Những cái “lý” phí giống nòi

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/6/2014 | 9:00:02 AM

YBĐT - Nạn tảo hôn vốn không xa lạ ở vùng cao - nơi người ta cho rằng sự phát triển đỉnh điểm của con người là từ 14 đến 16 tuổi. Xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn - nơi có tỷ lệ tảo hôn 45% (năm 2013) và những bé gái 15, 16 tuổi hát câu ầu ơ còn vụng về, những câu chuyện buồn lại được viết ra, cái đói, cái nghèo mãi đeo đẳng. Hơn cả, những đứa trẻ sinh ra bởi "giống" chưa đủ ngày, đủ tháng luôn đau yếu, còi cọc khiến chất lượng dân số đi xuống.

Những đứa trẻ sinh ra bởi “giống” đủ ngày sẽ khỏe mạnh hơn những trẻ sinh ra bởi bố mẹ tảo hôn.
Những đứa trẻ sinh ra bởi “giống” đủ ngày sẽ khỏe mạnh hơn những trẻ sinh ra bởi bố mẹ tảo hôn.

"Giống" chưa đủ ngày...

Tháng 6 nắng cháy da, tôi vẫn quyết đi Sùng Đô mặc những lời cảnh báo về đường đi khó khăn với mong muốn được “mục sở thị” những cặp vợ chồng “trẻ con" ở Sùng Đô, tìm hiểu cái lý của người Mông cho con cháu lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi lớn. Không giấu diếm, anh Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) huyện Văn Chấn đưa chúng tôi đi. Đường lên Sùng Đô giống như bao con đường lên tới những xã vùng cao khó khăn của tỉnh Yên Bái, những con dốc thẳng đứng toàn sỏi và đá cuội, tay lái phải vững lắm mới có thể bám đường. Hiếu chia sẻ: "Cũng bởi vấn đề này mà từ đầu năm tới giờ, tôi đã lên Sùng Đô 5 lần rồi. Đi lên đi về, sát sao cơ sở, bởi lãnh đạo huyện đã chỉ đạo sâu sát vấn đề này". Sau hơn 1 tiếng đồng hồ chúng tôi cũng có mặt tại trụ sở xã Sùng Đô, quần áo mặt mũi nhem nhuốc, nhìn quanh thấy vắng tanh. Anh Giàng A Lừ - Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo công tác DS/KHHGĐ của xã vừa bắt tay chào hỏi, vừa giải thích: "Giờ đang là mùa đi nương nên lao động chính trong nhà đi hết, kể cả ủy ban cũng không có việc gì mấy". Vậy là ý định gặp gỡ những cặp vợ chồng “trẻ con” của chúng tôi đã không thành. Biết sự thất vọng của chúng tôi, anh Lừ nói: "Nghỉ ngơi xong rồi các anh chị sang trạm y tế, ở đó có đầy đủ những thông tin về những trường hợp làm mẹ ở tuổi 15 – 16 tuổi".

Trạm Y tế xã Sùng Đô nằm ngay bên cạnh trụ sở của ủy ban, cũng khá vắng vẻ. Càng làm cho âm thanh giao tiếp bên trong lại rõ ràng hơn:

-(tiếng Mông)
...
-Chán không? Ngủ với nhau lúc nào, có thai lúc nào mà cũng không biết nữa. Bé tí như thế này!
Tôi tiến lại gần chị nữ hộ sinh:
- Cô bé bao nhiêu tuổi hả chị?
-Nó mới học lớp 9 thôi, em ạ!

Thấy có những người khách lạ, cô bé tỏ ra ngượng ngùng, lúng túng quay đi. Khuôn mặt non nớt ấy, ánh mắt ấy còn quá thơ dại. Cô bé học lớp 9, tức là 15 - 16 tuổi nhưng trông chỉ bằng như đứa cháu học lớp 6 của tôi ở nhà. Tay vắt ngang bụng như đã có cảm giác về sự chuyển động của một hình hài trong cơ thể nhỏ bé của mình. Cũng phải, bởi 5 tháng rồi mà.

-Thế đã cưới chưa? Tôi hỏi cô bé.
-Chưa. Nhưng ăn hỏi rồi! Cô bé lí nhí.
-Tập tục của người Mông ăn hỏi rồi là có thể về ở với nhau được - anh Lừ giải thích.
-Thế cháu còn đi học không? Tôi lại hỏi cô bé.

Không đáp, nó cúi xuống ngượng ngùng gật đầu. Chị hộ sinh nói tiếp:

-Cô bé này có nhà chồng "tiến bộ" nên vẫn cho đi học nhưng chắc chỉ hết lớp 9 thôi.

Xót xa quá! Cái sinh linh bé nhỏ đang lớn dần trong người cô bé được tạo từ "giống" chưa đủ ngày rồi sẽ sao đây? Theo kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ sinh ra bởi các cặp tảo hôn có tỷ lệ nhẹ cân (dưới 2.500g), còi cọc, phát triển chậm và dị tật bẩm sinh cao hơn so với những đứa trẻ khác. Việc mang thai và sinh đẻ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi, là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đẻ non, trẻ sơ sinh nhẹ cân, dị dạng, dị tật, thậm chí tử vong. Tôi nghĩ, rồi giật mình khi nhớ tới gương mặt thơ ngây của cô bé.

Theo số liệu Trạm Y tế xã Sùng Đô cung cấp, hiện, Trạm đang quản lý 2 trường hợp mang thai dưới 18 tuổi và cô bé vừa khám ở thôn Nà Nọi năm nay 15 tuổi. Từ đầu năm đến nay, có một trường hợp sinh con khi người mẹ mới 17 tuổi. Đó là những trường hợp sinh nở có “gọi” nhân viên y tế của xã, có đến trạm y tế khám thai, còn những trường hợp tự sinh, không khám thai tại trạm thì không thống kê được. Theo số liệu chưa đầy đủ từ lãnh đạo xã, năm 2013, Sùng Đô có 10 cặp tảo hôn và từ đầu năm đến nay cũng đã có 4 cặp.

Anh Lừ cho biết thêm: "Chúng tôi thống kê những cặp tảo hôn là những cặp đã được gia đình tổ chức lễ cưới hoặc ăn hỏi. Còn có những trường hợp mang thai khi chưa đủ tuổi kết hôn nhưng chờ để đẻ con rồi khi đủ tuổi mới tổ chức lễ cưới thì không tính được là tảo hôn. Chúng tôi gọi đó là những cặp đôi "câu giờ", mà cũng không thể có cách nào xử lý được".

Sùng Đô có 349 hộ với hơn 2.200 nhân khẩu phân bố ở 5 thôn bản, 98% dân số là người Mông. Tập tục kết hôn từ khi 14 - 15 tuổi dường như đã ăn sâu bám rễ vào tiềm thức của họ. Cán bộ xã đa phần là người Mông, những tưởng tuyên truyền, vận động sẽ dễ dàng hơn nhưng không.

Bí thư Đảng ủy xã Vàng Vạn Chống chia sẻ: "Nói đủ cả, tuyên truyền đủ cả. Rằng, lấy chồng, lấy vợ sớm sẽ vi phạm pháp luật của Nhà nước. Khuyên họ không cho con lấy chồng trước 18 tuổi thì họ cười và bảo: Thế để nó ế à!". Anh Chống cười, rồi lắc đầu. Cái lý của người Mông như thế nào thì anh Chống, anh Lừ hiểu hơn ai hết. Nhưng làm cách nào đó để thay đổi suy nghĩ của đồng bào mình thì câu trả lời vẫn là... cái lắc đầu. “Chúng tôi chỉ biết tuyên truyền, vận động, còn việc họ nghe hay không cũng khó” - anh Chống nói.

Phó chủ tịch Lừ tiếp vào: “Trong đám ma của người Mông có phần khóc cúng với nội dung: hãy cho con cháu lấy chồng lấy vợ sớm để cháu chắt lớn lên mà không bị mồ côi cha mẹ. Như vậy, chẳng khác nào xúi con cháu tảo hôn” - anh Lừ cười méo xệch.

 

Chị em phụ nữ đưa con đến khám bệnh tại Trạm Y tế Cát Thịnh (Văn Chấn).
 
Thử tìm lời giải...

Vậy ra, cái lý của người Mông là sợ con cháu mồ côi nên kết hôn sớm.  Cũng phải, bởi tuổi thọ của người Mông không cao nên họ sợ con cháu họ mồ côi, không được nhìn thấy cháu, chắt trước khi "nhắm mắt". Cái lý đó lại được cất lên trong giờ phút linh thiêng nhất thì quả thực là rất khó để thay đổi. Họ đã không hiểu rằng, chính việc lấy chồng, lấy vợ sớm là một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng dân số thấp và đương nhiên là tuổi thọ cũng sẽ thấp. Đặc biệt, những người phụ nữ sinh nở khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ là nguyên nhân chính dẫn tới sức khỏe sau sinh không đảm bảo, có thể tử vong trong quá trình sinh nở. Do đó, tuổi thọ cũng thấp.

“Vậy sao chúng ta không tập trung tuyên truyền những người biết khóc cúng đám ma trong thôn, bản khóc cúng rằng hãy để con cháu lấy chồng lấy vợ đủ tuổi để có thể sống lâu với con cháu cho con cháu được hưởng phúc của ông bà cha mẹ. Giờ phút tri ân là rất linh thiêng, sẽ rất hiệu quả đấy!” - tôi đề xuất.

Anh Chống, anh Lừ nghe xong trầm ngâm gật đầu, rồi anh Chống nói: “Đúng vậy những người biết khóc cúng đám ma thì thường là những người có uy tín trong bản nên vận động họ là rất hợp lý”. Đó là cái gốc giải quyết vấn đề "lý" của đồng bào. Tuy vậy, về quản lý thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành của huyện, của xã. Được biết, Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Văn Chấn đã ký kết chương trình phối hợp với Phòng Tư pháp huyện trong tuyên truyền và răn đe.

Theo Phó giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Nguyễn Văn Hiếu, tới đây, cán bộ y tế thôn bản, cán bộ dân số xã sẽ phải sát sao theo dõi, kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền, cán bộ dân số, công an xã, cán bộ tư pháp, các đoàn thể chính quyền cùng xuống hộ gia đình có nguy cơ tảo hôn để tuyên truyền, vận động, răn đe... nhằm hạn chế tối đa tình trạng tảo hôn. Cách làm này đã được nhiều xã trong huyện thực hiện rất có hiệu quả. Trung tâm Dân số, Phòng Tư pháp huyện đã có buổi làm việc trực tiếp với chính quyền xã nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho bài toán tảo hôn ở Sùng Đô.

Bí thư Đảng ủy xã Vàng Vạn Chống cho biết: "Tới đây, xã sẽ đưa vào nghị quyết của Đảng bộ chỉ tiêu cụ thể trong giảm tỷ lệ tảo hôn. Đồng thời sẽ có những quy định cán bộ xã, thôn, bản không được đi dự đám cưới tảo hôn, hướng dẫn các thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước có những điều quy định cấm tảo hôn. Tôi rất hy vọng những điều đó sẽ giảm được tình trạng tảo hôn ở đây". Câu nói tâm huyết ấy của Bí thư Đảng ủy xã đã cho thấy những hy vọng về sự thay đổi tình trạng tảo hôn ở Sùng Đô.

Nguyên nhân thì đã rõ, lời giải cũng đã thấy, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền, đặc biệt là của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của những cán bộ tâm huyết như anh Hiếu, anh Chống, anh Lừ và cũng những cán bộ xã Sùng Đô, hy vọng rồi đây ở Sùng Đô sẽ không còn người tảo hôn, đời sống của người dân sẽ được nâng lên. Và hơn cả tuổi thọ của người Mông ở Sùng Đô sẽ tăng lên rất nhiều, để lời tri ân "mới" thực sự linh nghiệm.

Thanh Ba

Các tin khác
Một chiếc xe máy đang “bay” qua suối.

YBĐT - Từ cuối tháng 3 năm 2014, sợi dây cáp và hai chiếc ròng rọc đã nối hai bờ suối Lao để bà con vận chuyển xe máy và hàng hóa qua lại.

Một đoạn trong gói thầu A6 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang được thi công trên địa bàn huyện Văn Yên.

YBĐT - Gói thầu A6 (từ xã An thịnh đến Châu Quế Thượng) có 39 điểm, gói A5 (từ An Thịnh trở ra) có 22 điểm đề nghị được làm đường gom dân sinh, song hiện tại rất nhiều điểm nhà thầu chỉ san gạt qua loa.

Cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trấn Yên giới thiệu với khách tham quan về Khu di tích lịch sử Nhà ông Trần Đình Khánh.

YBĐT - Chúng tôi đến thăm Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh - Trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh Yên Bái tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Đây là một trong 4 điểm di tích nằm trong Cụm di tích lịch sử Quốc gia Chiến khu Vần được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia ngày 4/9/1995.

Cán bộ điều tra Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Văn Chấn lấy lời khai đối tượng.

YBĐT - Dường như chưa bao giờ những vụ án với các tội danh giết người, cố ý gây thương tích lại xảy ra liên tục và để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng như thời gian gần đây. Cho dù ở địa bàn nào, các vụ án đều mang dáng dấp của sự bất nhân, tàn bạo đến ghê rợn cả về cách hành động và các loại vũ khí sát thương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục