Kỳ I: Chuyện kể mười năm trước…
- Cập nhật: Thứ tư, 25/6/2014 | 2:55:21 PM
YBĐT - Huyền thoại - không phải lúc nào người ta cũng có thể sử dụng danh từ ấy để tôn vinh một sự vật, một hiện tượng, một con người. Nhưng với tôi, con đường gập ghềnh dẫn lên Tà Xi Láng ấy, với những câu chuyện về lịch sử hình thành của nó, với sự giải tỏa niềm ước ao bao đời nay của người Mông sống trên vùng núi cao đầy nắng gió ấy thì đúng là cả một huyền thoại - huyền thoại đúng nghĩa đen từ vựng và đúng cả về tính nhân văn…
Cầu Tà - một trong những ký ức không thể nào quên của những người thi công “đường Tà” huyền thoại về độ cao và sự hiểm trở của nó.
|
Tà Xi Láng - cái tên chỉ mới thoáng nghe cũng đã đủ mang đến cho người ta một cảm giác heo hút, xa vời. Câu chuyện mở đường lên Tà Xi Láng - xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, xa nhất của huyện Trạm Tấu (một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước) mười năm trước cứ như chuyện không tưởng. Ấy thế mà nó đã diễn ra, diễn ra một cách thản nhiên hệt như suy nghĩ bình dị của người Mông: khắc đi, khắc đến… Tôi không có được may mắn chứng kiến cảnh "đại công trường" mở đường lên Tà Xi Láng năm 2004 ấy nhưng chỉ nghe kể lại cũng đủ gai người tiếc nuối, ước gì được có mặt.
Hồi đó, "đại công trường" Tà Xi Láng tập trung đến cả chục nghìn lượt người - đều là tình nguyện, thuộc hầu như tất cả các lực lượng xã hội: tình nguyện viên của lực lượng vũ trang có, khối hành chính sự nghiệp có, khối công nhân lao động có, thậm chí cả nông dân cũng có; đặc biệt hơn cả là sức mạnh của hàng nghìn đoàn viên, thanh niên thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên con đường huyền thoại ngày nào. Với dung lượng có hạn của bài viết này, xin phép được nói riêng về họ - những đoàn viên ưu tú đã từng trở thành những "tay" nổ mìn phá đá tuy không phải "nghiệp" nhưng lại rất "chuyên"; những cánh tay cầm bút, cầm súng bỗng chốc hóa thành ngàn "lưỡi tầm sét" khiến cho núi đá phải nghiêng mình khuất phục.
Câu chuyện xin được bắt đầu từ việc thực hiện chủ trương lớn của tỉnh Yên Bái, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lúc bấy giờ là gấp rút mở mới, nâng cấp mạng lưới giao thông các tuyến liên xã, liên thôn bản cho các vùng đặc biệt khó khăn (hay nói cách khác là những nơi chưa có đường, hoặc có đường nhưng chưa thực sự là đường), ưu tiên hàng đầu cho 2 huyện: Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Chủ trương chỉ đạo rất rõ ràng, trước yêu cầu thực tiễn đưa ra và sự lựa chọn từ thực tế, đường Tà Xi Láng lập tức trở thành công trình "tầm cỡ" cấp tỉnh với sự huy động lực lượng lớn hiếm có: tổng số 8 đơn vị thi công, chiều dài theo thiết kế là 15.240m, ước tính đã có khoảng trên 14 nghìn lượt người tham gia... Trong đó, đoạn do Tỉnh đoàn chỉ đạo và trực tiếp đảm nhận là một trong hai đoạn khó khăn nhất toàn tuyến.
Với địa hình hiểm trở, dốc đá cheo leo, lại phải đào đắp trên 100.000m3 đất đá, đặc biệt đoạn thi công vượt dốc Tà dài 1.200m qua khu rừng nguyên sinh là địa điểm thử thách cao độ tính xung kích, sáng tạo, lòng nhiệt tình, dũng cảm của thanh niên tình nguyện. Riêng đoạn vượt dốc Tà phải thi công tới 8 lát xê có độ dốc 18% cùng những vách ta luy cao 12 - 15m; trên công trường thanh niên tình nguyện từ Km9 đến Km11 này còn phải thi công nhiều công trình thoát nước; ngoài các cống tạm, cống xếp đá là một cầu tạm qua suối Tà phải thi công với yêu cầu đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để thông xe...
Với khoảng cách 13km hành quân bộ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, toàn tuyến đang tổ chức thi công, việc di chuyển, vận chuyển trang thiết bị, máy móc, tư trang, dụng cụ lao động, lương thực, thực phẩm là một sự thử thách quyết liệt, đòi hỏi cao độ sự nỗ lực, quyết tâm và tinh thần chủ động vượt khó của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn và của hàng nghìn đoàn viên, thanh niên tình nguyện.
Theo lời kể của anh Hoàng Hữu Độ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (khi ấy đang là Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái) thì hồi đó, mỗi mét đường đều ghi dấu những kỉ niệm khó quên. Công trường đường Tà Xi Láng với trên 15 nghìn mét đã chứng kiến không biết bao nhiêu kỉ niệm. Vui có, trăn trở cũng có nhưng tựu chung lại và thấm đậm nhất chính là những hình ảnh của các "chiến sỹ tình nguyện" với ý chí quyết tâm cao, hăng say mở đường trong niềm vui phơi phới mà tạm quên đi những thiếu thốn, mệt nhọc.
Đó là hình ảnh những chuyến thăm hỏi, động viên của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, những khích lệ tinh thần làm cho trí tuệ kết tinh, sức mạnh đồng thuận của cả một tập thể lớn được phát huy...
Câu chuyện xúc động nhất mà tôi được nghe kể lại có lẽ phải nhắc tới chuyến thăm công trường của đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Yên Bái (khi đó đang giữ cương vị Bí thư Tỉnh đoàn).
Khi chứng kiến cảnh "đại công trường" ngày đêm hừng hực khí thế thi công, chị Trà ôm lấy các đội viên tình nguyện mà khóc: "Thương các em lắm! Công trường gian khổ, thiếu thốn, mưa, rét, xa nhà... Vậy mà các em vẫn làm nên bao điều kỳ diệu. Thật xúc động và tự hào. Tuổi trẻ Yên Bái của chúng tôi là như thế đấy!". Tôi hiểu, những giọt nước mắt ấy là sự xúc động chân thành xen lẫn với niềm tự hào. Đáng tự hào lắm chứ, khi được chứng kiến hừng hực khí thế của thanh niên trên "đại công trường" thi công đường Tà; và cũng tự hào lắm chứ, khi mỗi bước ta đi núi phải cúi đầu, đá phải nghiêng mình kính nể. "Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" - chân lý ấy muôn đời vẫn vậy, và với những con người làm nên đường Tà năm xưa cũng không hề khác…
Gặp lại đoàn viên Lý A Sang, người xã Đồng Khê (Văn Chấn) sau mười năm tham gia công trường tình nguyện, như vẫn còn nguyên vẹn cảm giác bồi hồi ngày ấy, Sang không giấu nổi cảm xúc: "Quả thực không thể tưởng tượng được vùng rừng núi âm u, hiểm trở ngày ấy lại có thể hình thành nên con đường. Thỉnh thoảng đội tình nguyện của em vẫn lên thăm, đi lại con đường mà ngày xưa chỉ có trong tưởng tượng, nhớ về những kỷ niệm giữa mưa rừng, gió núi cảm thấy thật khó có thể nguôi ngoai nỗi nhớ…".
Sức trẻ mở đường trên công trường đường Tà Xi Láng mười năm trước.
Rồi kỷ niệm về lễ kết nạp đảng viên mới ở công trường. Giữa đại ngàn đầy nắng và gió, lời chúc mừng chỉ là những nụ cười, những cái bắt tay thật chặt và những đóa hoa rừng đơn sơ, mộc mạc của anh chị em, những thanh niên ưu tú đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay tại công trường tình nguyện.
Thật đáng nhớ và đáng trân trọng! Ngay tại công trường, tính đến ngày 8/3/2004, đã có 1.540 thanh niên ưu tú được kết nạp vào Đoàn, 117 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng và 257 đoàn viên ưu tú hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được giới thiệu cho các Đảng bộ, chi bộ tiếp tục theo dõi khi trở về hậu phương.
Cũng chỉ tính đến mùng 8//3/2004, sau 1 tháng 2 ngày, con đường mới đã dần được hình thành, những đoạn đường khó khăn nguy hiểm nhất đã được nổ mìn phá đá an toàn và được khai phá hiệu quả, gần 50% khối lượng công trình đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đã được hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 20 đến 25 ngày. Công trường thanh niên tình nguyện mở đường vào Tà Xi Láng ngày ấy còn luôn được thanh thiếu nhi ở hậu phương toàn tỉnh tiếp sức, quyên góp, ủng hộ hàng chục triệu đồng, 500 cơ số thuốc, trang bị y tế, viết trên 1.000 lá thư để kịp thời động viên các đội viên thanh niên tình nguyện...
Do có sự chuẩn bị tốt về nhân lực, trang thiết bị, dụng cụ lao động và có phương án thi công hợp lý, nên chỉ tính đến trung tuần tháng 3 năm 2004, 1.144 đội viên tình nguyện của các đơn vị đầu tiên được tham gia thi công gồm Văn Chấn, Mù Cang Chải, Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái đã tỏa rạng những chiến công trên công trường. Tôi có thể cảm nhận và hình dung được rất rõ ràng cảnh tượng công trường năm xưa.
Trong màn sương mù dày đặc, trong gió núi rét căm căm, trong những cơn mưa rừng bất chợt, trong không khí oi nồng, ngột ngạt của những hôm trở trời, người ta vẫn nghe thấy những tiếng hát rộn ràng, âm vang; những tiếng xà beng leng keng; những tiếng đào đất, xả đất thình thịch, những tiếng dô tá dô tà; những tiếng hò reo, cười nói vang động cả núi rừng. Và cũng không ít người hồi hộp, thót cả tim khi nhìn thấy trên vách đá cao cheo leo hình ảnh những chàng trai vắt vẻo treo mình cùng những dây bảo hiểm để ốp mìn phá đá... Ta như gặp lại hình ảnh hào hùng của những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Rồi hình ảnh cả công trường vang dậy tiếng hô "Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm" biểu lộ ý chí vượt khó, không ngại gian khổ, bằng mọi nỗ lực, cố gắng thông đường đúng thời hạn…
Tất cả những điều đó khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tuổi trẻ Yên Bái đã thật sự được tỏa sáng trên công trường thanh niên tình nguyện đầy thử thách, cam go ngày ấy. Có thể nói, chính tại công trường này, tuổi trẻ Yên Bái đã xiết chặt tay nhau, thắp sáng mãi ngọn lửa tình nguyện và truyền hơi ấm của nó đến muôn nơi. Bản hùng ca về công trường thanh niên tình nguyện mở đường vào Tà Xi Láng sẽ còn vang vọng mãi.
Thiên Cầm
Xem tiếp kỳ II: Con đường no ấm hôm nay
Các tin khác
YBĐT - Nạn tảo hôn vốn không xa lạ ở vùng cao - nơi người ta cho rằng sự phát triển đỉnh điểm của con người là từ 14 đến 16 tuổi. Xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn - nơi có tỷ lệ tảo hôn 45% (năm 2013) và những bé gái 15, 16 tuổi hát câu ầu ơ còn vụng về, những câu chuyện buồn lại được viết ra, cái đói, cái nghèo mãi đeo đẳng. Hơn cả, những đứa trẻ sinh ra bởi "giống" chưa đủ ngày, đủ tháng luôn đau yếu, còi cọc khiến chất lượng dân số đi xuống.
YBĐT - Từ cuối tháng 3 năm 2014, sợi dây cáp và hai chiếc ròng rọc đã nối hai bờ suối Lao để bà con vận chuyển xe máy và hàng hóa qua lại.
YBĐT - Gói thầu A6 (từ xã An thịnh đến Châu Quế Thượng) có 39 điểm, gói A5 (từ An Thịnh trở ra) có 22 điểm đề nghị được làm đường gom dân sinh, song hiện tại rất nhiều điểm nhà thầu chỉ san gạt qua loa.
YBĐT - Chúng tôi đến thăm Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh - Trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh Yên Bái tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Đây là một trong 4 điểm di tích nằm trong Cụm di tích lịch sử Quốc gia Chiến khu Vần được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia ngày 4/9/1995.