Nhớ người lính thuở Phay Khắt, Nà Ngần

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/12/2014 | 9:16:03 AM

YBĐT - Bác Lương Viết Ích, người lính của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 70 năm về trước có tên cũ là Lương Quay Sắm, người Tày Cao Bằng. Năm 1936, khi mới hai mươi ba tuổi, sức trai tráng “khỏe như hổ”, suốt ngày ở lưng nương nhưng nương rẫy tốt ngùn ngụt vẫn chẳng được ăn cân thóc nào, bọn Tây đến cướp hết, mấy vụ liền như thế, tức thằng Tây, thằng địa chủ mà chịu bó tay.

Một hôm, có người đến rủ anh Sắm đi canh rẫy, rồi canh giữ làng bản. Anh Sắm tham gia du kích làng từ hôm đó. Bốn năm sau, năm 1940, anh được vào Đội du kích võ trang cứu quốc châu Hà Quảng. Năm 1941, Bác Hồ về nước ở Pác Bó, anh được chỉ định phụ trách Tổ bảo vệ mật khu Pác Bó.

Những ngày đầu tiên vinh dự sống gần Bác Hồ, anh Sắm như gặp được một ngọn lửa cách mạng đang bừng cháy tỏa hơi ấm, chiếu sáng mọi lối đi, anh hăm hở giúp việc cho Già Thu (bí danh của Bác Hồ ở Pác Bó). Một hôm, Già Thu nói với anh thân như tình ruột thịt: “Từ nay, chú còn có tên là Ích, chú sẽ làm mọi việc có ích cho đất nước, cho đồng bào mình”. Anh Sắm như lần đầu được Người làm giấy khai sinh, anh trân trọng giữ gìn cái tên cũng như giữ gìn niềm tin trong sáng, thủy chung với cách mạng, với Bác Hồ.

Năm 1944, bác Ích được Trung ương và Bác Hồ tuyển chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Bác nhớ như in, hôm đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp giao cho bác cầm lá cờ, nhưng vì bác đang phải chịu tang bố nên từ chối, lá cờ được giao cho Nông Văn Pánh (tức đồng chí Vũ Lập). Trong tấm ảnh lịch sử 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, bác Ích là người mặc quần trắng (quần tang) đeo bao gạo, đi chân đất, đứng gần lá cờ Tổ quốc. Trong Đội còn có anh Nông Văn Xíu - anh ruột anh Kim Đồng (còn có tên là Đức Thanh - người trước đó phụ trách Đội Nhi đồng cứu vong do Kim Đồng làm đội trưởng).

Thành lập được một ngày, tối hôm sau, Đội đánh trận đầu tiên tiêu diệt đồn Phay Khắt, tối hôm sau nữa diệt đồn Nà Ngần. Tháng 7/1945, đánh trận Chợ Rã, rủi cho bác Ích, trận này bác bị thương nặng vào bụng, vào chân, phải về tuyến sau điều trị. Ổn định vết mổ, bác lại xin được tiếp tục ra trận. Thấy sức khỏe bác còn yếu không thể theo Trung đoàn về giải phóng Thủ đô, đồng chí Võ Nguyên Giáp giao cho bác chỉ huy một đơn vị chủ lực hỗ trợ Huyện bộ Việt Minh cướp chính quyền ở tỉnh lỵ Bắc Cạn ngay trong ngày đầu Tổng khởi nghĩa.

Cách mạng tháng Tám thành công, cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ. Ở cơ quan Bộ Tổng tham mưu, bác Ích được đồng chí Hoàng Văn Thái cử làm Trưởng ban tiếp vận chiến dịch. Nhiệm vụ hết sức nặng nề, bác vừa làm vừa học thêm văn hoá, lớp ba rồi lớp bốn cho đến hết cấp hai. Vì công việc kháng chiến quá bận rộn, để rút ngắn thời gian, những ngày đầu, cả lớp học theo kiểu "nhảy cóc".

Biết tin đó, Bác Hồ nhắc đồng chí Hoàng Văn Thái: “Đừng học như thế, vất vả thêm cho chiến sĩ, nhất là anh em thương binh, bệnh binh”. Bác Ích lo học, nhưng mối lo lớn hơn là phải góp phần bảo đảm vận tải cho các trận đánh lớn: chiến dịch Biên Giới, chiến dịch Hoà Bình, chiến dịch Tây Bắc rồi chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó.

Miền Bắc giải phóng nhưng ở Hà Giang, Lào Cai, nạn giặc phỉ lại nổi lên khiến đồng bào các dân tộc đã cực khổ càng cực khổ hơn. Một lần nữa, bác Ích lại được cầm một cánh quân đi tiễu phỉ. Tiểu đoàn số 1 do bác làm Tiểu đoàn trưởng gồm những chiến sĩ quả cảm vào tận sào huyệt diệt phỉ. Bác Ích, người chỉ huy được các chiến sĩ gọi là anh Cả. Anh Cả Ích dẫn tiểu đoàn áo xanh bám sát gót chân đen của bọn phản động, quây chúng lại, vừa đánh vừa gọi hàng. Đám phỉ ở Mường Bó, Mường Hum, Sa Pa rồi ở Quang Kim, Bến Đền... kéo nhau ra hàng. Có đứa cố tìm đến gặp bác Ích, bác nhẹ nhàng mà cứng rắn: “Từ nay bỏ nghề cướp bóc đi, về với vợ con làm ăn lương thiện”. Nhưng khi bọn cầm đầu ngoan cố chống lại, bác ra lệnh: “Phải vào tận hang mà giết hổ!”.

Toán giặc phỉ cuối cùng vác súng ra hàng vào cuối năm 1959, cả vùng rừng núi Lào Cai, Bát Xát, Sa Pa trở nên yên tĩnh, hẳn đất này còn nhớ đến tên tuổi người lính vệ quốc đoàn Lương Văn Ích. Hoàn thành nhiệm vụ tiễu phỉ, bác Ích được Tỉnh ủy Lào Cai giao cho công việc quan trọng, làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Ý chí cách mạng, tính ngay thẳng và lòng trung thực đã giúp bác xếp đặt công bằng cán cân công lý.

Khi được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chế độ, bác Ích về sống tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái với một cuộc sống giản dị như tính cách và con người bác. Nhưng ngôi nhà nhỏ của người chiến sỹ thuở Phay Khắt, Nà Ngần không bao giờ thiếu vắng tiếng nói, tiếng cười của các cháu thiếu nhi, bà con lối xóm và những người bạn đã cùng bác “vào sinh, ra tử”. Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam những người đầu tiên tham gia đội quân của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân làm nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trong đó có bác Ích hầu như đã đi xa, bác đã về với cõi vĩnh hằng nhưng phẩm chất của người cộng sản kiên trung, người lính can trường và người cán bộ gương mẫu vẫn luôn sống mãi.

Hà Lâm Kỳ

Các tin khác
Lực lượng chức năng liên ngành kiểm tra hàng hóa vi phạm thu giữ.

YBĐT - Những năm gần đây, tình hình tội phạm về kinh tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái có những diễn biến khá phức tạp: số vụ việc vi phạm phải xử lý pháp luật ngày càng tăng, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Cơ sở chế tác đá của vợ chồng chị Trần Thị T giải quyết việc làm cho 3, 4 lao động.

YBĐT - Bức tranh Hin Trạng hôm nay không còn là những mảng đối lập sáng - tối của cuộc kiếm tìm đá đỏ, lo toan của ngày “bão” AIDS... mà đã tươi sáng hơn với màu xanh của lúa, sự sôi động của những xưởng đá, xưởng gỗ... làm nên sắc màu nông thôn mới.

Mẹ Bùi Thị Mận bên bàn thờ hai liệt sỹ Hoàng Văn Hải và Hoàng Minh Sang.

YBĐT - Tiễn con lên đường nhập ngũ để rồi khóc thầm lặng lẽ suốt cuộc đời, bởi những người con của các mẹ đã không bao giờ trở về. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, hy sinh vì sự bình yên cho Tổ quốc. Việc mất đi giọt máu mang nặng, đẻ đau đã xé nát ruột, gan, bóp nghẹt trái tim của những người phụ nữ, những người mẹ.

Lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc bưởi nhằm nâng cao trình độ thâm canh cho người dân tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình.

YBĐT - Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Yên Bái, năm 2015, sẽ phấn đấu có từ 3 - 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trên cơ sở thực tế thực hiện các tiêu chí tại các địa phương, tỉnh sẽ ưu tiên chỉ đạo 11 xã có khả năng đạt chuẩn NTM vào năm sau. >> Bài 1: Khởi sắc nông thôn mới

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục