Sau mùa gặt

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/7/2014 | 2:57:40 PM

YBĐT - Trong vùng Mường Lò, xã Thanh Lương được coi là "rốn" nghèo, mùa gặt sau nối tiếp mùa gặt trước, đã có những cánh đồng vui, nông dân khối người hớn hở nhưng hạt thóc mùa gặt vẫn trĩu nặng suy tư...

Tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa là giải pháp để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa là giải pháp để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Cho dù đã có những đổi thay căn bản trong đời sống kinh tế - xã hội nhưng một thực tế là khoảng nửa số nông dân vùng cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn) vẫn đang nghèo khó, thậm chí một bộ phận nông dân thiếu ăn từ một đến hai tháng trong năm. Trong vùng Mường Lò, xã Thanh Lương được coi là "rốn" nghèo, mùa gặt sau nối tiếp mùa gặt trước, đã có những cánh đồng vui, nông dân khối người hớn hở nhưng hạt thóc mùa gặt vẫn trĩu nặng suy tư...

Séng Cù... “cù” nông dân

Câu chuyện về “anh” Séng Cù trên sàn nhà chị Đinh Thị Liên, dân tộc Mường, ở Bản Lý rôm rả hết cỡ. Chị Liên cứ nói một lát rồi lại cười giòn. Vụ đông xuân trước, gia đình không cấy Séng Cù, toàn Chiêm Hương và DS1, sắp được ăn thì mưa bão, lúa đổ hàng loạt, mất mùa lớn, vợ chồng nhìn nhau “méo xệch” miệng.

Vụ xuân vừa rồi, chồng vợ bàn nhau cấy 1.050m2 giống Séng Cù, thu về 800kg, bán ngay đầu vụ giá 12.000 đồng/kg, bỏ túi 9,6 triệu đồng. Thóc “thật” ra tiền tươi rói, một ki-lô-gam này bán gấp hơn hai lần loại kia. Vì thế, tiếp chúng tôi, chị cứ một chuyện, một cười là vậy. Chị Liên nói một lèo:
- Làm giống này, chẳng thấy khác nhiều, chỉ cái là muốn ăn thì phải cấy sớm hơn khung thời vụ huyện chỉ đạo. Đầu năm, 13 tháng Chạp bọn em đã cấy rồi, trong khi đúng lịch phải ra tết mới cắm mạ ruộng. Không làm sớm thì lúc lúa trỗ “chết” với gió nóng, gió Lào, chẳng được bao nhiêu!

Nhà chị Liên có 4 khẩu, 4.000m2 ruộng, thuộc diện xông xênh về ruộng ở Thanh Lương. Trừ 1.050m2 ruộng cấy Séng Cù, diện tích còn lại chị tiếp tục cấy Chiêm Hương, DS1 và nếp ta gọi là nhà dùng. Tổng thu cả vụ trên 2,8 tấn thóc, bán thóc thu tiền khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí các loại. Chúng tôi gợi chuyện:

- Hiệu quả, giá trị cao như vậy, bà con sao không làm tất Séng Cù đi?

- Ối, sao làm tất được! Chúng em chỉ cấy một phần ruộng thôi, còn phải để cấy các giống khác lấy ăn chứ...

- Lấy ăn là thế nào?

- Séng Cù chỉ sợ mất khi gió nóng, gió Lào lúc trỗ bông. Chúng em đã tổng kết thành kinh nghiệm, nói thẳng ra là toàn làm ngoài khung chỉ đạo mùa vụ của Phòng Nông nghiệp đưa ra. Không gió nóng thì nhỡ mưa bão đúng khi lúa trỗ thì em mất tất. Phải dự phòng, không trông vào một Séng Cù được.

Thanh Lương có 765 hộ, 3.048 khẩu, hộ chị Liên là một trong số 40 hộ có ruộng cấy ở mức 4.000m2, tức là gấp gần 7 lần mức ruộng bình quân/hộ của xã còn “ăn chắc” thế đã phần nào lý giải vì sao diện tích ruộng cấy thứ lúa ngon miệng, “ngon” tiền này của cả xã mới ở mức 50 - 60ha/năm trong tổng số trên 168ha.

Chủ tịch UBND xã Trịnh Xuân Thành nói: “Chúng tôi đã đưa các giống lúa thuần vào gieo cấy đạt 85% diện tích, tư tưởng “ăn chắc” của bà con là một phần anh ạ, còn có lý do giống lúa này mẫn cảm với thời tiết nên chỉ làm đến 50 - 60ha/năm, phần lớn diện tích là vụ đông xuân. Còn lại, bà con cấy Chiêm Hương, HT1, DS1, nếp TK90... và đã có tới 70% diện tích thâm canh theo phương pháp cải tiến SRI”.

Con số chính thức: 50ha Séng Cù vụ đông xuân vừa rồi, Khá Thượng 1, Khá Thượng 2, Đồng Lơi, Bản Lý, Bản Khinh của Thanh Lương năng suất đạt bình quân khoảng 5 tấn/ha, diện tích cao nhất là 6 tấn/ha. Vụ mùa này, diện tích khoảng 15 - 20ha, dự kiến năng suất cả năm gần 12 tấn/ha. Vụ xuân, giá trị và hiệu quả của Séng Cù đã... "cù" cho nông dân cười lớn. Nhưng có thể tăng diện tích giống lúa này lên hay không? Một phần khó khăn do tư tưởng, nhận thức của nông dân, tác động của thời tiết, cần có sự tính toán khoa học, chặt chẽ và giải quyết một cách căn cơ về tư liệu sản xuất chứ không thể dùng ý chí mà quyết tâm được.

Thanh Lương cũng vậy, Mường Lò này cũng vậy.

"Lấy vợ chớ lấy gái xã ngoài"

Câu này chẳng liên quan gì đến chuyện “cấm vận” dưới danh nghĩa “bảo vệ gái làng” vốn là đầu đuôi của những xích mích dẫn đến ẩu đả khi trai làng này sang tán gái làng khác ở những làng quê đồng bằng Bắc Bộ mà liên quan đến tư liệu sản xuất của nông dân.

Ông Phùng Đức Chiêm kéo ghế mời chúng tôi ngồi trong căn nhà nền đất tuềnh toàng của vợ chồng anh con trai tên Phùng Văn Hải. Anh này lấy vợ, tách hộ, 4 khẩu với gia tài là 800m2 ruộng bố mẹ cho.

- Khổ lắm các anh ạ, chúng tôi có 1.300m2, các cháu lấy nhau, sinh con đẻ cái, chia ra con 800m2, bố mẹ 500m2. Trông vào đấy mà học hành, bệnh tật, cưới xin, ma chay, giỗ chạp, mừng nhà mới - vợ ông Chiêm cầm chiếc địu vải ông vừa tháo trên người ra rồi thắt địu đứa cháu nhênh nhênh trên lưng mà nói ra như vậy.

Thanh Lương là xã thuần nông, không đồi rừng, nông dân ở đây rặt trông vào ruộng, vào lúa.

- Bình quân ruộng trên đầu người hiện nay là bao nhiêu?

- Cũng chỉ dăm bảy trăm mét vuông anh ạ! - ông Chiêm đáp.

- Chính xác là 520m2/người - anh Đoàn - Phó chủ tịch UBND xã nói.

Dân số sinh đẻ ở xã đã bớt tăng nhưng trai lấy vợ lại thêm khẩu về. Người tăng, đất ruộng không tăng, khuyên nhau “lấy vợ thì chớ lấy gái xã ngoài" ý cũng từ chuyện ruộng mà ra. Lấy gái làng bên, cùng xã thì không mất ruộng, lấy gái xã ngoài thì thêm người mà ruộng chẳng thêm. Thành ra, tình trạng thiếu ruộng làm ăn ngày càng gay gắt. Toàn xã có trên 760 hộ, cứ một hộ thì có một hộ thiếu ruộng. Hầu hết những hộ mới tách rơi vào diện này, số đông những gia đình 4 khẩu chỉ có 500 - 600m2 ruộng trong khi quy định của Nhà nước bình quân một hộ phải bảo đảm 1.500m2.

Chuyện ruộng đất hôm nay gợi chuyện đã qua. Như nhà ông Chiêm đây, trước kia, gia đình có tới 5.000m2 ruộng, phải giờ có thế thì no suốt năm đâu phải thiếu từ hai đến ba tháng. Một thời, nông dân phụ thuộc vào hợp tác xã về cung ứng giống, phân, thuốc trừ sâu... Vụ được, vụ mất, gia đình ông nợ tiền hợp tác xã chất đống, xã thu ruộng giao cho hộ khác. 5.000m2 chỉ còn lại 1.000m2, sau vỡ thêm 300m2 ở ven suối thành 1.300m2, chia cho con trai 800m2, ông bà còn 500m2. Ruộng ít, làm hai vụ chưa đủ lấm hết hai tay, làm sao cho no, cho hết nghèo được. 

- Năm 1992, Nhà nước đã chia lại ruộng đất, có chia lại nữa không các anh? - ông Chiêm hỏi.

Vấn đề ở đây không phải là chia lại hay không chia lại mà cách tháo gỡ như thế nào. Thanh Lương là xã thuần nông, chỉ trông vào hai vụ lúa, một vụ ngô. Đưa các giống lúa thuần chất lượng cao vào gieo cấy đã tăng thu nhập cho nông dân gấp 1,7 lần trên một đơn vị diện tích canh tác, trồng ngô và chăn nuôi túc tắc nông dân cũng đã bớt khó hơn. Nhưng chăn nuôi thì cũng không có đất, không có đồi rừng.

Sự chuyển dịch về giống trên đất lúa Thanh Lương có cao hơn nữa thì một bộ phận nông dân vẫn cứ khó thoát nghèo. Nói không xa, ngay Khá Thượng, Bản Lý, Bản Lào, Đồng Lơi, không ít nông dân chỉ đôi ba lần nổi lửa nấu cơm mới, thóc gặt về rồi lại bán đi trả nợ và chi phí gia đình suốt từ sau tết Nguyên đán tới nay.

Không chỉ là đất sản xuất

Tỷ lệ hộ nghèo của Thanh Lương hiện nay là 42,8% và bên cạnh là 3,8% hộ cận nghèo đang “dự phòng”. Chỉ một vụ thiên tai, mất mùa, hộ cận nghèo tăng lên ngay, biến con số 42,8% kia thành bé nhỏ như chơi.

Tháo gỡ khó khăn, Đảng ủy, UBND xã đã vận động hộ có nhiều ruộng nhưng ít khẩu chia sẻ ruộng cho các hộ nhiều khẩu ít ruộng. Năm 2012, 6 hộ tự chia sẻ 6.192m2 ruộng cho hộ khó khăn. Năm 2013, có thêm 11 hộ chia sẻ 6.880m2 ruộng nữa. Xã cũng vận động các hộ có ngành nghề đi lao động ở xa cho các hộ khác mượn hoặc thuê lại ruộng với giá thấp từ 650.000 - 700.000 đồng/1.000m2. Tới nay, đã có 12 hộ diện này cho thuê lại với diện tích 8.520m2. Đây là một nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” tình trạng thiếu đất sản xuất đã và đang diễn ra gay gắt. Tuy nhiên, đó chỉ là trước mắt, cho dù việc tính toán cho thuê lại ruộng giữa các hộ có thể coi là bước đầu tích tụ ruộng đất để đưa cơ giới hóa vào sản xuất (toàn xã hiện có 85 máy bừa, cày; 01 máy gặt đập liên hợp).

Tìm hiểu tình hình ở nông thôn Thanh Lương, chúng tôi thấy sự "ứ đọng" và ngày càng "phình ra" của số lao động nông nghiệp nếu chỉ trông vào giải pháp tháo gỡ về đất ruộng chưa đủ và rất khó thực hiện. Vấn đề đặt ra ở đây là chuyển lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp như thế nào? Xã đã mở các lớp đào tạo nghề, thành lập các tổ trồng nấm, đan thảm hạt, tổ xây dựng hỗ trợ làm nhà, thêu thổ cẩm... nhưng quá trình chuyển đổi vẫn diễn ra chậm.

Vướng mắc có thực ở đây là nhận thức, tư tưởng của số đông nông dân. Bám ruộng, làm thuê lúc nông nhàn vẫn là hướng chọn của số đông bà con. Thanh Lương hiện nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đang học lên trung học phổ thông, bổ túc, dạy nghề khoảng 65%, Toàn xã có 36 cháu đang học cao đẳng, đại học. Con số đó là một kỳ tích so với trước nhưng đòi hỏi phải cao hơn nữa, phát triển giáo dục, nâng cao học vấn cho người dân là giải pháp hàng đầu - tuy có mất thời gian để thay đổi nhận thức cho người dân. Nông thôn sẽ không còn nếu không có nông dân, do vậy thoát ly nông nghiệp nhưng không khuyến khích nông dân rời nông thôn.

Thanh Lương nói riêng và vùng Mường Lò nói chung đang rất cần có sự đầu tư, hỗ trợ hơn nữa về đào tạo nghề cho nông dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở đây đã đạt 41,8%, trong đó 22,7% có chứng chỉ nghề. Qua đào tạo, có chứng chỉ nghề nhưng thực tế, nông dân vẫn bám ruộng và làm thuê tự do. Mấu chốt của Thanh Lương, Mường Lò là đang thiếu hẳn sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Giá bán gạo Séng Cù của gia đình chị Liên là 12.000 đồng/kg nhưng chỉ gặp đâu bán đó. Thóc lúa làm ra của nông dân vẫn chưa được một nhà đầu tư lúa gạo, chế biến công nghiệp nào bao tiêu. Doanh nghiệp vào nông thôn, những vướng mắc về đất đai, lao động và cả những lo ngại con trai xã mình đi lấy con gái xã khác và mọi chuyện vân vân sẽ được giải quyết căn bản.

Thanh Lương, chỉ là một góc của Mường Lò, bao gồm cả Văn Chấn, Nghĩa Lộ nhưng những chuyện ở Thanh Lương mang cả bóng hình và trăn trở của Mường Lò, Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Trách nhiệm đang đặt lên vai cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương. Một chính sách đặc thù với cơ chế đặc thù cho vùng lúa trọng điểm của Yên Bái và vùng Tây Bắc đất nước lúc này rất cần thiết.

Tuấn Anh

Các tin khác
Hiện nay, ở Yên Bái chưa có bệnh viện nào đạt chuẩn IS0 15198 về xét nghiệm.

YBĐT - Xét nghiệm y khoa đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết trong chăm sóc sức khỏe của mỗi người dân. Tuy nhiên, xét nghiệm y khoa đòi hỏi sự chính xác rất cao giúp chẩn đoán đúng bệnh và chữa bệnh hiệu quả. Xét nghiệm sai dẫn đến chẩn đoán sai, hậu quả sẽ khôn lường… bởi "con đường muôn lối".

Rừng trồng trên đảo hồ Thác Bà.

YBĐT - Từ lâu, kinh tế trang trại đã khẳng định được vị thế trong phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. So với kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại đã có những bước tiến mạnh và vững chắc hơn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế trang trại còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi sự nỗ lực của chính chủ trang trại cũng như tháo gỡ về mặt chính sách.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư  Thành ủy Yên Bái cùng các chỉ huy công trường năm xưa thăm lại con đường Tà Xi Láng huyền thoại.

YBĐT - Trở lại với “đường Tà” của ngày hôm nay, khi trên 70% chiều dài đã được cứng hóa bằng những lớp bê tông dày, mặt đường đã được “là” phẳng nhẵn, xe máy, ô tô đã có thể lên tới tận trung tâm xã. >> Kỳ I: Chuyện kể mười năm trước…

Cầu Tà - một trong những ký ức không thể nào quên của những người thi công “đường Tà” huyền thoại về độ cao và sự hiểm trở của nó.

YBĐT - Huyền thoại - không phải lúc nào người ta cũng có thể sử dụng danh từ ấy để tôn vinh một sự vật, một hiện tượng, một con người. Nhưng với tôi, con đường gập ghềnh dẫn lên Tà Xi Láng ấy, với những câu chuyện về lịch sử hình thành của nó, với sự giải tỏa niềm ước ao bao đời nay của người Mông sống trên vùng núi cao đầy nắng gió ấy thì đúng là cả một huyền thoại - huyền thoại đúng nghĩa đen từ vựng và đúng cả về tính nhân văn…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục