Anh tôi chiến sỹ điện biên

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/5/2014 | 2:36:45 PM

YBĐT - Anh tôi là chiến sỹ Điện Biên Phủ. Tôi biết rất rõ điều đó vì tên của những đứa con anh đặt cho chúng nó, vì những kỷ vật vẫn để trang trọng trong chiếc tủ kia hàng năm anh vẫn giở ra xem vào những tháng ngày có ý nghĩa nhất và cả những công việc hết sức bình dị anh đã làm. Cuộc đời của anh tôi là cuộc đời của người chiến sỹ.

Những chiến sĩ anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
(Ảnh tư liệu)
Những chiến sĩ anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Khi còn ít tuổi, tôi chưa nhận biết được sâu sắc về thế giới xung quanh thì anh tôi đi bộ đội. Năm ấy là năm 46 - 47 gì đó, sau khi đội du kích Âu Cơ cờ giong, trống mở đưa thuyền ngược Ngòi Vần vào Vân Hội phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo rồi đến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Mấy anh em chúng tôi, anh là cả, tôi là thứ còn cô em gái là út. Sau này nhớ lại tôi cứ phân vân mãi: Sao anh tôi đi bộ đội lại nhẹ nhàng và đơn giản đến như thế? Đi bộ đội là để cầm súng ra mặt trận đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng gian nguy và dũng cảm lắm mà sao ra đi cứ như thăm thú bạn bè dăm bữa, nửa tháng.

Chả có cuộc tiễn đưa nào diễn ra cả. Hôm ấy anh đi cùng mấy người bạn ở Hiền Lương, Minh Quân, Phúc Lộc, Quân Khê, Động Lâm… mẹ tôi chỉ bảo, con đã xung phong đi bộ đội thì cứ đi không phải lo lắng gì ở nhà cả, mẹ và các em sẽ lo. Chị Lê Thị Trường - người vợ mới cưới, khi chia tay cũng chỉ dặn anh có một câu: “Anh cố phấn đấu cho bằng anh, bằng em, công việc ở nhà em sẽ gánh vác.

Từ ngày ấy, đằng đẵng mấy năm trời chỉ có một hai lá thư gửi về. Có một lần không biết qua nguồn tin nào chị dâu tôi biết tin đơn vị anh đang đóng quân ở Thái Nguyên. Chị định rủ mấy chị em đi bộ sang Tuyên Quang, vượt Đèo Khế sang thăm chồng. Nhưng chưa kịp đi lại có tin đơn vị anh đã chuyển đi chuẩn bị cho một chiến dịch lớn lắm. Chị tôi nhớ anh và lo cho anh nhưng cũng chỉ là để bụng.

Hàng tháng trời liền, chị tôi thấy dân công hỏa tuyến rồi bộ đội, xe pháo cứ nườm nượp vượt qua sông Hồng ở bến Âu Lâu, bến đò Ngòi Chanh, bến đò Ngòi Vần… đi về hướng Sơn La, chị tôi đoán già, đoán non chắc là đơn vị của anh cũng chuyển quân theo hướng ấy còn đi đâu thì chả ai biết, bí mật lắm. Chị theo dõi diễn biến của chiến dịch qua những đoàn dân công, qua những đơn vị bộ đội, xe pháo qua sông, qua cả những chuyến máy bay vận tải của địch bay từ xuôi lên vùng trời Tây Bắc.

Sau những tháng ngày căng thẳng, tin quân ta đã đánh tan quân Pháp ở cứ điểm Điện Biên Phủ nhanh chóng được lan truyền khắp nơi làm chấn động cả nước và trên thế giới. Đoàn quân chiến thắng từ Tây Bắc trở về hát vang bài ca: Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiễn quân trở về, giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui… Đoàn quân chiến thắng trở về giữa rừng cờ hoa chào đón của nhân dân. Chị tôi cũng vẫy chào, hồi hộp chờ đón xem có anh trong đoàn quân ấy không. Nhưng không thấy anh khiến chị có phần lo lắng.

Bẵng đi một thời gian kể từ ngày quân dân ta chiến thắng ở Điện Biên Phủ, không có thư từ, tin tức gì của anh. Bỗng một hôm chị tôi đang chăm sóc ruộng lúa ở gần bờ đê thì thấy anh trở về. Anh trở về trong tư thế đi, đứng rất hùng dũng. Trên người anh mặc chiếc áo trấn thủ may hình quả trám, đầu đội chiếc mũ nan bọc vải có lưới che với những mảnh vải dù buộc ngụy trang. Từ ruộng lúa xanh non chị tôi chạy lên đón anh. Đúng là anh rồi, cái dáng cao lênh khênh, đi mà cứ như là bộ đội duyệt binh vậy.

Anh kể cho chị và cả nhà nghe không biết bao nhiêu là chuyện ở chiến trường Điện Biên Phủ mà anh đã tham gia, đã chứng kiến tận mắt những tấm gương dũng cảm, hy sinh của đồng đội; chuyện đêm đêm đánh lấn từng mét giao thông hào của địch, chuyện đồng đội hy sinh bịt từng ổ hỏa lực của địch. Anh kể rằng anh không có chiến công nào thật xuất sắc mà chỉ cùng đơn vị bám chiến hào đánh địch khi tấn công vào cứ điểm đồi Độc Lập và tự hào được tham gia chiến dịch từ đầu đến khi quân ta giành được toàn thắng.

Sau lần anh trở về ấy, chị dâu tôi sinh được cô con gái đầu lòng. Chị đặt tên con là Nguyễn Thị Chiến. Cả nhà hỏi chị tôi, sao con gái lại đặt tên nó là Chiến? Chị tôi bảo, nhà con dặn sinh con dù là trai hay gái cứ đặt tên con là Chiến. Chả biết ý tứ thế nào, nhà con dặn thế con phải nghe.
Hai năm sau anh tôi phục viên khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, quân Pháp phải rút khỏi nước ta. Sau 10 năm đi bộ đội đánh giặc ở nơi này đến nơi khác nay được phục viên về nhà làm ăn, nuôi dạy con cái là mừng lắm rồi.

Cuối năm anh chị lại sinh được cháu trai, anh đặt tên con là Nguyễn Đại Thắng. Bây giờ cả gia đình cũng mới hiểu ra tại sao anh lại dặn chị khi sinh đứa con đầu dù trai hay gái cứ đặt tên là Chiến. Đứa con trai thứ hai anh đặt tên là Nguyễn Văn Điện. Cậu con trai út chị tôi đặt tên là Nguyễn Văn Biên. Ghép tên 4 người con của anh lại là: Chiến - Thắng - Điện - Biên. Hóa ra anh ấp ủ, anh ước vọng những cái tên đầy ý nghĩa ấy ngay từ khi anh còn đang chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ.

Về quê vất vả, kinh tế gia đình khó khăn, khiến anh phải cần cù lao động, tìm ra việc để làm. Trong hoàn cảnh ấy nhưng anh vẫn tham gia mọi công việc của địa phương, từ đội sản xuất đến phong trào văn hóa, văn nghệ, rồi làm bảo vệ giữ gìn trật tự xóm làng. Xã tôi họp chợ phiên, 5 ngày một lần. Chợ họp ở bờ đê người đông như kiến tràn ra cả mặt đường. Cứ đến phiên chợ là anh đóng bộ quân phục bạc mầu vào, tay đeo cái băng đỏ cùng anh em trong tổ bảo vệ đứng ra giữ gìn trật tự.

Cũng không biết đơn vị sắm cho hay anh tự mua cái còi với sợi dây đeo lòng thòng ở cổ. Hễ có ai vi phạm trật tự anh tuýt còi với bộ mặt rất nghiêm dẹp cho bằng được. Về vùng Minh Quân, Hiền Lương, Động Lâm, Phúc Lộc… không mấy người là không biết anh  tôi - ông Nguyễn Hoàng Cát, nhất là các ông, các bà hay đi chợ phiên.

Thấy anh làm nhiệm vụ nghiêm túc quá, cô em gái tôi nó bảo: Anh ơi, chợ đây đều là người làng trên, xã dưới cả, không phải anh em họ gần thì cũng là họ xa anh làm nghiêm quá sợ người ta nói cho. Anh tôi gạt phắt đi: Cô phải biết anh cô là anh bộ đội – lại là bộ đội Điện Biên phủ, nhận việc gì thì phải làm tròn trách nhiệm, làm đến nơi, đến chốn. Anh cười, cô em đừng lo, tuýt còi thì tuýt còi nhưng thấy ông cha, bà chú thì anh cũng phải hạ giọng xuống một tý chứ.

Anh có 4 người con thì cô con gái cả và anh con trai thứ hai, thứ ba nối tiếp nhau theo bước chân anh đi bộ đội. Ở nhà chỉ còn anh chị tôi và một cậu con trai. Anh chị tôi và các cháu tìm mọi cách phát triển kinh tế. Gia đình anh chị tôi khấm khá dần lên rồi xây được ngôi nhà cửa kính, nền lát gạch men thay cho ngôi nhà tre lợp lá xiêu vẹo.

Anh tôi đã hơn 80 tuổi đầu, cái ngày chuyển về căn nhà mới, quần áo, đồ đạc còn đang bề bộn, tay run run anh xếp quần áo vào tủ. Ai cũng bảo cả đời ở cái nhà lá nay chuyển lên nhà xây khang trang nên anh tôi cảm động tay cứ run lẩy bẩy. Nhưng rồi không phải, tay ông lục lọi rất kỹ. Bỗng nhiên ông kêu toáng lên:

- Thôi chết tôi rồi. Chết tôi rồi!
Nghe ông kêu thảng thốt, mấy đứa cháu hốt hoảng chạy lại.
- Bố mày đâu! Gọi ngay bố mày về đây cho ông hỏi.
Anh con trai nghe thấy to tiếng chạy về.
- Anh cho tôi hỏi. Cái bọc quần áo tôi gói ghém rất cẩn thận, anh bỏ của tôi đi đâu rồi?
- Ở cả đấy chứ đi đâu ạ.

- Tôi lục hết rồi, từ sáng đến giờ vẫn không thấy đâu. Thế có chết tôi không.
- Ông bình tĩnh để con sang khu nhà cũ con tìm, dỡ nhà xuống, lại bề bộn có thể nó còn lấp ở đâu đấy.
Hơn một giờ đồng hồ sau, anh con trai mồ hôi nhễ nhại ngay từ ngoài ngõ đã cười nói bô bô:
- Con tìm thấy rồi ông ơi. Tưởng cái gì chứ bọc quần áo cũ của ông đây rồi.
- Đâu, đưa đây cho tôi. Quần áo cũ là cũ thế nào. Lại cả đây.
Con cháu xúm quanh, ông trải gói quần áo đã bọc giữ mấy chục năm nay xuống cái nền nhà gạch men bóng loáng:

- Đây là chiếc áo trấn thủ bằng bông máy hình quả trám tôi đã mặc suốt những ngày chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Đây là chiếc huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ, Bác Hồ tặng cho những chiến sỹ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi vẫn tự hào đeo chiếc huy hiệu này mỗi dịp lễ, dịp tết anh không thấy à. Đây là những kỷ vật vô giá trong cuộc đời chiến sỹ của tôi.
Tay ông run run, giọng ông như lạc đi, đôi mắt sâu trũng đầy những vết nhăn, những giọt nước mắt trào ra:
- Đến một lúc nào đó, rồi ông cũng phải ra đi có đúng không các con, các cháu. Hãy giữ lại những kỷ vật của ông. Đấy là của hồi môn của cha để lại cho các con, của ông để lại cho các cháu đấy.

Hải Đường

Các tin khác

YBĐT - Lời kêu gọi của Người trong những năm kháng chiến đã nhanh chóng được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Trong kháng chiến chống Pháp, cùng với cả nước, người dân Yên Bái đã tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ.

Ông Trần Dần cùng con gái Trần Thị Xa nhớ về người vợ, người mẹ Hoàng Thị Dẻo đã khuất.
(Ảnh: Đoàn Hà)

YBĐT - Ký ức của một thời hào hùng vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của cựu thanh niên xung phong Trần Dần (tên khai sinh Trần Văn Dần) - nguyên Phó ty Giao thông - Vận tải Nghĩa Lộ, Đại đội trưởng Đại đội thanh niên xung phong C264 với hơn 200 thành viên có nhiệm vụ chính mở hơn 30km đường thuộc cung đường 13A - tuyến đường huyết mạch đến chiến trường Điện Biên Phủ.

Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, dân công thị xã Thanh Hóa đã chở được 345,5kg, đạt kỷ lục chở nặng nhất bằng xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thiềng (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) đã chuyên chở hàng trăm kg lương thực, thực phẩm tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).
Ảnh: H.N

YBĐT - Người đẩy xe thồ ở Điện Biên Phủ ấy tên là Xuân. Ông có dáng người hơi khác với anh em trong cơ quan, cao to, lộc ngộc thường thấy mặc bộ quần áo ta màu xanh công nhân. Chiếc quần ống voi hơi cộc so với khổ người của ông, chân đi đôi giày vải không tất nên dáng ông lúc nào cũng lộc ngộc, thô thô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục