Bồi đắp “ngọn cờ” thôn, bản văn hóa
- Cập nhật: Thứ năm, 2/10/2014 | 9:08:27 AM
YBĐT - Có người cho rằng, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn, dân trí thấp, giao lưu với bên ngoài hạn chế thì việc xây dựng thôn, bản văn hóa (TBVH) ở vùng người Mông sẽ rất khó thành công. Nhưng thực tế thì ngược lại. Các xã mạnh ở Mù Cang Chải như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình hay xã Trạm Tấu, Xà Hồ, Bản Công ở huyện Trạm Tấu đều là những địa phương đi đầu trong xây dựng TBVH. Thành công này là do những nội dung xây dựng thôn TBVH cũng chính là nguyện vọng của nhân dân.
Cư trú trên núi cao nhưng đồng bào Mông ở khá tập trung thành từng chòm dân cư rất thuận lợi trong xây dựng thôn, bản văn hóa.
|
Bà Lê Thị Thu Hà - Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: “Trước đây, bà con người Mông thường nhà nào biết nhà đấy. Vì thế, để tạo nên điểm chung gắn kết bà con trong xây dựng cộng đồng cũng rất khó. Đời sống của nhân dân cũng vì những bất cập này mà khó bứt phá đi lên. Tuy vậy, nhiều năm qua, những nỗ lực đưa chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước đến người dân vùng cao đã mang lại sự thay đổi rất rõ nét. Do đó, nhân dân ngày càng tin tưởng sự lãnh đạo của cấp trên và chính yếu tố này khiến cho việc triển khai xây dựng TBVH ở vùng đồng bào Mông có nhiều thuận lợi”.
Thuận lợi trước tiên là công tác tuyên truyền, vận động đã tập trung được nhiều biện pháp thiết thực giúp bà con người Mông từ chỗ bỡ ngỡ không biết xây dựng TBVH là thế nào, để làm gì đến chỗ đã hiểu ra nó chính là những việc làm để xóa đi nhiều trở ngại mà bà con đang rất muốn thực hiện như xây dựng TBVH để mọi nhà không thả rông gia súc phá hoại hoa màu; là để không tảo hôn, thách cưới, đẻ nhiều con; là cho con cái học hành đầy đủ, chu đáo; cùng nhau thi đua làm ăn, làm đường, giúp đỡ người nghèo, ăn ở vệ sinh và giữ gìn an ninh thôn xóm… Khi bà con đã hiểu thì cấp ủy, chính quyền cơ sở lựa chọn những nơi thuận lợi để làm mô hình điểm. Nơi ấy làm tốt rồi thì nơi khác cũng muốn làm theo. Vấn đề mấu chốt nhất để tập hợp được bà con cùng thực hiện là thôn, bản đăng ký xây dựng TBVH đều phải xây dựng được quy ước, hương ước. Hương ước, quy ước được đem ra bàn bạc với dân và khi dân đã đồng ý thì cùng nhau ký kết thực hiện.
Ông Giàng A Hành - Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu, ông Hờ A Su - Phó bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu) và ông Lý Chồng Di - Phó bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải)… đều chung nhận định: Ưu điểm trong ý thức của bà con người Mông là khi đã hiểu và quyết tâm làm việc gì sẽ làm đến nơi đến chốn. Nếu là công việc chung mà ai đó không làm nghiêm túc thì bà con trong bản sẽ phê bình thẳng thắn. Vì thế, điểm nổi bật từ khi triển khai phong trào xây dựng TBVH là ý thức vươn lên của bà con trong phát triển kinh tế. Những xã như Trạm Tấu, Xà Hồ, Bản Công ở huyện Trạm Tấu hay Dế Xu Phình, La Pán Tẩn ở Mù Cang Chải những năm qua luôn được ví như những mảnh đất tốt để thực hiện các mô hình điểm về phát triển kinh tế của huyện giúp nhân dân học tập, nhân ra diện rộng.
Những xã này đều làm rất thành công các mô hình và trở thành địa phương hoàn thành việc xóa đói. Nếp nghĩ làm mô hình điểm là làm cho Nhà nước đã không còn và thay vào đó là sự hào hứng được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật từ những mô hình mới. Nhiều hộ nhờ đó từ nghèo trở nên khấm khá như hộ ông Sùng A Chung ở thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu đã sáng tạo trong ủ rơm, cỏ làm thức ăn nuôi trâu, bò và thu nhập cao nhờ chăn nuôi; ông Thào A Giao, Thào A Chểnh ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ; ông Hờ Cháy Sao ở thôn Tà Cao, xã Phình Hồ… khá lên từ trồng ngô giống mới và tăng vụ.
Đời sống đi lên, con em được cha mẹ quan tâm học hành chu đáo. Bà Lương Thị Xuyến - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải phấn khởi cho biết: “Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp ở bậc tiểu học của huyện đạt trên 99%. Sau khi học xong tiểu học thì mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú lại là điều kiện rất thuận lợi để thu hút các em học tiếp. Nhà nhà đủ ăn, điều kiện canh tác thay đổi giảm đi nỗi nhọc nhằn, tình trạng học sinh phải nghỉ học giúp đỡ cha mẹ lúc mùa vụ như trước đây đã chấm dứt khiến tỷ lệ chuyên cần, chất lượng giáo dục được cải thiện đáng kể. Ở huyện Mù Cang Chải cũng như Trạm Tấu đã có rất nhiều hộ dân hiến đất để xây dựng trường học”.
Cán bộ cùng bà con người Mông xã Bản Mù (Trạm Tấu) bên nương ngô đồi trồng thí điểm thay thế lúa nương.
Thành công quan trọng nữa còn phải kể đến những nỗ lực trong đẩy lùi hủ tục. Điển hình nhất trong mấy năm gần đây là Mù Cang Chải, Trạm Tấu đã rất thành công trong vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán. Riêng huyện Trạm Tấu còn xóa được hủ tục tưởng như không thể, đó là vận động bà con đưa người chết vào quan tài rồi mới tổ chức đám tang thay vì để ở ngoài cho đến khi chôn mới cho vào. Không để người chết trong nhà quá 48 tiếng cũng đã trở thành quy định (trước đây có những trường hợp để từ 5 đến 7 ngày) và khá nhiều thôn, bản đã quy hoạch được nghĩa địa chung. Việc cưới cũng quy định rõ trong quy ước, hương ước là không được lấy lễ vật của nhà trai quá 10 triệu đồng. Người dân đã thực hiện rất tốt quy định này và nếu phát hiện được nhà nào thách cưới cao sẽ thông báo cho chính quyền cơ sở xử lý theo quy định khi đã ký cam kết thực hiện theo quy ước, hương ước.
An ninh, trật tự ổn định và tình trạng trộm cắp vặt cũng cơ bản được đẩy lùi. Tình làng nghĩa xóm đầm ấm hơn khi mọi người cùng chia sẻ tình cảm trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Đặc biệt, với việc vận động các hộ nhiều đất canh tác san sẻ cho hộ thiếu đất ở Trạm Tấu năm 2012, toàn huyện đã có gần 300 hộ cho đất và khoảng 350 hộ được nhận đất với diện tích đất san sẻ gần 160ha. Lãnh đạo các huyện có đồng bào Mông sinh sống đều nhận định: Những thành công trên do nhiều yếu tố tác động nhưng sự đóng góp của ngọn cờ “xây dựng TBVH” là vô cùng quan trọng. Bởi vì, ý thức người dân cộng với những quy định trong quy ước, hương ước thôn bản tạo nên chất keo liên kết suy nghĩ, hành động của cả cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công rất quan trọng này thì cũng những trở ngại cần phải nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở. Chẳng hạn, theo tiêu chí mới thì TBVH phải có tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung toàn tỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2013 là 25,38% và các huyện đông đồng bào Mông như Trạm Tấu con số này tới 66,07%, Mù Cang Chải là 66,35%. Đồng thời, tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình văn hóa quyết định quan trọng đến việc công nhận danh hiệu TBVH nhưng hộ nghèo thì không được công nhận gia đình văn hóa.
Điều đáng băn khoăn là nhiều trường hợp nghèo do mới kết hôn tách hộ nhưng những hộ này lại chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước rất tốt và họ là những công dân gương mẫu trong cộng đồng, có quyết tâm cao vươn lên xóa nghèo. Tiêu chí về môi trường cũng gặp khó khăn do giao thông trong thôn phần đa đường đất, thời tiết mưa nhiều nên dễ lầy lội. Người Mông thường ở bên các sườn núi nên mặt bằng làm nhà chật hẹp, chuồng trại chăn nuôi vì thế cũng khó làm xa nhà.
Ngoài ra, vùng này còn gặp phải cả những khó khăn trong các tiêu chí “điện, đường, trường, trạm”. Sự ngặt nghèo về tiêu chí khiến cho có xã như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình ở Mù Cang Chải trước đây 100% số thôn đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí cũ nhưng áp dụng theo tiêu chí mới thì tất cả không đạt. Điều này cũng làm cho người dân có phần nản lòng dẫn đến khi đăng ký xây dựng TBVH theo tiêu chí mới thì mỗi xã chỉ có 2 thôn.
Cũng vì những trở ngại trên mà số thôn bản đạt TBVH thành ra...tụt! Chẳng hạn, Mù Cang Chải có 162 thôn, bản nhưng theo tiêu chí mới chỉ có 10 tổ dân phố, 21 thôn, bản đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 1 thôn của người Thái. Huyện Trạm Tấu hiện có 34/69 thôn, bản, tổ dân phố ra mắt xây dựng thôn bản, tổ dân phố văn hóa nhưng mới chỉ có 18/69 thôn bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 5/5 tổ dân phố của thị trấn và 5/5 thôn người Thái của xã Hát Lừu. Huyện Văn Chấn có 31 thôn, bản có người Mông nhưng cũng chỉ có 4 thôn đạt chuẩn văn hóa…
Mong rằng, những vấn đề còn nhiều trăn trở khi xây dựng TBVH ở vùng đồng bào Mông tiếp tục có được những nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và có sự bồi đắp để phát huy tối đa sức mạnh của phong trào xây dựng TBVH, từ “ngọn cờ” thành “rừng cờ”, sớm trở thành động lực hàng đầu thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở vùng cao.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Thị trấn Nông trường Trần Phú trước kia được nhiều người biết đến bởi vùng chè lớn nhất huyện Văn Chấn. Nay, cái thị trấn nhỏ bé ấy còn được mệnh danh là thủ phủ của các loại cây ăn quả có múi của tỉnh Yên Bái. Đến thị trấn Nông trường Trần Phú, đi trên những con đường bê tông uốn lượn quanh những đồi cam trĩu quả, ngắm những ngôi biệt thự tiền tỷ, ai cũng cảm giác ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất này…
YBĐT - Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng đã được thị xã Nghĩa Lộ xác định là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là hướng tới xây dựng thị xã du lịch văn hóa vào năm 2020. Thế nhưng, thực tế thì đâu sẽ là hướng đi cho sự phát triển bền vững của du lịch cộng đồng?
YBĐT - Gần 6 năm triển khai thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” (gọi tắt Đề án 71), hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
YBĐT - Mai An Tiêm bắn chết chú voi rừng đang múa hát; Thạch Sanh đánh trăn tinh bằng các âm thanh “á”, “phập”, “bốp”; Lang Liêu mơ thấy mình “Vào bếp với người nổi tiếng”. Có thể tin hay không, đó chính là nội dung những câu chuyện cổ tích Việt Nam đang đến với trẻ thơ được bày bán trên giá sách?