Ngôi nhà hy vọng của trẻ em khuyết tật
- Cập nhật: Thứ hai, 6/10/2014 | 3:22:25 PM
YBĐT - Yên Bái có 1.822 trẻ bị khuyết tật, tàn tật, tuy nhiên đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giáo dục chuyên biệt dành riêng cho trẻ khuyết tật từ 6 tuổi trở xuống. Vì vậy, sự ra đời của Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hương Giang (thành phố Yên Bái) đã giúp cho trẻ em khuyết tật có điều kiện học tập, giúp các em vươn lên, hòa nhập cộng đồng.
Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hương Giang thường xuyên vận động từ thiện nhân đạo giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
|
Như bao người mẹ khác, chị Lương Thị Thu Hà ở tổ 66, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) luôn khao khát được nghe cô con gái Lưu Hương Giang, vốn bị điếc bẩm sinh, gọi hai tiếng "Mẹ ơi!" ngọt ngào. Đưa bé Giang đi chạy chữa khắp nơi từ Tuyên Quang rồi đến Hà Nội, mỗi lần như thế, gặp rất nhiều trẻ em tàn tật của Yên Bái có chung hoàn cảnh như mình, đã trở thành lý do để chị thành lập Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hương Giang (thành phố Yên Bái).
Chị Lương Thị Thu Hà tâm sự: “Ngay khi phát hiện con mình bị bệnh, vợ chồng tôi đã cho cháu đi chữa trị ở nhiều nơi. Tại những nơi này, tôi gặp nhiều cô giáo ở Yên Bái chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ rất tốt. Từ đó, tôi suy nghĩ tại sao Yên Bái lại không có những trung tâm như vậy để trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi được chăm sóc kịp thời, không phải đi xa, đỡ tốn kém? Và tôi quyết định thành lập Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hương Giang”.
Từ khi có Nhà cứu trợ trẻ tàn tật Hương Giang của chị Hà, tại số nhà 23 và 29, tổ 66, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), ngày lại ngày, chị Nguyễn Thị Liên chở cậu con trai Nguyễn Anh Minh từ nhà ở thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc xuống để theo học. Bé Minh là một trong 23 trẻ khiếm thính, tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ đang được chăm sóc và giáo dục thường xuyên tại đây.
Gia đình hoàn cảnh, con lại bị điếc bẩm sinh nhưng không có tiền để chạy chữa nên chị Liên vô cùng vui mừng khi con được theo học gần. Niềm vui nhân đôi khi, con trai chị, không chỉ được miễn giảm học phí, tiền ăn mà còn tự tin hơn và nói được những từ đơn giản. Chị Nguyễn Thị Liên cho biết: “Từ khi tới học ở đây, cháu nhà tôi có rất nhiều tiến bộ. Các cô giáo thường xuyên quan tâm giúp đỡ cháu và gia đình”.
Những ánh mắt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên của các bé khuyết tật đang theo học can thiệp ngôn ngữ, thay đổi hành vi ở Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hương Giang đã chứng minh ước vọng của chị Lương Thị Thu Hà khi sáng lập Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật là hoàn toàn đúng đắn. Ngôi nhà chung đó không chỉ giúp cho trẻ em khuyết tật được học nghe, nói, phát triển ngôn ngữ và nhận thức, tư duy theo đúng lứa tuổi mà đối với các cháu ở xa, không có điều kiện theo học thì các thầy cô giáo ở Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật sẽ tiếp xúc, đánh giá tình trạng bệnh ở trẻ và lên chương trình can thiệp, hướng dẫn cho phụ huynh giáo dục trẻ khuyết tật tại gia đình.
Ngoài ra, Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hương Giang cũng làm cầu nối với các nhà hảo tâm giúp cho trẻ khuyết tật được cấp xe lăn, hỗ trợ máy trợ thính, cấy điện cực ốc tai… Chính những điều đó đã giúp cho không ít gia đình và trẻ khiếm thính có thêm hy vọng tiếp cận với âm thanh cuộc sống trong tương lai.
Anh Phan Thành Vinh, tổ 10, thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) cho biết: “Sau một thời gian con tôi theo học ở đây, cháu có rất nhiều tiến bộ. Bây giờ cháu có thể đánh vần những từ ghép, giao tiếp tốt hơn. Tôi rất tin tưởng vào khả năng phục hồi của cháu”.
Chị Lương Thị Thu Hà hướng dẫn các bậc phụ huynh chăm sóc trẻ khiếm thính.
Để chăm sóc, hướng dẫn trẻ khuyết tật đạt hiệu quả cao, cán bộ, giáo viên của Nhà cứu trợ trẻ tàn tật Hương Giang luôn rèn luyện tính kiên nhẫn. Với 5 giáo viên và 1 kỹ thuật viên mát - xa được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt, các cô giáo cũng tiếp cận nhiều phương pháp giảng dạy để truyền đạt kiến thức, kỹ năng sống cho các em. Chứng kiến các cô giáo kiên nhẫn dạy từng từ, từng chữ cho các em khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, dị tật bẩm sinh mới thấy được tinh thần trách nhiệm, lòng yêu thương dành cho những em bé kém may mắn.
Cô giáo Đặng Thị Bình - giáo viên tâm sự: “Chăm sóc, giáo dục trẻ bình thường đã có vất vả, giáo dục những trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, tự kỷ và thiểu năng trí tuệ còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Vì vậy, ngoài kiến thức chuyên môn, chúng tôi đều cảm thông, yêu thương, chia sẻ với trẻ và gia đình các em.”
Tấm lòng của một người mẹ luôn mơ ước đưa con mình ra khỏi thế giới không có âm thanh cũng như giúp các trẻ em khuyết tật có một môi trường giáo dục chuyên biệt đã và đang mang lại niềm vui, niềm hy vọng cho bao gia đình có trẻ khuyết tật khác. Về tương lai phát triển của cơ sở chị Hà cho biết: “Chúng tôi mong muốn Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hương Giang ngày càng thu hút, hỗ trợ được nhiều hơn nữa trẻ em mắc các bệnh, dị tật bẩm sinh, giúp các em tự lập, hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, cơ sở hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do quy mô các lớp học còn nhỏ hẹp, trang thiết bị còn thiếu thốn, chi phí hỗ trợ cho các bé phục hồi chức năng thường rất tốn kém và cần một thời gian lâu dài, chúng tôi mong muốn được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn nói chung, trong đó, có những trẻ em ở Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật chúng tôi”.
Niềm mong mỏi của một người mẹ, sự đồng cảm với các phụ huynh cùng cảnh ngộ của chị Lương Thị Thu Hà đã giúp các bé khuyết tật có cơ hội hòa nhập cộng đồng ngay tại tỉnh địa phương, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Mong sao ngày càng có thêm nhiều những ngôi nhà như thế dành cho những đứa trẻ phải chịu nhiều thiệt thòi của số phận.
Bích Liên - Thanh Nghị
Các tin khác
YBĐT - Có người cho rằng, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn, dân trí thấp, giao lưu với bên ngoài hạn chế thì việc xây dựng thôn, bản văn hóa (TBVH) ở vùng người Mông sẽ rất khó thành công. Nhưng thực tế thì ngược lại. Các xã mạnh ở Mù Cang Chải như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình hay xã Trạm Tấu, Xà Hồ, Bản Công ở huyện Trạm Tấu đều là những địa phương đi đầu trong xây dựng TBVH. Thành công này là do những nội dung xây dựng thôn TBVH cũng chính là nguyện vọng của nhân dân.
YBĐT - Thị trấn Nông trường Trần Phú trước kia được nhiều người biết đến bởi vùng chè lớn nhất huyện Văn Chấn. Nay, cái thị trấn nhỏ bé ấy còn được mệnh danh là thủ phủ của các loại cây ăn quả có múi của tỉnh Yên Bái. Đến thị trấn Nông trường Trần Phú, đi trên những con đường bê tông uốn lượn quanh những đồi cam trĩu quả, ngắm những ngôi biệt thự tiền tỷ, ai cũng cảm giác ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất này…
YBĐT - Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng đã được thị xã Nghĩa Lộ xác định là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là hướng tới xây dựng thị xã du lịch văn hóa vào năm 2020. Thế nhưng, thực tế thì đâu sẽ là hướng đi cho sự phát triển bền vững của du lịch cộng đồng?
YBĐT - Gần 6 năm triển khai thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” (gọi tắt Đề án 71), hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.