Ước mơ... có thật của Cha

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/6/2014 | 2:53:53 PM

YBĐT - Phóng sự truyền hình mang tên “Ước mơ của Cha” do Báo Yên Bái điện tử thực hiện sau khi đăng tải (tháng 7/2012), chỉ trong thời gian ngắn, gia đình Cha và cá nhân em đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Cuối năm 2013, điều kỳ diệu nhất đã đến với cô bé Cha...

Cô bé Cha với đôi bàn chân tật nguyền.
Cô bé Cha với đôi bàn chân tật nguyền.

Từ ước mơ không tật nguyền...

Tôi gặp Mùa Thị Cha trong chuyến công tác cùng các thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Pá Hu (huyện Trạm Tấu) lên vận động gia đình đưa em trở lại điểm trường chính học tập khi Cha đã hoàn thành chương trình học tập của bậc tiểu học tại điểm trường lẻ bản Pá Hu.

Là một trong số hai thôn bản khó khăn nhất của xã Pá Hu, bản Pá Hu đặc đồng bào Mông, vẫn chưa có điện lưới thắp sáng. Nhà cô bé Cha nằm cheo leo trên sườn đồi. Cái sự nghèo, đông con và lạc hậu dường như đã đóng đinh vào cuộc đời những người Mông sinh sống nơi vùng cao heo hút này mà gia đình Cha không phải là một ngoại lệ.

Là con gái lớn trong gia đình và là chị cả của 3 đứa em “trứng gà trứng vịt”, cô bé Cha cảm thấy mình thật may mắn khi được học lên đến hết lớp 5, lại còn là học sinh tiến tiến 2 năm cuối cấp, một trong số không nhiều học sinh viết chữ đẹp của trường, dù rằng mỗi buổi tới trường Cha còn phải cõng theo cậu em trai kế mình xuống lớp bằng đôi chân dị tật, đi lại hết sức khó khăn. Vẫn hiểu có học cái chữ mới biết được nhiều thứ, vậy nhưng nếp nghĩ và quan niệm của đồng bào Mông ở đây vẫn chả khác xưa là mấy: con trai cho học lên cao, còn con gái lớn lên thì ở nhà làm nương làm rẫy; lớn tí nữa thì lấy chồng…

Cha thì khác, em luôn khát khao được học tập lên cao. Cô giáo Đào Thị Tuyết – Tổ trưởng điểm trường bản Pá Hu nói về cô học trò ngoan của mình với một tình cảm quý yêu đặc biệt: “Cha rất chăm học, chữ viết đẹp và nhận thức cũng rất khá. Mỗi buổi tới trường, cô bé còn phải cõng em theo để trông, nom cứ như mèo tha chuột. Đôi chân của Cha dị tật bẩm sinh, đi lại vừa khó vừa đau, bốn mùa trong năm đều phải đeo ủng, thế nhưng hiếm khi cô bé nghỉ học. Học hết lớp 5 trên bản, dù được các thầy cô giáo đưa xuống điểm trường chính để tiếp tục theo học lên cao nhưng vì nhà nghèo, neo người làm, lại thêm đôi chân tật nguyền nên con bé mặc cảm…”.

Cả một buổi tối vận động, thuyết phục, cuối cùng ông Mùa A Lau - bố Cha cũng đã đồng ý cho em tiếp tục xuống điểm trường chính của xã học tập. Cô bé Cha nước mắt rưng rưng theo chân các thầy cô giáo xuống trường. Trong đôi mắt em có niềm vui được đến lớp, còn cả mặc cảm tật nguyền và nỗi khát thèm một đôi chân bình thường như bao bè bạn...

... Đến điều kỳ diệu có thật

Sau khi phóng sự được đăng tải trên ấn phẩm Báo Yên Bái điện tử tháng 7/2012, tôi vui khi những nỗ lực làm cầu nối thông tin qua tác phẩm của mình đã góp một phần nhỏ bé làm đổi thay cuộc đời cô bé người Mông tật nguyền Mùa Thị Cha. Được biết, ngày 27/12/2012, cán bộ Tỉnh đoàn Yên Bái đã lên thăm trường Pá Hu và gia đình cô bé Cha trên bản.

Với một gia đình người Mông nghèo như gia đình Cha thì 1 suất học bổng trị giá 500 ngàn đồng cùng rất nhiều quần áo và 2 chiếc chăn ấm là món quà có ý nghĩa không hề nhỏ, giúp em nuôi dưỡng ước mơ được đến trường. Càng vui hơn khi câu chuyện của Cha đã được các thầy cô giáo Trường Tiểu học và THPT Nguyễn Siêu – Hà Nội biết đến. Một suất học bổng trị giá 3 triệu đồng của Trường Nguyễn Siêu đã được gửi tặng cho Mùa Thị Cha, do chính đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn lên điểm trường chính trao tặng cho em.

Đôi bàn chân của Cha sau khi phẫu thuật.

Với riêng tôi, niềm vui này còn lớn hơn cả những phần thưởng quý giá trong nghề mà tôi đã nhận được khi cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền  - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Pá Hu báo tin, cuối năm 2013, Mùa Thị Cha đã được đưa sang Hàn Quốc phẫu thuật miễn phí trở về. Năm học này em sẽ được về tỉnh học tập...

Gặp lại Mùa Thị Cha, cô học sinh lớp 6 tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh khi em được bố đưa xuống trường nhập học. Quả thật, phép màu nhiệm đã đến với em. Đôi bàn chân của Cha giờ đây không còn khòng kheo dị dạng như trước mà đã trở lại bình thường như bao bạn bè khác, dù rằng sau phẫu ca phẫu thuật tại Hàn Quốc trở về, đôi bàn chân của em vẫn chưa thực sự khoẻ mạnh để có thể tự đi lại.

Vẫn nụ cười bẽn lẽn, rụt rè, kể cho chúng tôi nghe chuyến đi Hàn Quốc phẫu thuật chân, cô bé Cha thủ thỉ: “Cháu và bố được đi máy bay sang Hàn Quốc. Bác sĩ mổ chân cháu cũng đau nhưng bây giờ đi lại dễ hơn trước nhiều rồi. Ai cũng bảo cháu may mắn. Bố mẹ vui lắm. Cháu không còn xấu hổ với bạn nữa. Cháu sẽ cố gắng học tập...”.

 Cha còn cho hay, khi phẫu thuật từ Hàn Quốc trở về, em còn được các cô ở Hà Nội tặng cho một chiếc xe lăn để hỗ trợ việc luyện tập. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền  khẳng định: “Đây thực sự là điều kỳ diệu nhất từ trước đến nay ở mảnh đất vùng cao này. Thông qua Chương trình Cầu nối yêu thương của Đài Truyền hình Hà Nội, Mùa Thị Cha đã được đưa sang phẫu thuật miễn phí tại Hàn Quốc. Tổ chức này cũng tài trợ miễn phí toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở của hai bố con em tại xứ Hàn trong suốt thời gian một  tháng phẫu thuật và điều trị. Với rất nhiều trẻ em khuyết tật ở vùng cao Yên Bái thì đó thực sự là một giấc mơ, một phép màu hay điều đó chỉ có thể có trong những câu chuyện cổ tích...”. 

Nhìn cô bé Cha vui vẻ sánh bước cùng bạn bè trên sân trường, tôi thầm mừng cho em. Ước mong của cô giáo Tuyết đến một ngày cô học trò đáng thương Mùa Thị Cha sẽ được xuống Trung tâm SOS của tỉnh học tập đã trở thành hiện thực. Nguyện ước về một đôi chân không tật nguyền của cô học trò người Mông nghèo trên bản Pá Hu đã không còn là mơ ước. Câu chuyện của Cha khiến người ta tin vào sự kỳ diệu của tình yêu thương con người và những điều tốt đẹp của cuộc sống có ở quanh ta...

Phạm Minh

Các tin khác
Chợ xã Quang Minh (Văn Yên) đang được cho thuê để làm nhà hàng.

YBĐT - Là nơi giao thương hàng hóa, trao đổi thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hơn thế còn nét văn hóa truyền thống ở các địa phương, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa do đây là nơi giao lưu, gặp gỡ của người dân, vì vậy chợ nông thôn có vai trò hết sức quan trọng.

Du lịch hồ thác bà hiện nay phổ biến là hình thức thăm quan bằng tàu du lịch. Ảnh: Thanh Miền

YBĐT - Bao nhiêu năm xúc tiến phát triển du lịch nhưng đến nay Yên Bái vẫn chưa có lấy một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn... 

Hãy cẩn trọng với các quán ăn vỉa hè!

YBĐT - Toàn bộ bún, thịt, đậu phụ, ốc, cá… đã nấu chín được đựng trong những chiếc âu nhựa liền nhau xếp hàng. Việc chế biến, lấy thức ăn cho khách đều được chủ quán “vận hành” bằng tay trần cùng chiếc khăn dùng để lau bát, đũa cũng được chủ quán tiện tay lau luôn… mặt bàn.

Các doanh nghiệp ngành xây dựng thường thu hút đông lao động thời vụ, ngắn hạn nên càng đòi hỏi phải thành lập tổ chức công đoàn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Ảnh: Công nhân thi công dầm sàn tầng 1 công trình Bệnh viện Đa khoa 500 giường.
(Ảnh: Linh Chi)

YBĐT - Tính đến ngày 22/4/2014, trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái có trên 1.600 doanh nghiệp và hợp tác xã đăng ký kinh doanh, song số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mới dừng lại ở con số 125. Nhiều chủ sử dụng lao động đã dựa vào việc "thành lập trên cơ sở tự nguyện" tìm mọi cách để không thành lập tổ chức công đoàn, dù người lao động vẫn thiết tha mong mỏi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục