Công ty cổ phần chè Minh Thịnh: Lao đao sau 10 năm cổ phần hóa

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/7/2014 | 9:08:19 AM

YBĐT - Sau 10 năm cổ phần hóa, từ một doanh nghiệp hàng đầu trong “làng” chè thì nay Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh đang lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân không có việc làm vùng chè nguyên liệu đã gần hết, nhà xưởng, máy móc không được đầu tư, duy tu, bảo dưỡng dẫn đến xuống cấp, hoang tàn.

Một phần diệnt tích xưởng chế biến bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Một phần diệnt tích xưởng chế biến bị bỏ hoang từ nhiều năm nay.

Ngày 20/4/2014, Báo Yên Bái tiếp nhận đơn thư của ông Vũ Công Bằng (có địa chỉ tại Công ty cổ phần Chè Trần Phú, Yên Bái) phản ánh việc Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh làm ăn thua lỗ gây thất thoát vốn vay của Nhà nước và Ngân hàng hiện không thể thu hồi được vốn. Ngày 20/6/2014, Báo Yên Bái đã tiếp nhận đơn thư (lần 2) của ông Bằng phản ánh tiếp một số nội dung liên quan. Phóng viên Báo Yên Bái đã đi tìm hiểu một số vấn đề xung quanh sự việc trên.

Nỗi thất vọng, sự chán nản đang bao trùm từ Hội đồng quản trị đến cổ đông, công nhân Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh (sau đây gọi tắt là Chè Minh Thịnh). Từ 4 xưởng chế biến nằm rải rác ở các vùng nguyên liệu, nay chỉ còn duy nhất một xưởng tại phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) còn hoạt động cầm chừng. Nhà xưởng xuống cấp, dột nát, một dây chuyền sản xuất lạc hậu với 8 công nhân làm việc phập phù. Từ một cánh chim đầu đàn của “làng” chè Yên Bái, sau 10 năm cổ phần hóa, Chè Minh Thịnh chỉ còn lại cảnh tiêu điều!

Tháng 7, cái nóng như đổ lửa được nhân lên nhiều lần khi tràn qua mái tôn lụp xụp, rách nát, hòa với cái nóng hừng hực của lò sấy chè hất lên những người công nhân vì cuộc sống nên phải bám trụ lại với Chè Minh Thịnh. Thi thoảng có người không chịu được áp lực đứng lò ra ngoài nôn khan. Tất cả họ có một điểm chung là hoàn cảnh khó khăn, không thể tìm được việc khác. Và quan trọng hơn, họ đã đóng bảo hiểm xã hội trên 15 năm nay, rời bỏ sẽ mất tất cả.

Chị Đặng Mai Hiển có lẽ là công nhân chăm chỉ, cần cù nhất của Công ty nhưng cũng là người nghèo khổ, vất vả nhất. Là hộ nghèo của thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo, chồng bị bệnh thần kinh nhiều năm nay, gánh nặng gia đình cùng 2 đứa con đang ăn học dồn lên đôi vai nhỏ bé của chị và trông vào đồng lương ít ỏi của Công ty. Thế nhưng, đã 6 tháng nay chị chưa biết đến đồng lương. Vào vụ chè, ngày nào cũng vậy, chưa bao giờ chị về nhà trước 8 giờ tối nhưng nửa đêm thì đã phải dậy soi đèn bòn mót từng búp chè già để sáng sớm bán kịp trước giờ làm có thêm tiền đong gạo. Sinh hoạt của gia đình hoàn toàn nhờ vay mượn và thêm vào tiền trợ cấp ít ỏi của người chồng.

Khuôn mặt bần thần, đôi mắt nhìn vô định chị nói: "Tôi thực sự chán nản, nhiều người không kham nổi đã bỏ đi nhưng mọi người khuyên tôi đã đóng bảo hiểm được 17 năm rồi, cố thêm 3 năm nữa để còn có lương hưu. Công việc hiện tại quá nặng nhọc mà mấy tháng nay tôi chưa nhìn thấy đồng lương".

Hiện tại, Công ty Chè Minh Thịnh vẫn còn gần 60 công nhân nhưng hầu hết nghỉ tự túc đóng bảo hiểm, chỉ còn 8 công nhân làm việc tại xưởng chè Nguyễn Phúc. Để duy trì hoạt động của xưởng, Công ty phải tìm mọi cách giữ chân công nhân. Nhiều hôm dù hết ca nhưng chị Hiển vẫn phải đi làm vì không còn công nhân. Sản xuất bị thu hẹp, nhà xưởng xuống cấp, hoang tàn, nỗi thất vọng cùng sự lo lắng cho tương lai đang bao trùm lên số ít công nhân vì những lý do nhất định phải trụ lại Công ty.

Chè Minh Thịnh được cổ phần hóa năm 2004 và được Nhà nước cho thuê 400 ha đất trồng chè cùng một số diện tích đất nông nghiệp, phi nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm khác. Tuy nhiên, ngay trong những năm đầu tiên cổ phần hóa, doanh nghiệp liên tiếp làm ăn thua lỗ, nợ đọng thuế, các khoản nợ ngân sách trước đó không thể thanh toán. Tài sản từ nhà xưởng, máy móc bán dần theo năm tháng để trả lương công nhân và duy trì hoạt động. Đến nay, gần như toàn bộ tài sản trên đất đã cầm cố ngân hàng hoặc bán cho các đơn vị, cá nhân khác.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, khi cổ phần hóa, chè Minh Thịnh thực hiện giao khoán đồi chè cho các đội sản xuất và trực tiếp là công nhân Công ty. Các đội sản xuất sẽ chủ động tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm cho các nhà máy. Tuy nhiên, do không có sự đầu tư của nhà máy, các vùng nguyên liệu sa sút nhanh chóng, năng suất, sản lượng thấp, chè già cỗi không được đầu tư cải tạo. Những năm sau cổ phần hóa, Công ty thực hiện thanh lý đồi chè cho công nhân, người dân địa phương. Đến nay, ngoài diện tích tỉnh đã thu hồi hầu như doanh nghiệp đã không còn vùng nguyên liệu cộng với thiếu vốn, cạnh tranh nguyên liệu gay gắt dẫn đến sự trì trệ, thua lỗ triền miên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, Công ty chỉ còn lại một dây chuyền sản xuất chè xanh, công suất 5-6 tấn chè búp tươi/ngày.

Trở lại vấn đề thanh lý tài sản trên đất chè của Công ty này, hiện nay, hầu hết các diện tích này đều chuyển mục đích sử dụng và sử dụng sai mục đích. Đáng chú ý, gần 40 ha chè thuộc thôn Bảo Yên và thôn Bảo Thịnh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái, từ giao khoán đồi chè cho công nhân, năm 2008, doanh nghiệp đã đã bán đứt cho người dân. Dư luận đang đặt câu hỏi không biết Công ty bán diện tích chè này có đúng luật? Toàn bộ số tiền này đi đâu, về đâu? Không chỉ có vậy mà diện tích này đến nay hầu như bỏ hoang, hoặc được người dân phá đi trồng rừng nguyên liệu từ nhiều năm nay.

Ngoài ra, còn 96,9ha tại xã Báo Đáp (Trấn Yên), đơn vị cũng tiếp tục bán cho Công ty cổ phần chè Tân Thành vào năm 2008. Sau khi tiếp nhận diện tích trên, Công ty cổ phần chè Tân Thành tiến hành thu hồi và tổ chức lại sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp này liên tiếp làm ăn thua lỗ và đem thế chấp toàn bộ số tài sản trên để vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái. Mặc dù đã thế chấp toàn bộ số tài sản trên đất để vay vốn, nhưng Công ty chè Tân Thành vẫn bán tài sản trên đất và số năm sử dụng đất còn lại cho người dân địa phương. Việc làm này đặc biệt gây khó khăn cho địa phương trong quản lý đất đai. Bởi do làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái đã phát mại và làm các thủ tục đấu giá toàn bộ số diện tích trên.

 

Diện tích chè của Công ty tại xã Minh Bảo phần lớn đã bán cho người dân.

Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết: “Tháng 12/2012, khi UBND huyện Trấn Yên tiến hành giải phóng mặt bằng tuyến đường Yên Bái - Khe Sang, đáng lẽ các hộ dân đã mua lại toàn bộ tài sản trên của Công ty chè Tân Thành phải được quyền nhận khoản đền bù này. Tuy nhiên, do trước khi bán cho dân, Công ty chè Tân Thành đã thế chấp tài sản cho ngân hàng để vay vốn nên toàn bộ khoản đền bù đã bị ngân hàng thu nợ”.

Theo số liệu của Chi cục Thuế thành phố Yên Bái, lũy kế đến hết tháng 5/2014, nợ thuế của Chè Minh Thịnh còn trên 100 triệu đồng. Hiện tại, đơn vị vẫn sản xuất cầm cự và để cho gần 60 công nhân chủ yếu là những người sắp nghỉ hưu đóng bảo hiểm. Trong khi đó, lao động thường xuyên chỉ có 8 công nhân và kèm theo bộ máy gồm 2 kế toán, 1 văn phòng, 1 trưởng phòng tổ chức, giám đốc và chủ tịch Hội đồng quản trị. Khó khăn chồng chất khó khăn khi ngày 12/6/2014, với lý do phần lớn diện tích nhà kho và xưởng sản xuất đều bỏ trống, không sử dụng, sử dụng đất không hiệu quả, Sở Tài nguyên & Môi trường có Tờ trình UBND tỉnh Yên Bái dề nghị thu hồi đất phi nông nghiệp do Chè Minh Thịnh đang quản lý, sử dụng tại tổ 21, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Quản lý theo quy hoạch, với diện tích thu hồi 11,1 ha.

Sau 10 năm cổ phần hóa, từ một doanh nghiệp hàng đầu trong “làng” chè thì nay Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh đang lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân không có việc làm vùng chè nguyên liệu đã gần hết, nhà xưởng, máy móc không được đầu tư, duy tu, bảo dưỡng dẫn đến xuống cấp, hoang tàn. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra công tác tài chính, tài sản và có những giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn cũng như xử lý nghiêm theo luật định.

Nhóm PVKT

Các tin khác
Một nương chè ở thôn Trực Khang còn khá tốt nhưng đã cấy xen quế.

YBĐT - Tháng Sáu Âm lịch, mưa xuống rồi nắng lên, đây là thời điểm chè rộ búp. Ông Nguyễn Văn Ân nhìn qua khung cửa, hướng mắt về phía khu đồi Yên Định - nơi mà xưa kia là vùng chè tốt tươi, giờ kín đặc quế, keo, bồ đề, chép miệng rồi buông một câu: “Tiếc, tiếc thật! Nhưng thôi, cây chè đã kết thúc sứ mệnh lịch sử ở xã Hưng Thịnh này rồi”!

Người dân rất chủ quan khi vẫn thường xuyên chở quá số người quy định trên thuyền

YBĐT - Gắn liền với cuộc sống sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng ven hồ, hình ảnh những chiếc thuyền nan ngày đêm lênh đênh trên mặt nước đã trở nên rất đỗi quen thuộc với cư dân vùng sông nước. Thế nhưng, ít ai biết rằng ẩn chứa trên những chiếc thuyền nan tròng trành ấy là sự bất an, mất an toàn và cả những hiểm họa khôn lường.

Hủ tục trong hôn nhân là nguyên nhân suy giảm chất lượng dân số ở vùng cao.

YBĐT - Khảo sát tại 15 xã của tỉnh Yên Bái tham gia mô hình trong 3 năm qua cho thấy, trong tổng số 1.550 cặp kết hôn vẫn còn có tới gần 700 trường hợp không đăng ký kết hôn, có trên 360 trường hợp tảo hôn, kéo theo gần 1.000 trẻ em sinh ra không có đăng ký khai sinh...

Ông Hoàng Ngọc Trung - dân tộc Tày, xã Cẩm Ân (Yên Bình) kiểm tra sự phát triển của cây lá khôi, một loại thảo dược quý.

YBĐT - Chúng ta đã có một tiềm năng về cây thuốc bản địa (CTBĐ) rất lớn và quý giá nhưng "kho báu" này đang thực sự bị lãng quên... >> Kỳ I: Tiềm năng cây thuốc và tri thức y học bản địa

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục