Việc quân nhân Nguyễn Văn Sơn mất tích 30 năm:

Bài 1: 30 năm đau đáu một nỗi đau

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/3/2014 | 8:42:26 AM

YBĐT - Suốt 30 năm qua, gia đình có gửi đơn lên các cấp, các ngành cũng chỉ nhận được những văn bản trả lời thiếu đầy đủ, hoặc đề nghị tiếp tục chờ đợi cấp có thẩm quyền giải quyết! Mòn mỏi đợi chờ, ông Nguyễn Văn Quảng - bố của quân nhân Nguyễn Văn Sơn không còn đủ sức chờ đến ngày con về.

Bà Đào Thị Phán và cô con dâu vẫn mòn mỏi chờ tin anh Sơn.
Bà Đào Thị Phán và cô con dâu vẫn mòn mỏi chờ tin anh Sơn.

Một sự mất mát, đúng hơn là một nỗi đau mà gia đình bà Đào Thị Phán ở thôn Đất Đen, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên đang phải chịu đựng suốt 30 năm qua. Bất cứ ai nghe câu chuyện cũng không khỏi thương xót và tự hỏi: Vì đâu mà một người mẹ, một gia đình có truyền thống yêu nước phải chịu đựng nỗi đau lâu đến thế?

Mấy cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Cường Thịnh thông tin cho tôi: “Xã nhà có trường hợp anh Nguyễn Văn Sơn đi bộ đội suốt từ năm 1983 đến giờ mà gia đình không có tin tức. Đơn vị đã giải thể từ lâu, gia đình, địa phương chỉ biết làm đơn nhiều lần đề nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng chưa cấp nào có kết luận chính thức. Bạn Sơn của chúng tôi mất tích mấy chục năm rồi, mẹ anh ấy đã ngoài 80 tuổi giờ chỉ sống khắc khoải chờ tin con trai, dù tin lành hay tin dữ!”.

Câu nói của anh Trí, anh Thìn - bạn từ thủa chăn trâu, cắt cỏ, rồi cùng lên đường nhập ngũ đợt đầu năm 1983 cùng với Nguyễn Văn Sơn thúc giục chúng tôi về Cường Thịnh trong  một ngày cuối tháng Giêng mưa tầm tã.

Cụ Đào Thị Phán nằm liệt trên giường, đôi mắt đã mờ đục vì tuổi cao và cả vì nỗi nhớ thương người con trai của mình. Không nhớ làm sao được, đứa con dứt ruột đẻ ra, nuôi cho khôn lớn với bao ước vọng để bà nương cậy lúc tuổi già. Có lẽ chỉ có tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi biên giới phía Bắc lúc ấy vẫn chưa yên thì những người mẹ như bà Phán mới vui lòng động viên con lên đường nhập ngũ.

Đợt tuyển quân tháng 3/1983, Nguyễn Văn Sơn cùng trên 10 thanh niên khác trong xã và trên 300 thanh niên toàn huyện khoác ba lô lên đường. Buổi chia tay rất đông vui, chuyến tàu từ ga Cổ Phúc đưa đoàn trai trẻ lên địa đầu biên giới chan chứa tình cảm.

Bà Phán tiễn con đi mà không dám khóc dù trong lòng đầy lo âu: “Thằng lớn đi đánh giặc đã bị thương tật rồi, về địa phương có tiền trợ cấp nhưng đau yếu lắm, cuộc sống rất vất vả. Thằng Sơn vào lính không may có chuyện gì thì mẹ khổ một đời”.

Thời gian qua nhanh, Nguyễn Văn Sơn huấn luyện xong được biên chế vào đơn vị mới, lá thư đầu tiên gửi về từ hòm thư 2A 2982 Phong Thổ - Lai Châu. Qua thư anh khoe rất khỏe mạnh, đang là chiến sỹ thuộc Đại đội 12,7 ly. Sau lá thư ấy Sơn không biên thư về nhà nữa nhưng qua đài phát thanh được biết, tình hình chiến sự khu vực Lai Châu không còn ác liệt như bên Hà Giang nên bà Phán và cả họ tộc tạm yên lòng.


Gia đình và địa phương đã nhận được nhiều văn bản kết luận Nguyễn Văn Sơn mất tích không lý do và chưa được giải quyết chế độ.

Rồi thời gian qua đi, những bạn đồng ngũ với Sơn lần lượt hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, chỉ có Sơn là biệt vô âm tín. Gia đình cũng thấp thỏm lo âu nhất là khi nhiều bạn của Sơn đã cưới vợ, sinh con, có anh đi học thêm rồi làm cán bộ xã, cán bộ huyện. Chỉ biết động viên nhau một câu: “Bộ đội biên giới, hải đảo, biết thế nào mà mong!”.

Nhưng đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy tin tức gì, gia đình tìm đến những bạn bè đồng ngũ tìm hiểu thì chỉ được những thông tin rất ít ỏi: “Thời điểm tháng 4/1984, Sơn thuộc C5, D2, E 46, F326 thì bị ốm, chuyển lên bệnh xá của sư đoàn điều trị, rồi về sau không biết đi đâu”.

Do Sư đoàn 326 đã  giải thể nên người thân của Nguyễn Văn Sơn không thể lên Lai Châu tìm con, cách duy nhất là làm đơn hỏi các cấp có thẩm quyền. Trong hoàn cảnh ấy, xã Cường Thịnh cũng chỉ có thể làm công văn đề nghị lên UBND huyện Trấn Yên và Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện. UBND huyện và Ban CHQS huyện cũng chỉ có thể hỏi Bộ CHQS tỉnh, rồi tỉnh tiếp tục hỏi lên Quân khu! Hỏi cả bẳng miệng và bằng đơn nhưng câu trả lời: “Địa phương và gia đình cứ yên tâm, đã đề nghị lên cấp trên, chờ giải quyết” gần như đã thành điệp khúc quá quen với gia đình bà Phán và cả cấp ủy, chính quyền xã Cường Thịnh qua nhiều thời kỳ.

Trong mớ tài liệu được cất kỹ trong tủ nhà bà Đào Thị Phán, chúng tôi thấy có rất nhiều văn bản như: “Bản xác nhận quân nhân vắng tin” ngày 17/4/1995 của Ban CHQS huyện Trấn Yên: “Xác nhận tin tức nắm được: cuối năm 1984 rồi mất liên lạc; hòm thư cuối cùng: 2A 2982 Phong Thổ - Lai Châu”; bản Kết luận số 04, ngày 8/3/1995 của Thanh tra Quốc phòng - Bộ CHQS tỉnh Yên Bái kết luận: “Từ năm 1984 đến nay, không có tin tức và hiện không biết ở đâu. Sau khi xác minh các cơ quan: UBND xã Cường Thịnh, từ năm 1983 đến nay, Ban CHQS huyện Trấn Yên, Phòng Tổ chức động viên Quân khu 2 đều chưa có văn bản, căn cứ nào để giải quyết ra quân hoặc thông báo cho gia đình và địa phương về trường hợp quân nhân Nguyễn Văn Sơn hiện ở đơn vị nào, còn sống hay đã chết, mất tích”...

Nhớ nhung và đau xót nhưng cũng chỉ biết chịu đựng và tiếc thương! Suốt 30 năm qua, gia đình có gửi đơn lên các cấp, các ngành cũng chỉ nhận được những văn bản trả lời thiếu đầy đủ, hoặc đề nghị tiếp tục chờ đợi cấp có thẩm quyền giải quyết! Mòn mỏi đợi chờ, ông Nguyễn Văn Quảng - bố của quân nhân Nguyễn Văn Sơn không thể đủ sức chờ đến ngày con về, ông đã già yếu và qua đời. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông không quên trao lại toàn bộ hồ sơ cho người con trai thương binh là anh Nguyễn Văn Thân với lời dặn: “Phải tìm cho được tung tích Nguyễn Văn Sơn”.

Vâng lời cha, thương người mẹ già yếu và nỗi nhớ em da diết, anh Thân tiếp tục chống nạng gõ cửa các cơ quan để tìm tung tích người em nhưng kết quả vẫn chỉ là những dòng thông tin ngắn ngủi từ đồng đội và những thông báo rất sơ sài của cấp có thẩm quyền. Giống như người cha mình, anh Thân đau yếu rồi qua đời năm 2010 mà chưa làm được việc: tìm hiểu thông tin chính xác rằng em mình còn sống hay đã chết, chết trong hoàn cảnh nào. Nếu mất tích thì quân đội hoặc cấp có thẩm quyền phải có một kết luận chính thức!

Khi số phận Nguyễn Văn Sơn vẫn là một ẩn số thì bà Đào Thị Phán vẫn đau đáu một đỗi đau, đồng đội của anh Nguyễn Văn Sơn vẫn khắc khoải một nỗi nhớ, mòn mỏi và chờ mong!

Lê Phiên

Kỳ sau đăng tiếp: Bài 2 Người trong cuộc nói gì?

Các tin khác
Ô tô vận tải vượt bến phà Âu Lâu vận chuyện phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
                 (Ảnh: tư liệu)

YBĐT - Âu Lâu lừng danh ngày ấy vốn có làng Vạn Lâu, lèo tèo ít nóc nhà nhỏ thấp lợp lá. Dân nơi đây hầu hết là người ngụ cư, sống bằng nghề bơi đò, chài lưới trên sông. Thời phong kiến thực dân không được học hành, đời sống của mọi người cơ cực lắm! Bên sông gần đó, có bến đò, bến phà.

Thầy Minh luôn quan tâm đến việc học tập của các em học sinh.

YBĐT - Nơi vùng cao sương gió, mấy chục năm trong nghề, thầy giáo Vũ Ngọc Minh đã đưa biết bao thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức để từ đó trở về xây dựng quê hương. Tâm huyết của thầy như mạch nước ngày đêm không ngừng nghỉ...

Những mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tại các địa phương đã góp phần đưa nông nghiệp chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa mạnh mẽ, đáp ứng mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.

YBĐT - Không chỉ là xây dựng con đường bê tông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa hay hệ thống kênh mương nội đồng... mà phải là nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, nâng cao năng lực sản xuất, khả năng tổ chức nông thôn, đặc biệt là vai trò làm chủ của người nông dân, đó mới là xã NTM thực sự.

YBĐT - Là dân tộc nổi tiếng có nhiều nét văn hoá đặc sắc từ đời sống sinh hoạt, lễ hội đến phong tục, tập quán, dân tộc Thái là số ít dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam có chữ viết riêng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục