Bài 2: Vượt khó "về đích"
- Cập nhật: Thứ năm, 11/12/2014 | 9:46:41 AM
YBĐT - Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Yên Bái, năm 2015, sẽ phấn đấu có từ 3 - 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trên cơ sở thực tế thực hiện các tiêu chí tại các địa phương, tỉnh sẽ ưu tiên chỉ đạo 11 xã có khả năng đạt chuẩn NTM vào năm sau. >> Bài 1: Khởi sắc nông thôn mới
Lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc bưởi nhằm nâng cao trình độ thâm canh cho người dân tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình.
|
Các xã được xác định có khả năng đạt chuẩn năm 2015 gồm: Báo Đáp (huyện Trấn Yên) hiện tại đã hoàn thành 16/19 tiêu chí, Mông Sơn (huyện Yên Bình) 13/19 tiêu chí, Liễu Đô (huyện Lục Yên) 12/19 tiêu chí, Đại Phác (huyện Văn Yên) 11/19 tiêu chí, Yên Hưng (huyện Văn Yên) 12/19 tiêu chí, Phù Nham (huyện Văn Chấn) 16/19 tiêu chí, Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) 14/19 tiêu chí, Tân Đồng (huyện Trấn Yên) 15/19 tiêu chí, Việt Thành (huyện Trấn Yên), hoàn thành 16/19 tiêu chí, Âu Lâu (thành phố Yên Bái) hoàn thành 14/19 tiêu chí và Minh Bảo (thành phố Yên Bái) hoàn thành 16/19 tiêu chí. Với phương châm "cẩn trọng, đi chậm, đi chắc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân", các địa phương đã lồng ghép các chương trình mục tiêu, kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ, nhân rộng mô hình tại các xã điểm ra các xã khác trong tỉnh. Các địa phương được lựa chọn đều thể hiện quyết tâm cao, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để sớm được công nhận xã NTM.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì các tiêu chí chưa hoàn thành ở một số địa phương đều là những tiêu chí khó như: thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường… Chẳng hạn, tiêu chí số 17 về môi trường, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều chưa thực hiện được. Ông Đinh Ngọc Lũy - Chủ tịch UBND xã Mông Sơn, huyện Yên Bình cho biết: "Để thực hiện được tiêu chí này, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo vệ sinh môi trường do đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Đồng thời, chúng tôi cũng thành lập tổ thu gom rác thải, tổ tự quản làm công tác vệ sinh môi trường; xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, bố trí phương tiện vận chuyển; tổ chức cho 100% các hộ dân ký cam kết không đổ rác ra đường, không để nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý xuống cống, rãnh, gây ô nhiễm môi trường".
Tuy có sự chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn Mông Sơn vẫn chưa bảo đảm do tỉnh lộ Cảm Ân - Mông Sơn đoạn qua địa bàn xã đã xuống cấp, số lượng phương tiện lưu thông nhiều, kéo theo một lượng bụi rất lớn, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, đến nay, xã vẫn chưa xây dựng được khu vực xử lý rác tập trung và quan trọng hơn, ý thức bảo vệ môi trường của người dân vẫn còn thấp.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.
Ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Hiện nay, chỉ có rất ít xã có bãi rác thải tập trung theo tiêu chí NTM, còn hầu hết chưa được xử lý, chôn lấp theo đúng quy trình kỹ thuật, chỉ chất đống và đốt theo phương thức thủ công, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tình trạng xả rác thải, nước thải sinh hoạt ra sông suối, kênh mương hay vứt xác súc vật chết, chai lọ ra ven đường, trong vườn, bờ ruộng rất phổ biến. Thêm nữa, việc quy hoạch các nghĩa trang tập trung cũng đang gặp khó khăn do thiếu quỹ đất và do phong tục, tập quán lâu đời của người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng công trình vệ sinh môi trường, công trình cấp nước sạch tập trung, nghĩa trang nhân dân, nhà tiêu hợp vệ sinh, di chuyển chuồng nuôi nhốt gia súc ra xa nhà ở… Có như vậy, vấn đề môi trường mới căn bản được giải quyết".
Với một địa phương miền núi như Yên Bái, nếu không có sự điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp, việc thực hiện sẽ hết sức khó khăn, đặc biệt các tiêu chí như: cơ sở vật chất văn hoá, chợ nông thôn, đường giao thông, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Ngay tại Tân Đồng, xã điểm của tỉnh, 4 tiêu chí chưa hoàn thành đều là những tiêu chí khó. Để giúp địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên Đinh Đăng Luận được Ban Thường vụ Huyện ủy giao trực tiếp giúp đỡ xã.
Từ thực tế cho thấy, xã cần điều chỉnh lại quy hoạch về xây dựng sân vận động, nhà văn hoá, trường học, nghĩa trang nhân dân cho phù hợp với thực tế địa phương; giao cho các tổ chức đoàn thể, các hộ có kinh tế khá tham gia giúp đỡ các thôn nghèo, hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế; tập trung xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, chú trọng vào các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, xã cũng đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ thực hiện các tiêu chí về trường học, làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá… Việc xây dựng NTM ở vùng thấp đã khó khăn, vùng cao lại càng khó khăn hơn.
Người dân xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái tích cực tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn.
Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Giàng A Thào cho biết: "Nằm trong 62 huyện nghèo của cả nước, những tiêu chí như giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%, đường trục xã, liên xã nhựa hoá hoặc bê tông hoá 100%, đường trục thôn cứng hoá 50% hay nhà văn hoá và khu thể thao xã có diện tích 1.500m2… phải mất từ 15 - 20 năm nữa các xã chưa chắc đã thực hiện được. Nguyên nhân xuất phát từ điều kiện kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, địa hình đồi núi phức tạp, thiếu mặt bằng để xây dựng các công trình, các thôn, bản ở cách xa nhau, đường đến các thôn, bản chủ yếu là đường đất. Việc thực hiện các tiêu chí này đòi hỏi sự đầu tư, hỗ trợ rất lớn của Nhà nước".
Theo kế hoạch, trong tháng 12/2014, Tuy Lộc sẽ là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận là xã NTM và trong quý II/2015 là 2 xã Báo Đáp (Trấn Yên), Mông Sơn (Yên Bình); trong quý IV/2015 là Việt Thành, Tân Đồng (Trấn Yên), Đại Phác (Văn Yên), Minh Bảo (thành phố Yên Bái) và Phù Nham (Văn Chấn).
Để thực hiện tốt mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường đề nghị: "Ban Chỉ đạo XDNTM của tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhân dân, đồng thời, phát động phong trào thi đua XDNTM trên địa bàn toàn tỉnh để thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Tỉnh sẽ tập trung xây dựng mô hình điểm ở một số xã để nhân rộng như: Tuy Lộc thực hiện tốt việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phân công rõ trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, Báo Đáp có thế mạnh về công tác tuyên truyền, Đại Phác gắn sản xuất với thị trường… Bên cạnh đó, các địa phương cần duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt được, tiếp tục triển khai thực hiện các tiêu chí còn lại với phương châm "dễ trước, khó sau", ưu tiên vào công tác chỉ đạo sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân".
Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, bộ mặt nông thôn Yên Bái đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước cũng đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất lớn của chính quyền các cấp, phát huy vai trò chủ thể của người dân để hướng tới cái đích quan trọng nhất của NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Sau 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao; người nông dân có thêm niềm tin, tích cực lao động, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển quê hương giàu đẹp, dân chủ, văn minh.
YBĐT - Trong tiến trình 52 năm phát triển, Báo Yên Bái đã khẳng định được vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái, diễn đàn của nhân dân. Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ tuyên truyền, để phù hợp với xu hướng bùng nổ thông tin, sự phát triển của công nghệ và nhu cầu thông tin của công chúng, Báo Yên Bái điện tử đã ra mắt bạn đọc và trở thành một kênh thông tin quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
YBĐT - Bản Làng Mảnh thuộc xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu nằm chênh vênh trên ngọn núi Pu Kha hùng vĩ. Theo tiếng Tày, Pu Kha có nghĩa là "Núi Gianh" nhưng 100% dân cư ở đây lại là đồng bào Mông. Phải mất gần 2 giờ đồng hồ để đi xe máy từ trung tâm huyện qua thị xã Nghĩa Lộ, qua trung tâm xã Đồng Khê (Văn Chấn) rồi rẽ vào thôn Văn Tứ 1 của Đồng Khê. Từ đây lại phải mất thêm 4 giờ đồng hồ đi bộ, vượt qua những con dốc thẳng đứng mới đến được Làng Mảnh. Trên đỉnh trời này, chuyện dạy và học chữ của thầy và trò còn nhiều điều khó nói thành lời…
YBĐT - Đã bao lần đến với các thôn đồng bào Dao ở Tân Hương (Yên Bình), từng nghe những điều ước của đồng bào các thôn Khe Mạ, Khe Móc, Khe May, Khe Gáo, Đồi Hồi về một dòng điện lưới quốc gia, một con đường bê tông hóa để thuận bề cuộc sống sinh hoạt, trao đổi hàng hóa…