Bài 1 : Chuyện kể trên cầu thang 9 bậc
- Cập nhật: Thứ ba, 23/12/2014 | 8:54:34 AM
YBĐT - Cách đây mấy năm, trên đỉnh Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải có những người lính của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh về để giúp dân xóa đói, giảm nghèo và bước qua hủ tục, lạc hậu. Tuy thời gian công tác không lâu nhưng đã làm cho cuộc sống của đồng bào Mông dần dần thay đổi. Đây là dấu ấn khác lạ đầu tiên nơi thâm cùng gian khó. Giờ đây, bộ đội đã chuyển đi nơi khác nhưng đằng sau dấu chân các anh, vẫn còn những câu chuyện khắc sâu trong lòng dân bản….
Những “người lính Cụ Hồ” hướng dẫn bà con chăm sóc gia súc.
|
Đúng vào thời khắc đất trời hoan ca, đồng bào Mông ở Tà Ghênh thường cử già làng Lù Pằng Sử mượn tiếng khèn để cất lên bản hòa tấu chào đón và ghi ơn những người lính trong đội công tác của Bộ CHQS tỉnh đã đặt chân tới bản giúp dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tiếng khèn có lúc ngân xa, vang rộng, có lúc trầm tư, sâu lắng nhưng những giọt mồ hôi của người lính thì theo ngọn gió bay xa, cao mãi…
Một ngày cách đây chưa lâu, nhận lệnh trên giao, Trung tá Hà Long Giang dẫn đầu đội công tác lên giúp đồng bào Mông ở bản Tà Ghênh, xóa đói, giảm nghèo. Người đầu tiên ở mảnh đất này bộ đội muốn gặp là già làng Lù Pằng Sử. Nhưng khi họ hỏi thăm đường đến nhà thì gặp đôi vợ chồng trẻ nói giọng còn ngọng lắm:
- Nó đi cúng con ma rừng xong thì vào rừng làm nương luôn.
- Nương xa không, khi nào về? - bộ đội hỏi.
- Ầy dà ! Không biết đâu ớ, chắc tối về. Có khi vài ngày đấy…
Ngày ấy, mảnh đất hoang biệt này đang bị dịch lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc và còn nhiều hủ tục lạc hậu, sinh hoạt... Trước những hiện tượng đó, mang trong mình phẩm chất cao quý của "bộ đội Cụ Hồ" và không thể để những lạc hậu tiếp diễn, bộ đội Giang cùng đồng đội đã hạ quyết tâm phải bằng mọi cách đưa đồng bào thoát ra khỏi nơi tăm tối. Các anh tìm gặp Trưởng bản Hàng A Di bởi anh là một trong số rất ít người biết nói, nghe tiếng phổ thông.
"Muốn giúp dân phải gần dân, trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm và phải nói được tiếng của đồng bào" - câu ấy đã trở thành triết lý không thể thiếu như rêu phải có đá mới xanh tốt. Để làm được điều đó không phải dễ vì đã bao đời nay đồng bào Mông ở đây chưa hiểu, chưa biết gì về bộ đội… Lần đầu tiên đặt chân lên bản các anh mới thấu hiểu chính hủ tục đã làm cho đồng bào lạc hậu. Đây là nguyên nhân khiến bao đời nay, người Mông ở Tà Ghênh chìm trong đói nghèo, khổ cực.
Sau này, khi bà con nhìn cây lúa, cây ngô tung cờ trên núi, bệnh tật ở gia súc, gia cầm cũng không còn vì chuồng trại đã khang trang, sạch sẽ, hủ tục lạc hậu thì tự nó bỏ bản mà đi, nếu có còn cũng chỉ là người ta giữ lại một vài câu chuyện để kể lại cho con, cháu nghe sau này… Những hình ảnh ấy đồng bào Mông ở Tà Ghênh hay Thào Chua Chải, thậm chí tận Làng Giàng thấy lạ lắm vì chưa bao giờ nó diễn ra ở đây.
Bộ đội Sùng A Hù ở bản Hú Trù Lềnh, xã Lao Chải, bộ đội Giàng A Nủ là ở bản Mả Páng, xã Khao Mang. Tất cả đều là người Mông ở huyện Mù Cang Chải. Bộ đội Giang không phải người Mông nhưng nói tiếng Mông như người Mông nói tiếng của họ nên khi đến Tà Gênh, các anh được bà con tin ngay. Họ rất mừng vì từ đây, bộ đội đã làm cho cái bụng của dân bản bắt đầu thấy vui. Vì vậy, khi nghe bộ đội Hù và Nủ mời đến nhà trưởng bản để nghe, học cách thoát nghèo, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bà con đi luôn. Người già, trẻ em, ở gần hay xa cũng đốt một bó đuốc lần theo mép núi, sáng rực. Bà con đi là vì để muốn biết xem tại sao dân trồng cây thì cây không ra quả, nuôi gia súc, gia cầm cứ tự lăn ra chết, con người triền miên đau ốm, cúng Giàng thật tốt, bệnh cũng không khỏi, tại sao chỉ có đồng bào Mông người ta mới nói đến từ "hủ tục, lạc hậu"?
Trong ngôi nhà nho nhỏ đầy khói bếp đang lấp lánh ánh sao trên vai áo, những ánh mắt đăm chiêu, những cái suy nghĩ thật sâu và cả những cái gật đầu tâm đắc ẩn chứa đầy niềm tin của bà con lần đầu tiên hiện hữu. Trưởng bản Di không thể ngờ rằng, lại có những người lính đầy tâm huyết, sẵn sàng trèo đèo, lội suối đem bó đuốc lên vùng cao để thổi bùng lên ngọn lửa nơi bao năm chỉ le lói trong bóng đêm đen kịt. Không quản nắng mưa, rét mướt, các anh đã lăn xả vào công việc. Chuyện làm một cái chuồng trâu hay chuồng bò không khó nhưng do tập túc, tập quán, do không ai bảo nên bà con không làm. Trước đây, người ta thả gia súc, gia cầm vào rừng, đến mùa nương rẫy, mới bảo nhau đi tìm. Con gần thì tìm được, con đi xa thì mất tích, nơi nào trồng lúa chúng phá sạch, vậy là, cả một mùa nương bị bỏ hoang, cái đói cứ thế từ mùa này lan sang mùa khác.
Giữa một chiều nhàn nhạt, buồn tênh, năm ấy, tôi thấy bà con mời thầy về làm lễ cúng để "cứu" cho một con trâu bị dịch LMLM nhưng cúng mãi chỉ thấy cái mắt nó nhắm nghiền như đang nghĩ tới "đứa con" vừa đẻ hôm trước. Cũng lúc ấy, vài hộ trên cao gọi nhau ý ới đi khiêng một con trâu to bị ngã núi 3 ngày trước, thân cứng lại vì lạnh. Mỗi khi, con vật lăn ra chết bà con đau xót lắm nhưng không biết phải làm cách gì? Giờ được nghe bộ đội hướng dẫn cách làm chuồng cho chúng ở, ai cũng háo hức. Háo hức là vì rồi đây nó cũng có "nhà" để ở như người, cây lúa, cây ngô có dòng nước để "uống" thì làm sao mà chết được nữa?
- Hôm nay, một cái chuồng trâu mọc lên, ngày mai hai cái, ba cái rồi sẽ đến ngày cả bản này nhà nào cũng có chuồng trâu, chuồng bò. Hôm nay, làm một mảnh ruộng bậc thang, ngày mai, hết đất để làm ruộng thì nơi nào lúa ngô cũng xanh mướt. Nhưng phải làm, phải làm thì mới có cái đó đấy...
Già trẻ, gái trai trong bộ Tà Pủ dựa cột nhà, mắt không chớp:
- Bộ đội nói thì dân làm ngay, vì chưa thấy bộ đội nói sai cái gì bao giờ!
Câu này mới là của ông Trang A Củ - bộ đội Giang đã dịch từ tiếng Mông sang tiếng phổ thông cho mọi người cùng nghe như thế. Gia đình Trang A Củ là người đầu tiên đón bộ đội vào ở. Nhà tựa vào núi, phía cổng có căn nhà sàn gỗ nhỏ dành cho những người đi nương đến đầu dốc thì ngồi nghỉ. Phải làm nhà sàn vì thế đất chênh vênh quá, không thể san thành bãi đất phẳng dù nó chỉ nhỏ như chiếc nong phơi lúa. Nhưng khi bộ đội đến, anh nhường lại ngay. Vậy là, trên cái cầu thang 9 bậc của căn lều ấy, bộ đội đứng lên để nói lời đúng cho bà con nghe.
Còn nhớ có lần, thằng cháu nội của Trang A Củ bị con ngựa giẫm vào chân, anh đặt quả trứng lên đầu chiếc đũa cúng mãi ở trước căn lều nhưng quả trứng rơi xuống, rơi xuống nghĩa là không khỏi. Thằng bé càng sốt cao, bỏ ăn, khóc cả ngày, lẫn đêm. Bộ đội bế nó qua cầu thang, vào trong, rửa vết thương, lau khô, rắc thuốc, ngày hôm sau nó cười vang cả con dốc. Vì thế, Trang A Củ muốn giữ nó lại, giữ lại là vì tuy không còn bộ đội ở bản mình nhưng mỗi lần bà con đi nương qua nhìn thấy căn lều gỗ thì tự nhớ đến việc làm tốt đẹp của bộ đội. Nghĩ đến điều đẹp thì cũng sẽ biết làm điều sáng!
Châu Linh
(Bài 2: Hai lạ trên một đất)
Các tin khác
YBĐT - Người nông dân nuôi dê, đấy là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nông dân người Mông nuôi dê, có thể gọi là hơi chút lạ nhưng cũng là chuyện thường thôi. Thế nhưng mấy chục hộ nông dân người Mông mang dê “góp” lại cùng nuôi theo mô hình tập trung kiểu “hợp tác xã” thì có lẽ là hiếm, mới và rất mới ở Mù Cang Chải...
YBĐT - Men theo con đường làng thẳng tắp, chúng tôi tìm đến căn nhà của mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Hao, thôn Kiên Lao, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên trong những ngày cả nước đang hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, với tấm lòng thành kính, tri ân những chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
YBĐT - Có lẽ chưa bao giờ bản Dào Xa lại đông vui đến thế! Cả bản vui mừng khi được chọn làm điểm của cả xã Lao Chải và huyện Mù Cang Chải để tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2014).
YBĐT - Bác Lương Viết Ích, người lính của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 70 năm về trước có tên cũ là Lương Quay Sắm, người Tày Cao Bằng. Năm 1936, khi mới hai mươi ba tuổi, sức trai tráng “khỏe như hổ”, suốt ngày ở lưng nương nhưng nương rẫy tốt ngùn ngụt vẫn chẳng được ăn cân thóc nào, bọn Tây đến cướp hết, mấy vụ liền như thế, tức thằng Tây, thằng địa chủ mà chịu bó tay.