Báo động ly hôn trong giới trẻ

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/10/2014 | 2:54:21 PM

YBĐT - Những năm gần đây, có thực trạng đáng buồn là tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong các gia đình trẻ. Con số thống kê của Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh năm 2013 cho thấy, bình quân toàn tỉnh cứ gần 5 cặp vợ chồng đã đăng ký kết hôn thì có một cặp chia tay “đường ai nấy đi” và chiếm tới 37,6% số vụ ở độ tuổi từ 18 đến 30.

Tiếp nhận giải quyết án ly hôn cho một đôi vợ chồng trẻ tại Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái.
Tiếp nhận giải quyết án ly hôn cho một đôi vợ chồng trẻ tại Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái.

Một Ngàn lẻ một nguyên nhân

Cũng giống như bao cặp vợ chồng khác, anh Hoàng Văn D. sinh năm 1981 và chị Hà Thị Q. sinh năm 1985 ở xã Đồng Khê (Văn Chấn) tự nguyện đến với nhau. Song, do chưa tìm hiểu kỹ về nhau lúc trước nên cưới nhau chưa được bao lâu vợ chồng đã xảy ra bất đồng, cãi vã. Thấy không thể hòa hợp được, hai người đã đưa nhau ra tòa “đường ai nấy đi” khi đứa con trai lớn chưa đầy 9 tuổi. Có quyền nuôi và chăm sóc con nhưng vì kinh tế khó khăn, chị Q. đành phải gửi con cho bố mẹ đẻ để đi làm ăn xa. Ở với ông bà ngoại, có lẽ do còn quá nhỏ nên cháu chưa thể hiểu và cảm nhận hết nỗi buồn khi gia đình chia ly, thiếu đi tình thương yêu của bố mẹ.

Trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị G. và anh Hoàng Văn C. ở thị trấn Yên Thế (Lục Yên) lại là một nỗi éo le khác. Cả hai anh chị đều làm công chức nhà nước, kết hôn năm 2009, có với nhau một con trai kháu khỉnh. Song, 4 năm gần đây, anh C. bỗng đổi tính, quan hệ tình cảm với người khác, hay uống rượu và về nhà thường xuyên gây sự, lăng mạ vợ con. Chị G. đã nhiều lần can ngăn, khuyên nhủ nhưng anh C. không thay đổi mà còn gây sự, xúc phạm vợ nhiều hơn. Uất ức không chịu nổi, chị G. kiên quyết đứng đơn xin ly hôn. Đó là ở các huyện vùng cao, còn ở ngay thành phố Yên Bái thì ly hôn trong gia đình trẻ đang thực sự là vấn đề đáng báo động.

Gia đình chị Nguyễn Thị M. và anh  Lê Văn H. ở phường Đồng Tâm  (thành phố Yên Bái) là một ví dụ. Kết hôn năm 2000, sau những năm đầu chung sống hạnh phúc, những năm gần đây, anh H. không chịu làm ăn, kinh tế gia đình sa sút, anh lại nghi ngờ chị M. ngoại tình, từ đó hai vợ chồng hay xảy ra xô xát. Anh H. thường xuyên đánh đập vợ con và chính mình trở thành kẻ ngoại tình. Chị M. khuyên bảo nhiều, gia đình hai bên đã can thiệp giải quyết nhưng anh H. vẫn không thay đổi. Mâu thuẫn gia đình kéo dài không thể hàn gắn, chị M. làm đơn ly hôn và xin được nuôi đứa con 10 tuổi.

Thực tế cho thấy, khi quyết định ly hôn, các cặp vợ chồng trẻ đưa ra rất nhiều lý do như: vợ chồng không hợp nhau, bất đồng về quan điểm sống, thay lòng đổi dạ, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bệnh tật, không có con, mâu thuẫn do kinh tế… và ly hôn là con đường giải thoát duy nhất để họ tìm đến cuộc sống mới của mỗi người. Song, thực chất ly hôn có phải là sự giải thoát? Những vấn đề xảy ra hậu ly hôn đâu phải tất cả các cặp vợ chồng đều lường hết được...

Cán bộ Hội phụ nữ xã Quang Minh (Văn Yên) tư vấn xây dựng hạnh phúc cho hội viên.

Những con số biết nói

Theo báo cáo của Sở Tư pháp, năm 2013, trên địa bàn toàn tỉnh có 7.036 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn thì con số thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh cũng cho thấy, năm 2013 tòa án nhân dân các địa phương thụ lý 1.299  vụ việc về hôn nhân và gia đình. Như vậy, tỷ lệ trung bình của toàn tỉnh là cứ gần 5 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn thì có 1 cặp chia tay “đường ai nấy đi”. Trong đó, ly hôn do mâu thuẫn gia đình 765 vụ; do bị đánh đập, ngược đãi 42 vụ; do nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc 105 vụ.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ sau khi cưới nhau cả hai đều không có việc làm ổn định dẫn đến đời sống kinh tế gia đình bấp bênh, không có tiền nuôi con nên mâu thuẫn thường xuyên xảy ra. Được biết, trong tổng số án hôn nhân gia đình đã giải quyết, độ tuổi ly hôn của các cặp vợ chồng từ 18-30 tuổi là 469 vụ, chiếm 37,6%; số vụ có con chưa thành niên chiếm 50,9%.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, năm 2013, toàn tỉnh thụ lý 1.299  vụ việc ly hôn, tăng 61 vụ việc so với năm trước. Thành phố Yên Bái, huyện Văn Chấn là hai địa phương có số vụ tăng nhiều nhất. Năm 2014, tính đến nay, toàn tỉnh thụ lý 1.377 vụ, đã giải quyết 1.342 vụ việc. Thành phố Yên Bái, huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình là các địa phương có vụ ly hôn cao nhất. Trong đó, ly hôn ở độ tuổi dưới 30 chiếm khoảng 1/3 trong tổng số vụ việc…

Tìm hiểu về thực trạng án ly hôn tại các địa phương cho thấy, hệ thống tòa án các cấp đang phải giải quyết các  loại án về hôn nhân gia đình ngày một tăng cao và tình trạng ly hôn trong giới trẻ đang ở mức báo động. Ông  Phạm Hồng Quân -  Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh khẳng định: “Tình trạng ly hôn trong các gia đình trẻ đang ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu là do chơi cờ bạc, nghiện ma túy, rượu chè, đánh đập vợ con, bất đồng quan điểm sống hoặc ngoại tình dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc. Một nguyên nhân nữa là do giới trẻ thường yêu nhanh, cưới vội nên họ vẫn chưa tìm hiểu kỹ về nhau cũng như thiếu hiểu biết và kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Khi xảy ra mâu thuẫn, họ không biết cách xử lý, giải quyết dẫn đến bạo lực gia đình và hôn nhân đổ vỡ là điều khó tránh khỏi”.

Hôn nhân tan vỡ không chỉ ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Khi “tế bào của xã hội không “khỏe” thì xã hội bị ảnh hưởng nhiều mặt. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu đi tình thương yêu và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một tăng.

Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái – bà Đỗ Thị Thanh cho rằng: “Nhận thức về gia đình và giá trị cuộc sống gia đình của nhiều cặp vợ chồng trẻ còn kém, chưa ý thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình nên coi chuyện ly hôn là bình thường, không nghĩ đến hậu quả xấu cho con cái phải gánh chịu. Mặc dù đều được vận động và được trực tiếp hòa giải, song tỷ lệ hòa giải thành công chỉ đạt 8%. Có một thực trạng nữa là tỷ lệ phụ nữ làm đơn ra tòa chiếm nhiều hơn nam giới”.

Trang bị kỹ năng tiền hôn nhân cho giới trẻ hiện nay là rất cần thiết.

Đi tìm giải pháp

Thực tế cho thấy, nhiều cặp vợ chồng do kết hôn vội vàng, thậm chí có rất nhiều bạn trẻ hiện nay đã chung sống như vợ chồng trước hôn nhân và nhiều gia đình đã phải "cưới gấp" khi cô gái mang thai. Chính vì thế, lớp trẻ thiếu cơ bản kỹ năng sống, kỹ năng làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Việc bắt buộc phải làm quen với cuộc sống mới, phải đảm đương, lo toan cho gia đình, cho con cái... trở thành gánh nặng quá sức với những bạn trẻ chưa được chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý. Những bỡ ngỡ trước cuộc sống gia đình sẽ vượt qua khi cả hai vợ chồng cùng biết chung tay, chăm chút gia đình, biết điều chỉnh để vun đắp cho tổ ấm khi đứa con đầu lòng ra đời. Ngược lại nó sẽ bị đảo lộn khi cả hai không thể tìm được tiếng nói chung và thiếu những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.

Nhìn từ góc độ xã hội, cần có sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho mọi người dân nhất là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình Luật Hôn nhân - gia đình. Mặt khác, tổ chức hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở  cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế các tệ nạn xã hội phát sinh trong giới trẻ bằng những phong trào, những cuộc vận động học tập, lao động phát triển kinh tế gia đình. Mỗi người cần nêu cao trách nhiệm của mình trong gia đình, tiết chế bớt cái “tôi” cá nhân, rèn luyện kỹ năng sống biết chia sẻ, nhường nhịn, tự điều chỉnh để vợ chồng hòa hợp.

Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng, nhất là vợ chồng trẻ rất cần sự cảm thông, chia sẻ của người thân trong gia đình, các tổ chức đoàn thể, hòa giải viên từ cơ sở kịp thời tâm sự, góp ý, phân tích phải trái khi hai người có mâu thuẫn, không đẩy mâu thuẫn đến mức phải lao đơn ra tòa. Đã đến lúc vấn đề ly hôn trong xã hội nói chung, ly hôn trong giới trẻ nói riêng cần được nhìn nhận nghiêm túc từ mỗi người để mỗi gia đình thực sự là một tế bào khỏe mạnh của xã hội.             

Hệ lụy ly hôn là hàng trăm trẻ vị thành niên thiếu đi bàn tay chăm sóc của cha hoặc mẹ khiến các em phát triển không toàn diện. Dù cố gắng bù đắp thì sự chia tay của bố mẹ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tinh thần và sự phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, cha mẹ hãy nghĩ đến điều đó khi quyết định bất cứ một điều gì liên quan đến cuộc sống gia đình.

Quỳnh Nga

Các tin khác
Ngôi nhà của Đồng Thị Chiến không còn nguyên vẹn mỗi khi lũ đi qua.

YBĐT - Mỗi mùa mưa lũ đến, 47 hộ dân sống dọc suối Thia, suối Hoong Sum tại các thôn: Bản Tèn, Ta Tiu, Năm Hăn 1,2,3 (xã Phù Nham, huyện Văn Chấn) lại thêm một lần đối mặt với nguy cơ lũ ống, lũ quét. Mặc dù sống trong vùng nguy hiểm đã lâu, nguy hiểm luôn rình rập nhưng đến nay các hộ dân vẫn chưa được di dời đến nơi ở an toàn.

Biểu diễn khèn Mông là một trong những

YBĐT - Việc đưa VHDG trở thành sản phẩm của du lịch nên tập trung đi thẳng vào các nhu cầu căn bản của du khách như: ăn, ngủ, thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng.

Du khách nơi đô thị thích mặc trang phục và trải nghiệm cuộc sống cùng đồng bào bản địa. (Ảnh: Một du khách trong trang phục của đồng bào Thái).

YBĐT - Yên Bái là tỉnh Tây Bắc có đông các dân tộc nhất cùng chung sống, trong đó có 13 dân tộc số dân từ 5 nghìn người trở lên. Điều đó đồng nghĩa, đây là tỉnh đa dạng về văn hóa tộc người. Đặc thù này là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Trên đường đua. (Ảnh: Ngọc Đồng)

YBĐT - Hình ảnh đẹp, nên thơ và đậm nét văn hóa nhất ở vùng cao là những người phụ nữ váy áo xòe hoa bám sau đuôi ngựa chở trên lưng những ông chồng đã chếnh choáng hơi men của chợ phiên, chợ huyện mỗi mùa nếp mới. Đặc biệt, trong dịp tết, lễ hội, ấn tượng là hình ảnh các chàng trai kiêu hãnh phi ngựa như những chiến binh dũng mãnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục