Những liều thuốc hướng thiện

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/5/2014 | 9:01:57 AM

YBĐT - Hơn 8 tháng qua, ngày nào cũng vậy, đúng 7 giờ 30 phút (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, tết…), các cán bộ y, bác sỹ của Cơ sở điều trị (CSĐT) nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh lại mở cửa đón hàng trăm bệnh nhân (BN) nghiện các chất dạng thuốc phiện đến điều trị thay thế bằng Methadone.

Các bệnh nhân chờ đến lượt uống Methadone ở cơ sở điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Các bệnh nhân chờ đến lượt uống Methadone ở cơ sở điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Những “liều thuốc” hướng thiện này đã giúp người nghiện ma túy ở thành phố Yên Bái và một số xã giáp ranh của huyện Trấn Yên, Yên Bình cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình rất nhiều. 

Cấp thiết triển khai chương trình Methadone

Yên Bái là tỉnh miền núi cửa ngõ vùng Tây Bắc, giáp ranh với nhiều tỉnh trong khu vực, có hệ thống giao thông đa dạng: đường bộ, đường sắt, đường thủy… Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, Yên Bái cũng “gánh chịu” sự gia tăng về các tệ nạn xã hội như: tình trạng mua bán và sử dụng ma túy diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, từ chỗ hút thuốc phiện nay chuyển sang sử dụng hêrôin, ma túy tổng hợp và đối tượng nghiện chích ma túy (NCMT) ngày càng trẻ hóa, đa dạng… xuất hiện hầu hết ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tệ nạn ma túy, mại dâm là tác nhân “số một” làm gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Bác sỹ Nguyễn Văn Phúc, CSĐT nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh:

Methadone là một chất dạng thuốc phiện tổng hợp, có tác dụng tương tự như các chất dạng thuốc phiện (hêrôin, thuốc phiện, morphin) nhưng không gây nhiễm độc thần kinh trung ương và không gây khoái cảm ở liều điều trị, có thời gian bán hủy dài (trung bình là 24 giờ). Methadone được sử dụng bằng đường uống có tác dụng làm mất biểu hiện cai khi ngừng sử dụng ma túy, giảm thèm nhớ ma túy và phục hồi chức năng thể chất. Điều trị Methadone là một điều trị lâu dài đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ điều trị. Thực tế, qua gần 8 tháng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân tại đây, hầu hết BN đều cải thiện về sức khỏe và tinh thần, bệnh nhân phấn khởi, tham gia lao động và các hoạt động tốt hơn.

Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, đối tượng trong nhóm NCMT tỷ lệ nhiễm HIV là 36,5%, đối tượng trong nhóm phụ nữ bán dâm nhà hàng là 4,9%, phụ nữ bán dâm đường phố là 10,6%... Đa số các trường hợp nhiễm HIV qua đường máu (34,32%) và đường tình dục (11,34%)… Trong số người nhiễm HIV, nam giới chiếm 75,56%. Tình hình ma túy, tội phạm ma túy tại Yên Bái vẫn còn nhiều phức tạp: số người nghiện tham gia bán lẻ ma túy, việc sử dụng ma túy ở các nhà nghỉ, quán karaoke có xu hướng gia tăng, người nghiện ma túy theo tập quán lâu đời ở vùng cao nay chuyển sang sử dụng hêrôin… Đa số vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến ma túy (60% các vụ trộm cắp, cướp giật) là do người NCMT gây ra.

Trước thực tế như vậy, để kìm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV và tình hình tội phạm liên quan đến ma túy, ổn định an ninh trật tự, một trong những giải pháp phù hợp với thực tế mà tỉnh Yên Bái đang thực hiện, đó là, triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, giai đoạn 2013 - 2015.  

Gặp những bệnh nhân

Đầu giờ sáng một ngày trung tuần tháng 4/2014, chúng tôi đến CSĐT nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Cảm nhận đầu tiên là các BN điều trị tại đây, đi lại, chuyện trò khá nhẹ nhàng, nhất là khi vào phòng chờ uống thuốc thì trật tự, kỷ luật cao hơn. Lần lượt BN vào xếp hàng, ai đến trước cầm thẻ “uống thuốc” vào trước gặp các cán bộ y, bác sỹ điều trị, hỏi han, tư vấn... nhận thuốc theo liều uống ngay tại chỗ, cảm ơn y, bác sỹ điều trị cho mình, ngồi xuống phía sau nghỉ ngơi ít phút mới ra về làm các công việc hàng ngày giúp gia đình.

Tôi gặp BN Vương Sỹ Quyết, trú tại thôn Châu Giang, xã Âu Lâu vừa uống thuốc xong hỏi chuyện.

- Quyết “dính” nghiện lâu chưa?

- Gần 10 năm rồi anh ạ. Trước đây, đến cả thuốc lá em cũng không biết hút. Thời gian chạy xe tuyến Yên Bái - Văn Chấn em đã mua được đất, làm nhà ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ nhưng do nghiện hêrôin nên em đã bán nhà không chạy xe nữa về quê lấy vợ.

- Em đến đây điều trị bao lâu rồi?

- Em điều trị được hơn 7 tháng rồi. Sau thời gian dò liều gần 2 tháng, em được bác sỹ điều trị cho dùng liều Methadone ổn định. Sức khỏe khá dần lên, không phải lo nghĩ kiếm tiền để mua hêrôin sử dụng hàng ngày nữa mà dành thời gian giúp đỡ vợ chăn nuôi lợn, gà, cá nhiều hơn. Vợ, con em và cả gia đình đều rất vui. Em không phải xin tiền của gia đình, anh em mỗi ngày từ 200 - 300 nghìn đồng để mua hêrôin dùng như trước mà đã giúp gia đình phát triển chăn nuôi, hàng tháng thu nhập trên 3 triệu đồng...    

Tiếp tục hành trình xuống phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) tìm gặp các trường hợp đang điều trị Methadone xem tiến triển của các BN. Trước khi giới thiệu cho chúng tôi gặp người đang điều trị Methadone, anh Nguyễn Thanh Sơn - Phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Phúc cho biết: “Khi nhận được các văn bản của UBND thành phố Yên Bái, Trung tâm Y tế thành phố, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh... về thực hiện kế hoạch, triển khai chương trình điều trị Methadone tại Trung phòng chống HIV/AIDS tỉnh, UBND phường Nguyễn Phúc đã thành lập Ban xét chọn BN điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng Methadone của phường. Sau đó, xây dựng kế hoạch triển khai trong phường, rồi đến các cụm dân cư, tổ dân phố để các đối tượng nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn và các gia đình có con, em mắc nghiện biết thông tin đến xin hồ sơ về khai, nộp cho Ban xét chọn của phường. Đến đầu tháng 4/2014, Ban xét chọn của phường đã nhận được 14 hồ sơ của người nghiện xin điều trị và đã xét chọn 11 hồ sơ đảm bảo các tiêu chí theo quy định gửi lên Ban xét chọn của thành phố và Trung tâm Y tế thành phố đề nghị cho các đối tượng này điều trị bằng Methadone...”.

Theo số liệu của Công an tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2013, địa bàn tỉnh có trên 2.500 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong đó, số ở cộng đồng trên 2.000 người, số ở trường, trại và trung tâm cai nghiện trên 500 người, số người nghi nghiện trên 1.600 người… Địa phương có số người NCMT tại cộng đồng cao nhất là: thành phố Yên Bái, huyện Văn Chấn, huyện Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Lục Yên. Thời gian sử dụng ma túy của các đối tượng nghiện trên 5 năm chiếm 70,9%, từ 2 đến 5 năm 19,3%, dưới 2 năm 9,8%. Theo tiêu chí phân loại về tình hình ma túy, mại dâm thì Yên Bái thuộc nhóm tỉnh trọng điểm có tỷ lệ người nghiện ma túy và người bán dâm so với dân số trong tỉnh chiếm từ 0,1 đến dưới 0,6%; các khu đô thị, du lịch tập trung nhiều tệ nạn ma túy, mại dâm.
Anh Nguyễn Thanh Sơn vừa thông tin nhanh những công việc mà UBND phường Nguyễn Phúc đã triển khai thực hiện thì BN chúng tôi muốn gặp đã tới. BN Trần Văn Điển vào phòng cởi mở trò chuyện, anh kể: “Tôi bị nghiện khoảng hơn 10 năm rồi. Thời điểm tháng 8/2013, khi chưa được điều trị bằng Methadone, ngày nào tôi cũng phải dùng 3 lần hêrôin, hết từ 600 - 700 nghìn đồng, dùng xong phải mất hàng giờ đồng hồ không thể làm được việc gì nên đi làm thuê công cũng không cao, vợ, con buồn lắm. Từ tháng 9/2013, tôi được xét vào điều trị bằng Methadone tại CSĐT tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thấy sức khỏe ổn định, tinh thần thoải mái hơn. Hàng ngày cứ 7 giờ 30 sáng, tôi đến CSĐT uống thuốc nên có thời gian đi làm thợ xây kiếm tiền thêm thắt cho sinh hoạt gia đình và nuôi con ăn học. Ngoài đi làm thợ xây, tôi cũng tham gia làm cộng tác viên của Dự án phòng, chống HIV/AIDS đi tuyên truyền, phát bơm kim tiêm cho những người nghiện ma túy... Tôi không ngại đâu, tý cho anh xem tờ rơi, bơm kiêm tiêm, chụp ảnh thoải mái...”.     

Để “mục sở thị” nhiều đối tượng nghiện, nhất là những người nghiện từ 20 - 30 năm xem sự tiến triển khi điều trị bằng Methadone, chúng tôi tìm đến gặp một BN trong số tổng số 130 BN đang điều trị Methadone ở Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Đường vào nhà BN Nguyễn Văn Cường ở thôn 3 (phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái) càng trơn và lầy lội hơn do mưa kéo dài.

Thật may, khi chúng tôi đến Cường vừa đi uống Methadone về, đang giúp vợ dọn hàng tạp hóa ra bán. Tuy biết chúng tôi đến hỏi những chuyện khá tế nhị, song anh Cường và chị Trần Thị Bái (vợ BN Cường) rất cởi mở. Anh Cường vừa rót trà mời khách, vừa kể lại những năm tháng khổ cực của mình vì nghiện hêrôin: “Nói thật với các anh, năm nay tôi 54 tuổi, đã nghiện khoảng 30 năm rồi. Trước đây, gia đình tôi cũng thuộc diện khá giả nhưng từ khi tôi bị nghiện kinh tế gia đình suy sụp, có gì bán được là bán hết, kể cả mấy lô đất trên quốc lộ 37 khu trung tâm phường Hợp Minh cũng phải bán... để mua hêrôin hít, rồi sau đó không có tiền nữa thì pha ra chích. Đến cả cháu nội nhìn thấy ông, nó cũng chẳng muốn “ông cháu gì cả”....Từ tháng 9/2013, tôi được xét điều trị thay thế hêrôin bằng Methadone, tinh thần, sức khỏe, thay đổi hẳn, đến nay đã tăng 6 kg. Đầu giờ sáng hàng ngày sang CSĐT uống thuốc, sau đó, về giúp vợ dọn hàng bán, rửa xe máy kiếm tiền. Gia đình vui vẻ hơn, các cháu thấy ông đi đâu về, nó tự chạy đến rồi”.

- Những chuyện anh Cường kể có đúng không? Tôi hỏi.

- Đúng, anh ấy đã đi cai ở Trung tâm Cai nghiện tỉnh 3 lần, lần lâu nhất là 2 năm nhưng khi về được khoảng 1 tháng là tái nghiện. Từ khi anh được đi điều trị thay thế hêrôin bằng Methadone thấy tính tình thay đổi hẳn, không khó tính, chửi vợ, con như trước nữa. Gia đình mừng lắm! Chị chỉ mong anh ấy sẽ được điều trị lâu dài để bản thân anh và gia đình đỡ khổ..., chị Trần Thị Bái đáp lời.

Để chương trình đạt hiệu quả như mong muốn

Qua hơn 8 tháng triển khai chương trình điều trị Methadone cho BN nghiện tại các xã, phường của thành phố Yên Bái và một số xã của huyện Trấn Yên và Yên Bình ở CSĐT nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, nhìn chung, các BN đều chấp hành đúng các quy định của CSĐT, sức khỏe, tinh thần ổn định và được cải thiện, bản thân các BN và gia đình có BN điều trị tại đây đều phấn khởi, vui vẻ...

 

Bệnh nhân Trần Văn Điển chuẩn bị bơm kim tiêm đi phát cho các đối tượng nghiện trên địa bàn phường Nguyễn Phúc.

Từ kết quả này, đã có thêm một số CSĐT mới được thành lập tại Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ và kế hoạch giai đoạn 2013 – 2015 sẽ có thêm một số CSĐT nữa. Tuy nhiên, để chương trình đạt hiệu quả cao, bản thân BN phải tuân thủ nghiêm nội quy của CSĐT, không vi phạm pháp luật và các quy định trong quá trình điều trị, Quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ- CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ Quy định về điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Ví dụ: trong mục 2, Điều 21 của Nghị định 96 nêu rõ: “Trường hợp người đang tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện có xét nghiệm dương tính với các chất dạng thuốc phiện từ 2 lần trở lên (trừ thuốc điều trị thay thế) sau khi đã đạt liều điều trị duy trì từ 12 tháng trở lên thì bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và thông báo cho chính quyền địa phương nơi người đó đang cư trú”.

Các BN đang điều trị tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS mới được hơn 8 tháng, chưa đạt thời gian điều trị duy trì 12 tháng trở lên, song gia đình các BN và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương có BN cư trú cần quan tâm giúp đỡ tạo việc làm cho BN, nhắc nhở họ không vi phạm quy chế, nội quy của CSĐT, trong quá trình điều trị không được dùng các loại ma túy khác, không vi phạm pháp luật... (đã có hai BN đang điều trị tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã bị dừng điều trị do vi phạm pháp luật bị công an bắt). Đặc biệt, cần quản lý nghiêm ngặt thuốc điều trị, không để “lọt” ra bên ngoài vì bất cứ lý do gì. Mặt khác, các địa phương nên giảm nhẹ thủ tục hành chính để người nghiện dễ tiếp cận xin hồ sơ đăng ký xét chọn. Như vậy, việc thực hiện kế hoạch triển khai chương trình của tỉnh giai đoạn 2013 - 2015  và giai đoạn tiếp theo mới đạt được kết quả như mục tiêu đã đề ra. 

Minh Hằng

Các tin khác

YBĐT - Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, cả nước hướng về Điện Biên, chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/52014), hòa chung trong niềm vui hân hoan ấy và những ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu" vẫn còn in đậm trong ký ức của người lính Điện Biên năm xưa.

Trận địa Kế Khấu Ly xưa, giờ đã trở thành nuơng rẫy của đồng bào địa phương.

YBĐT - Kế Khấu Ly theo tiếng của đồng bào Mông có nghĩa là đường ngã tư. Di tích lịch sử Kế Khấu Ly thuộc địa phận thôn Khấu Ly, liên quan đến con dốc cùng tên có chiều dài khoảng 300m...

YBĐT - Cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa. Đây cũng là dịp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước cho dân tộc, Tổ quốc được độc lập và hòa bình.

Những hàng bia mộ mang hình Ngôi sao vàng 5 cánh trên nghĩa trang Độc lập.

YBĐT - Sinh ra sau chiến thắng Điện Biên Phủ gần 30 năm, tôi mới chỉ biết đến Điện Biên, đến chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” qua những trang sách khi còn trên ghế nhà trường và sau này là qua những thước phim tài liệu, những tấm ảnh, những câu chuyện lịch sử quý báu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục