Nhớ một thời máu lửa

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/5/2014 | 9:09:32 AM

YBĐT - Cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa. Đây cũng là dịp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước cho dân tộc, Tổ quốc được độc lập và hòa bình.

 Tháng 5, tôi về Trấn Yên - quê hương anh hùng cách mạng, nơi có nhiều địa danh lịch sử như: Ca Vịnh, Âu Lâu, Vần - Dọc, nơi có hàng vạn thanh niên lên đường nhập ngũ, vào dân công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để gặp gỡ những cựu chiến binh, những người đã góp mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về.

Đào củ mài cho bộ đội ăn cũng là đánh Pháp

 

Cụ Nguyễn Thái An


Làng Dọc, xã Việt Hồng giờ đã đổi thay nhiều, khuôn mặt bà con người Kinh, người Tày rạng ngời trong nắng mai. Chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Thái An sinh năm 1932 - một thương binh, một công dân mẫu mực nơi trước kia là chiến khu cách mạng.

Tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng cụ An rất minh mẫn và khỏe mạnh. Cụ vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về những trận đánh cam go mà cụ đã tham gia: “Năm 1950, tôi xung phong vào bộ đội, thuộc Trung đội số 2, Đại đội 964, Tiểu đoàn 564, Trung đoàn 115. Tôi vào bộ đội 7 ngày đã tham gia ngay trận đánh ở Nghĩa Đô (Lục Yên). Thế và lực giữa ta và địch không cân xứng, quân Pháp có trang bị tốt, được huấn luyện kỹ nên chiếm ưu thế nhưng ta lại có cách đánh du kích tài tình, biết dựa vào rừng rậm, suối sâu, núi cao.

Hơn nữa, quân ta chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân nên rất mưu trí. Do đó, ta thắng lợi giòn giã trên nhiều mặt trận. Đơn vị chúng tôi đánh rất nhiều trận, trong đó có các trận như: Mường Kim, Mương Cang, Phố Lu, Lào Cai rồi Hải Phòng, Việt Trì, Vĩnh Yên… Các đồng chí của mình dũng cảm, hy sinh, mất mát cũng nhiều. Bản thân nhiều lần bị thương nhưng bị nặng nhất là trận đánh đầu năm 1953 giữa quân ta với tàu địch ở Vĩnh Yên. Tôi bị mảnh đạn cối găm vào chân trái, do không còn sức chiến đấu nữa phải về tuyến sau điều trị. Chuyện chiến đấu thì rất nhiều, trong đó có chuyện tôi hay được cấp trên cử đi đào củ mài về nấu cháo cho anh em ăn.

Thời đó rất thiếu lương thực, mỗi lần cấp trên cử đi đào củ mài, tôi chẳng vui gì, nghĩ mình vào bộ đội là phải chiến đấu tuyến đầu. Biết vậy, thủ trưởng bảo tôi: “Ai bảo cậu nhiệm vụ lo cái ăn cho bộ đội không phải là nhiệm vụ quan trọng. Ngược lại, đào củ mài nấu cháo cho anh em ăn no cái bụng cũng là thành tích đánh Pháp! Cậu nhiều lần hăng hái chiến đấu, đơn vị luôn ghi nhận, nay cậu đi lo bữa ăn cho anh em, cũng rất đáng biểu dương. Khi địch tới, cậu lại cầm súng chiến đấu”. Nghe thủ trưởng nói, tôi thấm thía lắm, nên đã phấn đấu, công tác và hoàn thành mọi nghiệm vụ được giao. Sau này, tôi cũng động viên vợ mình là dân công thuộc đơn vị chủ lực cầu đường, trực tiếp làm việc tại đèo Lũng Lô đóng góp nhiều công sức cho cuộc chiến và cũng vẻ vang không kém bộ đội ngoài chiến trường”.

Tự hào vì tham gia phá nhiều đồn Pháp

 

Cụ Hoàng Văn Dị


Dù một bên mắt đã hỏng vì đạn thù, mắt còn lại bị lòa vì tuổi cao, cuộc sống, sinh hoạt rất khó khăn nhưng thương binh Hoàng Văn Dị, dân tộc Cao Lan sinh năm 1923 ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) rất hào hứng khi kể về đời lính của mình: “Nhà tôi ở làng Yên Phú (Văn Yên), cách đồn Đại Bục không xa, chứng kiến bọn tây áp bức, bóc lột người dân nên tôi rất căm thù.

Vì thế, khi được anh Hoàng Cao Hỷ chỉ huy lực lượng dân quân trong vùng vận động tham gia du kích, tôi đã vui mừng theo các anh ngay. Do có nhiều thành tích trong chiến đấu nên tháng 2/1949, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cũng năm đó, tôi vào bộ đội chủ lực, thuộc Đại đội 87 bộ đội địa phương Yên Bái.

Từ năm 1949 đến năm 1953, tôi cùng đồng đội tham gia rất nhiều trận đánh và giành chiến thắng tại đồn Ca Vịnh, Ba Khe, Cửa Nhì, Than Uyên…, hàng trăm trận đánh khi địch đi càn, bắt lính hoặc lập bốt ở Trấn Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Ngày 27/7/1954, đơn vị tôi đi tiễu phỉ ở Bắc Hà (Lào Cai).

Trong một trận đánh lớn tôi đã bị thương nặng vào vùng mặt, hỏng mắt bên trái. Tuổi còn trẻ mà mù lòa như thế tôi buồn lắm nhưng nghĩ tới lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế” tôi cũng yên lòng. Điều trị vết thương xong, tôi được cấp trên cử đi học tại trường chính trị của tỉnh, rồi được giữ lại đó công tác nhưng vì sức khỏe, vì hoàn cảnh gia đình, tôi xin cấp trên về quê nhà Yên Phú và làm Bí thư chi bộ xã.

Năm 1960, cùng với bà con người Cao Lan về Hòa Cuông định canh, định cư, xây dựng gia đình, phát triển kinh tế, nuôi các con ăn học. Mấy ngày qua nghe đài, xem ti vi thấy hoạt động kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ tôi thấy rất vui và tự hào vì những năm đi bộ đội đã trực tiếp phá nhiều đồn Tây, đánh nhiều trận ngay trên quê hương Yên Bái”.

Đồi Lem - Việt Thành là quê hương tôi!

 

Cụ Ngô Vĩnh Toán

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ) nhưng tôi luôn coi Đồi Lem, xã Việt Thành là quê hương, là mảnh đất rất thiêng liêng của mình”. Đó là lời tâm sự của cụ Ngô Vĩnh Toán, 90 tuổi hiện ở thôn 10, Đồi Lem, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên.

Cụ Toán đi bộ đội năm 1944, là chiến sỹ pháo cao xạ thuộc Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 630 - đơn vị anh hùng đã bắn cháy nhiều máy bay Pháp và tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ Toán kể lại, năm 1948, đơn vị của cụ về đóng quân tại Đồi Lem, xã Việt Thành, nhiệm vụ chính là bắn máy địch khi chúng ném bom Yên Bái. Khi đơn vị về Đồi Lem cũng là lúc phong trào “Mẹ chiến sỹ” rất phát triển, người chiến sỹ pháo binh được bà Tượng Khoa - một bà bà mẹ nông dân trong làng nhận làm con nuôi với tình cảm hết sức thắm thiết.

Sau những trận đánh ở Việt Thành, đơn vị của cụ hành quân đi đánh địch ở nhiều nơi như: Phú Thọ, Xiêng Khoảng (Lào) và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Kiên cường đánh nhau với địch nên nhiều lần cụ Toán bị thương, sức khỏe yếu dần nên ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên phủ thắng lợi, cụ xin phục viên. Rời quân ngũ, cụ Toán không về quê mà về với Đồi Lem, Việt Thành nơi có người mẹ chiến sỹ, có cô gái trẻ Như Thị Quyên đợi chờ. Thấm thoát cụ Toán đã gắn bó với mảnh đất Việt Thành 60 năm. Sau khi từ quân ngũ trở về, cụ còn tham gia chỉ huy lực lượng dân quân xã, đơn vị có nhiều thành tích trong chiến đấu chống máy bay Mỹ bắn phá.

Đã 60 năm sau ngày chiến thắng Điện Biên, rất nhiều cựu chiến binh chống Pháp đã không còn có mặt để mừng ngày kỷ niệm. Theo thống kê, toàn huyện Trấn Yên hiện chỉ còn hơn 200 đồng chí, trong số ấy có hơn 10 người là thương binh. Dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điên Biên Phủ được gặp các cụ, nghe các cụ kể chuyện là điều may mắn của thế hệ trẻ chúng tôi.

Lê Phiên

Các tin khác
Những hàng bia mộ mang hình Ngôi sao vàng 5 cánh trên nghĩa trang Độc lập.

YBĐT - Sinh ra sau chiến thắng Điện Biên Phủ gần 30 năm, tôi mới chỉ biết đến Điện Biên, đến chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” qua những trang sách khi còn trên ghế nhà trường và sau này là qua những thước phim tài liệu, những tấm ảnh, những câu chuyện lịch sử quý báu.

YBĐT - Là di tích lịch sử cách mạng nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch, cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, Bến Âu Lâu đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại, là địa danh ghi dấu ấn nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, góp sức cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Những chiến sĩ anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
(Ảnh tư liệu)

YBĐT - Anh tôi là chiến sỹ Điện Biên Phủ. Tôi biết rất rõ điều đó vì tên của những đứa con anh đặt cho chúng nó, vì những kỷ vật vẫn để trang trọng trong chiếc tủ kia hàng năm anh vẫn giở ra xem vào những tháng ngày có ý nghĩa nhất và cả những công việc hết sức bình dị anh đã làm. Cuộc đời của anh tôi là cuộc đời của người chiến sỹ.

YBĐT - Lời kêu gọi của Người trong những năm kháng chiến đã nhanh chóng được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Trong kháng chiến chống Pháp, cùng với cả nước, người dân Yên Bái đã tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục