Những bức xúc cần giải tỏa!

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/6/2014 | 8:45:00 AM

YBĐT - Gói thầu A6 (từ xã An thịnh đến Châu Quế Thượng) có 39 điểm, gói A5 (từ An Thịnh trở ra) có 22 điểm đề nghị được làm đường gom dân sinh, song hiện tại rất nhiều điểm nhà thầu chỉ san gạt qua loa.

Một đoạn trong gói thầu A6 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang được thi công trên địa bàn huyện Văn Yên.
Một đoạn trong gói thầu A6 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang được thi công trên địa bàn huyện Văn Yên.

Những nguyên nhân chủ quan...

Theo thiết kế, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua huyện Văn Yên có tổng chiều dài tuyến 54,2 km, có 27 công trình cầu, 1 hầm xuyên núi dài 530m, 20 cống hộp, 130 cống tròn thoát nước, 1 trạm dịch vụ và 64 cống hộp dân sinh. Gần 3.000 hộ dân của 8 xã thuộc huyện Văn Yên là: Hoàng Thắng, Xuân Ái, Yên Hợp, An Thịnh, Tân Hợp, Đông An, Châu Quế Hạ và Châu Quế Thượng phải thu hồi trên 4,5 triệu m2 đất cho các nhà đầu tư, đảm bảo đúng tiến độ thi công đường mà không hề phàn nàn. Đáp lại những tình cảm đó của người dân, đến nay, các nhà thầu phụ mới hoàn thành tạm vài tuyến đường gom dân sinh để người dân đi lại và sản xuất. Nguyên nhân chính ở đây là trong thiết kế, nhà thầu đã không tính đến vấn đề đi lại, sản xuất của người dân ở những xã bị chia đôi địa giới.

Chị Đặng Thanh Hồng - người dân thôn Vật Dùng, xã Hoàng Thắng lo lắng: "Ruộng nhà tôi vốn chỉ cách nhà 50 m thì nay muốn sang được đó phải đi vòng vèo mất 10km để chui qua cống dân sinh mới có thể đến được. Hơn thế, các cháu học sinh trong thôn, trong xã cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đến trường khi tuyến đường sẽ rào kín hai bên".

Được biết, những tuyến đường gom dân sinh vào khu sản xuất của dân cũng còn rất nhiều vị trí không có trong phương án thiết kế ban đầu. Đây cũng chính là sự phối hợp không tích cực của các nhà thầu phụ với địa phương để đề xuất giải pháp cho chủ đầu tư. Nếu trước khi làm đường, mỗi khe nước lớn có đặt một cống chui thì nay sẽ dễ dàng hơn nhiều bởi không thể đào đường lên mà đặt cống. Một số vị trí được thiết kế cống chui quá thấp so với mặt bằng xung quanh cùng hệ thống thoát nước chưa được xây dựng đồng bộ với nền đường khiến mỗi khi trời mưa, nước đọng thành vũng lớn, nhỏ gây ngập úng và ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân. Nguyên do là nhà thầu chính sử dụng quá nhiều nhà thầu phụ không đủ năng lực, không cung cấp đủ tài chính cho nhà thầu phụ thi công Dự án, chưa kể việc thanh toán từ nhà thầu chính cho các nhà thầu phụ rất chậm. 

Một trong những vị trí cống chui được thiết kế quá thấp so với mặt bằng xung quanh.

... Đến những mâu thuẫn phát sinh  

"Khi nào người dân chưa có lối đi thì chừng đó nhà thầu cũng chưa thể rào được hộ lan trên đường cao tốc". Đó là những bức xúc thoạt nghe thấy có phần tiêu cực và là nguyên nhân làm giảm tiến độ công trình, song lại là thực tế mà các nhà thầu, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và địa phương cần sớm có phương án giải quyết.

Có mặt tại thôn Vật Dùng, xã Hoàng Thắng (Văn Yên) chúng tôi được chứng kiến cảnh người dân buồn bã khi những mảnh vườn, thửa ruộng, ao nuôi cá của mình bị đất vùi lấp mà chỉ với số tiền đền bù được áp giá quá thấp. Những người dân quanh năm chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" ấy không hiểu sẽ phải làm gì để kiếm sống khi hơn 40% diện tích lúa cùng hơn 10 ha ngô của thôn năm nay không được hạt nào. Một nhà thầu phụ có tên là Doanh nghiệp Thao Trường thi công làm ngập hết ruộng vườn của dân, không đủ khả năng khơi thông, mặc dù đã bị thôn lập biên bản nhưng do không có tiền thanh toán đã bỏ trốn khỏi hiện trường công trình.

"Vì thế nên cả thôn mới ra chặn xe mong đòi được tiền đền bù chứ khi đường rào kín, doanh nghiệp bỏ đi rồi, xã, huyện thì không can thiệp về kinh tế vào tuyến đường cao tốc được, chúng tôi biết đòi ai?"- Trưởng thôn Đặng Minh Thiện bức xúc.

- Bác là Trưởng thôn cần khuyên bà con không nên làm thế chứ! Tôi nói.

- Tôi cũng nghe đài, báo nói Nhà nước chỉ đạo, dân bị ảnh hưởng đến đâu thì đền bù đến đó nhưng nay ruộng, vườn bị bùn đất lấp, nhà thầu phụ bỏ trốn, chúng tôi biết đòi ai?

- Nhưng làm thế là không đúng mà?

- Thú thật, tôi là bộ đội từng tham gia đánh Mỹ chiến trường miền Nam, là đảng viên, là bí thư chi bộ rồi làm trưởng thôn đã 25 năm, tôi biết làm vậy không đúng. Song, mục đích cũng chỉ muốn nhà thầu trả tiền đền bù cho dân mà thôi. Giá đền bù đã áp quá rẻ, cả thôn vẫn hưởng ứng, đồng lòng vì con đường có lợi cho quốc gia. Nhưng, giá rẻ vậy mà năm nay dân chúng tôi cũng đã được thanh toán đồng nào đâu? Dân chỉ muốn chỗ nào ruộng đất bị vùi lấp hết thì Nhà nước nên thu hồi bởi đất vùi lấp hết thế chúng tôi biết gánh đổ đi đâu để tiếp tục sản xuất? Chỗ nào thu hồi, chỗ nào cải tạo, Nhà nước phải đứng ra giúp dân.

Ông Lê Văn Tăng - Chủ tịch UBND xã Hoàng Thắng cho biết, xã có 4/10 thôn, bản với 86/540 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và gần 10 điểm cần có đường gom dân sinh chưa được làm. Đây chủ yếu là những tuyến đường vào khu khai thác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế của bà con. Trước đây xe công nông, xe tải của tư thương có thể vào tận đồi khai thác quế thì nay không chỉ Hoàng Thắng mà hầu hết các xã có đường cao tốc đi qua đều bị ảnh hưởng vì giao thông chia cắt. Đường gom chưa có, cống hộp không đủ chiều cao... khiến việc vận chuyển, tiêu thụ cây nguyên liệu gỗ, quế và các sản phẩm nông nghiệp của dân rất khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân lo lắng bị tư thương ép giá khi mùa khai thác quế vụ tám đang đến rất gần. Đó là chưa kể những thiệt hại về kinh tế của người dân khi cả vùng kinh tế lớn từ Tân Hợp đến Đông An lên Châu Quế Thượng, nhiều hộ dân đầu tư máy xúc, máy ủi trị giá từ 1-2 tỷ đồng nay chỉ có thể hoạt động cầm chừng khi xã đã bị chia đôi.

Gói thầu A6 (từ xã An thịnh đến Châu Quế Thượng) có 39 điểm, gói A5 (từ An Thịnh trở ra) có 22 điểm đề nghị được làm đường gom dân sinh, song hiện tại rất nhiều điểm nhà thầu chỉ san gạt qua loa. Thực tế tại nhiều điểm dân cư trên tuyến cho thấy, với các hộ dân nằm ngoài khu vực giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng cần đưa ra phương án giải quyết ngay để tránh những bức xúc không đáng có trong dân như tình trạng ở thôn Châu Sơn, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).  

Trưởng thôn Vật Dùng, xã Hoàng Thắng, trao đổi về nợ đọng giải phóng mặt bằng với cán bộ Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện.

Cần giải pháp hợp lòng dân

Trong buổi làm việc mới đây của đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh tại huyện Văn Yên, đại diện nhà thầu Doosan cho biết, hiện nay nhà thầu đang thi công phần hàng rào an toàn và hộ lan của gói thầu A6. Tuy nhiên, trên gói thầu này còn có 60 điểm không thể thi công do người dân ngăn cản hoặc có vướng mắc liên quan đến mặt bằng. Theo Doosan, nguyên nhân là do người dân khiếu nại một số vấn đề như: giá đền bù đất giải phóng mặt bằng không thỏa đáng, cản trở thi công yêu cầu bổ sung đường gom dân sinh, đất giải phóng mặt bằng chưa nhận được đền bù, mốc giải phóng mặt bằng cắm trên thực địa không khớp với hồ sơ thi công nhà thầu được bàn giao, một số diện tích canh tác của người dân không thể khắc phục đề nghị thu hồi vĩnh viễn...

Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khởi công từ ngày 1/7/2009, với tổng chiều dài tuyến giai đoạn I là 245km, gồm 4-8 làn xe, tốc độ thiết kế từ 80 - 120km/h đi qua thành phố Hà Nội và 4 tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn I là 19.984 tỷ đồng do nhà thầu Hàn Quốc thi công (chiếm 6/8 gói thầu) gồm các tập đoàn Posco, Keangnam, DooSan. Gói thầu còn lại do Công ty Cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) và nhà thầu Vinaconex (Việt Nam) thực hiện. Trong đó, đoạn đi qua địa phận tỉnh Yên Bái có tổng chiều dài hơn 80 km (từ Km 109 + 750 đến Km 190 + 420) đi qua các huyện: Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái do VEC làm chủ đầu tư.
Trước thực trạng đó, huyện Văn Yên đang tích cực phối hợp với chủ đầu tư VEC và nhà thầu thi công giải quyết những vướng mắc của người dân, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân không có hành động cản trở thi công. Tuy nhiên, phía VEC và nhà thầu cũng cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của mình khắc phục hậu quả thiệt hại trong quá trình thi công. Đặc biệt là khẩn trương hoàn thiện, bổ sung hệ thống cầu chui và đường gom dân sinh trên địa bàn huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái, bổ sung hệ thống rãnh thoát nước dọc các điểm có cống chui, cầu vượt đang thi công. VEC cần bàn thảo sớm với các địa phương để có phương án sửa chữa kịp thời những tuyến đường địa phương bị hỏng do thi công đường cao tốc.

Ông Hà Đức Anh - Phó chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Văn Yên thẳng thắn: "VEC và nhà thầu cần nhanh chóng giải quyết những vướng mắc của người dân. Đến hết tháng 5/2014, trong quá trình thi công đường cao tốc, huyện Văn Yên có 269 hộ bị ảnh hưởng ngoài phạm vi mốc giải phóng mặt bằng. Trong đó, 248 hộ bị ảnh hưởng về đất đề nghị thu hồi vĩnh viễn  với diện tích lúa nước trên 12 ha".

Tuy chiều dài tuyến đường cao tốc đi qua không bằng Văn Yên nhưng huyện Trấn Yên cũng còn 372 hộ bị ảnh hưởng chưa được bồi thường, trong đó nhiều diện tích canh tác không thể khắc phục và nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng chưa được sửa chữa.

Ông Phạm Lâm Phóng - Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên khẳng định: "Nhà thầu Keangnam cho rằng, một số đường điện chưa giải phóng dẫn đến khó khăn thi công là không đúng, vì thực tế nó không ảnh hưởng đến quá trình thi công. Thậm chí, những thiệt hại trong quá trình thi công của hàng trăm hộ dân có tuyến đường đi qua và nhiều công trình thủy lợi, đường gom dân sinh vẫn chưa được VEC và nhà thầu khắc phục".

Tương tự, đối với địa bàn thành phố Yên Bái có 5,6 km đường cao tốc đi qua địa bàn, thu hồi gần 331m2 đất của 400 hộ, thành phố cũng đề nghị VEC trả lời bằng văn bản về việc mở đường gom dân sinh ở tổ 7, phường Hợp Minh thanh toán kinh phí còn nợ gần 1,29 tỷ đồng để lắp trạm bơm Đồng Đình, xã Âu Lâu đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Đối với diện tích ruộng, vườn của người dân ở cả 3 huyện, thị, thành phố của Yên Bái nơi có đường cao tốc đi qua đang có nguy cơ trở thành hồ chứa nước khi mùa mưa lũ tới rất gần thì chính quyền, chủ đầu tư và các nhà thầu chính nhà thầu phụ phải nhanh chóng có phương án xử lý để người dân có đất sản xuất.

Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, để đảm bảo tiến độ thi công và giảm thiểu khúc mắc giữa nhà thầu với người dân, bên cạnh việc chủ động khẩn trương thanh toán nợ đọng tiền đền bù trong dân của các nhà thầu, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân bình tĩnh, tránh bức xúc. Nếu có khiếu nại tố cáo nên thực hiện đúng quy trình và đảm bảo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, không nên tự ý gây cản trở các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường dưới bất kỳ hình thức nào.

Khi phóng sự này hoàn thành, chúng tôi được biết, người dân sinh sống hai bên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông trên tuyến khi các nhà thầu hoàn thành xong công trình và ra đi cùng lời hứa sẽ làm đường gom dân sinh trên tuyến cho địa phương cùng người dân sở tại. 

Hương Dũng

Các tin khác
Cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trấn Yên giới thiệu với khách tham quan về Khu di tích lịch sử Nhà ông Trần Đình Khánh.

YBĐT - Chúng tôi đến thăm Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh - Trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh Yên Bái tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Đây là một trong 4 điểm di tích nằm trong Cụm di tích lịch sử Quốc gia Chiến khu Vần được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia ngày 4/9/1995.

Cán bộ điều tra Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Văn Chấn lấy lời khai đối tượng.

YBĐT - Dường như chưa bao giờ những vụ án với các tội danh giết người, cố ý gây thương tích lại xảy ra liên tục và để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng như thời gian gần đây. Cho dù ở địa bàn nào, các vụ án đều mang dáng dấp của sự bất nhân, tàn bạo đến ghê rợn cả về cách hành động và các loại vũ khí sát thương.

Cô bé Cha với đôi bàn chân tật nguyền.

YBĐT - Phóng sự truyền hình mang tên “Ước mơ của Cha” do Báo Yên Bái điện tử thực hiện sau khi đăng tải (tháng 7/2012), chỉ trong thời gian ngắn, gia đình Cha và cá nhân em đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Cuối năm 2013, điều kỳ diệu nhất đã đến với cô bé Cha...

Chợ xã Quang Minh (Văn Yên) đang được cho thuê để làm nhà hàng.

YBĐT - Là nơi giao thương hàng hóa, trao đổi thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hơn thế còn nét văn hóa truyền thống ở các địa phương, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa do đây là nơi giao lưu, gặp gỡ của người dân, vì vậy chợ nông thôn có vai trò hết sức quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục