa với cái hình sind của thị trường nhé, làm phải có khoa học nhé, làm từ từ chớ hoắng lên dốc của nả, tiền nong vào ao vào bể; nào phải giữ tín, hỗ trợ, liên kết với nhau để cho làng bền vững.
Đang lúc say sưa, tôi thử gây chuyện: “Khối người ngán ngại dân ba ba đang nhẹ với chè đấy!”. “ấy chớ, nhẹ thế nào, chúng tôi gần nửa đời gắn bó với nó, cháo - cơm - áo - quần - thuốc men - chữ nghĩa xưa chẳng chè mà ra cả sao?”. Về làng, cũng có việc mà tôi gom thêm được, ấy là bà con đang rất cần ai đó giúp - không phải cho con ba ba mà cho cây chè của làng, của xã và của cả vùng này bớt “nghiêng ngả”. Gớm cho cái muốn của dân làng nhưng suy cho cùng thì là mong muốn bên cây, bên con cùng tươi tốt để dân ta, làng ta, quê ta đây sung sướng cả thôi mà!
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Đã nghe nhiều về những ngày hè tình nguyện vất vả ở vùng cao nhưng quả thực tôi vẫn chưa sao hình dung nổi những cô, cậu sinh viên “trói gà không chặt” ấy, vốn chỉ quen với cuộc sống nơi phố xá lại có thể bám trụ và thành thục những công việc đồng áng ở vùng cao như một người dân bản địa thực thụ...
YBĐT - Theo kết quả điều tra, rà soát hoạt động tội phạm của Công an tỉnh Yên Bái, từ năm 2008 đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 50 vụ, 120 đối tượng với 154 phụ nữ và trẻ em bị buôn bán. Tuy nhiên con số phụ nữ trẻ em nghi bị buôn bán lớn hơn nhiều so với thực tế với gần 400 nạn nhân. Đây chỉ phần nổi của "tảng băng chìm" khi mà công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm phức tạp này hiện còn gặp không ít khó khăn...
YBĐT- Lên Xéo Dì Hồ (Lao Chải - Mù Cang Chải - Yên Bái), chứng kiến những khó khăn, vất vả cũng như nghị lực vươn lên của thầy trò nơi đây, trong tôi có một niềm tin mãnh liệt, giáo dục vùng cao sẽ đổi thay, góp phần thay đổi đời sống bà con nơi đây vùng cao này.
YBĐT - Đã từ vài năm nay, muốn về thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, Yên Bái) bất kể là người dân hay khách du lịch cũng đều phải sử dụng chiếc bè mảng làm từ gỗ rất đơn sơ để vượt qua đoạn đường bị nước hồ dâng ngập.