Chè Shan tuyết Phình Hồ: Cần lắm một thương hiệu!
- Cập nhật: Thứ bảy, 27/12/2014 | 8:53:42 AM
YBĐT - Xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hiện có 150ha chè Shan tuyết cổ thụ với hơn 300.000 cây chè cổ thụ, nhiều cây đã hàng trăm năm tuổi. Chất lượng chè Shan ở đây được đánh giá không kém chè Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
Chè Shan tuyết Phình Hồ lá và búp to, tôm có nhiều lông tơ trắng như tuyết và phát triển hoàn toàn tự nhiên. (Ảnh: Thanh Phúc)
|
Tuyệt phẩm đất núi
Cách trung tâm huyện Văn Chấn 15km, cách quốc lộ 37 trên 10km, xã Phình Hồ có diện tích tự nhiên hơn 3.000ha với 4 thôn bản, dân số hơn 1.200 người, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 99% và tỷ lệ hộ nghèo lên tới 82%. Ở độ cao trung bình khoảng 1.000m so với mực nước biển, khí hậu của Phình Hồ rất trong lành, bốn mùa mây phủ, mát mẻ quanh năm, là điều kiện lý tưởng để giống chè Shan tuyết sinh trưởng, phát triển...
Tục truyền rằng, thời xa xưa, tổ tiên của đồng bào Mông đến khai phá vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người bị thương, bị bệnh mà không có thuốc chữa, người Mông đã dùng lá cây chè rừng đắp lên vết thương và pha nước uống. Thật kỳ diệu, người bệnh không chỉ nhanh lành vết thương mà người ốm cũng nhanh khỏi bệnh, người bình thường uống vào thì thấy khỏe mạnh, thư thái lạ kỳ, tối lại dễ ngủ chứ không giống như các loại chè khác. Từ đó, cộng đồng người Mông đã nhân rộng giống chè quý này, tạo thành rừng chè cổ thụ hàng vạn cây như ngày nay. Đây là giống chè quý, ngoài giá trị rừng phòng hộ đầu nguồn, búp chè còn được chế biến thành loại đồ uống thơm ngon tinh khiết hiếm có...
Để xóa đói giảm nghèo, những năm qua, nhân dân trong xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Song, do khí hậu thời tiết khắc nghiệt nên nhiều giống cây, con đưa lên vùng đất này đều thất bại, chỉ có cây pơ mu và cây chè Shan tuyết bản địa là phát triển được. Hiện nay, những cây chè cổ thụ tập trung chủ yếu ở các bản Tà Chừ, Phình Hồ, Chí Lư. Do trồng và phát triển tự nhiên nên mật độ cây thưa và năng suất chỉ đạt 7-8 tạ chè búp tươi/ha. Đặc điểm của chè San tuyết Phình Hồ là lá và búp to, tôm có nhiều lông tơ trắng như tuyết và hoàn toàn phát triển tự nhiên.
Đặc biệt, bà con nơi đây không dùng bất cứ thuốc bảo vệ thực vật nào để phun nên chè hoàn toàn sạch và chất lượng cao hơn, dù được sản xuất theo phương pháp thủ công hay công nghệ hiện đại cũng không làm mất đi chất lượng vốn có của nó. Chè rất được nước, có mầu xanh vàng tự nhiên, hương thơm đặc biệt; uống vào có vị đượm, chát nhẹ, sau đó có vị ngọt nơi cổ họng. Đây là những đặc trưng rất dễ nhận ra của các loại chè được trồng trên vùng đất cao quanh năm mây phủ. Hiện nay, bình quân 1kg chè sao bằng phương pháp thủ công sẽ bán được từ 130 - 200 nghìn đồng.
Gia đình chị Giàng Thị Xúa ở thôn Tà Chừ có 1,5ha chè cổ thụ, mỗi năm cho thu hái được 4 vụ, mỗi vụ hơn 1 tấn chè búp tươi, mang lại cho thu nhập gia đình từ 2 - 3 triệu đồng. Chị Xúa cho biết: "Bà con ở đây khó khăn lắm, chỉ biết làm lúa, làm ngô, chè. Ngô, lúa thì để ăn, còn chè thì bán lấy tiền để mua đồ dùng và sách vở cho con cái đi học. Vì làm chè theo phương pháp thủ công nên cũng vất vả mà chẳng được bao nhiêu".
Đặc sản bị bỏ quên?!
Với diện tích chè của xã, một năm cho thu hái được 120 tấn búp tươi, giá bán hiện tại là 13.000 đồng/kg, mỗi năm thu về khoảng 1,6 tỷ đồng cho đồng bào nghèo nơi đây. Nhưng do vùng này chưa có nhà máy chế biến nên bà con chỉ sao thủ công được khoảng 40 tấn (1/3 sản lượng), còn lại gần 80 tấn phải bán trôi nổi cho người dân nơi khác đến mua. Hiện tại, cả xã Phình Hồ chỉ có duy nhất một cơ sở sao chè thủ công được gọi là "quy mô" nhất của anh Đặng Xuân Tú nhưng với 2 “bom” sao bằng máy, mỗi ngày chạy hết công suất cũng chỉ sao được khoảng 4 tạ chè tươi, còn lại hơn một tấn mà gia đình anh thu mua của bà con phải bán ra ngoài.
Anh Tú cho biết: "Mong muốn trước hết là phải có nhà quản lý, có sự tính toán để chăm sóc chè cho bài bản, khoa học, nhằm cho ra sản phẩm tốt nhất. Nếu được đầu tư một cách bền vững, chăm sóc tốt và thu hái hợp lý thì tôi tin nơi đây sẽ là vùng nguyên liệu quý hiếm, cho ra những sản phẩm tốt, giá thành sẽ tương xứng với chất lượng và đứng vững được trên thị trường".
Cùng là chè Shan tuyết cổ thụ, cùng mọc trên những dãy núi cao của dải Hoàng Liên Sơn và cách nhau chỉ 27km đường bộ nhưng chè Shan tuyết của Suối Giàng lại có vị thế cao hơn hẳn. Giá thu mua 1kg chè tươi trung bình 25 nghìn đồng, cao gấp đôi ở Phình Hồ, 1kg chè khô Suối Giàng có giá thấp nhất là 350 nghìn đồng, cao nhất lên tới 1,5 triệu đồng, trong khi giá chè ở Phình Hồ chỉ dao động từ 120 - 200 nghìn đồng.
Ông Sùng A Đơ - Bí thư Đảng ủy xã Phình Hồ lý giải: "Sở dĩ có sự chênh lệch như thế là do huyện Văn Chấn đã xây dựng thành công được thương hiệu cho cây chè. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã nghiên cứu và đầu tư, quy hoạch để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu một cách bài bản, sản phẩm đầu ra có mẫu mã bắt mắt, chất lượng nên giá thành cao, người dân cũng được hưởng lợi nhiều hơn từ việc bán nguyên liệu cho các đơn vị này''.
Còn ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu khẳng định: "Chè Shan tuyết Phình Hồ không hề phải tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại thuốc kích thích mà phát triển hoàn toàn tự nhiên. Vì thế, sản phẩm đầu ra đảm bảo sạch 100%. Với tiềm năng về đất đai, khí hậu, hoàn toàn có thể mở rộng diện tích trồng chè Shan ở Phình Hồ lên hơn 300 ha, đây một lợi thế mà khó nơi nào có được".
Tiềm năng của cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Phình Hồ đã rõ, song thực tế, việc bảo tồn và phát triển bền vững, đẩy tiềm năng này thành thế mạnh nhằm giúp nhân dân ở xã vùng cao khó khăn này vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Đó là việc quy hoạch, đầu tư bảo tồn và phát triển vùng chè chưa có, khâu chế biến còn quá nghèo nàn, lạc hậu, sản phẩm của bà con làm ra không có nơi tiêu thụ hoặc bán giá rẻ, không tương xứng với giá trị...
Cần một thương hiệu
Hiện đang tồn tại một thực tế đáng lo ngại, đó là vì lợi ích trước mắt, nhiều thương lái đã mua chè Shan tuyết Phình Hồ về rồi pha trộn với chè kém chất lượng khác để bán ra thị trường dưới cái mác "chè Shan tuyết Phình Hồ", phần nào ảnh hưởng đến thương hiệu của cây chè nơi đây. Được biết hiện nay, huyện Trạm Tấu đang gấp rút xây dựng thương hiệu, tiến tới quảng bá sản phẩm chè Phình Hồ nhưng việc triển khai rất chậm do gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Văn Long, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Trạm Tấu - đơn vị được giao thực hiện Dự án "Xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm chè Shan Phình Hồ" cho biết: "Đây là lần đầu tiên huyện triển khai dự án nên gặp rất nhiều bỡ ngỡ, nhất là các bước về thủ tục. Việc khảo sát thực địa và mời các nhà đầu tư để thực hiện dự án cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nhiều dữ liệu liên quan. Chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư đến để cùng bàn bạc, đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất nhằm chung tay xây dựng thành công thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ Phình Hồ của huyện nhà".
Tiềm năng rất lớn nhưng đến hôm nay, cây chè Shan tuyết Phình Hồ nói riêng và chè Shan tuyết huyện Trạm Tấu nói chung vẫn chưa được khai thác hết thế mạnh. Ông Giàng A Thào - Chủ tịch huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Nhu cầu sử dụng chè xanh và chè xanh hữu cơ trên thị trường là rất lớn, đặc biệt ở các nước phát triển. Vì vậy, nếu tổ chức tốt khâu sản xuất để sản phẩm được chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế thì chè Shan tuyết Phình Hồ sẽ có giá trị rất cao và hứa hẹn trở thành nguồn thu nhập lớn cho địa phương. Trước mắt, huyện sẽ tích cực đề nghị các cấp, ngành của Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm hơn nữa trong việc triển khai các đề tài khoa học nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển vùng chè cổ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trong việc quan tâm chăm sóc, thu hái và sản xuất chè theo đúng quy trình kỹ thuật để chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm"…
Hy vọng, với những lợi thế về đặc điểm tự nhiên, cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan và người dân, chè Shan tuyết ở Phình Hồ sẽ có được vị trí xứng tầm như chất lượng đặc biệt vốn có.
Huyện Trạm Tấu có gần 500 ha chè Shan tuyết tập trung ở các xã Phình Hồ, Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ..., cho năng suất bình quân 17,5 tạ/ha, sản lượng mỗi năm đạt gần 800 tấn. Nếu biết khai thác tốt, tạo cơ chế mở để thu hút đầu tư thì người dân nơi đây chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội thoát nghèo, thậm chí khá giả lên từ chè. |
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Bài toán về công tác phát triển đảng viên nữ nông thôn ở Mù Cang Chải gặp muôn vàn thử thách khi số lượng đảng viên được kết nạp mới chỉ đếm trên đầu ngón tay...
YBĐT - Bộ đội về Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải) không thấy nói nhiều lắm nhưng mồ hôi lúc nào cũng ướt vai áo, mảnh nương nào cũng thấy có dấu chân của bộ đội. Một thời gian sau, ở cái mảnh nương nhiều dấu chân ấy lại mọc lên những mầm cây gì xanh lắm, mập lắm? Người già trên Tà Ghênh nói: "Để tao lấy về cho trâu ăn". Còn ở mảnh nương khác thì có tiếng ụp... xòa... ụp... xòa hết ngày sang đêm. Trẻ con bảo: "Cái này mà tắm thì thích hơn..."
YBĐT - Trở về từ Nậm Mười sau thời gian trải nghiệm cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ với các em học sinh bán trú vùng cao, trong đầu tôi vẫn vang vọng đâu đó âm thanh “keng, keng, keng”. Tiếng kẻng gọi học sinh ăn cơm, tiếng kẻng giục các em đi ngủ. Âm thanh đó hơn 3 năm nay đã đi vào tiềm thức của thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Mười (Văn Chấn).
YBĐT - Cách đây mấy năm, trên đỉnh Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải có những người lính của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh về để giúp dân xóa đói, giảm nghèo và bước qua hủ tục, lạc hậu. Tuy thời gian công tác không lâu nhưng đã làm cho cuộc sống của đồng bào Mông dần dần thay đổi. Đây là dấu ấn khác lạ đầu tiên nơi thâm cùng gian khó. Giờ đây, bộ đội đã chuyển đi nơi khác nhưng đằng sau dấu chân các anh, vẫn còn những câu chuyện khắc sâu trong lòng dân bản….