Về Làng Lao xem "cáp treo"

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/6/2014 | 2:55:53 PM

YBĐT - Từ cuối tháng 3 năm 2014, sợi dây cáp và hai chiếc ròng rọc đã nối hai bờ suối Lao để bà con vận chuyển xe máy và hàng hóa qua lại.

Một chiếc xe máy đang “bay” qua suối.
Một chiếc xe máy đang “bay” qua suối.

Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm đến câu chuyện người dân Táng Khờ - Làng Lao, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) “đu dây” về bản. Có lẽ, những người chưa biết rõ câu chuyện sẽ liên tưởng đến hình ảnh cô giáo vùng cao chui vào bao ni-lông để qua suối ở Lai Châu hay làng “đu dây” ở Tây Nguyên mà các phương tiện truyền thông đã phản ánh. Để làm rõ vấn đề này, chiều ngày 15/6/2014, chúng tôi đi Làng Lao với mong muốn giúp bạn đọc có cái nhìn chân thực hơn về câu chuyện này.

Có lẽ cán bộ xã Cát Thịnh cũng đang chịu một sức ép nhất định về vấn đề “đu dây” ở Làng Lao nên khi chúng tôi gọi điện về xã để đăng ký làm việc thì cả Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND xã đều bày tỏ mong muốn có nhà báo đến tận nơi, chứng kiến toàn bộ câu chuyện, nghe ý kiến của người dân và đại diện chính quyền xã để thông tin đến bạn đọc một cách đầy đủ và khách quan hơn.

Chiếc xe máy của Phó chủ tịch UBND xã Sa Quang Huy lúc thì nhảy chồm chồm, khi leo dốc thì dựng đứng như muốn bổ ngửa, khi xuống dốc thì như muốn cắm bánh trước xuống mặt đường trơn trượt để đưa chúng tôi đến địa điểm “cáp treo”. Trước hết, xin được cung cấp cho bạn đọc một số thông tin để hiểu thêm về Làng Lao.

Làng Lao là một bản người Mông gồm hơn 30 hộ dân (số liệu năm 2010) quần tụ nơi ngọn nguồn con suối Lao, cách trung tâm xã Cát Thịnh - Ba Khe khoảng 15 tiếng đồng hồ đi bộ. Trình độ dân trí thấp kém, tập quán lạc hậu và điều kiện đi lại như vậy nên cuộc sống của đồng bào Mông ở đây đặc biệt khó khăn. Trước thực tế ấy, tỉnh Yên Bái đã triển khai vận động người Mông ở Làng Lao hạ sơn. Với rất nhiều công sức vận động và tiền của đầu tư, một khu dân cư mới đã hình thành có tên gọi là Táng Khờ (cách Ba Khe khoảng 3 giờ đi bộ).

Ngoài 41 ngôi nhà được làm mới, nhiều công trình khác cũng được Nhà nước đầu tư cho Táng Khờ như thủy lợi, nước sạch, lớp học… Người Mông Làng Lao thấy rõ được lợi ích của việc hạ sơn, nói như anh Sùng A Tùng thì “Không biết tổ tiên nhà mình tính thế nào mà ở cao và xa đến thế. Về bản mới đi lại gần hơn, đỡ khổ hơn, trẻ được đi học, người ốm được đi viện, thế là tốt”. Đúng là việc hạ sơn có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nhưng rất nhiều người Mông ở Làng Lao vẫn không ở ổn định tại Táng Khờ mà tiếp tục về làng cũ. Cũng theo anh Sùng A Tùng thì “Trên đó nhiều ruộng, bà con lên đó để kiếm hạt thóc”.

Còn theo đồng chí Sa Quang Huy thì “Số hộ, số khẩu ở Làng Lao tăng rất nhanh và sau hơn 3 năm, số hộ đã tăng từ 41 lên 71. Ở Làng Lao, chuyện nhà có 8, 9, 10 đứa con, có khi 12, 13 đứa con không phải là lạ. Nhiều người, nhiều hộ như thế thì ruộng đâu ra mà chia, thế là lại dắt nhau vượt núi về làng cũ”.

Đưa chiếc xe máy vào quang treo rồi chằng buộc cẩn thận để chuẩn bị qua suối.

Trở lại câu chuyện “cáp treo”. Trước đây, người Mông ở Làng Lao đi lại hoàn toàn bằng đôi chân, lý do đơn giản là đường từ bản về xã là đường rừng, ngoài đôi chân ra chẳng có một loại phương tiện gì có thể đi lại được. Đến khi nhà đầu tư xây dựng đường kênh thủy điện Vực Tuần thì người ta có thể đi bằng xe máy và ô tô đến được vị trí cách Táng Khờ khoảng hơn 1 giờ đi bộ.

Như vậy là đã quá mừng rồi, nhiều nhà ở Làng Lao mua được xe máy phục vụ việc đi lại, tất nhiên chỉ đi được từ xã đến hết đường kênh dẫn nước, để xe máy vào lán hoặc bụi cây rồi tiếp tục lội suối, băng rừng về bản. Giao thông ở Làng Lao được thuận lợi hơn khi một số nhà hảo tâm giúp dân Làng Lao lương thực, thực phẩm và dụng cụ thô sơ… để dân làm đường từ Táng Khờ ra đến bờ suối (phía bên kia suối là đường kênh thủy điện). Sau 2 tháng lao động cực nhọc, bất chấp nắng mưa, cuối cùng, một con đường nhỏ đã hình thành, xe máy có thể đi được.

Và bây giờ, “nút thắt” duy nhất chính là con suối Lao sâu hun hút, nước gầm gào quanh năm, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Làm cầu để qua suối? Chuyện không tưởng vì từ mặt kênh xuống lòng suối khoảng 50 mét, khẩu độ khoảng 70 mét, địa hình phía bên Táng Khờ rất phức tạp, độ dốc lớn nên rất khó thi công và ngay cả khi có điều kiện để thi công thì chưa chắc công ty thủy điện đã cho phép dùng đường kênh dẫn nước của họ làm đường giao thông. Khó mãi rồi cũng ló ra cái khôn. Khi thấy công nhân công ty xây dựng công trình thủy lợi dùng tời để vận chuyển vật liệu và phương tiện qua suối rất thuận lợi, người Mông ở Làng Lao đã xin lại bộ cáp, tời đó để vận chuyển xe máy và hàng hóa qua suối.

Từ cuối tháng 3 năm 2014, sợi dây cáp và hai chiếc ròng rọc đã nối hai bờ suối Lao để bà con vận chuyển xe máy và hàng hóa qua lại. Anh Sùng A Nủ, người Làng Lao cho biết: “Có cái cáp treo này, việc đi lại đỡ khổ hơn rất nhiều. Gà, lợn, thóc, ngô từ bản ra, vật liệu hàng hóa từ chợ về bản cũng dễ hơn trước”.

Vừa nói anh vừa đưa chiếc xe máy vào quang treo, chằng buộc cẩn thận rồi lặng lẽ lội qua suối sang phía bên kia (nơi đặt trụ quay tời), chiếc xe máy đu đưa nhẹ rồi từ từ “bay” qua suối - một hình ảnh rất ngoạn mục! Theo anh Sùng A Nủ và nhiều người ở Làng Lao thì trước đây, nhiều người “thích cảm giác mạnh” sẵn sàng ngồi vào quang treo đi qua suối. Bản thân anh cũng đã “liều” rất nhiều lần nhưng đến nay, việc ngồi vào quang treo qua suối không còn vì đã có người khi đi qua bằng cách này không may đứt dây kéo, cứ lơ lửng giữa suối cả tiếng. Cán bộ xã cũng nhắc nhở bà con chỉ được vận chuyển xe máy và hàng hóa bằng cáp treo, cấm vận chuyển người, tránh xảy ra tai nạn.

Được biết, một con đường mới về Táng Khờ đang được khẩn trương thi công, dự kiến khoảng 1 tháng nữa là tuyến đường sẽ hình thành, trên tuyến có 3 vị trí vượt qua khe nước gồm: Khe Cườm, Đá Liền và Vảng Lồng. Trước mắt, xã sẽ chỉ đạo làm cầu tạm để đi qua và về lâu dài sẽ đề nghị Nhà nước đầu tư ngân sách để làm cầu cứng.

Lê Phiên 

Các tin khác
Một đoạn trong gói thầu A6 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang được thi công trên địa bàn huyện Văn Yên.

YBĐT - Gói thầu A6 (từ xã An thịnh đến Châu Quế Thượng) có 39 điểm, gói A5 (từ An Thịnh trở ra) có 22 điểm đề nghị được làm đường gom dân sinh, song hiện tại rất nhiều điểm nhà thầu chỉ san gạt qua loa.

Cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trấn Yên giới thiệu với khách tham quan về Khu di tích lịch sử Nhà ông Trần Đình Khánh.

YBĐT - Chúng tôi đến thăm Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh - Trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh Yên Bái tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Đây là một trong 4 điểm di tích nằm trong Cụm di tích lịch sử Quốc gia Chiến khu Vần được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia ngày 4/9/1995.

Cán bộ điều tra Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Văn Chấn lấy lời khai đối tượng.

YBĐT - Dường như chưa bao giờ những vụ án với các tội danh giết người, cố ý gây thương tích lại xảy ra liên tục và để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng như thời gian gần đây. Cho dù ở địa bàn nào, các vụ án đều mang dáng dấp của sự bất nhân, tàn bạo đến ghê rợn cả về cách hành động và các loại vũ khí sát thương.

Cô bé Cha với đôi bàn chân tật nguyền.

YBĐT - Phóng sự truyền hình mang tên “Ước mơ của Cha” do Báo Yên Bái điện tử thực hiện sau khi đăng tải (tháng 7/2012), chỉ trong thời gian ngắn, gia đình Cha và cá nhân em đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Cuối năm 2013, điều kỳ diệu nhất đã đến với cô bé Cha...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục