Xét nghiệm y khoa: Con đường muôn lối !
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/6/2014 | 2:57:58 PM
YBĐT - Xét nghiệm y khoa đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết trong chăm sóc sức khỏe của mỗi người dân. Tuy nhiên, xét nghiệm y khoa đòi hỏi sự chính xác rất cao giúp chẩn đoán đúng bệnh và chữa bệnh hiệu quả. Xét nghiệm sai dẫn đến chẩn đoán sai, hậu quả sẽ khôn lường… bởi "con đường muôn lối".
Hiện nay, ở Yên Bái chưa có bệnh viện nào đạt chuẩn IS0 15198 về xét nghiệm.
|
Một số người dân sau khi đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm thường đặt ra những câu hỏi: "Tại sao cùng một xét nghiệm được thực hiện ở những nơi khác nhau lại cho kết quả khác nhau?". Điều này không phổ biến nhưng rất đáng lo ngại. Kết quả xét nghiệm phụ thuộc chủ yếu ở người làm xét nghiệm, ở kỹ thuật, máy móc, hóa chất sử dụng. Có khi kết quả đúng nhưng đánh giá sai! Đôi khi xét nghiệm này không phải là hằng số ổn định cho mỗi bệnh nhân trong từng thời điểm mà nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố sinh lý cũng như bệnh lý (trong đó có chế độ sinh hoạt, ăn, uống, diễn biến bệnh cảnh…)
Xét nghiệm - mỗi nơi một kết quả
Cầm trên tay tờ phiếu xét nghiệm của Bệnh viện Medlatec - Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội, bà Xuân ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết: "Kết quả của phiếu xét nghiệm này khiến tôi rất vui, chứ cách đây hai tuần tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì phiếu xét nghiệm của một cơ sở y tế ở Yên Bái "nói" tôi bị bệnh tiểu đường với chỉ số 9,6 (người bình thường lượng đường trong máu cho phép là 4,5 - 6,4). Tôi quyết định kiểm tra lại tại Bệnh viện Medlatec. Phiếu xét nghiệm lại hoàn toàn khác: lượng đường trong máu là 4,75. Nhà báo thấy có nguy hiểm không, chỉ cái khoản lo lắng thôi đã khiến người ta đổ bệnh…".
Cùng ở thành phố, anh Hoàng, 35 tuổi ở phường Nguyễn Phúc cũng đã suy nhược khi đi xét nghiệm về: "Tôi thấy người tự nhiên giảm đi 5 đến 6 kg, vợ tôi yêu cầu đi xét nghiệm và quyết định đi xét nghiệm tại địa phương. Sau gần 3 tiếng đồng hồ ngồi chờ, khi cầm phiếu xét nghiệm tôi suýt ngã quỵ: tôi bị tiểu đường với chỉ số đường trong máu 15,8, gan to, men gan cao, gan nhiễm mỡ. Bác sỹ còn cho rằng tôi bị tiểu đường type 1 và yêu cầu tôi phải nhập viện điều trị và tiêm thuốc Insulin (tiểu đường type 1 rất nguy hiểm, có trên dưới 10% người bị tiểu đường mắc do cơ thể không thể sản sinh ra Iusulin). Vợ chồng tôi không nhập viện mà xin thuốc điều trị. Hôm sau, tôi quyết định về Hà Nội kiểm tra lại. Tại Bệnh viện Tràng An, Hà Nội, sau khi xét nghiệm, kết quả là tôi vẫn mắc bệnh tiểu đường, song chỉ số 8,8 và hiện tại chỉ số đường trong máu đã giảm xuống còn 7,2. Gan, phổi, tim, mỡ máu hoàn toàn bình thường. Bác sỹ tại đây kết luận, tôi chỉ rối loạn đường hóa trong máu và chẩn đoán lâm sàng thuộc nhóm tiểu đường type 2 chứ không phải type 1…".
Không chỉ trường hợp của bà Xuân, anh Hoàng, qua tìm hiểu của phóng viên còn nhiều trường hợp cũng có những xét nghiệm với những kết quả khác nhau ở các phòng khám tại địa phương cũng như tuyến trung ương. Vấn đề họ đặt ra, tại sao lại có những sai số như vậy khiến không ít người đi xét nghiệm hoang mang, mất lòng tin…
Xét nghiệm - tính chất cận lâm sàng
Khi xã hội càng phát triển, sức khỏe càng được nhiều người chú trọng. Tuy nhiên, sự lạm dụng xét nghiệm y học và lấy những mẫu xét nghiệm đó làm chuẩn hóa xem mình có bị bệnh hay không là vấn đề đáng lo ngại.
Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: "Xét nghiệm chỉ là phương pháp cận lâm sàng để hỗ trợ cho chẩn đoán của bác sỹ. Xét nghiệm y học không thay thế được bác sỹ lâm sàng ở các bệnh viện, các phòng khám cũng như y tế tư nhân. Để có kết quả chính xác, người đến xét nghiệm phải có một quy trình cụ thể, từ lấy máu xét nghiệm đến các chẩn đoán, theo dõi của bác sỹ phụ trách. Đôi khi kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc từ phía người bệnh: do sinh hoạt, ăn uống trước đó và có thể ăn uống trước khi đến xét nghiệm thì các chỉ số lâm sàng cũng không thể đảm bảo tính chính xác cao".
Kết quả xét nghiệm có sự sai lệch giữa các bệnh viện, phòng khám, y tế tư nhân ở địa phương với tuyến trung ương là do chất lượng hệ thống xét nghiệm chưa đồng đều, trang thiết bị, máy móc chưa được kiểm tra thường xuyên. Nhiều nơi người phụ trách phòng xét nghiệm (nhất là ở tuyến huyện trở xuống và cơ sở y tế tư nhân) năng lực, trình độ chuyên môn còn yếu. Cũng vì chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở y tế không đồng đều nên các bệnh viện không tin vào kết quả xét nghiệm của nhau.
Hiện nay, tại Yên Bái có 6 bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có 2 bệnh viện đa khoa và 4 bệnh viện chuyên khoa, ngoài ra còn có các trung tâm y tế hệ dự phòng trực thuộc Sở Y tế cũng tham gia các hoạt động khám chữa bệnh theo chức năng nhiệm vụ quy định, như: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Y tế dự phòng… Tuyến huyện có 9 đơn vị, trong đó có 2 bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Đa khoa khu vực chè Trần Phú mới được tiếp nhận từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và 6 trung tâm y tế (mới sáp nhập trong đó có bệnh viện đa khoa huyện), 19 phòng khám khu vực và 180 trạm y tế xã, phường (trong đó có 16 trạm y tế lồng ghép với phòng khám khu vực).
Ngoài ra, hệ thống y tế ngoài công lập cũng góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, bao gồm: 1 bệnh viện đa khoa, 7 phòng khám đa khoa và trên 100 phòng khám chuyên khoa khác (trong đó có 8 cơ sở được phép triển khai hoạt động xét nghiệm y học).
Làm xét nghiệm y khoa đòi hỏi tính chính xác cao.
Ông Mai Long Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế cho biết: "Hiện tại, trên địa bàn Yên Bái chưa có bệnh viện nào đạt chuẩn ISO 15189 về công tác xét nghiệm mà chỉ có các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp II theo quy định và lộ trình của Bộ Y tế. Chỉ có hệ thống xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt tiêu chuẩn ISO. Hệ thống bệnh viện đang thực hiện theo bộ tiêu chí chất lượng của Bộ Y tế ban hành…".
Không chỉ riêng tại Yên Bái mà ngay cả một số bệnh viện trung ương, phòng khám dịch vụ cũng chưa đạt tiêu chuẩn ISO 15189 về xét nghiệm. Chính vậy, kết quả xét nghiệm của các đơn vị chưa đạt chuẩn đương nhiên sẽ không đảm bảo quy chuẩn nên việc xét nghiệm nơi này nhưng khi đến nơi khác bác sỹ yêu cầu xét nghiệm lại từ đầu là điều dễ hiểu. Một nguyên nhân nữa có thể liên quan đến lợi ích cá nhân, bởi xét nghiệm là lĩnh vực được xã hội hóa nhiều và đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho các bệnh viện. Và tình trạng lạm dụng xét nghiệm đang phổ biến tại khu vực khám, chữa bệnh dịch vụ và cơ sở y tế tư nhân, gây lãng phí tiền của bệnh nhân và gây quá tải bệnh viện.
Giải "bài toán" xét nghiệm
Những năm qua, trang thiết bị và nhân lực phục vụ xét nghiệm y học đã được ngành y tế Yên Bái quan tâm đầu tư. Một số cơ sở tuyến tỉnh được đầu tư các thiết bị hiện đại như: hệ thống elisa, máy CT scaner, siêu âm 3D, 4D, máy miễn dịch huỳnh quang, hệ thống máy xét nghiệm máu tự động và bán tự động… Bên cạnh đó, với Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành y tế đã được UBND tỉnh phê duyệt cùng với chính sách thu hút cán bộ có trình độ cao, chắc chắn hoạt động xét nghiệm y học tại Yên Bái sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, chất lượng khám chữa bệnh sẽ từng bước được nâng lên.
Để hạn chế sai số trong lĩnh vực xét nghiệm ở các bệnh viện, phòng khám và cơ sở y tế tư nhân, tránh lạm dụng xét nghiệm ở các phòng khám, ngành y tế cần tổ chức đào tạo bác sĩ chuyên khoa hoặc hóa sinh, huyết học và truyền máu, vi sinh và ký sinh trùng, chuyên khoa tế bào, giải phẫu bệnh lý…, có lộ trình, tiến tới bắt buộc tất cả các phòng xét nghiệm phải thực hiện kiểm tra chất lượng và bảo đảm chất lượng, tăng cường quản lý và kiểm tra việc cung cấp máy móc, trang bị, hóa chất cho các phòng xét nghiệm… các bác sỹ phải có trách nhiệm giải thích cụ thể quy trình làm xét nghiệm, giải thích rõ những sai số và tư vấn cho bệnh nhân, tránh để người bệnh hoang mang, bức xúc.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Từ lâu, kinh tế trang trại đã khẳng định được vị thế trong phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. So với kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại đã có những bước tiến mạnh và vững chắc hơn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế trang trại còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi sự nỗ lực của chính chủ trang trại cũng như tháo gỡ về mặt chính sách.
YBĐT - Trở lại với “đường Tà” của ngày hôm nay, khi trên 70% chiều dài đã được cứng hóa bằng những lớp bê tông dày, mặt đường đã được “là” phẳng nhẵn, xe máy, ô tô đã có thể lên tới tận trung tâm xã. >> Kỳ I: Chuyện kể mười năm trước…
YBĐT - Huyền thoại - không phải lúc nào người ta cũng có thể sử dụng danh từ ấy để tôn vinh một sự vật, một hiện tượng, một con người. Nhưng với tôi, con đường gập ghềnh dẫn lên Tà Xi Láng ấy, với những câu chuyện về lịch sử hình thành của nó, với sự giải tỏa niềm ước ao bao đời nay của người Mông sống trên vùng núi cao đầy nắng gió ấy thì đúng là cả một huyền thoại - huyền thoại đúng nghĩa đen từ vựng và đúng cả về tính nhân văn…
YBĐT - Nạn tảo hôn vốn không xa lạ ở vùng cao - nơi người ta cho rằng sự phát triển đỉnh điểm của con người là từ 14 đến 16 tuổi. Xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn - nơi có tỷ lệ tảo hôn 45% (năm 2013) và những bé gái 15, 16 tuổi hát câu ầu ơ còn vụng về, những câu chuyện buồn lại được viết ra, cái đói, cái nghèo mãi đeo đẳng. Hơn cả, những đứa trẻ sinh ra bởi "giống" chưa đủ ngày, đủ tháng luôn đau yếu, còi cọc khiến chất lượng dân số đi xuống.