“Chiến thuật” lòng dân
- Cập nhật: Thứ tư, 15/1/2014 | 9:00:01 AM
YBĐT - Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, "cuộc chiến" phá bỏ cây thuốc phiện ở huyện Trạm Tấu đã đạt được những thành công ngoài mong đợi.
Những triền đồi khi xưa trồng cây thuốc phiện thì nay đồng bào Mông Trạm Tấu đã thay bằng rừng kinh tế.
|
Từ một miền đất được biết đến như "thủ phủ" của hoa anh túc với 6/12 xã, thị trấn trọng điểm trồng thuốc phiện, diện tích trồng có thời điểm lên đến vài trăm héc - ta, sau 10 năm hành động quyết liệt với những giải pháp căn cơ, đến nay, Trạm Tấu tự hào với thành công trong "cuộc chiến" này.
Xã Bản Công, miền quê một thời là xã trọng điểm trồng cây thuốc phiện khi năm 2002 có tới 30 ha. Đồng chí Hờ A Vư - Bí thư Đảng Bộ xã còn nhớ như in những ngày tháng ấy. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này anh đã chứng kiến những hệ lụy của việc trồng cây thuốc phiện. Người già, thanh niên ngập chìm trong làn khói của “nàng tiên nâu”, mất sức lao động dẫn đến đói nghèo, lạc hậu, rồi nạn buôn bán vận chuyển ma túy diễn ra trên địa bàn gây mất trật tự trị an, thêm nữa người dân mải chạy theo lợi nhuận lên những triền núi gieo trồng thuốc phiện mà quên đi cây ngô, cây lúa, dẫn đến đói nghèo đeo đẳng, tỷ lệ hộ nghèo của Bản Công có thời điểm đến trên 80%. Rồi thực hiện chủ trương của Đảng bộ huyện đưa nhiệm vụ phá bỏ cây thuốc phiện lên hàng đầu đã giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Bản Công đã quyết liệt vào cuộc.
Đồng chí Hờ A Vư chia sẻ: "Ngày ấy mình là còn là Phó chủ tịch xã. Cả trụ sở UBND xã chỉ cử 1 hoặc 2 cán bộ ở lại trực, còn lại về các thôn, bản, lên những triền núi cao, những khu vực giáp ranh, những vực sâu nguy hiểm triệt phá cây thuốc phiện. Đợt triệt phá kéo dài hàng tháng, cán bộ ăn ngủ ở rừng, đối phó với muôn vàn nguy hiểm tính mạng do đối tượng trồng thuốc phiện thường đặt bẫy. Nhiều lúc bước chân trên những vách đá lởm chởm mà người ớn lạnh nhưng vì quyết tâm xóa bỏ đói nghèo lạc hậu, xây dựng Bản Công phát triển hơn mà lực lượng triệt phá quyết tâm làm đến tận cùng...".
Bằng quyết tâm ấy mà cán bộ xã Bản Công đã phát hiện và triệt phá hết 30 ha cây thuốc phiện niên vụ 2002. Tuy nhiên, trồng thuốc phiện cũng là một tập tục ăn sâu vào đời sống của đồng bào nên Đảng bộ huyện xác định triệt phá diện tích trồng chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, để người dân thay đổi nhận thức từ bỏ hẳn việc trồng thuốc phiện phải gắn công tác tuyên truyền, vận động với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Thực hiện chủ trương của Đảng bộ huyện, Đảng bộ xã Bản Công bắt tay vào cuộc "cách mạng tư tưởng" thay đổi nhận thức người dân. Thời điểm đó, mỗi cán bộ xã Bản Công trở thành một tuyên truyền viên tích cực. Trước là vận động người thân trong gia đình, dòng họ, sau là đồng bào nơi mình cư trú.
Đồng chí Tráng A Thông - cán bộ xã Bản Công chia sẻ: "Lúc đó mình kiên quyết nói: Nếu ông bà, bố mẹ, anh em trong dòng họ mà trồng thuốc phiện thì tôi sẽ báo công an bắt bỏ tù, rồi sẽ xin thôi việc ở xã, vì mọi người trong họ không thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước thì mặt mũi nào tôi đến trụ sở UBND làm việc nữa. Lúc đó mình là niềm tự hào của cả họ nên mọi người nghe xong đều im lặng. Sau đó, mình mới nói đến cái hại của việc trồng thuốc phiện và những chủ trương mới của huyện, cùng những chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số để mọi người hiểu. Với người trong họ còn dễ chứ với đồng bào trong bản thì không phải một lần là được mà phải hàng tháng, hàng năm, mình phải vừa tuyên truyền, vừa theo dõi phát hiện ra có hiện tượng là phải báo chính quyền ngay để có biện pháp ngăn chặn kịp thời...".
Bằng nhiều cách làm khác nhau, như Giàng A Say thì tìm đến các già làng, trưởng bản, những người đã thấm cái nghị quyết, còn Hảng A Páo lại lựa chọn đối tượng là các cháu học sinh lớn tuổi kết hợp với những cơ quan pháp luật trong xử lý nghiêm những đối tượng mua bán tàng trữ, sử dụng và trồng thuốc phiện... Mỗi người một cách làm; một "chiến thuật" đi vào lòng dân, Bản Công đã thành công trong khống chế và triệt phá hoàn toàn cây thuốc phiện.
Từ hàng chục héc - ta, đến năm 2007, Bản Công còn 484m2 cây thuốc phiện, năm 2009 là 187m2 và từ 2010 đến nay, Bản Công tự hào là xã “trắng” về cây thuốc phiện. Đầu năm 2013, đồng chí Hờ A Vư đã mạnh dạn xin huyện cho Bản Công ra khỏi danh sách các xã trọng điểm và phấn đấu xây dựng xã “trắng” về ma túy.
Chủ tịch Tráng A Hồ cho biết: "Bản Công không chủ quan trước kết quả đạt được. Năm nào vào thời điểm mùa vụ trồng thuốc phiện, xã cũng thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo chống trồng cây thuốc phiện do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban và thành lập 5 tổ công tác với trên 50 thành viên về các thôn, bản, lên những điểm giáp ranh, kiểm tra, rà soát và ngăn chặn kịp thời. Bản Công quyết tâm giữ vững thành tích này".
Trên những sườn núi của Tà Chử, Sán Trá nơi trước đây bạt ngàn thuốc phiện thì nay thảo quả đang bật tung sức sống. Trưởng thôn Sán Trá - Thào A Trống cho hay: "Hiện nay, thôn đã có 2 ha thảo quả cho thu hoạch, mỗi 1kg cũng bán được 130.000 đồng. Trước mắt, cùng với ngô, lúa, thảo quả cũng là loại cây giúp người dân trong thôn ổn định cuộc sống. Tới đây khi huyện đưa cây trồng phù hợp hơn tôi sẽ vận động đồng bào trong thôn làm theo...".
Cùng với thảo quả ở Sán Trá, Tà Chử, các thôn bản khác cũng tích cực chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn năng suất thấp sang trồng ngô đồi. Đến nay, Bản Công đã có 72 ha ngô hè thu, 180 ha ngô xuân hè, trong đó có 20 ha ngô chuyển đổi đưa tổng sản lượng lương thực có hạt toàn xã năm 2013 đạt 1.916,06 tấn, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần giảm trên 6,5% hộ nghèo năm 2013.
Bản Mù cũng vậy, miền đất một thời được biết đến như xứ sở loài hoa anh túc khi diện tích mùa vụ 2002 - 2003 lên đến 97 ha. Thuốc phiện nhiều thì sản xuất bị ngưng trệ, an ninh lương thực không đảm bảo kéo theo nhiều hệ lụy về an ninh trật tự như buôn bán vận chuyển, sử dụng ma túy, di dịch cư tự do... nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Bản Mù như được hồi sinh trên vùng đất khó.
Chủ tịch Sùng A Lù kể lại: "Khi phát hiện cả xã có gần trăm ha cây thuốc phiện, cán bộ xã choáng váng. Ngay lúc đó, được sự chỉ đạo của huyện, xã thành lập Ban chỉ đạo triệt phá cây thuốc phiện cùng với các lực lượng chức năng gấp rút vào cuộc. Đối diện với muôn vàn khó khăn nhưng với quyết tâm cao các lực lượng, cây thuốc phiện đã bị triệt phá hoàn toàn. Sau đó, thực hiện chủ trương của Đảng bộ huyện, Bản Mù đã vào cuộc quyết liệt".
Những năm sau đó, Đảng bộ Bản Mù coi nhiệm vụ triệt phá thuốc phiện là nhiệm vụ hàng đầu. Một mặt phối hợp với ngành nông nghiệp huyện vận động nhân dân gieo cấy lúa 2 vụ theo phương châm "cầm tay chỉ việc", cùng với phát huy hiệu quả các chương trình đầu tư của Nhà nước về điện, đường, trường, trạm, nhiều năm ròng rã cứ đến mùa sản xuất cán bộ ngành nông, lâm nghiệp cùng các ban, ngành của huyện lên "nằm vùng" ở Bản Mù cùng dân làm đất, ươm giống, gieo cấy, theo dõi sát sao khâu chăm sóc cho đến khi thu hoạch, vào vụ mới.
Một năm 2 vụ chiêm - mùa cùng sản xuất bảo vệ rừng trồng, những năm gần đây là chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi, giám sát chặt chẽ hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện, khống chế ngay từ khi phát hiện có dấu hiệu nghi trồng. Mỗi đảng viên ở Bản Mù chịu trách nhiệm một chòm dân cư, một mặt tuyên truyền, vận động, mặt khác nắm bắt tư tưởng và phát hiện, ngăn ngừa kịp thời khi có dấu hiệu tái trồng.
Hoa thuốc phiện những năm trước đã từng tràn ngập các bản làng vùng cao Tây Bắc mỗi mùa vụ đến và cuộc chiến không khoan nhượng có sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để cùng phá bỏ các diện tích trồng ở vùng cao hôm nay. (Ảnh minh họa -Nguyễn Nghĩa
Già làng Trang Nỏ Cao ở thôn Mù Cao, xã Bản Mù cho biết: "Tôi vẫn nhớ những ngày các đoàn công tác của huyện, của xã về đây tuyên truyền, vận động. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Họ đã giải thích cho chúng tôi hiểu trồng thuốc phiện hại nhiều hơn lợi và ý nghĩa sâu xa là để con cháu chúng tôi sau này có tương lai tốt đẹp. Hiểu được điều đó nên chúng tôi vào cuộc cùng họ vận động người dân trong bản không trồng cây thuốc phiện...".
Với phương châm "triệt phá triệt để cây thuốc phiện", được sự đồng thuận của già làng, trưởng bản những người đã thông ý Đảng, tỏ lòng dân, Bản Mù từng bước khống chế được việc trồng cây thuốc phiện.
Từ gần 100ha lúc phát hiện giảm dần còn vài trăm mét vuông và từ năm 2010 trở lại đây, Bản Mù đã vắng bóng “nàng tiên nâu”. Thay vào đó là 268 ha lúa vụ mùa, 177ha lúa vụ xuân, là cánh đồng Mảnh Tàu - Tà Ghênh màu mỡ, là miên man ngô đồi trên diện tích 190ha. Nhờ đó, an ninh lương thực từng bước được đảm bảo, Bản Mù tự hào với những bản định cư của đồng bào lương - giáo, không còn tình trạng di cư tự do. 10 năm kiên trì, sáng tạo trong cách nghĩ cách làm, bằng “chiến thuật” lòng dân, Trạm Tấu đã khống chế được tình trạng trồng cây thuốc phiện.
Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu chia sẻ: "Trạm Tấu đã có những giải pháp căn cơ để người dân từng bước đẩy lùi hủ tục lạc hậu, vươn lên xây dựng nông thôn mớí. Trong đó, làm tốt công tác dân vận mà kết quả trong việc chống trồng thuốc phiện là một ví dụ điển hình. Lộ trình xóa đói giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn thử thách nhưng tôi tin bằng những kết quả đã đạt được, bằng tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng trong lãnh đạo điều hành, Trạm Tấu sẽ thực hiện thành công "cuộc chiến" xóa bỏ cây thuốc phiện".
Trạm Tấu rồi đây sẽ không còn những xã trọng điểm trồng thuốc phiện mà thay vào đó là những xã vùng cao với những thửa ruộng bậc thang ngô - lúa, những cánh rừng bạt ngàn xanh tốt 4 mùa. Kết quả về “cuộc chiến” chống trồng cây thuốc phiện làm cho Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu thêm vững tin trước thềm xuân mới.
Phương Thùy
Các tin khác
YBĐT - Sau nhiều lần hẹn cuối cùng tôi cũng gặp được cô - người con gái giản dị, bình thường như bao người khác. Có điều khác biệt, cô đã vượt lên số phận nghiệt ngã của mình ngày đêm gieo chữ, ươm mầm tương lai cho những trò nhỏ. Cô là Nguyễn Thị Hải Vân, công tác tại Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Yên Bình.
YBĐT - Chỉ trong bảy, tám năm, làng chè đặc sệt với 120 hộ này đã có gần một phần ba số hộ khá, giàu, thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm nhờ nuôi ba ba gai đặc sản. Văn Hưng, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) hiện giờ đã là nơi cung cấp ba ba gai giống có tiếng ở phía Bắc, nhiều nông dân đã thành "đại ca" ba ba, tiền nong rủng rẻng nhưng cấm có chuyện sạt nghiệp, vỡ nợ, mang họa như đâu đó vì tư duy và cung cách làm ăn rất @...
YBĐT - Đã nghe nhiều về những ngày hè tình nguyện vất vả ở vùng cao nhưng quả thực tôi vẫn chưa sao hình dung nổi những cô, cậu sinh viên “trói gà không chặt” ấy, vốn chỉ quen với cuộc sống nơi phố xá lại có thể bám trụ và thành thục những công việc đồng áng ở vùng cao như một người dân bản địa thực thụ...
YBĐT - Theo kết quả điều tra, rà soát hoạt động tội phạm của Công an tỉnh Yên Bái, từ năm 2008 đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 50 vụ, 120 đối tượng với 154 phụ nữ và trẻ em bị buôn bán. Tuy nhiên con số phụ nữ trẻ em nghi bị buôn bán lớn hơn nhiều so với thực tế với gần 400 nạn nhân. Đây chỉ phần nổi của "tảng băng chìm" khi mà công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm phức tạp này hiện còn gặp không ít khó khăn...