Ngọn đuốc niềm tin
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/3/2014 | 9:06:20 AM
YBĐT - Nơi vùng cao sương gió, mấy chục năm trong nghề, thầy giáo Vũ Ngọc Minh đã đưa biết bao thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức để từ đó trở về xây dựng quê hương. Tâm huyết của thầy như mạch nước ngày đêm không ngừng nghỉ...
Thầy Minh luôn quan tâm đến việc học tập của các em học sinh.
|
Trong bài hát “Người thầy” của nhạc sỹ Nguyễn Nhất Huy có câu: “Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi, có hay bao mùa lá rơi. Thầy đã đến như muôn ngàn tia nắng, sáng soi bước em trong cuộc đời...”. Hình ảnh người thầy ấy thật bao dung, tỏa sáng giữa cuộc đời, vượt qua bao gian khó nhọc nhằn, nặng lòng với nghề dạy học… Và hôm nay, trong chuyến công tác lên vùng cao Bản Mù (Trạm Tấu), tôi đã gặp một người thầy như thế…
Thầy giáo “đa năng”
Sinh ra và lớn lên ở vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ, năm 1980, học xong cấp III, chàng thanh niên Vũ Ngọc Minh lên đường nhập ngũ đóng quân tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Rời quân ngũ trở về và thi đỗ vào Trường Trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi đúng thời điểm tỉnh triển khai phong trào xóa mù chữ cho đồng bào các xã vùng cao khó khăn, anh đã chọn xã Tà Xi Láng - xã khó khăn xa xôi nhất của huyện Trạm Tấu để dạy học và từ đó thầy giáo Minh đã gắn bó quá trình dạy học từ đó đến nay.
“Chính những năm gắn bó với các điểm trường Tà Xi Láng đã làm thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của người giáo viên trẻ trong tôi. Yêu nghề chưa đủ mà cần nhất là lòng nhiệt tình, biết hy sinh, chịu gian khổ, đặc biệt phải luôn gắn bó, yêu thương đồng bào, coi họ như người thân, người bạn”. Trong mắt của người thầy tóc điểm bạc ánh lên ký ức của thời trai trẻ đầy ước mơ, hoài bão.
Thời ấy, Tà Xi Láng tứ bề trống trải, lối đi chỉ là đường mòn, đèo cao, vực sâu, đâu đâu cũng là hoa thuốc phiện. “Lúc đó, khó nhất với tôi là ngôn ngữ, trong xã chỉ có vợ chồng đồng chí Chủ tịch và Bí thư xã nghe, nói được tiếng phổ thông nên mình nhờ giúp đỡ”.
Ngoài việc học tiếng, thầy Minh còn được Chủ tịch xã khi đó là ông Hờ Cháy Sao hướng dẫn: “Muốn sống ở đây, phải biết hỏi đường và cách “xin” ăn. Đường mòn, đèo cao, heo hút đi mà không nhớ đường coi như chết. Biết được đường rồi khi đói phải biết cách “xin” ăn. Người Mông rất chân thành nhưng để bà con thực sự tin tưởng và coi mình như bạn của họ thì phải qua thử thách”.
Thầy Minh kể: “Bấy giờ, còn tục lệ người chết để trong nhà cúng ma một tuần nên ô nhiễm lắm. Mình cũng xắn tay vào giúp đỡ, không ngại việc gì nên bà con tin tưởng và yêu quý, công việc vì thế cũng trở nên dễ dàng hơn…”.
Ban ngày, thầy cùng cán bộ xã, phụ huynh học sinh lên rừng lấy gỗ, lấy tre, nứa dựng lớp học. Buổi tối, lại đến các gia đình vận động già, trẻ, lớn bé cùng ra lớp.
Với những trăn trở phải xóa mù cho đội ngũ cán bộ xã, phụ huynh học sinh nhưng không thể truyền đạt kiến thức như vùng thấp, thầy Minh đã tự biên soạn giáo trình giảng dạy riêng: giáo trình để bản thân học tiếng Mông, giáo trình dạy tiếng phổ thông cho đồng bào… Chỉ sau hơn một tuần, lớp học tranh tre, nứa lá được dựng lên với tỷ lệ cán bộ xã, phụ huynh, học sinh đến lớp đạt gần 100%.
Nhiệt huyết, yêu nghề, thầy Minh đã thành người không thể vắng mặt trong mọi hoạt động, phong trào của xã, thôn, bản. Lúc là thầy giáo dạy chữ, lúc là biên dịch các văn bản giấy tờ của huyện gửi cho Đảng ủy, chính quyền xã, khi lại là người phân giải các tranh chấp, xích mích giữa các gia đình, dòng họ. Có lúc lại là người tuyên truyền, vận động người già đi cai nghiện thuốc phiện.
Thời điểm đó, thanh niên trong xã không nghiện thuốc phiện mà chỉ còn người già, trong đó có ông Hờ Nò Sử - bố của ông Hờ Cháy Sao. Thầy Minh đến tận nhà vận động ông Sử: “Con trai thì làm cán bộ xã, bố phải làm gương cho các con, các cháu. Bố còn hút thuốc phiện, anh Sao không làm việc được đâu”. Chỉ ngần ấy lời, ông Sử đã cùng các già làng cai nghiện thành công. Ba năm ở Tà Xi Láng (1990 đến 1992), là quãng thời gian để lại trong thầy Minh nhiều kỉ niệm nhất, làm thay đổi những suy nghĩ và cũng là nơi làm đầy thêm tấm chân tình, nhiệt huyết với nghề dạy chữ…
Thầy minh luôn quan tâm đến bữa cơm dành cho học sinh.
“Ngọn lửa” niềm tin
Sau Tà Xi Láng, thầy Minh được điều động đến xã Phình Hồ, rồi đến Pá Lau, Pá Hu, Túc Đán phụ trách công tác xóa mù chữ cho cán bộ chủ chốt. Năm 1995, thầy về xã Trạm Tấu mở lớp học bán trú dân nuôi (lớp đầu tiên được triển khai ở vùng cao Trạm Tấu).
Thầy tâm sự: “Sau này, được gặp đồng chí Phạm Thị Thanh Trà (bấy giờ là Phó chủ tịch UBND tỉnh) khi lên công tác, tôi đã bộc bạch ý nghĩ về mô hình này với đồng chí và mô hình bán trú dân nuôi tỉnh đã mở rộng đến các xã của vùng cao”. Một năm ở xã Trạm Tấu, thầy đã vận động hầu hết học sinh ở xã và vùng lân cận ra lớp. Lớp học đầu tiên theo mô hình bán trú dân nuôi của thầy đã có một học sinh giỏi cấp huyện. Năm 1997 - 1998, thầy được Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện tăng cường về xã Pá Lau làm công tác phổ cập giáo dục. Lúc đó ở Pá Lau, khó nhất là vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi.
Thầy Minh đã chủ động tham mưu cho xã thành lập tổ công tác hàng tuần họp tại một thôn, bản vận động các em học sinh ra lớp. Ngoài hoạt động của ngành giáo dục, thầy còn “cáng” thêm nhiệm vụ giúp xã xóa đói giảm nghèo, vận động đồng bào phát triển kinh tế… “Ban đầu có chút khó khăn đấy! Có đồng chí lãnh đạo xã thường khó dễ, cứ thấy tôi là đồng chí ấy gọi từ xa “Thầy láo ơi”. Tôi cười trêu lại: “Thế mình gọi bí thư là “Bí hư” nhé!”. Đùa nhau thế nhưng cũng từ đó mọi việc trong xã trở nên dễ dàng hơn…”.
Được sự ủng hộ của lãnh đạo xã, thầy Minh chủ động đến 100% gia đình học sinh để tìm hiểu và từng bước vận động các gia đình cho con em đến lớp, thực lòng yêu thương, dạy bảo các cháu. Học sinh nghỉ học không lý do, thầy cùng các thầy, cô giáo trong trường đến từng gia đình tìm hiểu, mềm mỏng vận động phụ huynh cho các cháu ra lớp...
Chính Bí thư Đảng ủy Giàng A Nhà đã thốt lên: “Thầy giáo ơi! Mình làm cán bộ xã mà đến nay mới thấy mình và thầy cô làm nhiều việc thế!…”. Thầy Minh nói: “Tốt quá, Bí thư ạ, thế là con cháu đồng bào ta được nhờ đấy!”. Một lần nữa, thầy lại thành công trong công tác phổ cập giáo dục ở xã Pá Lau - xã đầu tiên đạt chuẩn của huyện Trạm Tấu.
Nhưng có lẽ công sức lao động của thầy Minh “đổ” ra nhiều nhất chính là xây dựng thành công điểm trường chính Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS thôn Khấu Ly, xã Bản Mù. Lúc đó, khi rời Pá Hu, thầy Minh về công tác tại Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện. Bản Mù khi đó là xã cuối cùng và rất khó khăn để phổ cập giáo dục tiểu học. “Nhiều người khuyên tôi đã vất vả lâu năm, nay nghỉ ngơi dành sức. Tôi cự lại: Hãy cho tôi đến với đồng bào, với các em. Đó chính là sự sống, là ý nghĩa của tôi… Cuối cùng tôi đã được tăng cường lên Khấu Ly và Mù Thấp ở xã Bản Mù”.
Khi lên, điểm trường chính Khấu Ly và Mù Thấp rất khó khăn, chỉ có một nhà tạm và một nhà lắp ghép, giáo viên phải ở chung một phòng của lớp ghép, học sinh phải mượn nhà của UBND xã để ngủ, còn học thì nhờ bên y tế. Năm 2002, điểm trường tại Khấu Ly được đầu tư xây dựng. Niềm vui, ao ước bấy lâu nay của các thầy cô giáo và lũ trẻ vùng cao thật khôn tả.
Tuy nhiên, khó khăn nhất là toàn bộ khu nội trú của học sinh và giáo viên lại là nơi chôn cất người đã khuất của đồng bào Mông - một bài toán khó trong vận động người Mông di chuyển các phần mộ trên mảnh đất này. Người Mông quan niệm nếu rời mộ sẽ làm cho người chết tức giận và oán hành gia đình họ.
Sau khi xin ý kiến của cấp trên, thầy Minh nhờ xã tổ chức họp xin ý kiến các gia đình và thống nhất: “Gia đình nào có mộ ở đây thì ghi chép thật cẩn thận tên tuổi vào sổ, những mộ chưa có người nhận sẽ thông báo trên loa truyền thanh và qua thôn, bản để bà con biết, đến nhận. Thầy huy động tất cả giáo viên, học sinh, đồng bào cùng san gạt mặt bằng để di chuyển các ngôi mộ nhưng hầu hết các gia đình có mộ nơi đây không đồng ý.
“Tôi mất gần 3 tháng ròng đến từng gia đình, họp dòng họ, già làng, trưởng bản để xin ý kiến. “Mưa dầm thấm lâu”, đối với đồng bào phải hết sức mềm mỏng, phân tích, vận động vì lợi ích về giáo dục đối với con em của họ sau này”. - Thầy giáo chia sẻ:
- Nghe nói, thầy đã phải mất hơn 2 năm để di dời 3 ngôi mộ của gia đình Mùa A Dua ở ngay cổng trường? Tôi hỏi.
- Hai năm có lẻ đấy, nhà báo ạ! Ngôi mộ này lại nằm ngay giữa sân trường, vận động gia đình thế nào cũng không nghe. Họ chỉ trả lời: “Ôi, dòng họ mình không chuyển đâu”.
- Vậy, thầy đã làm thế nào?
- Hơn 2 năm, gần như ngày nào tôi cũng xuống nhà. Không thành công tại hộ gia đình, tôi đến gia đình ông trưởng dòng họ và ngày nào cũng vậy, xuống nhà mua rượu cùng uống và nói chuyện.
Tôi khẳng định nếu chuyển đi xảy ra việc gì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm… Mất hơn 2 năm họ mới đồng ý mà họ tự làm, không cần kinh phí. Người Mông hay thế đấy, khi họ đã tin tưởng, yêu quý bạn thì việc gì cũng xong”.
Khi cơ sở vật chất nhà trường khang trang, đảm bảo nhà công vụ cho giáo viên, khu nội trú cho học sinh và các lớp học thì việc vận động học sinh ra lớp lại khó khăn. Tuy nhiên, với việc sống ở vùng cao đã lâu vừa là người bạn, người anh em thân với đồng bào nên việc đó cũng không quá khó với thầy Minh. Thầy cùng các giáo viên, tổ trưởng tổ bộ môn phối hợp với các già làng, trưởng bản, cán bộ phụ trách các thôn, xuống từng hộ dân kê danh sách học sinh để vận động các em ra lớp.
Ban đầu, có nhiều gia đình ở các thôn Tàng Ghênh, Giàng La Pán chỉ đưa con xuống Bản Công học mà không xuống học tại địa phương. Các thầy cô giáo trẻ đến vận động thì họ nói: “Các thầy cô cứ dạy đi, một năm sau nếu tốt, chúng tôi sẽ cho con về học”. Thầy Minh lại đến từng nhà phân tích về việc các cháu ở nội trú sẽ có cơm ăn, chỗ ngủ tốt mà gia đình không mất tiền lại có thời gian lao động; trường mới, nhà mới lại gần…
Vậy là bà con nghe theo. Chất lượng giáo dục nâng lên, ngay năm đầu tiên nhà trường đã huy động 90% học sinh ra lớp, tỷ lệ chuyên cần cao, không có học sinh nghỉ học. Đến nay, ngoài điểm trường chính tại thôn Khấu Ly, thầy còn phụ trách 7 điểm trường lẻ với 804 học sinh, 57 cán bộ, quản lý, giáo viên. Nhiều học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, trên 20% học sinh được đi học ở các trường chuyên nghiệp…
Nơi vùng cao sương gió, mấy chục năm trong nghề, thầy giáo Vũ Ngọc Minh đã đưa biết bao thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức để từ đó trở về xây dựng quê hương. Và hôm nay dù thời gian đã trôi nhưng thầy vẫn nặng lòng với những đứa trẻ vùng cao, tâm huyết của thầy như mạch nước ngày đêm không ngừng nghỉ để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” nơi khó khăn. Những cống hiến của thầy là đốm lửa nhỏ thổi bùng lên ngọn lửa lớn, thắp sáng niềm tin bao thế hệ như chính tên thầy cha mẹ đã sinh ra.
Trần Ngọc - Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Không chỉ là xây dựng con đường bê tông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa hay hệ thống kênh mương nội đồng... mà phải là nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, nâng cao năng lực sản xuất, khả năng tổ chức nông thôn, đặc biệt là vai trò làm chủ của người nông dân, đó mới là xã NTM thực sự.
YBĐT - Là dân tộc nổi tiếng có nhiều nét văn hoá đặc sắc từ đời sống sinh hoạt, lễ hội đến phong tục, tập quán, dân tộc Thái là số ít dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam có chữ viết riêng.
YBĐT - Cái giếng trở thành nơi gặp nhau để chuyện trò trong mỗi sáng, mỗi chiều. Dân dã và gần gũi biết bao nhiêu, nhưng cái giếng chỉ còn vẹn nguyên trong ký ức. Hơn 100 năm làng Yên Bái mà từ đấy thành phố mọc lên đã có nhiều thay đổi lớn lao và khác lạ. Mặc lòng, trong ta tình yêu và cả niềm kiêu hãnh vẫn cứ dâng đầy.
YBĐT - Tiếng khèn réo rắt đưa tôi về bản Mông Si, xã Bản Mù. Tiếng khèn lúc rộn ràng khúc xuân vui khi trầm buồn dìu dặt, vọng vào vách núi lay động ngàn xanh. Người đàn ông tấu lên khúc nhạc kì bí ấy là Mùa A Lồng - người có tiếng ở đất Bản Mù và cũng là một trong hai người Mông ở Trạm Tấu còn giữ được bí quyết làm khèn truyền đời của dòng tộc.