Trưởng thành từ nơi dân
- Cập nhật: Thứ năm, 16/10/2014 | 9:22:50 AM
YBĐT - Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng và luân chuyển, điều động cán bộ, nhất là cán bộ trẻ một cách hợp lý, sát thực tế mà đội ngũ cán bộ cơ sở ở huyện vùng cao Mù Cang Chải ngày càng trưởng thành hơn, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương và được nhân dân tin yêu.
Đồng chí Trương Đăng Hùng - Chủ tịch UBND xã Khao Mang (thứ 2, trái sang) cùng các thành viên Ban chỉ huy PCLB huyện Mù Cang Chải kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại địa phương.
|
Hiệu quả từ công tác luân chuyển cán bộ
Đến xã Khao Mang vào những ngày đang có cơn bão số 3, không khí làm việc của cán bộ, công chức ở đây diễn ra hết sức khẩn trương và nghiêm túc. Chủ tịch UBND xã Trương Đăng Hùng chủ trì cuộc họp nhanh với các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) xã để phân công các thành viên đi cơ sở kiểm tra công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3. Sự phân công công việc rất cụ thể, ai phụ trách thôn nào, chòm nào thì khẩn trương đến đó để hướng dẫn bà con cách ứng phó. Chủ tịch trực chỉ huy tại trụ sở, nắm bắt kịp thời tình hình tại từng khu vực để chỉ đạo, huy động lực lượng ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra và báo cáo với Ban chỉ huy PCLB huyện.
Đồng chí cũng là người thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông báo trên hệ thống loa truyền thanh xã cho người dân biết chủ động phòng tránh. Trên cơ sở đó, xã bố trí lực lượng tuần tra ở những khu vực có dòng chảy xiết, cấm không cho người dân vớt củi, đánh bắt cá trên suối khi có mưa lũ; trực tiếp kiểm tra hệ thống an toàn tại công trình thủy điện đang thi công; yêu cầu đơn vị thi công triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn trong những ngày mưa bão. Dù trên địa bàn xã có mưa vừa đến mưa to, dòng suối chảy xiết nhưng không có thiệt hại về người và tài sản.
Ngay sau bão, Chủ tịch UBND xã Trương Đăng Hùng lại ra đồng, xuống ruộng, vận động bà con khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa mùa, chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ xuân sớm năm 2015. Đồng chí Hùng nguyên là Phó chánh Văn phòng UBND huyện Mù Cang Chải được tăng cường làm Chủ tịch UBND xã Khao Mang từ 1/3/2014. Lúc ấy, mọi công việc đều rất mới mẻ, anh dành thời gian để đi đến các thôn, bản trong xã để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cũng là để trau dồi thêm cho mình những kiến thức về lĩnh vực được giao phụ trách. Với phương châm “làm đâu, chắc đấy”, chỉ đạo quyết liệt, lấy hiệu quả công việc đặt lên hàng đầu nên sau một thời gian, anh đã trưởng thành hơn rất nhiều, góp phần quan trọng tạo những chuyển biến về kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Khao Mang.
Chủ tịch Hùng chia sẻ: “Không giống như trên huyện chỉ tập trung vào làm nhiệm vụ chuyên môn mà cán bộ về xã, nhất là làm Chủ tịch UBND xã thì phải làm tất thảy mọi công việc. Những việc gì liên quan đến lợi ích của nhân dân thì phải tập trung giải quyết ngay, từ tranh chấp đất đai, giải quyết chế độ, chính sách đến giải quyết chuyện xích mích giữa hai nhà hàng xóm”.
Đồng chí Lý A Sở - Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Khao Mang khẳng định: “Từ khi đồng chí Hùng tăng cường về làm Chủ tịch UBND xã, công việc ở địa phương đều được chỉ đạo giải quyết kịp thời. Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; tinh thần đoàn kết nội bộ tốt hơn, nhân dân phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương”.
Trong những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống của người dân ngày càng được nâng cao; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở ngày càng trưởng thành hơn, là đầu tầu gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Có được những kết quả đó một phần do Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 11 (khóa IX) của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đội ngũ cán bộ được luân chuyển đã phát huy năng lực, giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc tại cơ sở, qua đó đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà huyện đề ra.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mù Cang Chải - đồng chí Phạm Văn Quynh khẳng định: “Mù Cang Chải đã làm mạnh và quyết liệt trong công tác này. Trong 5 năm qua, đã có 12 cán bộ trẻ được tăng cường về xã và từ xã này luân chuyển sang xã kia. Các cán bộ được luân chuyển đều được quan tâm, tạo mọi điều kiện để phấn đấu khi còn ở cơ sở và sau khi hoàn thành tốt nhiệm được giao, được đánh giá cao về năng lực chuyên môn sẽ được luân chuyển về huyện, bổ nhiệm giữ các chức vụ cao tại các phòng, ban chuyên môn. Việc luân chuyển vẫn giữ được tính ổn định và xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên sâu”.
Đưa cho chúng tôi xem bản danh sách các cán bộ đã được tăng cường đi cơ sở trong 5 năm qua, đồng chí rất phấn khởi. Anh bảo, các cán bộ đi tăng cường đều là các cán bộ trẻ, có triển vọng, sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn. Như trường hợp đồng chí Lê Ngọc Minh là Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy được tăng cường giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Khao Mang, sau khi tăng cường được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện; đồng chí Tạ Anh Tuấn - Phó phòng Nội vụ huyện được tăng cường làm Phó chủ tịch UBND xã Nậm Có, sau là Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có, rồi được rút về huyện bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra huyện; đồng chí Nguyễn Cảnh Minh - chuyên viên Ban Quản lý Dự án và Đầu tư huyện được tăng cường làm Phó bí thư Đảng ủy xã Cao Phạ, sau được bổ nhiệm làm Phó ban Quản lý Dự án và Đầu tư huyện...
Việc luân chuyển giữa các xã với nhau cũng phát huy hiệu quả tích cực, xóa được tính cục bộ địa phương. Như trường hợp đồng chí Giàng A Sầu - Phó chủ tịch UBND xã Dế Xu Phình được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã Kim Nọi; đồng chí Chang Thế Sửu - Kế toán xã Dế Xu Phình được tăng cường làm Phó chủ tịch UBND xã, sau đó được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt. Không những vậy, trong quá trình thực hiện việc điều động, luân chuyển, Huyện ủy Mù Cang Chải cũng đã kiên quyết xử lý đối với các trường hợp khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm trước khi được đi tăng cường để bảo đảm tính thống nhất cao.
Trưởng thành từ nơi dân
5 năm với 12 cán bộ trẻ được tăng cường về xã và từ xã này luân chuyển sang xã kia là minh chứng rõ ràng nhất, khẳng định tính hiệu quả của việc luân chuyển cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 11 (khóa IX) của Bộ Chính trị tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, giúp cán bộ trẻ trưởng thành, trở thành hạt nhân trong các phong trào thi đua của huyện.
Tháng 3/2010, đồng chí Trịnh Thế Bình khi ấy là chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện được tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã Khao Mang; tháng 6/2010 được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Khao Mang. Với anh, đây là môi trường để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, giải quyết, điều hành công việc. Ngoài việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn của xã, anh còn thường xuyên bám sát cơ sở, xuống từng thôn, bản, cụm dân cư, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kịp thời những thắc mắc của nhân dân. Từ đó, mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động luôn được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Sau hơn 3 năm đi tăng cường tại cơ sở đã giúp anh Bình trưởng thành hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm để phục vụ công tác sau này. Anh chia sẻ: “Cán bộ tăng cường xuống cơ sở thì cần phải gần dân, sát dân, quan tâm chỉ đạo mọi công việc liên quan đến lợi ích của nhân dân; bỏ qua lợi ích cá nhân để chăm lo cho quyền lợi tập thể”. Bình quan niệm, mang lại niềm vui cho nhân dân cũng là mang lại niềm vui cho chính bản thân mình. Tháng 5/2013, anh Bình được điều động về làm Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, tháng 9/2014 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng. Từ khi nhận công tác mới, những kiến thức tiếp thu từ thực tế cơ sở giúp anh rất nhiều trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ đến với người dân, hiểu được tình hình thực tế để vận dụng các chính sách một cách phù hợp.
Việc được luân chuyển từ huyện về công tác tại xã đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp các cán bộ, đảng viên trẻ nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh và khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong thực tiễn công tác. Tạ Anh Tuấn là cán bộ trẻ đi tăng cường vừa được rút về huyện để bổ nhiệm chức danh Chánh Thanh tra huyện.
Đồng chí Tuấn nguyên là Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện được tăng cường làm Phó chủ tịch UBND xã Nậm Có, sau được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã. Những ngày ở Nậm Có, anh Tuấn nhớ nhất là được “3 cùng” với bà con ở bản Tu San và Thào Xa Chải tham gia phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc vào tháng 4/2014: 23 con bò, 9 con dê, 11 con trâu và 21 con lợn có biểu hiện mắc bệnh lở mồm long móng đã được chữa trị kịp thời, không để lây lan ra các thôn, bản lân cận, không gây thiệt hại về kinh tế của nhân dân.
Bên cạnh đó, anh Tuấn cùng đội ngũ cán bộ xã tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực tham gia sản xuất lúa hai vụ, trồng và chăm sóc bảo vệ rừng, nhất là phát triển diện tích cây sơn tra. Trong 3 năm qua, nhân dân trong xã đã trồng mới được trên 600ha, đưa diện tích cây sơn tra lên trên 1.000ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Đồng chí Phạm Văn Quynh - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: “Với vai trò là Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Tạ Anh Tuấn đã góp công sức rất lớn vào việc xây dựng mối đoàn kết trong đội ngũ cán bộ xã, xóa bỏ tư tưởng cục bộ địa phương; hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng được nâng cao, vai trò của cán bộ tăng cường ngày càng được khẳng định. Vì vậy, khi Ban Tổ chức Huyện ủy lấy phiếu tín nhiệm phân công nhiệm vụ mới, đồng chí đã nhận được số phiếu tín nhiệm cao. Huyện tiếp tục tăng cường cán bộ trẻ có trình độ, năng lực về làm Bí thư Đảng ủy xã và đồng chí Khang A Chua - Bí thư Huyện đoàn đã được lựa chọn vào vị trí Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có”.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 (khóa IX) của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ, Huyện ủy Mù Cang Chải đã lựa chọn một số cán bộ ở xã, thị trấn và các phòng, ban chuyên môn có năng lực, triển vọng để tăng cường, điều động xuống xã hoặc lên huyện nhằm trang bị kiến thức thực tiễn, toàn diện trước khi bổ nhiệm chức danh quy hoạch. Quy trình thực hiện luân chuyển cán bộ luôn kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng và tổ chức, coi trọng công tác tư tưởng khi có yêu cầu luân chuyển. Cán bộ luân chuyển được trao đổi, thông suốt về chủ trương, thống nhất về tư tưởng để tự giác chấp hành, thực hiện quyết định điều động, luân chuyển của tổ chức. Đây là một việc làm tốt cần được phát huy để tạo nguồn cán bộ thực sự có năng lực và được trưởng thành từ thử thách nơi dân.
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái có 1.822 trẻ bị khuyết tật, tàn tật, tuy nhiên đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giáo dục chuyên biệt dành riêng cho trẻ khuyết tật từ 6 tuổi trở xuống. Vì vậy, sự ra đời của Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hương Giang (thành phố Yên Bái) đã giúp cho trẻ em khuyết tật có điều kiện học tập, giúp các em vươn lên, hòa nhập cộng đồng.
YBĐT - Có người cho rằng, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn, dân trí thấp, giao lưu với bên ngoài hạn chế thì việc xây dựng thôn, bản văn hóa (TBVH) ở vùng người Mông sẽ rất khó thành công. Nhưng thực tế thì ngược lại. Các xã mạnh ở Mù Cang Chải như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình hay xã Trạm Tấu, Xà Hồ, Bản Công ở huyện Trạm Tấu đều là những địa phương đi đầu trong xây dựng TBVH. Thành công này là do những nội dung xây dựng thôn TBVH cũng chính là nguyện vọng của nhân dân.
YBĐT - Thị trấn Nông trường Trần Phú trước kia được nhiều người biết đến bởi vùng chè lớn nhất huyện Văn Chấn. Nay, cái thị trấn nhỏ bé ấy còn được mệnh danh là thủ phủ của các loại cây ăn quả có múi của tỉnh Yên Bái. Đến thị trấn Nông trường Trần Phú, đi trên những con đường bê tông uốn lượn quanh những đồi cam trĩu quả, ngắm những ngôi biệt thự tiền tỷ, ai cũng cảm giác ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất này…
YBĐT - Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng đã được thị xã Nghĩa Lộ xác định là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là hướng tới xây dựng thị xã du lịch văn hóa vào năm 2020. Thế nhưng, thực tế thì đâu sẽ là hướng đi cho sự phát triển bền vững của du lịch cộng đồng?