Giải quyết gốc rễ tội phạm
- Cập nhật: Thứ hai, 23/6/2014 | 10:04:19 AM
YBĐT - Dường như chưa bao giờ những vụ án với các tội danh giết người, cố ý gây thương tích lại xảy ra liên tục và để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng như thời gian gần đây. Cho dù ở địa bàn nào, các vụ án đều mang dáng dấp của sự bất nhân, tàn bạo đến ghê rợn cả về cách hành động và các loại vũ khí sát thương.
Cán bộ điều tra Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Văn Chấn lấy lời khai đối tượng.
|
Vì thế, nghiên cứu chuyên đề “Tình hình và giải pháp nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cố ý gây thương tích” của Công an huyện Văn Chấn rất đáng để quan tâm.
Từ những vụ án đau lòng...
Những căn cứ thuyết phục đầu tiên chính là thực trạng tình hình tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn huyện Văn Chấn với những vụ án thực, những nỗi đau có thật. Nếu như năm 2009, Công an huyện chỉ khởi tố 2 vụ/2 bị can phạm tội “Cố ý gây thương tích”, chiếm 8% số các vụ án hình sự toàn huyện thì đến năm 2013, con số này là 11 vụ/13 bị can, chiếm 14,8% số các vụ án hình sự, tăng 55% so với năm 2009. Trước đây, các vụ án diễn ra ít thì nay, đã diễn ra thường xuyên với hậu quả khó lường. Nhiều vụ án để lại hậu quả nặng nề, có khi là cả tính mạng con người. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn Văn Chấn đã có 4 vụ án với tội danh “Giết người”.
Trong khi đó, những vụ án nghiêm trọng xảy ra từ những lý do hết sức “vớ vẩn” ngày một nhiều lên như vụ án Hoàng Đại Lâm sinh năm 1991, phạm tội “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 11/8/2009, tại xã Tân Thịnh. Sự việc khởi đầu khi Bùi Đức Hải đang ngồi ở ven đường thì bị Lâm dùng đèn điện thoại di động soi và ngó vào mặt. Hải chửi và nhặt đá ném Lâm rồi hai người lao vào đánh nhau. Khi nhận ra là người quen ở cùng xóm họ dừng lại. Nhưng khi thấy mặt bị chảy máu Hải đã đuổi theo nhặt đá ném lại Lâm. Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi Lâm cầm dao đuổi chém Hải thì gặp anh Thường đi ngược chiều và Lâm đã vô cớ vung dao chém anh Thường. Kết quả giám định, anh Thường tổn hại 46% sức khỏe. Lâm đã bị Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn xử phạt 8 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Thêm một minh chứng khác về những vụ án để lại hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân chỉ từ những lý do rất đơn giản. Ngày 1/5/2014, Chử Văn Mạnh và Hà Văn Phượng trú tại tổ 9, thị trấn Nông trường Liên Sơn cùng đi uống rượu nhà người quen của Mạnh. Cơm no, rượu say, Mạnh đi xe máy đèo Phượng về. Khi đến nhà, Phượng nhảy xuống xe nhưng bị ngã lăn xuống rãnh đường. Mạnh dừng xe hỏi Phượng và thấy không sao thì đi về. Định đóng cửa đi ngủ thì Phượng đến gọi cổng.
Sự việc chỉ có vậy nhưng với hơi men trong người, Phượng nghĩ là Mạnh chơi “đểu” mới làm ngã mình nên tức tối cầm con dao nhọn đến nhà Mạnh. Hai bên to tiếng, Phượng dùng dao đâm một nhát vào sườn trái của Mạnh, đâm nhát thứ 2 thì Mạnh tránh được. Mạnh lao vào giằng, cướp được con dao trên tay Phượng bực tức nghĩ phải đâm lại Phượng nên đã cầm dao đuổi theo đâm một nhát vào sườn bên phải Phượng. Do vết thương quá nặng, Phượng đã tử vong. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Chấn đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra quyết định cho bảo lãnh đối với Chử Văn Mạnh về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” được quy định tại Điều 95, Bộ luật Hình sự.
Đó còn là những vụ án mang bi kịch của tình yêu tuổi trẻ hết sức đau lòng. Tuấn và Tình là đôi bạn trẻ ở tuổi mười chín, đôi mươi. Họ từ tỉnh ngoài đến Tú Lệ (Văn Chấn) làm thuê kiếm sống. Khi tình cảm của họ nảy sinh nhiều mâu thuẫn, Tình không còn yêu Tuấn nữa và đề nghị hai bên chia tay thì Tuấn không đồng ý. Hôm ấy, Tuấn dùng dao nhọn cứa vào má trái của Tình. Quá sợ hãi, Tình bỏ chạy thì bị vấp ngã. Không dừng lại Tuấn tiếp tục đuổi theo và đâm một nhát vào dưới bả vai trái của người yêu. Kết quả giám định, Tình tổn hại 92% sức khỏe. Tuấn bị Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn xử phạt 12 năm tù giam…
Và còn nhiều nhiều nữa những vụ án đau lòng, song cơ bản các vụ án đã nêu đều khởi nguồn từ những mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời, triệt để cho dù trước đó họ từng là người yêu, là bạn bè, là hàng xóm để dẫn đến những kết cục đau lòng: kẻ vào tù, người thiệt mạng hay tàn phế với thương tật suốt đời, những nỗi đau, vết thương lòng với gia đình, người thân.
... Đến ý tưởng nghiên cứu thực hiện chuyên đề
Chuyên đề là ý tưởng của Đại tá Hà Anh Tuấn - Trưởng Công an huyện Văn Chấn. Nhận nhiệm vụ Trưởng Công an huyện từ 1/1/2013, sau thời gian ngắn anh đã thấy những bất ổn về an ninh trật tự trên địa bàn. Tại sao những vụ án liên quan đến tội phạm cố ý gây thương tích lại nhiều và tăng nhanh đến như vậy? Sau nhiều trăn trở, tổng hợp yếu tố chung từ các vụ án rồi cả nghiên cứu các điều kiện kinh tế, văn hóa vùng miền… cuối tháng 5/2013, anh xây dựng một kế hoạch chi tiết thực hiện chuyên đề với mục tiêu: phòng ngừa, đấu tranh kìm chế, giảm số vụ liên quan đến tội phạm cố ý gây thương tích và góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thượng úy Hoàng Đức Thuận - Đội trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp là người được giao chắp bút. Trao đổi về nhiệm vụ ấy Thuận cười: “Em là một cán bộ trẻ, lần đầu tiên được giao thực hiện một chuyên đề cũng là lần đầu tiên Công an huyện triển khai một chuyên đề nghiên cứu vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn. Khá khó khăn nhưng em rất hào hứng bởi mục tiêu và ý nghĩa nhân văn của chuyên đề”. Và rồi chuyên đề đã được thực hiện từng bước một cách khoa học chắc chắn, nóng hổi tính thực tiễn.
Đi tìm nguyên nhân và giải pháp chính là điều quan trọng nhất của chuyên đề. Từ kết quả điều tra xã hội học, những đánh giá phân tích thực trạng tình hình tội phạm cố ý gây thương tích, hàng loạt nguyên nhân đã được đề cập cả khách quan và chủ quan. Đó là những nguyên nhân khách quan tác động đến con người. Khi nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, ngoài những mặt tích cực cũng khiến con người quá coi trọng giá trị của đồng tiền, dẫn đến suy thoái về đạo đức, đồng thời xã hội cũng kéo theo nhiều tệ nạn với những đối tượng có cuộc sống sa ngã dễ xảy ra xô xát, dẫn đến hành vi phạm tội.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật mặc dù được chú trọng song hiệu quả chưa cao, một phần do trình độ dân trí của nhân dân, nhất là vùng cao vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thấp nên việc học tập, cập nhật còn hạn chế… Đó cũng là hệ quả của nền giáo dục, trong đó, cơ chế thị trường đã khiến giá trị của gia đình truyền thống bị biến đổi ít nhiều, thời gian dành cho gia đình ngày càng ít đi, buông lỏng quản lý, giáo dục con cái… chính là những nhân tố góp phần hình thành những cá nhân tiêu cực.
Đối với môi trường giáo dục nhà trường, còn thiên lệch trong giảng dạy kiến thức, chưa đề cao giáo dục đạo đức khi môn học giáo dục công dân vẫn chỉ được coi là môn phụ. Trong khi đó, môi trường giáo dục xã hội hết sức quan trọng và tác động ảnh hưởng nhiều tới mỗi cá nhân lại đang bị “ô nhiễm” bởi nhiều tiêu cực xã hội. Những điểm vui chơi, giải trí lành mạnh quá nghèo nàn, các tổ chức đoàn thể nơi tập hợp quần chúng, nhân dân, đoàn viên, hội viên còn thiếu sức hấp dẫn, việc tái hòa nhập cộng đồng với những đối tượng tù tha, sau cai nghiện ma túy… còn khó khăn.
Nguyên nhân về quản lý xã hội cũng là một vấn đề được đặt ra, trong đó có một phần nguyên nhân của việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng đảm bảo trật tự công cộng trên địa bàn, đặc biệt địa bàn cơ sở chưa thực sự nhanh nhạy, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn từ lúc mới phát sinh. Công tác quản lý trên mặt trận tư tưởng văn hóa của cơ quan chức năng có phần bị buông lỏng nên các loại văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh như băng đĩa bạo lực, sách truyện có nội dung kiếm hiệp, bạo lực vẫn lưu hành trôi nổi trên thị trường tác động không nhỏ đến tư tưởng giải quyết mẫu thuẫn bằng bạo lực, vũ khí gây sát thương…
Về nguyên nhân chủ quan của người trong cuộc. Quả thực, mâu thuẫn trong cuộc sống là không thể tránh khỏi, nhưng mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời qua ứng xử với sự lượng thứ của mỗi cá nhân mà bị lối sống ích kỷ chế ngự thì rất dễ dẫn đến hành vi xung đột. Và sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng có tính chất côn đồ, sử dụng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn có khi chỉ từ những lý do nhỏ nhặt.
Một nguyên nhân chủ quan nhưng hết sức nghiêm trọng và lại rất phổ biến đó là do sử dụng chất kích thích (rượu, bia, ma túy) để rồi không làm chủ được bản thân dẫn đến gây án trong tình trạng không tỉnh táo, bị kích động mạnh…
Tất cả những nguyên nhân đều không mới bởi nó đã quá rõ ràng nhưng phải nhìn thẳng vào đó để có những giải pháp chung không những chỉ kìm chế tội phạm cố ý gây thương tích mà còn giữ gìn, khôi phục những giá trị tốt đẹp từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Kết quả điều tra xã hội học là một trong những cơ sở khẳng định tính lý luận và thực tiễn của chuyên đề.
Để chuyên đề có giá trị thực tiễn cao
Khởi nguồn từ các vụ án, con đường dẫn đến phạm tội cố ý gây thương tích bao giờ cũng bắt đầu từ những mâu thuẫn, bất hòa, vì vậy, lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cơ sở cần kịp thời nắm bắt thông tin giải quyết, hòa giải mâu thuẫn từ trong trứng nước là điều quan trọng nhất trong loại bỏ điều kiện phát sinh tội phạm. Bản thân mỗi cá nhân, bạn bè, người thân cần được tuyên truyền, cảnh báo để trở thành hòa giải viên đầu tiên có vai trò làm dịu bớt căng thẳng bảo vệ người thân của mình trước những hậu họa có thể xảy ra, tuyệt đối không kích động đẩy mâu thuẫn lên cao. Luôn “để mắt” và có biện pháp giáo dục, cảm hóa thường xuyên đối tượng có biểu hiện tiêu cực trên địa bàn như rượu chè bê tha, lười lao động, thường xuyên gây rối trật tự công cộng.
Để hạn chế điều này, bước đầu Công an huyện Văn Chấn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở vận động nhân dân ký cam kết về sử dụng lượng rượu, bia trong đám cưới, đám hỏi. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong đầu tư khu vui chơi giải trí lành mạnh thu hút giới trẻ, giải quyết công ăn việc làm tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng mãn hạn tù, trở về từ cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật, nghiêm trị những đối tượng phạm tội… để hóa giải những nguyên nhân làm nảy sinh tội phạm.
Thực tế, công tác đấu tranh với tội phạm cố ý gây thương tích ở Văn Chấn đã đạt những kết quả nhất định, góp phần kìm chế và ổn định địa bàn không để xảy ra loại tội phạm có tổ chức. Tuy vậy, nguy cơ và mầm mống phát sinh tội phạm còn tiềm ẩn khó lường. Để khuyến khích việc hoàn thiện và triển khai chuyên đề trong thực tế không chỉ trên địa bàn huyện Văn Chấn mà còn cả các địa phương khác trong tỉnh rất cần sự quan tâm ủng hộ, động viên kịp thời của các cấp, các ngành, toàn lực lượng trong toàn tỉnh, không chỉ chuyên đề này mà còn những chuyên đề tiếp sau mang sức nặng để giải quyết gốc rễ các loại tội phạm vì bình yên cuộc sống.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Phóng sự truyền hình mang tên “Ước mơ của Cha” do Báo Yên Bái điện tử thực hiện sau khi đăng tải (tháng 7/2012), chỉ trong thời gian ngắn, gia đình Cha và cá nhân em đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Cuối năm 2013, điều kỳ diệu nhất đã đến với cô bé Cha...
YBĐT - Là nơi giao thương hàng hóa, trao đổi thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hơn thế còn nét văn hóa truyền thống ở các địa phương, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa do đây là nơi giao lưu, gặp gỡ của người dân, vì vậy chợ nông thôn có vai trò hết sức quan trọng.
YBĐT - Bao nhiêu năm xúc tiến phát triển du lịch nhưng đến nay Yên Bái vẫn chưa có lấy một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn...
YBĐT - Toàn bộ bún, thịt, đậu phụ, ốc, cá… đã nấu chín được đựng trong những chiếc âu nhựa liền nhau xếp hàng. Việc chế biến, lấy thức ăn cho khách đều được chủ quán “vận hành” bằng tay trần cùng chiếc khăn dùng để lau bát, đũa cũng được chủ quán tiện tay lau luôn… mặt bàn.