Kế Khấu Ly vang dội một thời

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/5/2014 | 2:43:24 PM

YBĐT - Kế Khấu Ly theo tiếng của đồng bào Mông có nghĩa là đường ngã tư. Di tích lịch sử Kế Khấu Ly thuộc địa phận thôn Khấu Ly, liên quan đến con dốc cùng tên có chiều dài khoảng 300m...

Trận địa Kế Khấu Ly xưa, giờ đã trở thành nuơng rẫy của đồng bào địa phương.
Trận địa Kế Khấu Ly xưa, giờ đã trở thành nuơng rẫy của đồng bào địa phương.

Tôi ngược con đường bê tông ngập nắng lên Bản Mù - mảnh đất ghi dấu trận đánh Kế Khấu Ly thần kỳ - điểm sáng trong phong trào du kích của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung, quân dân huyện Trạm Tấu nói riêng mà lòng bâng khuâng. Không giống cái tên đặt cho địa danh này, Bản Mù tiết giao mùa thật đẹp với điệp trùng ruộng bậc thang, lúa ngút ngát xanh tiếp nối nhau chạy ngược lên trời…

Nằm cách huyện lỵ 7 km về phía Đông Nam, Bản Mù là xã có đa số đồng bào Mông sinh sống với 3 nhóm là Mông Đơ, Mông Si và Mông Đu. Không còn cảnh du canh, du cư phá rừng làm rẫy, những bản làng của đồng bào Mông trên đất này đã quy tụ về bên những chân đồi thấp, gần các điểm trường học và trạm y tế xã. Đây cũng là một trong số 5 địa phương đầu tiên của huyện Trạm Tấu có đường bê tông đến tận trung tâm xã. Theo chỉ dẫn của cán bộ địa phương, chẳng mấy chốc chúng tôi đã chạm đất Khấu Ly.

Kế Khấu Ly theo tiếng của đồng bào Mông có nghĩa là đường ngã tư. Di tích lịch sử Kế Khấu Ly thuộc địa phận thôn Khấu Ly, liên quan đến con dốc cùng tên có chiều dài khoảng 300m. Đây chính là điểm du kích ta đặt bom hất tung tên bang tá Cầm Ngọc Ninh xuống đầm lầy này. Khu đầm lầy xưa không còn nữa. Các điểm phục kích ở hai đầu Kế Khấu Ly tại trận địa thần kỳ ngày ấy, giờ đã thành nương rẫy của người đồng bào Mông xã Bản Mù. Năm 2008, địa danh Kế Khấu Ly được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử, với diện tích được quy hoạch rộng 2,3 ha tại bản Khấu Ly.

Viết về chiến thắng Kế Khấu Ly, lịch sử Đảng bộ huyện Trạm Tấu còn ghi: Ngày 8/12/1948, bang tá Cầm Ngọc Ninh, Lò Văn Ót đưa lính ngụy kéo lên Bản Hát, ngày hôm sau lên Bản Mù. Bang tá Cầm Ngọc Ninh cưỡi con ngựa hồng, tay lăm lăm súng Xten, bên hông là khẩu súng lục. Cán bộ và bộ đội ta đang ở Ít Ong được tin rút lên Bản Lừu. Các đồng chí Bùi Lạc, Nguyễn Duy Sinh, Quốc Trần và một số đồng chí họp bàn phương án tác chiến. Kế Khấu Ly được chọn làm trận địa vì đây là con đường mòn độc đạo, uốn cong như một vòng cung ôm lấy bãi đầm lầy. Nếu ta chiếm được các điểm cao và hai đầu con đường, phát hỏa lực mạnh bằng bom ba càng và súng máy thì có thể đẩy địch xuống bãi lầy.

Đúng như dự đoán của ta, khoảng 1 giờ chiều, địch mới lên tới Bản Mù. Chờ địch nằm gọn trong ổ phục kích ta mới cho phát hỏa. Ba quả bom phát nổ hất cả người lẫn ngựa của Cầm Ngọc Ninh xuống sình lầy. Ngoài bang tá Cầm Ngọc Ninh phải đền tội, ta còn thu nhiều súng đạn, bắt một số lính đi lầm đường, giáo dục tư tưởng rồi thả cho về.

Trận Kế Khấu Ly thắng lợi không chỉ củng cố thêm vững chắc lòng yêu nước, niềm tin tất thắng của đồng bào các dân tộc vùng cao Trạm Tấu vào Đảng, vào cách mạng mà nó còn làm hoảng loạn tinh thần của quân Pháp tại Phân khu Nghĩa Lộ, tạo dựng cơ sở mở rộng hoạt động của đội vũ trang tuyên truyền tại địa bàn Trạm Tấu. Đặc biệt, với địa thế rừng núi hiểm trở, ta đã tạo thế trận bí hiểm, gây hoang mang trong hàng ngũ địch, đồng thời xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng.

Chiến thắng Kế Khấu Ly còn là biểu trưng cho tinh thần dũng cảm, mưu trí, khả năng phán đoán, phân tích tài tình và lối đánh du kích, sử dụng vũ khí sáng tạo của quân, dân ta. Cách đánh trận Kế Khấu Ly trở thành điểm sáng vể chiến tranh du kích diệt tề trừ gian của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. 

Kế Khấu Ly hôm nay đã trở thành một trong những di tích lịch sử của tỉnh. Cuộc sống trên rẻo cao này từng ngày phát triển. Gần một thế kỷ có Đảng soi đường, gần 40 năm đất nước thống nhất, ánh sáng của công cuộc đổi mới đã làm giàu đẹp thêm bản làng của đồng bào người Mông, người Thái. Dấu tích của những ngày thực dân Pháp xâm chiếm vùng đất này giờ chỉ còn trong trí nhớ của những người ngót trăm tuổi.

Ông Hà Văn Mẳn vẫn còn nhớ rất rõ quãng thời gian khoảng 5 năm phải đi lính cho Pháp: “Ngày ấy vùng này chẳng ai muốn đi lính dõng cho Pháp. Lính mình đều làm hai phe, ban ngày đi chặt cây làm rào quanh đồn, tối lại cùng du kích ta bí mật phá đi. Quan Tây đóng đồn ở Bản Lừu chỉ có 3 người, còn lại là lính người địa phương. Sau khi ta giết bang tá Cầm Ngọc Ninh gian ác, hầu hết lính đồn đã theo làm việc cho ta...”. 

Sinh ra và lớn lên trên bản Lừu những năm quê hương hằn in dấu giày của quân xâm lược, ông Lò Văn Đính - tròn 40 năm tuổi Đảng, nguyên Chủ tịch, rồi Bí thư Đảng ủy xã Hát Lừu còn nhớ như in cái chết của ông Giàng A Câu, người Mông ở Khấu Ly, xã Bản Mù và ông Hồng Ngôn, người Thái ở bản Hát. Khi bị địch phát hiện hoạt động cho ta, chúng đã tra tấn hai ông đến chết…

Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà sàn thoáng mát hướng mặt ra cánh đồng rộng, đưa tay chỉ sang mỏm đồi nằm giữa cánh đồng, ông Đính bùi ngùi nhớ lại: “Ngày đó Pháp thực hiện quây dân thành khu theo kiểu ấp chiến lược. Dân ta ở quanh vòng ngoài, còn đồn địch nằm vòng trong trên gò cao đóng tại bản Lừu. Cán bộ cách mạng của mình hoạt động lẫn vào trong dân. Bố tôi cũng tham gia đưa cơm cho cán bộ cách mạng hoạt động bí mật ở vùng này. Năm 1949, bố tôi bị bắt đi tù tại nhà tù Tú Lệ khoảng 3 năm. Năm 1951, đánh Nghĩa Lộ, ông thoát ra được. Năm 1967, cả bố mẹ tôi đều chết vì bom giặc của đế quốc Mỹ đánh phá ở vùng này...”.

Những năm kháng chiến chống Pháp, đồng bào các dân tộc vùng Trạm Tấu tuy nghèo nhưng một lòng sắt son theo Đảng, là hậu phương vững chắc tiếp tế lương thực, thực phẩm nuôi bộ đội, hậu thuẫn gây dựng phong trào, cơ sở cách mạng của ta ngay trong lòng địch. Còn lưu danh trong lịch sử đấu tranh cách mạng mảnh đất này về lòng kiên trung theo Đảng, bảo vệ cách mạng của thống lý Giàng A Giao. Sau thất bại tại trận Kế Khấu Ly, phát hiện thống lý Giàng A Giao làm việc cho ta, chúng vừa dụ dỗ mua chuộc ông, vừa truy tra xét hỏi. Để không chết trong tay kẻ thù, thống lý Giàng A Giao đã ăn lá ngón tự vẫn, giữ đúng lời thề son sắt của người Mông trọn đời theo Đảng...

Rời Trạm Tấu khi bóng chiều đã ngả vàng lưng núi, tôi mang theo về câu chuyện đời của già Mẳn, ánh mắt rưng rưng tự hào của cựu Bí thư Đảng ủy xã Hát Lừu... Già nửa thế kỷ đã đi qua, nghe kể chuyện đánh Pháp ở Kế Khấu Ly ngày nào mới hiểu hơn về lịch sử đấu tranh của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, về những con người giàu lòng quả cảm, kiên trung với quê hương, với Tổ quốc. Chiến thắng Kế Khấu Ly và phong trào du kích ở Trạm Tấu đã nêu cao lòng yêu nước của đồng bào các dân tộc Mông, Thái vùng Trạm Tấu. Tinh thần cách mạng ấy đang tiếp lửa nhiệt huyết để lớp lớp thế hệ trẻ đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu hôm nay góp sức dựng xây nông thôn mới, dựng xây vùng cao Trạm Tấu ngày thêm giàu đẹp.

Phạm Minh

Các tin khác

YBĐT - Cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa. Đây cũng là dịp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước cho dân tộc, Tổ quốc được độc lập và hòa bình.

Những hàng bia mộ mang hình Ngôi sao vàng 5 cánh trên nghĩa trang Độc lập.

YBĐT - Sinh ra sau chiến thắng Điện Biên Phủ gần 30 năm, tôi mới chỉ biết đến Điện Biên, đến chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” qua những trang sách khi còn trên ghế nhà trường và sau này là qua những thước phim tài liệu, những tấm ảnh, những câu chuyện lịch sử quý báu.

YBĐT - Là di tích lịch sử cách mạng nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch, cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, Bến Âu Lâu đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại, là địa danh ghi dấu ấn nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, góp sức cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Những chiến sĩ anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
(Ảnh tư liệu)

YBĐT - Anh tôi là chiến sỹ Điện Biên Phủ. Tôi biết rất rõ điều đó vì tên của những đứa con anh đặt cho chúng nó, vì những kỷ vật vẫn để trang trọng trong chiếc tủ kia hàng năm anh vẫn giở ra xem vào những tháng ngày có ý nghĩa nhất và cả những công việc hết sức bình dị anh đã làm. Cuộc đời của anh tôi là cuộc đời của người chiến sỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục