Chợ nông thôn vì sao “chưa họp”?
- Cập nhật: Thứ năm, 19/6/2014 | 2:39:36 PM
YBĐT - Là nơi giao thương hàng hóa, trao đổi thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hơn thế còn nét văn hóa truyền thống ở các địa phương, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa do đây là nơi giao lưu, gặp gỡ của người dân, vì vậy chợ nông thôn có vai trò hết sức quan trọng.
Chợ xã Quang Minh (Văn Yên) đang được cho thuê để làm nhà hàng.
|
Nhằm từng bước xây dựng hệ thống chợ nông thôn đáp ứng nhu cầu thực tế, góp phần xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã có Quyết định số 181/QĐ-UBND ngày 08/02/2010 về việc phê duyệt dự án Quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh Yên Bái đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, cộng thêm sự tính toán chưa hợp lý mà một số chợ được đầu tư khá lớn nhưng hoạt động không hiệu quả, thậm chí không hoạt động.
Thực trạng chợ nông thôn
Nằm sát ngay trụ sở UBND xã, chợ Quang Minh, xã Quang Minh, huyện Văn Yên được xây dựng vào năm 2004 với mức đầu tư 420 triệu đồng. Mặc dù ở vị trí khá thuận lợi nhưng từ khi hình thành đến nay, chợ chưa một lần được họp mà toàn bộ diện tích này đang được cho thuê để kinh doanh hàng ăn uống.
Theo chị Nguyễn Thùy Linh, giáo viên Trường mầm non xã thì nhu cầu họp chợ của người dân không lớn, phần lớn có nhu cầu mua bán đều ra chợ xã Đông Cuông cách đó vài cây số, dẫn tới tình trạng “có chợ nhưng không có người họp”. Tương tự như Quang Minh, mặc dù nằm ngay trung tâm xã, có vị trí thuận lợi trong giao thương với các xã Phong Dụ Thượng và Xuân Tầm nhưng chợ xã Phong Dụ Hạ hiện nay cũng đang không hoạt động. Ông Hà Cơ Yếu - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Phong Dụ Hạ có vị trí thuận lợi, là trung tâm giao thương với hai xã Phong Dụ Thượng và Xuân Tầm nhưng người dân không muốn vào chợ. Nguyên nhân do chợ xây dựng, cải tạo lại từ những năm 1995 nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt khác, đa số hộ gần chợ đều kinh doanh tại nhà đỡ một phần tiền thuê ki ốt, lại thuận lợi buôn bán”.
Toàn tỉnh có 103 chợ, trong đó có 83 chợ nông thôn thuộc 79 xã. Theo điều tra, số được đầu tư cơ sở hạ tầng bán kiên cố trở lên là 67 chợ với tổng nguồn vốn nâng cấp, cải tạo và đầu tư chợ nông thôn là 39.738,7 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách Trung ương 611 triệu đồng; vốn ngân sách tỉnh 18,781.4 tỷ đồng; vốn Ngân hàng thế giới (WB): 8,340.4 tỷ đồng; vốn Chương trình 135: 5,700 tỷ đồng và dân góp 5,945 tỷ đồng, còn 12 xã có chợ đang hoạt động hiện vẫn là chợ tạm, chưa được đầu tư.
Dù đã có sự đầu tư, song do 35 chợ được xây dựng trước năm 2000, 50 chợ xây dựng từ năm 2000 đến năm 2010 nên tình trạng chợ bị thủng mái tôn, khung sắt bị rỉ, tường rạn nứt, mặt nền bị hỏng…diễn ra tại nhiều nơi. Bên cạnh đó, việc nâng cấp, cải tạo chắp vá dẫn đến các chợ nông thôn thường mất mỹ quan và không đảm bảo hoạt động kinh doanh khi trời mưa.
Cùng với đó, diện tích đầu tư sử dụng cho họp chợ đạt thấp. 73/83 chợ đang hoạt động có diện tích sử dụng thấp hơn 1.500m2 và công trình chợ không đạt nhà cấp IV trở lên. Thậm chí để có kinh phí đầu tư nâng cấp, cải tạo, một số nơi chính quyền địa phương đã bán một phần đất mặt tiền của chợ để tái đầu tư nên đến nay nhiều chợ không còn quỹ đất để mở rộng, nếu di dời đến vị trí khác cũng không đảm bảo về vị trí cũng như diện tích sử dụng, đặc biệt nguồn vốn để đầu tư không có.
Việc xây dựng chợ nông thôn cần tính đến điều kiện kinh tế cũng như tập quán sinh hoạt của người dân. (Ảnh: A Mua)
Quy hoạch chưa “trúng”
Cùng với những thực trạng về cơ sở vật chất của chợ nông thôn hiện nay, theo rà soát mới đây của Sở Công thương, hiện nay còn 15 chợ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nhưng không hoạt động. Trong đó riêng 2 huyện là huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải có 6 chợ không hoạt động. Đây là các chợ được đầu tư chủ yếu do vốn ngân sách, vốn WB, vốn Chương trình 135 cho những địa bàn khó khăn thuộc vùng 3 của tỉnh và địa phương thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc khảo sát địa điểm xây dựng chợ chưa phù hợp với thực tế và nhu cầu của người dân tham gia mua, bán tại chợ. Ở một số vùng nông thôn, vùng cao, mật độ dân cư sống rải rác không tập trung, nhân dân tự cung, tự cấp về lương thực, thực phẩm là chính, ít có trao đổi mua bán nên số chợ tuy đã được đầu tư kiên cố, bán kiên cố nhưng nhân dân không có nhu cầu họp".
Cùng những nguyên nhân mà Phó giám đốc Sở Công thương đã nêu, còn có nguyên nhân, do ở các vùng nông thôn, chợ không chỉ là nơi kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa mà là nơi giao lưu, gặp gỡ của người dân địa phương, nhưng khi quy hoạch xây dựng chợ chưa có sự tham gia sâu của địa phương, vì vậy khi xây dựng hiệu quả không cao gây lãng phí tiền của của nhà nước và nhân dân.
Từ vấn đề đặt ra, để chợ nông thôn phát huy được tác dụng, đồng thời đạt tiêu chí nông thôn mới, các địa phương cần tăng cường kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa. Cụ thể là có các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng chợ; lồng ghép các dự án đầu tư của tỉnh cùng phát huy đồng bộ đầu tư xây dựng chợ nông thôn mới; cần tính đến điều kiện kinh tế cũng như tập quán sinh hoạt của người dân từng khu vực, như vậy chợ nông thôn mới phát huy hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nhưng trước hết việc cần làm ngay là các địa phương phải rà soát lại toàn bộ chợ không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả để đề xuất phương án giải quyết, có thể tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoặc chuyển đổi mục đích tránh sự lãng phí đầu tư.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Bao nhiêu năm xúc tiến phát triển du lịch nhưng đến nay Yên Bái vẫn chưa có lấy một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn...
YBĐT - Toàn bộ bún, thịt, đậu phụ, ốc, cá… đã nấu chín được đựng trong những chiếc âu nhựa liền nhau xếp hàng. Việc chế biến, lấy thức ăn cho khách đều được chủ quán “vận hành” bằng tay trần cùng chiếc khăn dùng để lau bát, đũa cũng được chủ quán tiện tay lau luôn… mặt bàn.
YBĐT - Tính đến ngày 22/4/2014, trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái có trên 1.600 doanh nghiệp và hợp tác xã đăng ký kinh doanh, song số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mới dừng lại ở con số 125. Nhiều chủ sử dụng lao động đã dựa vào việc "thành lập trên cơ sở tự nguyện" tìm mọi cách để không thành lập tổ chức công đoàn, dù người lao động vẫn thiết tha mong mỏi.
YBĐT - Người ta thường nói, nước Nậm Đông chính bắt nguồn ở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu. Người thì bảo, dòng Nậm Đông có nước chảy xuống từ Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La. Nhưng dẫu sao, sự thẩm thấu, gom góp từng giọt vào mạch nhỏ đến nhánh lớn chắc hẳn lâu lắm. Tất thảy đã tụ dòng ở Pá Khoang thành nguồn "than trắng" cho hai nhà máy thủy điện trên dòng Nậm Đông hung dữ xưa kia.