Ta kiêu hãnh nhìn về thành phố

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/2/2014 | 8:35:23 AM

YBĐT - Cái giếng trở thành nơi gặp nhau để chuyện trò trong mỗi sáng, mỗi chiều. Dân dã và gần gũi biết bao nhiêu, nhưng cái giếng chỉ còn vẹn nguyên trong ký ức. Hơn 100 năm làng Yên Bái mà từ đấy thành phố mọc lên đã có nhiều thay đổi lớn lao và khác lạ. Mặc lòng, trong ta tình yêu và cả niềm kiêu hãnh vẫn cứ dâng đầy.

Trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay.
(Ảnh: Thanh Miền)
Trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay. (Ảnh: Thanh Miền)

Ngày học ở Nga, thành phố Pê-téc-bua cổ kính để lại nhiều ấn tượng khó quên. Nhà bảo tàng mỹ thuật, Cung điện mùa đông, Cung Hoàng đế Pi-e đệ nhất, dòng sông Nê-va mênh mông… khiến bao người ngưỡng mộ.

Tuyết tan, bầu trời kinh đô xưa cao xanh vời vợi. Những hàng cây như tháp bút bên hè phố, những pho tượng ở Quảng trường Chiến thắng, đó đây, trong công viên vườn tượng, không biết người ta quí trọng đến nhường nào mà được khoác lên những tấm áo ấm suốt cả mùa đông. Mùa xuân về, trời hừng sáng, những người thợ cần mẫn đang bắc thang tháo dỡ những tấm áo mùa đông đi để cây xanh và những tượng đài được hiện diện cùng trời đất. Trên dòng Nê-va, băng cũng đã tan, nước sông mênh mông, hiền hòa, trôi xuôi về cửa biển Ban Tích.

Tôi rủ bạn ra bờ sông Nê-va đón mặt trời lên. Nước Nga suốt cả mùa đông hình như không thấy mặt trời. Những cây bạch dương nghiêng nghiêng trần mình trong băng giá, tuyết rơi. Trời còn lạnh, chúng tôi khoác tay nhau đi dạo trên bờ sông được xây, kè và dựng lên cả những hàng lan can rất đẹp. Nước sông mấp mé mặt đường. Những con hải âu chao lượn trên sóng nước nhiều khi chạt cả vào người, gần gũi và thân thiện như những con chim bồ câu trên hè phố.

Mặt trời vừa nhô lên mặt nước ở phía chân trời, bạn tôi reo lên:

- Chao ôi, dòng Nê-va đẹp quá. Hãy đến với dòng sông vào một buổi sáng như thế này mới cảm nhận hết được vẻ thơ mộng của dòng sông.
Đúng là dòng sông Nê-va quá đẹp. Nhưng nhìn dòng Nê-va tôi lại nhớ ngay đến sông Hồng của quê mình. Tôi nói với bạn trong cảm xúc, lâng lâng:

- Hồng Hà của chúng mình cũng đẹp và rất nên thơ. Nhưng chỉ tiếc là đất nước mình chưa có điều kiện để xây lát, bến bậc và những con đường dạo chơi, để ngắm nhìn, để tận hưởng cái mênh mông và hùng tráng của sông.

Thăm thẳm thời gian, suốt từ những ngày còn ở nước Nga, nay một dải sông của thành phố đang được kè lát đã hiện ra trước mắt. Chúng tôi đi bên nhau trên con đường bê tông từ phía Âu Lâu xuôi xuống bến Than hay bến đò Bách Lẫm. Con đường dạo ven sông đang thi công, ngổn ngang vật liệu nhưng cũng đã có những đoạn đủ cho chúng tôi dạo bước. Vịn tay lên hàng lan can sắt nhìn dòng sông thao thiết chảy về cửa biển Ba Lạt.

Thành thật mà nói lúc nào tôi cũng thèm một lần nữa được nghe lại bản hợp xướng hoành tráng  “Du kích Sông Thao” của nhạc sỹ tài ba Đỗ Nhuận. Giọng nam lĩnh xướng trầm ấm cất lên thật tuyệt vời để đến hôm nay vẫn cứ âm vang trong lòng người và trên cả dòng sông: Hồng Hà, mênh mông, trôi cát tới chân làng quê. Cuối sông ngoài bến Hạc Trì có những chàng áo nâu về say mê đồng lúa bên bờ đê. Hồng Hà…

Ta nhìn nhau trong kiêu hãnh, trên con đường dạo còn dang dang dở. Từ con đường lạ lẫm, tinh khôi, chỉ mấy bước chân thôi là đến phố nhà đèn xưa. Con phố yên tĩnh đến kỳ lạ, cứ như ngủ quên giữa lòng thành phố. Ta yêu đến thèm khát cái trầm lắng và yên ả nơi đây để được nghe tiếng lá khô vỡ vụn dưới bàn chân trong xào xạc gió thu; để được nghe tiếng ru ấm nồng của người mẹ trẻ từ căn gác nhỏ bên đường; ta cũng từng gặp lại mùa đông lạnh lẽo của xứ bạch dương qua bản nhạc không lời và ánh mắt nồng nàn trên gác ba ngôi nhà cuối phố. Đường phố ấy mang tên Đường Thanh Niên, có phải chính vì cái vẻ tĩnh lặng của tình yêu và lãng mạn.

Cũng từ trong ký ức xa xăm ta muốn tìm về nơi phố Giếng. Ngày ấy cả thành phố còn ăn chung, tắm chung nước ở các giếng khơi. Cái giếng trở thành nơi gặp nhau để chuyện trò trong mỗi sáng, mỗi chiều. Dân dã và gần gũi biết bao nhiêu, nhưng cái giếng chỉ còn vẹn nguyên trong ký ức. Hơn 100 năm làng Yên Bái mà từ đấy thành phố mọc lên đã có nhiều thay đổi lớn lao và khác lạ. Mặc lòng, trong ta tình yêu và cả niềm kiêu hãnh vẫn cứ dâng đầy.

Đại lộ Nguyễn Thái Học. Ta đi trên đại lộ đầu tiên của thành phố. Đường phố lớn dài hơn 2000 mét mà ngày ấy không sao hình dung ra nổi. Ngày khởi công như một ngày hội lớn, cờ, phướn, băng rôn, biểu ngữ, đỏ trời, xe cơ giới xếp hàng tăm tắp tựa hồ như một cuộc ra quân ngày đánh giặc. Đại lộ đầu tiên của thành phố, mang tên nhà cách mạng nổi tiếng Nguyễn Thái Học - người cầm đầu cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp ở Yên Bái mùa xuân năm 1930. Ông xứng đáng được lưu danh trên con đường lớn đầu tiên của thành phố. Con đường mang tên ông cũng bởi chính nó đi qua vùng đất mà thực dân Pháp đặt chiếc máy chém để hành quyết ông cùng những người cộng sự. Nơi ấy nay là khu di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cũng không được biết có sự bàn thảo thấu đáo nào không mà Công ty Công trình và Môi trường đô thị đã trồng trước Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học một rặng cây xanh dáng đứng chọc trời xanh, vừa đẹp mà mang vẻ kiêu hãnh. Hỏi người trồng cây thì được trả lời đấy là hàng cây tháp tùng. Chưa thật tin hỏi lại vẫn được trả lời như thế. Nhưng còn tôi, tôi cho rằng đây là giống cây thuộc họ tùng nhưng bởi mang dáng vươn cao như chọc trời xanh kia đúng là dáng tháp cho nên phải gọi là cây Tùng tháp mới đúng nghĩa. Vâng, hàng cây xứng đáng được trồng, được mọc trước khu lăng mộ nhà chí sỹ cách mạng Nguyễn Thái Học.

Mấy năm sau thành phố lại dồn công, dồn của xây dựng đại lộ thứ hai dài hơn năm km mở ra cửa ô phía đông cho thành phố. Đại lộ mang tên Nguyễn Tất Thành, vượt xa sự tưởng tượng của không ít người.

Ông bạn sinh ra ở thành phố, lớn lên cũng ở thành phố đi xa chẳng bao lâu trở về thấy một đường phố dài hun hút rộng thênh thang giữa có dải phân cách trồng hoa, đêm xuống điện cao áp sáng lung linh phải thốt lên: Đến mình cũng không thể tưởng tượng nổi thành phố của mình lại có một đại lộ như thế. Nơi giao cắt giữa đại lộ với đường phố khác lại có vườn hoa, có đài phun nước, có đèn cây. Bộ mặt thành phố rực rỡ hẳn lên. Ông đã thú thật rằng cái ngày thành phố bị tàn phá có tính hủy diệt của máy bay giặc, cả thành phố chỉ còn là một đống gạch vụn đổ nát, nghĩ không biết mình có xây dựng lại được thành phố này không? Thành phố hôm nay đã trả lời cho những nỗi băn khoăn và khắc khoải ấy.

 

Trung tâm thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thái Hoàng)

Thời gian trôi đi, lịch sử thăng trầm. Sau chiến tranh, mọi việc tưởng chừng như thơi thoáng hơn, chỉ còn có mỗi một việc là dành tâm lực cho việc kiến tạo lại non sông. Nhưng cuộc dựng xây đất nước cũng vẫn cứ cam go và nhọc nhằn không kém. Cam go từng ngày, từng quí, từng năm, nó luôn luôn đặt trước con người những thách thức không dễ vượt qua. Nhưng cũng phải công bằng mà nói thời gian ủng hộ chúng ta, đem đến cho ta không ít cơ hội, có cả những cơ hội lại nảy sinh từ trong thách thức.

Nhìn lại năm đã qua mà xem, vẫn là một năm đầy biến động, một năm giông bão, một năm bươn trải; một năm có cả niềm vui và nỗi buồn đan chen, nhào trộn. Một năm tác động không ít của kinh tế toàn cầu suy giảm, trong nước kinh tế vĩ mô chưa hồi phục. Tất cả sức lực, trí tuệ, thậm chí có cái phải hy sinh để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, để kiểm soát cho được lạm phát; hàng hóa tồn kho, nhiều doanh nghiệp chao đảo, hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, cộng vào đó thiên nhiên khắc nghiệt giáng những đòn nặng nề xuống nhiều nơi trên đất nước ta. Thành phố cũng nằm chung trong bối cảnh ấy.

Thế nhưng cuộc sống vẫn cứ vận hành. Người thành phố vẫn bình thản chấp nhận và đương đầu với tất cả như ngày nào chúng ta dám đương đầu với cuộc chiến tranh của kẻ thù để đứng dậy là người chiến thắng. Trong bão giông, đầy cam go ấy, kinh tế thành phố Yên Bái vẫn ổn định và phát triển, vẫn cứ tăng trưởng gần 17 phần trăm, vẫn đưa thu nhập bình quân đầu người lên gần 44 triệu đồng, một năm tăng nhiều so với mục tiêu. An ninh, quốc phòng được giữ vững; phát triển kinh tế gắn liền với giải quyết các vấn đề xã hội; năm văn minh đô thị, đang trở thành nếp sống thường ngày. Có cách nào giải thích được đầy đủ hơn đó là bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố.

Sự bình tĩnh và sáng suốt còn hiện lên ở chỗ chúng ta không chỉ là người thụ động chống đỡ lại khó khăn mà vẫn biết chủ động nhìn về phía trước. Chính trong cái  năm giông bão, cái năm bươn trải hơn 30 dự án được triển khai với tổng mức đầu tư gần 1.900 tỷ đồng. Mỗi dự án, công trình được tính toán, cân nhắc thứ tự ưu tiên khác nhau nhưng tất cả vẫn hòa đồng trong tư thế khẩn trương. Chưa có khi nào trạng ngữ quyết liệt lại được lặp đi, lặp lại nhiều đến như thế của năm chúng ta vừa đi qua. Cũng bởi tinh thần và ý chí ấy mà một đại lộ mới của thành phố hôm nay còn mang tạm cái tên “đường tránh ngập” dài hơn 10 cây số lại được thi công quyết liệt và đã thông tuyến mặt bằng vào đúng thời khắc cuối cùng của năm cũ. Đứng trên đầu tuyến đại lộ còn đang ngổn ngang đất đá mà nhìn về cửa ô phía Nam thành phố, nhìn lên trời cao như thấy cả bóng dáng quê hương quấn vào ngàn trùng mây trắng.

 Hải Đường

Các tin khác
Nghệ nhân Giàng A Su đang truyền dạy bí quyết làm khèn cho cha con Mùa A Lồng.

YBĐT - Tiếng khèn réo rắt đưa tôi về bản Mông Si, xã Bản Mù. Tiếng khèn lúc rộn ràng khúc xuân vui khi trầm buồn dìu dặt, vọng vào vách núi lay động ngàn xanh. Người đàn ông tấu lên khúc nhạc kì bí ấy là Mùa A Lồng - người có tiếng ở đất Bản Mù và cũng là một trong hai người Mông ở Trạm Tấu còn giữ được bí quyết làm khèn truyền đời của dòng tộc.

Sắc xuân Mường Lò.
(Ảnh: Hoàng Đô)

YBĐT - Miền Tây Bắc đối với tôi như một bức tranh có thể nhấm nháp mà ở đó thiên nhiên vô cùng tươi đẹp với bề dày văn hóa không pha trộn, ấn tượng ngọt ngào, thi vị và nồng hậu tình người. Và rượu là gia vị cay nồng làm cho tâm hồn ta luôn bừng tỉnh trước vẻ đẹp của núi rừng, cho mọi người gần gũi với nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách không gian và thời gian, để thêm yêu người, yêu đời...

YBĐT - Là mảnh đất quần cư đầu tiên của người Thái đen khi vào Việt Nam, Mường Lò – Văn Chấn còn được biết đến là vùng đất của lễ hội. Bốn mùa trong năm trên mảnh đất này đầy ắp những phong tục, tập quán, những lễ hội mang đậm bản sắc của 17 dân tộc anh em quần tụ sinh sống...

Ảnh: hoàng đô

YBĐT- Trước đây, tôi vẫn đến vùng đất này từ phía Hợp Minh. Xe xuôi dốc Bò Đái rồi cứ theo dọc bờ sông mà đi chẳng bao lâu là đến được những nơi cần đến. Khi ấy, Hợp Minh, Giới Phiên, Phúc Lộc còn thuộc huyện Trấn Yên, bây giờ đã trở thành vùng ngoại ô của thành phố Yên Bái. Làng có xu hướng trở thành phố xá. Mấy năm nhập vào thành phố, xu hướng ấy phát triển nhanh hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục