Cổ tích giữa đời thường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/1/2014 | 2:48:53 PM

YBĐT - Sau nhiều lần hẹn cuối cùng tôi cũng gặp được cô - người con gái giản dị, bình thường như bao người khác. Có điều khác biệt, cô đã vượt lên số phận nghiệt ngã của mình ngày đêm gieo chữ, ươm mầm tương lai cho những trò nhỏ. Cô là Nguyễn Thị Hải Vân, công tác tại Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Yên Bình.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân trong giờ lên lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân trong giờ lên lớp.

Sinh năm 1976, lành lặn như bao đứa trẻ khác nhưng sau một trận sốt vi rút đã khiến chân trái của cô không còn cử động được. "Lúc mình được 14 tháng tuổi sau một trận sốt vi rút, toàn thân bị liệt, gia đình đã bán hết tài sản, nhà cửa về các bệnh viện lớn ở Hà Nội, được các lương y giỏi trong và ngoài nước chữa bệnh.

May mắn là mình đi lại được nhưng phải chống nạng", cô giáo Vân nhớ lại. Mang trên mình bệnh tật nhưng khi tiếp xúc với Hải Vân, tôi cảm nhận Vân luôn thể hiện mình như người bình thường. Bởi cô luôn tâm niệm "muốn hoàn thành tốt mọi công việc thì trước hết mình phải chiến thắng được chính bản thân". 7 tuổi mới bước vào lớp Một, thấy các bạn vui chơi Vân cũng muốn lắm nhưng chiếc nạng sắt luôn đeo bám. Dồn tất cả vào niềm đam mê học tập nên trong suốt thời gian học phổ thông Hải Vân đều đạt học giỏi, tạo động lực cho cô tiếp bước trên giảng đường đại học.

Sau bao thăng trầm của cuộc sống, năm 2000, Nguyễn Thị Hải Vân đã tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ - Viện Đại học Mở Hà Nội với tấm bằng khá. Chưa hưởng trọn niềm vui của một tân sinh viên với nhiều ấp ủ, hoài bão thì chân trái của Vân lại phát đau. Gia đình phải lặn lội đưa cô về Bệnh viện Tình thương Nam Định để phẫu thuật chỉnh hình những mong không phải dùng nạng.

Sau 3 lần phẫu thuật, đôi chân của Vân dù có cải thiện chút ít nhưng cả cuộc đời này Vân vẫn phải gắn liền với đôi nạng trong mỗi bước đi. Nhưng niềm hạnh phúc nhất đối với Vân khi về chữa bệnh ở đây không những được người bác sỹ trực tiếp mổ nhận vào Bệnh viện Sài Gòn ITO làm việc mà ở Bệnh viện Tình Thương Nam Định, Hải Vân đã tìm được nửa còn lại của cuộc đời mình.

Anh là Nguyễn Huy Nhương, người Nam Định, bị tàn tật. "Có lẽ, niềm hạnh phúc lớn nhất với mình là được người chồng tin yêu, đồng cảm, chia sẻ",  Vân tâm sự. Sau một thời gian công tác ở Sài Gòn, do đường sá xa xôi, năm 2002, Nguyễn Thị Hải Vân xin về Trường Tiểu học Kim Đồng dạy học, cái nghề mà cô đã ấp ủ từ lâu. Nói là vậy, nghề dạy học đâu có dễ, nhất là đối với người khuyết tật như Hải Vân.

Rồi tiết dạy đầu tiên đã đến với cô trong tình yêu thương của bạn bè, đồng nghiệp và học sinh. Hải Vân nhớ lại: "Mình không bao giờ quên cảm giác lần đầu tiên lên lớp. Nếu một người bình thường thì không sao nhưng người khuyết tật như mình với 2 nạng gắn bên mình, mình sợ đồng nghiệp coi thường, học sinh ghét bỏ nhưng những lo lắng đó đã không đến".

Có lẽ trong cả cuộc đời này, Hải Vân không bảo giờ quên hình ảnh của cô giáo Lương Thị Bích Tươi - Phó hiệu trưởng nhà trường, người đã trực tiếp giúp đỡ, động viên Hải Vân ngay từ khi vào trường. Cô Tươi chia sẻ: "Để tạo động lực cho Hải Vân trong công tác giảng dạy, ngay từ tiết dạy đầu tiên, mình đã đưa Hải Vân đến từng lớp để giới thiệu về hoàn cảnh và nghị lực vượt khó của cô nên đã tạo sự đồng cảm trong phụ huynh và học sinh".

 

Hàng ngày cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân đến lớp đều đặn.

Không phụ công bố mẹ, bạn bè đồng nghiệp, từ khi trở về công tác trong môi trường sư phạm, Nguyễn Thị Hải Vân đã xua đi mặc cảm, vượt lên số phận thi đua "dạy tốt". Hàng ngày, dù nắng hay mưa Hải Vân với 2 chiếc nạng vẫn đến trường đều đặn. Em Hoàng Yến Nhi, học sinh lớp 5D nói: "Chúng em thương và cảm phục cô Vân nhiều lắm. Lên lớp với 2 chiếc nạng, nhiều lúc cô bị ngã, đi lại rất khó khăn nhưng cô không hề tỏ ra đau đớn.

Trong dạy học cô rất nhiệt tình, luôn tạo môi trường thân thiện, gần gũi cho chúng em. Cô Vân thực sự là tấm gương sáng cho chúng em noi theo". Bị khuyết tật, nhưng nhiều năm nay, Nguyễn Thị Hải Vân luôn được nhà trường giao trọng trách bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tiếng Anh. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ và giúp học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi, ngoài giờ chính khóa trên lớp, Vân dành hết thời gian để ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường.

Chị Đỗ Thị Mai Lê - phụ huynh em Lương Chí Tường xúc động nói: "Mình thực sự cảm phục tấm gương của cô Vân, trong mình mang bệnh tật nhưng ngày ngày cô vẫn dành hết tâm lực, trí tuệ truyền đạt kiến thức cho học sinh".

Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều giáo viên bồi dưỡng, dạy thêm đều không ngại nhận tiền thù lao nhưng với Hải Vân thì ngược lại: "Mình yêu học trò lắm, mong sao chúng tập trung học, vượt khó đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi. Gia đình mình cũng khó khăn (chồng bị khuyết tật, con thứ 2 bị tim bẩm sinh) nhưng nhiều học sinh trong trường cũng gặp nhiều gian khó. Không nhận tiền thù lao phụ đạo là tạo động lực cho các em trong học tập".

Hải Vân đã rơi lệ khi nhắc tới con, bởi cô cũng mong muốn được đưa con đi chơi như bao gia đình khác nhưng có lẽ trong cả cuộc đời này, Vân đã không thể tự làm điều đó. Tự hào về mẹ, cháu Nguyễn Tường Phúc (con lớn của chị) xúc động nói: "Cháu rất tự hào khi có một người mẹ như vậy. Cháu không hề buồn mà ngược lại, cháu luôn phấn đấu học giỏi để bù đắp những thiệt thòi của bố mẹ".

Thấu hiểu được những nỗi lòng của những người thân xung quanh, Vân ngày càng nỗ lực hơn. Gần gũi, nhẹ nhàng, cách giảng bài dễ hiểu nên ngày càng có nhiều học sinh yêu thích môn Tiếng Anh do cô phụ trách. Trong các kỳ thi học sinh giỏi, nhiều học sinh do cô kèm cặp, bồi dưỡng đã giành giải. Từ năm học 2010 - 2011 đến nay, cô đã có trên 50 học sinh đoạt giải học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên, trong đó có nhiều em đạt cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Chia tay với Hải Vân khi mùa xuân mới đang về. Sắc xuân hiện rõ trên từng khuôn mặt của những học sinh thân yêu. Hình ảnh về cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân ngày ngày chống nạng đến trường bám lớp, vượt qua khó khăn đem ánh sáng cho con trẻ mãi là hình ảnh đẹp của người thầy.

Văn Tuấn

Các tin khác
Con ba ba gai đực

YBĐT - Chỉ trong bảy, tám năm, làng chè đặc sệt với 120 hộ này đã có gần một phần ba số hộ khá, giàu, thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm nhờ nuôi ba ba gai đặc sản. Văn Hưng, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) hiện giờ đã là nơi cung cấp ba ba gai giống có tiếng ở phía Bắc, nhiều nông dân đã thành "đại ca" ba ba, tiền nong rủng rẻng nhưng cấm có chuyện sạt nghiệp, vỡ nợ, mang họa như đâu đó vì tư duy và cung cách làm ăn rất @...

Một ngày lao động trên bản Trống Tầu của các đội viên tình nguyện.

YBĐT - Đã nghe nhiều về những ngày hè tình nguyện vất vả ở vùng cao nhưng quả thực tôi vẫn chưa sao hình dung nổi những cô, cậu sinh viên “trói gà không chặt” ấy, vốn chỉ quen với cuộc sống nơi phố xá lại có thể bám trụ và thành thục những công việc đồng áng ở vùng cao như một người dân bản địa thực thụ...

YBĐT - Theo kết quả điều tra, rà soát hoạt động tội phạm của Công an tỉnh Yên Bái, từ năm 2008 đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 50 vụ, 120 đối tượng với 154 phụ nữ và trẻ em bị buôn bán. Tuy nhiên con số phụ nữ trẻ em nghi bị buôn bán lớn hơn nhiều so với thực tế với gần 400 nạn nhân. Đây chỉ phần nổi của "tảng băng chìm" khi mà công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm phức tạp này hiện còn gặp không ít khó khăn...

Điểm mới được đầu tư xây dựng.

YBĐT- Lên Xéo Dì Hồ (Lao Chải - Mù Cang Chải - Yên Bái), chứng kiến những khó khăn, vất vả cũng như nghị lực vươn lên của thầy trò nơi đây, trong tôi có một niềm tin mãnh liệt, giáo dục vùng cao sẽ đổi thay, góp phần thay đổi đời sống bà con nơi đây vùng cao này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục